1/8/08
Bảy nhà báo VN bị thu hồi thẻ
Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định tước thẻ nhà báo đối với bảy người đang làm việc tại bốn tờ báo khác nhau.
Quyết định do Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn ký ngày 1/08/08.
Gây chú ý nhiều nhất là các trường hợp liên quan tới ban biên tập của hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ.
Tại báo Thanh Niên, những người bị tước thẻ nhà báo gồm ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng biên tập, và ông Huỳnh Kim Sánh, Tổng thư ký tòa soạn.
Báo Tuổi Trẻ chứng kiến sự ra đi của ông Bùi Thanh, Phó Tổng biên tập, và ông Dương Đức Đà Trang, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Vi phạm 'nghiêm trọng'
Bốn nhân vật này, cùng với ông Trần Đình Dũng (Việt Dũng), Phóng viên báo Khoa học và Đời sống, bị nói là đã "vi phạm nghiêm trọng" trong thông tin trên báo chí.
Hai trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Tổng biên tập báo Người cao tuổi; bà Hoàng Tuyết Anh, cán bộ báo Người cao tuổi bị cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Truyền thông nhà nước không nói rõ vi phạm của những người này là gì.
Nhưng phóng viên Trần Đình Dũng đã chụp ảnh một số quan chức ngủ say sưa trên chuyên cơ cùng phái đoàn Thủ tướng Việt Nam đi Mỹ thời gian qua.
Bảy người bị tước thẻ nhà báo
Nguyễn Quốc Phong
Bùi Văn Thanh
Huỳnh Kim Sánh
Dương Đức Đà Trang
Trần Đình Dũng
Nguyễn Thị Thanh Thúy
Hoàng Tuyết Anh
Nhà chức trách cho rằng đó là các bức hình "phản cảm".
Còn với hai tờ báo lớn, Thanh Niên và Tuổi Trẻ, vụ bắt giữ hai phóng viên của họ liên quan việc đưa tin vụ PMU 18 vẫn tiếp tục để lại hệ lụy.
Ngay sau khi hai phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị khởi tố bắt tạm giam, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Bùi Thanh đã có bài viết khá mạnh mẽ trên báo này.
Ông Nguyễn Quốc Phong của báo Thanh Niên thì được trích lời nói: "Trong quá trình điều tra, phía công an đã không hề thông báo, làm việc với Báo Thanh Niên, với cả cơ quan quản lý ngành là Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam để có thông tin đa chiều hơn."
Theo Bộ Công an, nội dung tường thuật trên báo chí về vụ PMU 18 đã “tác động tiêu cực đến dư luận xã hội.”
Một văn bản chính thức nói rằng công an đã thẩm vấn gần 40 phóng viên, cùng các cán bộ trực tiếp điều tra vụ PMU 18.
Từ những cuộc tiếp xúc này, Bộ Công an kết luận nhiều sự việc “tuy có trong vụ án nhưng bị phóng viên thổi phồng, xuyên tạc.”
Phản ứng
Trả lời đài BBC tối ngày 1 tháng Tám, ông Nguyễn Văn Phùng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, tỏ ra không ngạc nhiên khi ông nói diễn biến này "đã biết lâu rồi, nhưng đây là việc đang được điều tra."
Ông Phùng nói cho đến cuối ngày hôm nay, ông chưa nhận được thông tin chính thức nên chưa thể bày tỏ quan điểm.
"Sau khi có tin chính thức, tuỳ sự việc cụ thể đó, mức độ cụ thể, sẽ có ý kiến của cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi nhà báo hành nghề của mình," ông Phùng cho biết.
Sẽ có ý kiến của cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi nhà báo hành nghề của mình
Nguyễn Văn Phùng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM
Hầu hết các phóng viên mà BBC liên lạc ngày hôm nay đều từ chối bình luận, do "chưa nắm được thông tin" hoặc "đây là việc nhạy cảm".
Một nhà báo ở Hà Nội, đồng ý trả lời với điều kiện giấu tên, cho rằng nhiều đồng nghiệp báo chí của ông chưa hoàn toàn nghiêm cẩn trong khi tác nghiệp.
Ông nói: "Nhiều bài báo đặt sinh mệnh chính trị của người khác quá dễ dàng."
Trả lời BBC với câu hỏi liệu trong cả ngàn bài báo được đăng tải trong nước về vụ PMU18, nhiều bài có vấn đề hay không, nhà báo này nói: "Có nhiều bài bịa đặt, thêm thắt."
Nhà báo này cho rằng báo chí Việt Nam hiện nay rất phức tạp và không hoàn toàn khách quan.
Ông nhận định: "Báo chí đã trở thành công cụ cho những nhóm thế lực thanh toán nhau. Chẳng ai đại diện cho một cái gì đó. Tôi không dám chắc ai là chân chính, chân phụ cả."
Trong khi đó có dư luận trong nước cho rằng sau những diễn biến vừa qua, báo chí và truyền thông Việt Nam đang gặp một cơn sóng gió lớn, chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Viết trên BBC hôm nay, nhà báo tự do Trần Tiến Dũng, từ TP. HCM, đặt câu hỏi "Có hay không sự khủng hoảng lý tưởng làm báo trong lòng hệ thống báo chí trong nước."
Ông Dũng cho rằng: "Qua trường hợp một số nhà báo trong thời gian gần đây bị chuyển công tác hay thu thẻ nhà báo là diễn biến ngầm của tình trạng khủng hoảng lý tưởng làm báo và cũng là dấu hiệu cho thấy tương lai sẽ có nhiều thay đổi trong đời sống thông tin ở Việt Nam."
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080801_seven_suspended_reporters.shtml
Dấu chấm hết của báo chí 'lý tưởng'
Trần Tiến Dũng
Ký giả tự do từ Sài Gòn
Blog của Bùi Thanh có hình nhân vật được huyền thoại hóa của phe tả: Che Guevara
Ở Việt Nam, khi những thông tin xấu liên quan đến những người cùng nghề báo gặp sự cố với cơ quan công quyền lại chính là những thông tin khó kiểm chứng nhất.
Tin về chuyện Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Thanh bị cách chức vì “sai phạm” trong công việc đã đồn thổi tùm lum khắp các quán cà phê, quán nhậu trong nhiều ngày.
Lời đồn thổi liên tục truyền đi từ các cơ quan báo chí ra đến quán nhậu, nhưng không một ai có đủ thông tin chính xác, cả báo Tuổi Trẻ cũng không đưa được một dòng tin thông báo nào dù chỉ mang tính lịch sự chung chung.
Trong thế giới của những người làm thông tin, trên ngay diễn đàn truyền thông mà lại không có tin tức nào về số phận của những nhà báo thì đúng là bất hạnh.
Mộ nhà báo trung niên đang ngồi viết bài ở một quán cà phê sang trọng, nói: “ Bùi Thanh 'chết' vì cảm xúc thái quá trong vụ hai nhà báo bị bắt. Dù sao thì Bùi Thanh vẫn được ở ngoài, chuyện mất việc coi như là may,"
"Có trách chúng tôi không phản ứng thì cũng như trách mấy anh phục vụ quán hàng, khách sạn vậy thôi. Ai dám! ”
Nhiều nhà báo đã tự hỏi mình về sự chùn bước và ý chí chiến đấu chống tham nhũng ấy, khi những đồng nghiệp tử tế và trong sáng của họ được xe cảnh sát đưa vào trại giam
Nhà báo Bùi Thanh trong bài 'Tại sao?'
Bây giờ thì những ai quan tâm đến dư luận đều có thể tự do đi tìm cho cá nhân họ nguyên nhân nhà báo Bùi Thanh bị đuổi việc, dù cho tất cả các nguyên nhân của việc này đều qui về một đầu mối do hệ quả tệ hại của vụ PMU 18!
Ai cũng biết rõ nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đó không tự nó có khả năng trả lời được câu hỏi liên quan đến chuyện gì đang diễn ra trong làng báo và số phận một số nhà báo.
Tan rã lý tưởng
Trong một entry của một nhà báo trẻ, người viết không ngần ngại bày tỏ cảm xúc tri ơn của mình với ông Bùi Thanh, nhưng blogger này không gọi ông Bùi Thanh là nhà báo lớn.
Trái lại, người đó chỉ đưa ra hình ảnh nhà báo này là người trong thời gian gần đây đã khởi xướng hầu hết các phong trào, đã tạo nên những sự kiện thông tin giá trị và có tính chiến đấu cao trên báo Tuổi Trẻ như cuốn nhật ký Đặng Tùy Trâm, Ký tên vì công lý cho các nạn nhân chất độc màu da cam, khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam…
Vụ PMU18 và diễn biến nhiều bước ngoặt sau đó làm nổ ra cuộc chiến với báo chí
Từ lúc giữ mục Chuyện Thường Ngày với bút danh chung là Bút Bi, một mục có giá trị văn học báo chí và sống lâu nhất trên báo Tuổi Trẻ, cho đến vai trò ủy viên biên tập, nhà báo này được các cây bút trẻ nhìn nhận là người trong số ít ỏi những nhà báo lớp trước đã truyền lửa lý tưởng làm báo cách mạng theo phong cách Sài Gòn.
Thường khi ở Việt Nam các nhà báo khi bị nạn lại là người được quan tâm nhiều nhất, chỉ có điều chuyện về họ lúc nào cũng chỉ truyền qua miệng, điện thoại và blog chứ không phải trên mặt báo!
N C, một cựu phóng viên Tuổi Trẻ nói: "Lúc đó trong chúng tôi không ai nghĩ Bùi Thanh lên được chức Phó Tổng biên tập. Sau loạt bài ra thăm Trưòng Sa, thấy anh được đề bạt ai cũng mừng,"
"Nhưng rồi khi đọc bài 'Tại Sao?' phản ứng về chuyện Hải và Chiến bị bắt trên trang nhất, chúng tôi thấy sướng nhưng lại biết chắc kỳ này Bùi Thanh sẽ tiêu.”
Nhìn xa hơn nữa
Chuyện một nhà báo nghỉ việc hoặc bị cho thôi việc cũng là chuyện bình thường, nhưng những ngày qua thông tin chỉ đồn thổi về cách ông Bùi Thanh bị xử tệ bạc đến mức khó tin, điều này đã làm nhiều người trong giới ê chề.
Và vấn đề không nằm ở chỗ cảm xúc tình cảm dành cho ông Bùi Thanh như thế nào mà chính là một câu hỏi không thể giải đáp là: Có hay không sự khủng hoảng lý tưởng làm báo trong lòng hệ thống báo chí trong nước.
Đừng nản lòng, hãy vì những trang báo sống động ngày mai, vì bạn đọc của mình
Tuyên ngôn trên Blog của Bùi Thanh
Lý tưởng làm báo cách mạng hay lý tưởng cộng sản trong mỗi nhà báo, vốn trước đây là sức mạnh trong việc truyền thông và chiến đấu trên mặt trận thông tin, thì nay phải chăng đã phá sản! Và đang có sự rối rắm lẫn hoài nghi trong suy nghĩ của các nhà báo trẻ
Mọi quan hệ của xã hội từ kinh tế, văn hóa… đã thay đổi mạnh mẻ, nhưng trên cái nền báo chí của hệ thống độc đảng thì mỗi tờ báo đều chỉ có nhiệm vụ là cơ quan phát ngôn cho quyền lực. Dù trong lúc này tính chất quyền lực đang ở trong một toàn cảnh khác, thì chuyện ông Bùi Thanh và một số trường hợp nhà báo bị kết luận đã “sai phạm nghiêm trọng. ” Tai nạn nghề nghiệp của họ thực chất cũng phát xuất từ lý tưởng bảo vệ chế độ.
Hiện nay dư luận đang cấp thiết đòi hỏi về quyền thông tin và được thông tin để tạo dựng một xã hội thông tin minh bạch và văn minh. Chính khát vọng này của dư luận đã làm những quyền lực bảo thủ lo sợ rằng, một số các tờ báo sẽ trở thành một thứ quyền lực báo chí đúng nghĩa.
Ông C một người viết báo lão thành nói. “Có thể lúc này ai đó cho rằng chuyện một số tờ báo có quyền lực báo chí chỉ là chuyện ảo tưởng, nhưng qua vụ nhà báo bị bắt, cả chuyện mặt bằng báo chí hiện nay đang co lại như một quả bóng xì hơi,"
"Các chuyện đó đã phản ảnh khát vọng về một xã hội thông tin dân sự. Có ngăn được chỗ này thì cũng xì chỗ kia mà thôi.”
Có thể hiểu qua trường hợp một số nhà báo trong thời gian gần đây bị chuyển công tác hay thu thẻ nhà báo là diễn biến ngầm của tình trạng khủng hoảng lý tưởng làm báo và cũng là dấu hiệu cho thấy tương lai sẽ có nhiều thay đổi trong đời sống thông tin ở Việt Nam.
Một chuyển động ở tầm thông tin khác dù trong chiều hướng đa dạng nào, cũng sẽ tốt hơn đi lùi hay thậm chí đứng yên chỗ cũ.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/08/080801_idealistpressfinish.shtml
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment