Sunday, December 21, 2008

Những di dân mới của Trung Quốc ở Đông Dương

Thanh Thủy

Bài đăng ngày 19/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 19/12/2008 18:57 TU

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/108/article_1949.asp


Điểm báo _ RFI

Mặc dù Trung Quốc đứng hàng thứ tư trên thế giới về mặt kinh tế, làn sóng di dân từ nước này sang ba nước Đông Dương vẫn tiếp diễn như vào thế kỷ trước. Nhưng tờ Le Monde nhấn mạnh là lần này họ đến từ các tỉnh nằm ở phía trong như Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Vân Nam và họ được gọi là những tân di dân sang lập nghiệp tại hai nước Lào và Cam Bốt và luôn cả Việt Nam. Đặc biệt là họ được hưởng chính sách mở cửa thương mại và chính sách hỗ trợ khá rộng lượng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng.

Le Monde nói rõ thêm là đường lối của Bắc Kinh không phải là không có ý đồ. Ở biên giới Lào – Trung, tại một khách sạn sang trọng với những sòng bạc ngộp mù khói thuốc lá và với đa số khách hàng là người Hoa, một thanh nniên Trung Quốc, đến từ Vũ Hán và phục vụ tại sòng bạc với một đồng lương không phải là cao, cho biết là anh có ý định định cư tại thủ đô Viên Chăng và dựng lên một cửa hàng bán quần áo, vì tại Trung Quốc có quá nhiều cạnh tranh. Một tân di dân khác, đến từ tỉnh Tứ Xuyên, tuyên bố với hai đặc phái viên của Le Monde tại Lào và Cam Bốt rằng anh sang Lào để tìm kiếm sắt và đồng.

Theo cô Danielle Tân, một sinh viên đang làm luận án tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu quan hệ Quốc tế (CERI) thuộc Viện chính trị học Paris (Sciences Po), thì đặc điểm của đợt di dân mới này là họ đi bằng đường bộ và thường xuyên đi lại giữa Lào và Trung Quốc. Họ thuộc thành phần nghèo nhất, sang đây tìm vận may. Họ thường để lại quê nhà một phần gia đình. Tương lai của họ ở Lào không phải là xán lạn nhưng cũng còn đỡ hơn là ở Trung Quốc.

Vẫn theo cô Danielle Tân, vốn xuất thân từ cộng đồng người Hoa lập nghiệp tại Cam Bốt và sau đó sang Pháp tị nạn, xưa kia những người di dân Trung Quốc chủ yếu đến từ các tỉnh ở vùng bờ biển phía Nam. Những người này không nói tiếng quan thoại và họ tập hợp thành năm hội đoàn : Quảng Đông, Phước Kiến, Tiều Châu, Hải Nam và Hakka . Họ bị cắt đứt liên hệ với mẫu quốc sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc không còn cho phép họ gửi về quê hương thi hài của thân nhân.

Khuyến khích phát triển các nước láng giềng để bảo đảm an ninh biên giới.

Bài phóng sự trên tờ Le Monde cho biết là tại Cam Bốt, 3000 héc-ta ở một vùng được chính quyền bảo vệ gần đây đã được nhượng lại cho một doanh nhân Trung Quốc để khai thác du lịch. Theo một nhà đầu tư ngoại quốc ở Phnom Penh, rõ ràng là thủ tướng Hun Sen kêu gọi và đề cao các dự án đầu tư của Trung Quốc. Còn theo một doanh nhân Trung Quốc, hiện đang đầu tư vào một dự án trồng một loại lúa lai tạo và trồng hoa hồng để xuất khẩu tại một địa điểm gần Viêng Chăn, chính sách của Trung Quốc là bảo đảm sự ổn định ở vùng biên giới. Cho nên Bắc Kinh khuyến khích sự phát triển kinh tế của các nước láng giềng.

Tiếp tục mô hình xã hội chủ nghĩa với những đặc thù của Trung Quốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, lễ kỷ niệm 30 năm cải tổ kinh tế do ông Đặng Tiểu Bình phát động được nhiều báo Pháp đưa tin. Tờ Le Figaro cho biết là trong bài diễn văn, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhắc lại những thành quả, sau ba thập niên cải tổ, của nền kinh tế đứng hàng thứ tư trên thế giới và hiện nay đang đối phó với kết quả tích cực trước cuộc khủng hoảng thế giới. Ngoài ra chủ tịch Trung Quốc cũng nhắc lại sự gắn bó của ông đối với mô hình phát triển kinh tế và chính trị. Đồng thời ông xác định lại những giá trị của « chủ nghĩa xã hội với những đặc thù của Trung Quốc » và ông khẳng định là Bắc Kinh sẽ không bao giờ bắt chước mô hình chính trị của phương Tây. Theo Le Figaro thông điệp hôm qua của ông Hồ Cẩm Đào rất là rõ : luôn luôn cải tổ nhưng không chấp nhận những sáng kiến ngông cuồng, đi trật hướng.

Ba mươi năm cải tổ làm gia tăng cách biệt giàu nghèo

Tờ nhật báo Cộng sản L’Humanité, trong hàng tựa, nói đến ba thập niên đã thay đổi bộ mặt của Trung Quốc và của thế giới. Với một tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 10%, cuộc cải tổ đã giúp cho gần 300 triệu người ở Trung Quốc thoát khỏi tình trạng nghèo khổ với thu nhập không đến một đôla mỗi ngày. Cuộc cải tổ này cũng cho phép hình thành một tầng lớp trung lưu.

Thế nhưng, trong thời gian 30 năm vừa qua, sự chênh lệch về thu nhập chưa bao giờ lại lớn như vậy, dẫn đến những mâu thuẫn trầm trọng. Cộng thêm vào đó là một tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm, tại nạn công nghiệp thường xuyên xảy ra và những vụ tai tiếng về sản phẩm thiếu an toàn.

Theo sử gia Uông Huy, một nhân vật được tờ L’Humanité giới thiệu như là một trong những gương mặt lãnh đạo cánh tả mới ở Trung Quốc, mọi người đều công nhận sự khó khăn của chính quyền trung ương để áp đặt các chính sách với cấp địa phương. Việc đầu tiên phải làm, đối với ông Uông Huy, là mở ra một không gian để dân chúng có thể thực hiện quyền tự do phát biểu và thảo luận. Kế tiếp phải thiết lập một hệ thống cho phép bảo vệ các quyền lợi xã hội và cho phép giới công nhân thành lập hội đoàn. Ông Uông Huy xem đó là chìa khoá để bảo đảm công lý trong xã hội.

Nga: Công nhân được trả lương bằng hải sản

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Nga cũng không thể nào thoát khỏi được. Từ Matxcơva, thông tín viên của tờ Libération đưa tin là trên Internet các nhà du hành không gian cyber kể lại cuộc sống tại nơi làm việc với những người đồng nghiệp vắng mặt vì bị sa thải và không khí làm việc thiếu hào hứng vì không có lương. Tại một thành phố ở vùng Siberi, công ty Khladko buộc phải trả lương cho công nhân bằng hải sản và caviar, món trứng cá đắt tiền và được giới thượng lưu ở phương Tây ưa chuộng. Còn những ai chọn xin nghỉ việc thì được bồi thường 18 kí-lô caviar. Chính quyền Nga tiếp tục ra sức che giấu là nền kinh tế bị khủng hoảng, nhưng cũng báo động là mùa đông này sẽ rất khắc nghiệt.

No comments: