Saturday, August 23, 2008

Vì sao cả 4 đốt hầm cầu Thủ Thiêm bị nứt?

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-08-22

Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn nằm trong dự án xa lộ Đông Tây có chiều dài nằm dưới lòng sông là 370m được chia làm 4 đốt hầm.


Nguồn: Mô hình thiết kế của Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây.

Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đang bị đe dọa bởi các vết nứt.


Bốn đốt hầm này được xây dựng trước ở trên bờ và sẽ được lắp ghép dưới lòng sông Sài Gòn để tạo thành tuyến đường ngầm vượt sông của dự án. Thế nhưng cả bốn đốt hầm này vừa bị phát hiện có dấu nứt trước khi chúng được lắp ghép như dự định.

Phần âm thanh

Tải xuống âm thanh

Ông Lê Quang Hùng Cục Trưởng Cục Giám Định Nhà Nước thuộc Bộ Xây Dựng lên tiếng cho rằng các vết nứt này là có thể khắc phục được.

Để tìm hiểu thêm về các yếu tố kỹ thuật trog việc xây dựng hầm cầu Thủ Thiêm, Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Minh Quang, Hội Trưởng Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam Hải Ngoại, kỹ sư ngành thủy học công chánh hiện là tư vấn cho công ty Steson Engineer tại bang California, Hoa Kỳ.


Tổng quát về cấu trúc xây dựng
Mặc Lâm : Thưa, trước nhất nếu được, xin Ông cho biết một cách tổng quát về cấu trúc xây dựng bốn đốt hầm trong dự án đường hầm vượt sông Thủ Thiêm ạ.

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang : Theo thiết kế của hầm Thủ Thiêm thì hầm này có chiều dài 1490 mét, mà khúc ở dưới lòng sông dài 371 mét và được chia làm 4 đoạn (ở Việt Nam gọi là đốt), mỗi đoạn như vậy nặng khoảng chừng 25.000 tấn. Cái cách mà họ đúc mấy đoạn hầm này là đúc trên mặt đất, và sau khi đúc xong thì họ mới di chuyển các đoạn hầm này tới vị trí của đường hầm rồi họ mới tiến hành công việc xây dựng đường hầm băng qua sông Sài Gòn.

Mặc Lâm : Theo báo chí mô tả thì khi đổ bê-tông cho những đốt hầm này thì sự đòi hỏi kỹ thuật này là rất cao. Họ phải dùng nước đá để giữ độ lạnh cho bê-tông nhằm tránh tình trạng khô cứng quá nhanh. Tuy nhiên, người ta đã phát hiện ra những vết nứt sau khi bê-tông đã khô cứng. Như vậy những vết nứt này do đâu mà có, thưa Ông?

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang : Có nhiều nguyên nhân đưa tới những vết nứt đó, nhưng theo tài liệu mà tôi đọc được thì họ nói rằng cái lý do mà có những vết nứt đó là do bê-tông khi khô cứng thì nó co rút lại. Nguyên nhân thứ nhì là tỷ lệ giữa nước với xi-măng ít hơn 40%.

Nguyên nhân thứ ba là bê-tông mà đổ không đúng thì nó bị phân loảng ra, bê-tông không được đồng nhất. Và điều kiện sau cùng mà theo nhà thầu hộ nói là do điều kiện về môi trường. Nhưng mà tôi không hiểu họ nói điều kiện môi trường là như thế nào.


Trong khi đó thì hãng cố vấn là hãng PCI thì cho rằng ngoài những nguyên nhân mà nhà thầu nêu ra thì bê-tông nứt có thể là do loại xi-măng, bởi vì loại xi-măng này là loại xi-măng đặc biệt. Họ nói là loại xi-măng này dễ bị dãn nở khi ở ngoài nắng. Họ cũng nói là một nguyên nhân khác của những vết nứt đó là do công nhân đổ bê-tông không đủ kinh nghiệm để thực hiện công tác đó.

Mặc Lâm : Và Ông có hoàn toàn đồng ý với những giải thích đó hay không, nhứt là những giải thích từ công ty đang thực hiện gói thầu này, thưa Ông?

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang : Tôi không rõ kết cấu của những đoạn hầm này như thế nào, nhưng theo tôi được biết thì thường thường cái bê-tông này phải là loại bê-tông tiền áp. Thường thì kỹ thuật bây giờ họ tạo cái áp lực ở trong bê-tông sau khi mình đã đổ bê-tông, xong rồi họ mới kéo dây cáp để họ tạo áp lực cho bê-tông.


Những vết nứt bây giờ mình thấy được, theo chỗ tôi được biết, họ nói là họ chưa có tạo sức ép trên bê-tông đó. Họ nói là khi căng dây cáp để họ tạo sức ép thì những vết nứt đó sẽ mất đi.

Mặc Lâm : Theo như giải thích của nhà thầu là họ có thể kéo cáp để ép bê tông nhằm trám các vết nứt. Ông có cho đây là giải pháp sẽ có kết quả hay không?

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang : Một khi bê-tông bị nứt như vậy rồi thì tôi không nghĩ rằng khi ép nó lại thì những vết nứt đó tan đi, mà những vết nứt đó vẫn còn ở trong đó, thưa anh.


Tác hại của những vết nứt
Mặc Lâm : Vậy thì những vết nứt còn nằm tiềm ẩn sâu trong khối bê tông có thể gây những tác hại về sau hay không, thưa Ông?

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang : Nếu trong trường hợp những vết nứt đó là bình thường, thí dụ như sự co rút của bê-tông khi nó đặc cứng lại, thì tôi nghĩ cái đó không quan trọng. Nhưng mà ở đây thì cái vấn đề này không phải là như vậy. Tôi không nghĩ những vết nứt này là những vết nứt bình thường giống như những trường hợp chúng ta thấy.

Có một điểm nữa mà tôi cũng hơi đặc biệt quan tâm là có một tin tức cho biết rằng cái phòng thí nghiệm dùng để thí nghiệm vật liệu của công trường, thì phòng thí nghiệm này chưa được công nhận.

Thành thử ra nếu phòng thí nghiệm đó mà không đúng tiêu chuẩn thì nhiều khi họ thử vật liệu, thí dụ như trước khi một mẻ bê-tông trộn rồi thì bắt buộc phải thử mẻ bê-tông đó, thử coi nó có đúng tiêu chuẩn hay không như lượng nước, tỷ số nước trên xi-măng, hoặc là độ dẻo của xi-măng, hay là những vật liệu ở trong đó có đủ hay không, cái nhiệt độ có đủ hay không.

Thành thử ra, nếu trong trường hợp bê-tông không đủ tiêu chuẩn thì nó ảnh hưởng rất là to lớn đến sức chịu của công trình cũng như là cái kết cấu của công trình đó. Thành thử ra nếu mà các vết nứt đó là do phẩm chất của xi-măng, là do phẩm chất của bê-tông trộn không đúng, hoặc là do công nhân không đủ kinh nghiệm nên đổ bê-tông không đúng, họ đầm bê-tông đó không có đúng, thì những chuyện đó là những chuyện không thể nào sửa lại được mà phải làm lại tất cả, nếu không thì nó sẽ có ảnh hưởng.

Mặc Lâm : Trong trường hợp xi măng đã đặc cứng thành bê tông rồi thì người ta dùng kỹ thuật nào để kiểm tra độ cứng cũng như những thông số khác để tìm ra kết quả chính xác hầu tránh những trường hợp suy đoán không căn cứ, thưa Ông?

Kỹ sư Nguyễn Minh Quang : Có thể họ thử được. Thường thường như thế này, không phải là đục một mảng bê-tông trong đoạn hầm đó để thử, mà thường thường bắt buộc trước khi đổ bê-tông, trộn mẻ bê-tông đó rồi là phải đổ vào những khuôn mẫu nhỏ, và những mẫu đó phải được thử sức chịu.

Thành thử ra sức chịu hay phẩm chất của bê-tông thì bây giờ chỉ cần lấy những mẫu đó đem ra phân tích thì mình sẽ biết bê-tông ở trong những đoạn hầm mà mình đã đổ rồi là có đủ tiêu chuẩn hay không.

Mặc Lâm : Xin cám ơn kỹ sư Nguyễn Minh Quang đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện ngày hôm nay.

No comments: