Sunday, June 15, 2008

Cựu TT Võ Văn Kiệt từ trần - Âu Dương Thệ

Cựu TT Võ Văn Kiệt từ trần
· Tại sao tờ Cộng sản điện tử đã bóc đi rất sớm „Thông cáo đặc biệt“?
· Những nhận định nào của Võ Văn Kiệt làm cho những người bảo thủ độc tài mất ăn mất ngủ?
Âu Dương Thệ
Phải đợi mất hai ngày những đối thủ của cựu Thủ tướng (TT) Võ Văn Kiệt ở trong và ngoài BCT mới loan báo chính thức về việc từ trần của ông, chậm hơn rất nhiều các tin của gia đình ông và cả báo chí quốc tế loan tải việc ông từ trần ở bệnh viện tại Singapor sáng 11.6. Đáng chú ý nữa là tờ Cộng sản điện tử, cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng, chỉ đăng tin „Thông cáo đặc biệt“ vào trưa ngày 13.6 trong phần không trang trọng thường có và chỉ sau một vài giờ thì tin này đã biến mất!
Sở dĩ như vậy là vì hơn một thập niên qua bằng nhiều cách khác nhau, từ các bản đề nghị gởi riêng trực tiếp cho Bộ chính trị (BCT), tới các cuộc phỏng vấn trên báo ở trong nước và đặc biệt trên đài BBC, ông Kiệt đã làm cho những người bảo thủ độc tài trong nhóm lãnh đạo chế độ toàn trị nhiều đêm mắt ăn mất ngủ. Bởi vì trong các văn kiện này cựu TT Võ Văn Kiệt đã có can đảm dám đặt lại nhiều vấn đề mà từ trước tới nay được coi là nền tảng tư duy, các định đề không một người lãnh đạo CS nào dám phủ định về tư tưởng Marx-Lenin và cách lãnh đạo, tổ chức của ĐCS. (1)

Ngay khi còn làm TT, Võ Văn Kiệt đã viết một thư dài 22 trang gởi BCT ngày 9.8.1995 để góp ý chuẩn bị cho Đại hội (ĐH) 8 ( 6.1996). Trong đó ông đã phủ nhận nguyên tắc lãnh đạo và tổ chức „tập trung dân chủ“, đặt lại vai trò chủ đạo của các „doanh nghiệp nhà nước“, vui mừng một cách gián tiếp sự sụp đổ của Liên xô, cảnh báo về ý đồ bá quyền của Bắc kinh. Nhân dịp kỉ niệm 32 năm thống nhất đất nước bằng bạo lực, trong cuộc phỏng vấn dài dành cho BBC ông còn đi xa hơn nữa đặt lại toàn bộ vấn đề độc quyền „yêu nước“ của người CS, một việc mà từ trước tới nay đối với các đảng viên CS ngay ở cấp cao nhất vẫn được coi như Tabu, không cần và không được phép bàn cãi! (2) Trong dịp chuẩn bị cho ĐH 10 vừa qua ông Kiệt còn gởi hai thư cho BCT vào tháng 2 và tháng 7.05 kết án gắt gao những sai lầm và các lạm dụng quyền hành độc đoán của những người ở trong và ngoài BCT.

Võ Văn Kiệt phủ nhận sự cầm quyền chính thống của chế độ !

Ông Kiệt một nhân vật từng đứng thứ 3 trong nhóm lãnh đạo, trong cuộc phỏng vấn của BBC nói trên, lần đầu tiên đã công khai trước dư luận quốc tế phủ nhận một định đề căn bản từ trước tới nay vẫn được coi là cơ sở nắm độc quyền thống trị của ĐCS. Đó là chủ nghĩa tự coi chỉ có người CS mới là yêu nước. Ông Kiệt đã phủ nhận rất rõ định đề này:

„Người cộng sản chưa thể nói cái yêu nước của mình cao hơn, hoặc nói người ta không chịu chủ nghĩa xã hội thì không phải người ta giảm lòng yêu nước của người ta.“ (3)

Ông giải thích và dẫn chứng rõ hơn:

„Tôi đặt ra vấn đề và cũng viết trong một số bài. Cái này phải nói rằng, cũng có sự méo mó của phía những người cộng sản. Tức là coi như cộng sản là yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nhưng những người yêu nước khác không phải là cộng sản, không phải là chủ nghĩa xã hội thì gần như coi người ta không yêu nước đủ như mình. Quan điểm đó cũng có một số người như thế. Cái đó hoàn toàn không đúng. Tôi thường nói rằng, con đường yêu nước, yêu dân tộc, đất nước mình bằng nhiều con đường. Hàng trăm con đường chớ không phải chỉ một con đường.

Nếu như ông cha mình là phong kiến, là vua chúa đánh ngoại xâm để bảo vệ đất nước của mình là cái gì? Người ta hoàn toàn có thể không cộng sản, ông cha mình có cộng sản đâu, nhưng yêu nước chứ! „ (4)

Đối với những người dân chủ đa nguyên (DCĐN) thì những điều Võ Văn Kiệt đưa ra hoàn toàn không mới mẻ, vì chúng ta coi đó là một quyền tự nhiên không ai được xâm phạm. Chúng ta đã và đang thực hiện quyền yêu nước và cũng thể hiện tấm lòng yêu nước của chúng ta qua bao nhiều giai đoạn. Không bao giờ chúng ta coi chủ nghĩa Marx-Lenin là khoa học cả.

Nhưng đối với nhiều đảng viên CS bảo thủ độc tài thì quan điểm và thái độ phủ nhận của Võ Văn Kiệt được trình bày công khai lần đầu tiên trước dư luận quốc tế là một cái tát tai rất mạnh vào họ! Vì ông Kiệt không phải là một đảng viên thường, mà đã từng là ủy viên BCT và giữ chức Thủ tướng của chế độ trong nhiều năm!

Các phát biểu công khai trên BBC đã cho thấy Võ Văn Kiệt đã công khai đạp đổ và vứt nhiều „Thánh“ ra khỏi ngôi đền CS.
Những nhận định và lập trường trên đây của ông Kiệt được coi là rất thẳng thẳn, chính xác và vô cùng hệ trọng trong vấn đề đấu tranh tư tưởng giữa những người DCĐN và những người CS bảo thủ độc tài. Từ ít năm nay ngày càng có nhiều đảng viên CS cấp tiến ở nhiều cấp khác nhau cũng đã nhìn nhận một cách công khai và bán công khai các quan điểm và lập trường phản tỉnh như Võ Văn Kiệt.

Bởi vì, khi phát biểu công khai như vậy thì một nhân vật từng đứng thứ ba trong đảng và vẫn còn nhiều uy tín đã không chỉ phủ nhận mà còn tỏ ra chống lại chủ trương của phe chính thống về độc quyền yêu nước. Đây là một vấn đề mấu chốt nhất của toàn bộ các vấn đề đang tranh luận trong chính trị cận đại VN. Vì từ trước tới nay người CS đã tìm cách phủ nhận, đàn áp hay từ chối quyền bình đẳng cho những người khác, những khuynh hướng khác không CS trong việc xây dựng đất nước.

Vì thế, lời phát biểu công khai trên đây của Võ Văn Kiệt dẫn tới hai sự kiện tất yếu: 1. Từ nay các lời tuyên bố độc quyền yêu nước, hay yêu nước là yêu XHCN của người CS bảo thủ độc tài không còn giá trị nữa! 2. Sự yêu nước và quyền đóng góp xây dựng đất nước của các khuynh hướng khác không CS được ông Kiệt cũng như nhiều người CS cấp tiến thừa nhận.

Như thế, đối với những người CS bảo thủ độc tài thì các nhận định và tuyên bố công khai trên của Võ Văn Kiệt đã tạo ra khó khăn rất lớn cho phe bảo thủ: Một khi sự độc quyền yêu nước đã bị ngay chính người CS „gộc“ phủ nhận thì tính chính thống (Legitimität) của chế độ cũng bị mất. Có nghĩa là sự cầm quyền độc đoán hiện nay của họ không còn hợp lý và chính đáng nữa!

Như vậy chế độ hiện nay đã mất tính chính thống đối với nhân dân. Những ai cố tìm cách kéo dài chế độ này là chống lại nhân dân, và những biện pháp họ thực hiện để kéo dài chế độ là phi pháp. Cho nên cuộc tranh đấu của các tầng lớp nhân dân chống chế độ độc tài toàn trị, kể cả các đảng viên cấp tiến là cái quyền chính đáng và bổn phận của công dân!

Sự phủ nhận tính chính thống của chế độ của cựu TT Võ Văn Kiệt còn đưa tới một hệ luận tất yếu rất quan trọng là, chủ nghĩa Marx-Lenin từ nay không được phép và không được quyền coi là hệ tư tưởng chính thống và khoa học nữa. Điều này có giá trị cả với nhiều đảng viên CS. Từ đó thừa nhận rằng, các hệ tư tưởng chính trị khác không phải Marx-Lenin đều có quyền có chỗ đứng thích hợp và được quyền tự do truyền bá ở VN. Như vậy Võ Văn Kiệt đã nhìn nhận và cổ xúy cho một chế độ dân chủ đa nguyên và chống lại chế độ nhất nguyên, độc tài toàn trị hiện nay; mặc dù cụm từ này ông chưa nói tới công khai một lần nào!

Võ Văn Kiệt kết án nguyên tắc lãnh đạo và tổ chức „tập trung dân chủ“

Từ trước tới nay đối với nhóm cầm đầu bảo thủ độc tài thì nguyên tắc „tập trung dân chủ“ là nguyên tắc lãnh đạo và tổ chức căn bản của ĐCS, nó như sương sống của con người, thiếu nó thì chế độ sẽ sập! Theo đó, về lí thuyết cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng cấp trên, toàn đảng phải phục tùng trung ương. Nhưng trong thực tế, chỉ một số người có thế lực mạnh nhất trong BCT trong từng thời kì đã lợi dụng nguyên tắc này để cũng cố quyền lực và xây bè kết nhóm riêng. Hầu hết các ủy viên BCT khác tìm cách chạy theo phe mạnh, hoặc mũ ni che tai! Chẳng hạn dười thời Lê Duẩn thì chỉ có Lê Duẩn và Lê Đức Thọ hét ra lửa; Trường Chinh, Phạm Văn Đồng chỉ làm vì; Võ Nguyên Giáp bị cho ngồi chơi xơi nước. Cả Hồ Chí Minh cũng bị biến thành cây cảnh. Chính Lê Duẩn còn cho sửa cả Di chúc của họ Hồ nhằm phục vụ quyền lực của mình. Dưới thời Đỗ Mười làm Tổng bí thư (1991-97) thì chỉ có Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã liên kết nhau làm mưa làm gió trong BCT. Trong thời làm TT (1991-97), tuy có công lớn trong việc đổi mới kinh tế, nhưng không bao giờ ông Kiệt có tiếng nói quyết định. Nhân dịp mất của Võ Văn Kiệt, Lê Kiên Thành –con trai của Lê Duẩn- đã thuật lại là, trong một số dịp ông Kiệt đã tâm sự là ông không có thực quyền ngay cả khi làm TT. (4)

Vì chính là nạn nhân của nguyên tắc dân chủ hình thức này, nên ngay khi còn là TT, trong thư 9.8.95 gởi BCT chuẩn bị cho ĐH 8 ông Kiệt đã bác bỏ nguyên tắc „tập trung dân chủ“ và đòi thay vào đó là nguyên tắc dân chủ hóa thực sự trong nội bộ đảng:

„Chúng ta thảo luận nhiều về nguyên tắc „dân chủ tập trung“ hoặc „tập trung dân chủ“. Tôi đề nghị bỏ cách suy nghĩ rất công thức như vậy. Nên chăng khẳng định mọt cách không thể hiểu lầm như sau: Để huy động trí tuệ của toàn đảng và bảo vệ sự trong sáng của Đảng, cần phải triệt để dân chủ“. (5)

Khi ấy ủy viên BCT Lê Khả Phiêu đang được Lê Đức Anh và Đỗ Mười bao che đã vội vàng đích thân phản kích và kết án Võ Văn Kiệt:

„Các thế lực thù dịch và các khuynh hướng cơ hội hữu khuynh đang tìm cách thâm độc hòng thay đổi đường lối chính trị, đường lối tổ chức và biến chất Đảng theo kiểu một đảng xã hội dân chủ“ (6)

Nguyễn Phú Trọng, khi ấy chỉ mới là ủy viên Trung ương đảng và Tổng biên tập tạp chí CS cũng kết án rất gay gắt Võ Văn Kiệt:

„Trong lúc có những khuynh hướng muốn hạ thấp ý nghĩa hoặc xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ta đã khẳng định dứt khoát giữ vững và thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ…Đảng ta cho rằng, thực hiện tập trung dân chủ là vấn đề có tính nguyên tắc của một đảng mác-xít, là một tiêu chí quan trọng để xem đảng đó có phải là đảng Mác-Lênin chân chính hay không. Phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là phủ nhận Đảng từ bản chất; xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ là phá hoại sức mạnh của Đảng từ gốc“ (7)

Phải đợi gần 10 năm sau, Võ Văn Kiệt mới công khai phản bác những luận điệu của những người độc tải bảo thủ trong BCT. Trong thư tháng 2.1995 „Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lí luận và thực tiễn 20 năm đổi mới“ gởi BCT lúc đó ông Kiệt đã phản kích quyết liệt những người bảo thủ:
„Ngay cả khi nhiệt tình cách mạng là có thật, thì chúng ta vẫn cần nhớ rằng: Lê-nin đã từng nhắc đến một kiểu người đang đứng trong đội ngũ cách mạng song đang làm hại cách mạng bởi: „Nhiệt tình cách mạng cộng với dốt nát bằng sự phá phoại“. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta, đã có không ít trường hợp sự nghiệp phát triển kinh tế bị „phá hoại“ bởi những loại nhiệt tình như vậy“ (8)

Những chỉ trích trên đây của Võ Văn Kiệt được coi là trả lời trực diện với cựu TBT Đỗ Mười và những người bảo thủ trong BCT đương thời. Cụ thể hơn ông còn kịch liệt kết án thói chụp mũ „chệch hướng“ của phe Đỗ Mười thời đó cho những ai trong TUĐ và BCT có quan điểm khác họ:

„Đây cũng là khái niệm [chệch hướng –người viết ghi chú] thường xuyên được sử dụng, song nội dung của nó thì lại được vận dụng rất tùy tiện, thậm chí thô thiển và thô bạo khi dựa vào một nội dung có phần mơ hồ, thiếu xác định để thực thi thói quen độc quyền chân lí, áp đặt tư duy, tùy tiện qui kết. Vấn đề thực ra có thể là rất cụ thể và sòng phẳng: Trên chặng đường trước mắt, thế náo là đúng hướng và thế nào là chệch?“ (9)

Ngay tiếp theo đó Võ Văn Kiệt đã liệt kê những sai lầm của Đỗ Mười trong chính sách „đánh đổ tư sản mại bản ở miền Nam“ và chính sách „làm ăn tập thể“ bắt nông dân miền Nam phải gia nhập các hợp tác xã của Lê Duẩn sau 1975:

„Khi tiến hành cải tạo tư sản, những người muốn chủ trương duy trì kinh tế nhiều thành phần đều đã bị coi là đi chệch hướng. Việc xóa bỏ thành phần kinh tế tư nhân lúc đó được coi là đúng hướng. Khi tiến hành hợp tác hóa, ai muốn duy trì thích đáng kinh tế nông dân cá thể cũng bị coi là chệch hướng. Làm ăn tập thể, đưa các hợp tác xã lên cấp cao (một cách gò ép), đi vào kế hoạch Nhà nước tập rung, thu mua theo giá Nhà nước và theo chỉ tiêu của Nhà nước đã từng được coi là con đường duy nhất đúng hướng.

Sau một thời gian dài, phải trả giá rất nhiều, sự đúng hướng đó đi vào ngõ cụt đến mức không có khả năng đi tiếp theo cái „đúng hướng“ đó nữa, thì mới tỉnh ngộ ra và mới thừa nhận rằng, những điều tưởng là đúng hướng lại là chệch, và cái tưởng là chệch lại là đúng, mà hiện nay chúng ta đang đi theo. Vậy thì trong số những cái đang được gọi là đúng hướng và chệch hướng mà chúng ta dự kiến trước mắt, có những căn cứ khoa học nào để xác dịnh, hay vẫn chỉ là những vũ đoán duy ý chí và tùy tiện.“ (10)

Đã từng nhiều năm ở trong BCT, cơ quan cao nhất của ĐCS, như người nằm trong chăn nên đã bị rận cắn, Võ Văn Kiệt biết rất rõ sự vận hành quyền lực theo như cách tổ chức của các bọn Mafia, gồm những kẻ thừa hành và những kẻ giật dây. Ông gọi sự „quan hệ“ của hai nhóm này là những người có „quyền lực“ và những người có „quyền uy“ hiện nay ở cấp cao nhất của ĐCSVN :

„Quyền lực khác với quyền uy. Về nguyên tắc thì các đồng chí chính thức được Đảng và nhân dân giao phó trọng trách điều hành và quyết định những vấn đề lớn thuộc về vận mệnh quốc gia là những người được trao quyền lực và đang nắm quyền lực. Nhưng quyền uy thì không nhất thiết là thuộc người đang nắm giữ cương vị điều hành. Hiện nay không còn tình trạng nể nang né tránh của quyền lực trước quyền uy, quyền uy tác động không nhỏ đến quyền lực.
Đó chính là nguy cơ!“
(11)

Ai hiểu nội tình trung ương ĐCSVN thì đều biết là những lời tố cáo đồng thời cũng là những lời báo động này của cựu TT Võ Văn Kiệt đã nhắm thẳng vào Đỗ Mười và Lê Đức Anh hai người tuy không còn quyền lực nhưng đang dùng quyền uy để chỉ huy các đàn em đang có quyền lực trong BCT hiện nay!

* * *
Chính vì những lời thẳng thắn và tâm huyết này của Võ Văn Kiệt đã khiến cho những người có quyền lực và quyền uy bảo thủ độc tài nhiều đêm mất ăn mất ngủ. Sự hận thù của họ với ông Kiệt vẫn còn ngay cả khi ông mất. Vì những lời phê bình thẳng thắn và tố cáo các tội ác mà những người bảo thủ độc tài đã gây ra cho nhân dân và cho nhiều đảng viên còn lương tâm trong các thập niên vừa qua không thể nào làm họ quên thù hận với ông Kiệt được.

Cho nên họ dù cho có tổ chức lễ quốc tang hay tham gia trong ban tang lễ cũng chỉ là hình thức bề ngoài, theo kiểu làm vậy nhưng không phải là vậy ! Trong thâm tâm của những người bảo thủ độc tài thì Võ Văn Kiệt đã từ lâu bị liệt vào „chệch hướng“, „hữu khuynh“, những phần tử „xét lại“ và „phá hoại sức mạnh của Đảng từ gốc“. Cho nên không lấy làm lạ tờ CS điện tử, cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng đang nằm trong tay của nhóm bảo thủ độc tài đã bóc ngay đi bản tin „Thông cáo đặc biệt“ về tang lễ của cựu TT Võ Văn Kiệt!

GHI CHÚ:

1.Có lẽ bài báo cuối cùng của ông Kiệt được phổ biến trước khi ông mất là bài „Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Không đưa thủ đô làm nơi thí nghiệm” viết xong ngày 30.4 và phổ biến trên báo chí ngày 5.5 trong dịp QH họp để bàn về việc này. Những tố cáo của ông Kiệt cũng đã làm sóng gió những người cầm quyền hiện nay.
2. Nguyễn Thế An, Võ Văn Kiệt đặt lại vấn đề, trong Dân chủ & Phát triển (DC&PT) số 6, 5.1996, tr.7-11. Khi ấy hai nhà dân chủ trong nước là Lê Hồng Hà và Hà Sĩ Phu cũng đã bị bắt vì giữ thư của Võ Văn Kiệt bị liệt vào „bí mật nhà nước“.
3. Xem phần Tài liệu trong DC&PT số 34, 10.07 và Âu Dương Thệ, cựu TT Võ Văn Kiệt tát tai các phần tử bảo thủ và đặ lại các định đề của ĐCS, cũng như phủ nhận sự cầm quyền chính thống của chế độ, DC&PT số 34, tr. 46-51 và www.dcpt.org.
4. Lê Kiên Thành, Võ Văn Kiệt-„Người dám vượt ngưỡng để làm điều đúng“, Vietnam Net 13.6
5. Xem Nguyễn Thế An, tương tự.
6. Lê Khả Phiêu, bản lĩnh chính trị, Quân đội nhân dân số 12.95, tr. 9
7. Nguyễn Phú Trọng, tiến tới ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của đảng. Công tác xây dựng đảng :
Nên đánh giá thế nào cho đúng?, Tạp chí Cộng sản số 2, 1.96,tr.26
8. Thư của Võ Văn Kiệt 2.05 „Góp ý vào Báo cáo tổng kết lí luận và thực tiễn 20 năm đổi
mới“(chuẩn bị cho Đ H 10), trong DC&PT số 31, 12.05, 58-62 và www.dcpt.org
9. &10. Như trên, tr. 58-59
11. Như trên, tr. 61
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
www.dcpt.org hay www.dcvapt.net

No comments: