Tuesday, November 4, 2008

Ms Phạm Ngọc Thạch chụp hình dân oan bị công an “đánh hội đồng” phải vào bệnh viện

2/11/08


Mục sư Phạm Ngọc Thạch chụp hình dân oan
bị công an “đánh hội đồng” phải vào bệnh viện


Mục sư Phạm Ngọc Thạch
Tin Sàigòn − Vào khoảng 10g00 sáng thứ sáu, 31/10/2008, mục sư Phạm Ngọc Thạch đang trên đường đi làm. Thường ngày, ông vừa tự túc kiếm sống vừa tìm cách rao truyền sứ điệp của Chúa Giêsu. Ông hay đi xe rảo khắp phố phường để tìm mua những điện thoại cũ về sửa lại để bán lấy tiền sống qua ngày, đồng thời tặng những dĩa CD phim cuộc đời Chúa Giêsu cho những người qua đường mà ông có dịp làm quen.

Khi đi ngang Trụ Sở Làm Việc của Trung Ương Đảng, số 87 Trần Quốc Thảo, Phường 7, Quận 3, và Trụ Sở Tiếp Công Dân, 210 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, ông thấy một đoàn dân oan đang tụ tập rất đông biểu tình tại đây. Đoàn biểu tình có trương những biểu ngữ và hô lên những lời nói nghe rất bi thương, cảm động: “Cứu dân, chính phủ ơi! Cứu dân, chính phủ ơi! Chúng tôi bị các quan tham trong chính quyền cướp mất nhà, cướp mất đất rồi!”, v.v... Thấy cảnh khá đặc biệt này, tính hiếu kỳ thúc đẩy ông dừng lại chụp 9 “pô” hình và thu 3 đoạn phim về cảnh dân oan đối phó với công an đang tìm cách giải tán đoàn biểu tình.

Thông thường, ông hay dừng xe lại chụp những cảnh tượng nào ngộ ngộ, bất thường mà ông gặp trên đường, như tai nạn giao thông, cảnh trẻ em đường phố rách rưới không được xã hội quan tâm phải đi xin ăn, hay những cụ già đáng thương bị con cái bỏ rơi lang thang ngoài phố, cũng như những cảnh thật đẹp làm ông thích thú, v.v... Việc chụp hình như thế chỉ là việc làm rất bình thường của một người yêu nghệ thuật, không hề vi phạm luật pháp chút nào cả. Không phải chỉ có một mình ông chụp hình như thế. Từ trước đến nay, biết bao nhà nghệ thuật đã làm như ông.

Hôm nay, chụp xong mấy tấm hình, ông lại lên xe tiếp tục đi một cách bình thản như không có chuyện gì. Đi khoảng một cây số, tới đường Lý Chính Thắng (1*), ông nghe thấy có tiếng xe phía sau rú ga lên. Ông quay lại thấy có nhiều người lạ mặt đuổi theo ông. Lập tức, có người đi sát xe ông, nắm tay áo ông, ra lệnh: “Yêu cầu tắp vào lề!” Nếu đó là một cảnh sát giao thông, đương nhiên ông sẽ chấp hành lệnh ấy ngay. Nhưng trường hợp này là người mặc thường phục trông có vẻ rất “đầu gấu” nên ông sợ bị cướp xe. Phản ứng tự vệ khiến ông tiếp tục chạy thật nhanh để thoát cướp. Bọn họ đuổi theo ông một đoạn thì hô lên: “Cướp! cướp! Bắt lấy nó!” Ông vừa chạy đến trước chùa Vĩnh Nghiêm (2*) thì gặp một chiếc xe lớn khiến ông phải chạy chậm lại. Lập tức ông bị một chiếc xe phía sau đạp ông té xuống đường. Đồ đạc, hành lý trên xe ông cũng bị văng tung tóe và bị họ nhanh chóng thu lượm hết. Họ lôi ông vào lề, gần một công viên nhỏ đối diện với chùa Vĩnh Nghiêm. Thế là cả bọn họ xông vào đánh ông túi bụi khoảng 5 phút, chân họ mang giầy đá vào đầu, vào ngực, vào người ông, khiến ông bất tỉnh.

Tỉnh lại, ông thấy dân chúng bu quanh ông thật đông. Ông nghe dân nói: “Anh này trông hiền lành thế này, sao lại là cướp được?” Nhưng cũng có người nói: “Bộ cứ trông hiền lành thì không phải là cướp sao?” Mấy công an liền phụ họa: “Thằng này ăn cướp xe bị chúng tôi bắt quả tang đấy!” Dân chúng nghe thế thì cũng tán thưởng công an và cho rằng công an đang làm một việc rất tốt. Khi thấy công an tiếp tục đánh ông, có người can: “Chuyện gì thì cũng có luật pháp xét xử, các anh không được phép đánh người ta dã man như vậy! Nếu có đánh thì cũng chỉ nên đánh vừa vừa thôi chứ!” Nghe vậy, Ms Thạch nói to để đính chính: “Tôi không phải là cướp. Tôi là một mục sư Tin Lành. Mấy anh công an này đuổi theo và bắt tôi là vì tôi chụp hình dân oan đang biểu tình. Trước đây, tôi cũng đã từng bị tù hai năm vì tranh đấu đòi lại đất đai của nhà thờ Tin Lành quận 2 (3*). Tôi cũng đã nhiều lần bị đánh như thế nầy khi làm việc nghĩa! (4*) Xin bà con chú ý! Tôi là mục sư Phạm Ngọc Thạch, thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite ở quận 2. Yêu cầu bà con báo cho mục sư Nguyễn Hồng Quang, ở số C5/1H Trần Não, Quận 2, điện thoại là … …”.

Khi ông hỏi về máy chụp hình, laptop, và 6 chiếc điện thoại − mà ông mua về để sửa chữa hầu bán lại kiếm sống − đã bị văng ra trên đường, thì họ nói đã có người lượm mất rồi. Sau đó, mấy công an chìm kia bèn đưa ông về trụ sở công an phường 8, số 31 Huỳnh Tịnh Của, quận 3. Tại đây, ông bị những vết thương do vừa bị đánh đập quá dã man hành rất đau đớn. Vì thế, ông yêu cầu cho ông gặp bác sĩ, hoặc được gặp gia đình, nhưng công an không chấp nhận. Họ cho những anh công an chìm không mặc sắc phục − mà ông tưởng là bọn đầu gấu đã đấm đá ông trước đó − “làm việc” với ông, lấy lời khai của ông. Nhưng ông không chấp nhận kiểu làm việc y hệt xã hội đen như vậy. Họ bảo ông khai để họ ghi vào biên bản rồi ký tên theo đúng thủ tục… Ông yêu cầu họ mặc sắc phục công an đàng hoàng cho đúng với pháp luật đòi hỏi, và cho ông biết rõ tên, chức vụ của họ trước khi “làm việc” với ông . Ông cũng yêu cầu họ xác định ông có tội gì mà lại đưa ông về đây? và nếu “làm việc” thì làm việc gì? Họ đuối lý không trả lời được, nên bàn với nhau: “Thằng này chụp hình ở phường 7 thì bây giờ đẩy nó về phường 7”.

Thế là họ đẩy ông lên xe bít bùng để đưa về trụ sở công an phường 7, số 122 đường Trần Quốc Thảo, quận 3 (gần ngã ba Kỳ Đồng/Trần Quốc Thảo). Tại đây, ông cũng yêu cầu công an cho ông trước khi “làm việc” được gặp bác sĩ hoặc gặp gia đình hay báo tin cho MS. Nguyễn Hồng Quang vì vết thương ông đau quá. Ông cũng yêu cầu họ mặc sắc phục công an đàng hoàng chứ ông không chịu làm việc với những công an ăn mặc phanh ngực, không cài nút áo, ăn nói lỗ mãng, bất lịch sự, xúc phạm người dân… Họ nói: “Đây là cơ quan công an! Chính quyền yêu cầu anh làm việc nghiêm chỉnh!” Ông nói: “Công an được lập ra để phục vụ dân! Tôi bị bắt tới đây, tôi chưa biết tại sao tôi bị bắt, thế mà các ông đánh đập tôi hết sức dã man, tôi đau quá không thể làm việc được. Tôi chỉ yêu cầu các ông có một chuyện rất nhỏ đúng tình đúng lý, đúng pháp luật, là cho tôi được gặp gia đình, hoặc các ông gọi điện báo tin cho gia đình biết tôi đang ở đâu, hoặc kêu bác sĩ đến chăm sóc tôi. Tất cả những yêu cầu đó toàn là những quyền mà luật pháp cho phép, là những quyền mà người dân có quyền đòi hỏi”.




Nói thế nhưng họ vẫn không chấp nhận bất cứ điều gì ông yêu cầu. Có ông Sơn ở PA 38 thuộc bộ công an xuống nói: “Phải cho nó vào khám Chí Hòa thì nó mới biết sợ!” Nhưng tất cả những đe dọa ấy chẳng có tác dụng gì đối với ông, vì ông chẳng tỏ ra nao núng chút nào trước những đe dọa tầm thường ấy. Thấy đe dọa không xong, một anh công an dịu giọng:

− “Tôi thấy anh hiểu biết, lại có can đảm, nói năng có rất hợp lý. Thôi, bây giờ xin anh vui lòng viết thuật lại việc chụp hình sai trái của anh!”

− “Chụp hình thì có gì là sai? Ông đáp lại. Ở chỗ đó có bảng nào đề cấm chụp hình đâu? Chỗ nào không có bảng cấm chụp hình thì người dân có quyền chụp. Nếu ở chỗ đó không được chụp hình, tại sao các anh không đề bảng cấm chụp hình? Có điều nào trong luật pháp cấm không được chụp hình người dân biểu tình không? Nếu có điều luật đó mà tôi vẫn chụp hình thì tôi mới vi phạm pháp luật. Không có bảng cấm chụp hình, cũng không có điều luật cấm, nếu các anh không thích tôi chụp hình ở chỗ đó thì các anh chỉ cần bảo tôi xóa những tấm hình tôi đã chụp đi là xong. Cần gì các ông phải đánh đập tôi tàn nhẫn rồi còn vu khống tôi là kẻ cướp nữa? Tôi thấy các ông mới chính là kẻ cướp: các ông tự ý cướp đoạt tài sản của tôi: cướp máy chụp hình, điện thoại di động và laptop của tôi, chứ tôi có ăn cướp của ai cái gì?”

− “Vậy thì bây giờ anh xóa đi!’ Anh ta nói.

− “Tôi còn xóa làm sao được nữa? máy chụp hình của tôi các anh lấy mất rồi”

Thế là họ đưa tất cả đồ họ tịch thu được của ông bầy ra trên bàn rồi quay phim, không chỉ những gì liên quan đến việc chụp hình, mà còn thu hình cả những điện thoại, những linh kiện để sửa chữa điện thoại, những đồ ông đã bỏ không xài nữa chưa kịp ném vào thùng rác… Theo ông, họ làm như vậy với mục đích quan trọng hóa việc chụp hình của ông, làm cho tội của ông có vẻ nặng lên. Thấy thế ông nói: “Tôi thấy việc các anh làm thật là buồn cười! Các anh chỉ muốn đánh phủ đầu người dân, khủng bố nhân dân hiền lành thôi!”

Khoảng gần 5g00, họ điện thoại lên cấp trên hỏi ý kiến. Và đến 5g00, họ nói với Ms Thạch: “Bây giờ hết giờ làm việc rồi, anh được tự do đi về! Thôi, anh về đi!” Ms Thạch không chịu về, ông đòi phải trả lại sự công bằng cho ông: “Các anh đúng là những con người phi nhân! Các anh bắt tôi từ sáng đến giờ, đánh đập tôi dã man mà không hề cho biết lý do, cũng không cần biết tôi đói hay tôi khát, không hề cho tôi ăn, cũng không cho uống một giọt nước… Tôi thấy các anh coi mạng sống của người dân không ra gì! Các anh đánh đập người dân một cách dã man mà không cần biết họ thật sự có tội hay không! Chính các anh ăn cướp của dân rồi lại hô hoán người dân ăn cướp! Các anh cướp đất của dân cách bất công mà không cho người dân kêu oan! Ai kêu oan thì các anh đàn áp! Các quan tham cướp đất, cướp tài sản vô số kể của dân kia sao các anh không dám gọi họ là quân ăn cướp? Tôi là mục sư mà các anh hô tôi là quân ăn cướp xe, rồi đánh đập tôi như vậy, bây giờ các anh bảo tôi về như không có chuyện gì xảy ra. Tôi không chấp nhận. Tôi phải đòi lại sự công bằng. Nếu các anh không bồi thường danh dự hoặc đền bồi thiệt hại về thân thể cho tôi, ít ra các anh cũng có trách nhiệm phải kêu bác sĩ hoặc đưa tôi vào bệnh viện chứ! ”

Họ nói: “Vậy là anh muốn ăn vạ à? như vậy có xứng với tư cách là mục sư không?”

Ms Thạch đáp: “Nếu tôi ăn vạ thì tôi đâu có đòi gặp bác sĩ! Các anh đánh đập tôi như thế, tôi đau quá, tôi rất cần gặp bác sĩ hay vào bệnh viện. Các anh gây ra thì các anh phải có trách nhiệm chứ!”

Sau đó, họ dùng áp lực lôi ông ra khỏi trụ sở công an. Thấy vậy, ông nói: “Nếu vậy thì tôi cứ nằm đây cho tới khi các anh trả lại sự công bằng cho tôi, nghĩa là tình trạng sức khỏe và danh dự của tôi phải được giải quyết”. Cuối cùng, họ bỏ mặc ông nằm ngoài đường, trước trụ sở công an.

Cùng thời gian đó, Ms Quang và các mục sư Tin Lành khác điện thoại cho bộ công an để hỏi về tình trạng Ms Thạch xem ông có bị công an đánh chấn thương không. Tuy bị tịch thu 6 điện thoại di động, Ms Thạch vẫn giấu được một cái, và thừa lúc thuận tiện, ông đã bấm điện thoại gọi về gia đình và để nó trong túi. Nhờ đó, qua điện thoại, gia đình Ms Thạch đã nghe trực tiếp cuộc đối thoại giữa công an và ông, qua đó gia đình ông biết ông bị đánh đập rất nặng. Thế nhưng công an trên bộ xác minh rằng: Mục sư Thạch bị té xe và được dân chúng đưa đến công an phường 7, quận 3, và công an tại đây đang tạm giữ Ms Thạch để làm việc vì ông đã chụp hình dân khiếu kiện.

Nghe vậy, lập tức Ms Quang, Ms Tân, Ms Nam cùng một số truyền đạo Tin Lành đến công an phường 7 quận 3 định yêu cầu công an thả Ms Thạch thì thấy Ms Thạch nằm ngay ở cổng trụ sở công an phường 7 bên lề đường Trần Quốc Thảo. Vì quá mệt và đau đớn, ông ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Nhiều người đi đường nghi ông chết, nên có người đến thử đánh thức ông.

Ms Quang yêu cầu công an phường 7 ký một giấy chứng thương để ông đưa Ms Thạch vào bệnh viện gấp. Nhưng công an ở đây trả lời rằng họ không phải là người đánh ông Thạch, mà là dân chúng đánh, nên họ không có trách nhiệm ấy. Ms Thạch thấy họ tỏ ra vô trách nhiệm như vậy, nên bất chấp lời khuyên can của Ms Quang, ông nhất định tiếp tục nằm tại đó tuyệt thực cho đến khi công an trả lời cho biết tại sao họ lại đánh đập ông như vậy, đồng thời trả lại sự công bằng cho ông. Ms Quang đành chấp nhận để Ms Thạch tiếp tục tranh đấu đòi lại sự công bằng, và cắt cử người đến canh chừng Ms Thạch.

Trong cuộc trao đổi giữa Ms Quang, Ms Tân với ông Hải phó Công an phường 7, lúc thì ông này nói Ms Thạch bị dân chúng túm lại đánh rồi giải về đồn công an giao cho họ, lúc thì ông nói công an phường 8 giải giao, lúc khác lại nói một đơn vị khác giao Ms Thạch cho họ. Ms Quang hỏi: “Nói như vậy, ông có thấy ông tự mâu thuẩn và không thành thật không?” Ông Hải nói: “Tôi không chắc Ms Thạch có bị đánh đập hay không, nếu có thì là người khác đánh chứ công an phường 7 không đánh”. Như vậy, theo nhận định của Ms Quang, công an không dám đối diện với sự thật về những thương tích trên thân thể Ms Thạch. Những thương tích nặng nề này chắc chắn không thể gây ra chỉ vì té xe (do một cú đạp ngã chuyên nghiệp)…

Ms Quang yêu cầu công an ở Bộ đề nghị công an phường 7 viết giấy để trước mắt đưa Ms Thạch vào bệnh viện ngay, vì lỡ Ms Thạch có bề gì thì sẽ bất lợi cho cả đôi bên. Chuyện ai đánh Ms Thạch thì để hạ hồi phân giải. Khi Ms Quang đến gặp Ms Thạch một lần nữa, thì ông bị một công an ở đây hành hung: hắn thọc tay đánh vào nách ông. Ông hỏi: “Tại sao công an lại đánh tôi?” Hắn trả lời: “Tao không phải là công an”. Nhưng lạ thay sau đó hắn lại ngồi vào bàn trực ban của đồn công an và chửi rủa ông. Tên này còn đứng banh háng vạch “của quý” của hắn ra, lại còn bảo Ms Quang và 8 tu sĩ Tin lành (trong đó có cả phụ nữ) “bú” nữa! Thật hết nước nói tư cách của hắn ta! Hắn còn đe dọa Ms Quang rằng sẽ cho xã hội đen đến “luộc” ông.

Ms Quang yêu cầu anh công an trực ban làm biên bản về việc ông bị anh công an kia hành hung, nhưng họ lại yêu cầu ông ngồi viết bản tường thuật về vụ việc ấy. Còn nhân viên đánh MS Quang cũng được yêu cầu viết tường thuật.

Khoảng 8g00 tối, khi Ms Quang tạm rời khỏi đó, một anh công an từ bên trong trụ sở ra, ngồi trên chiếc xe wave màu đỏ, nổ máy, rồ ga và cán lên chân của Ms Thạch tại đầu gối. Trước khi cán, anh ta còn hỏi ý kiến của người bảo vệ: “Có nên cán không?” Quá đau, nhưng Ms Thạch cũng nhìn thấy số xe mà ông nhớ mang máng là 6742 (hai chữ số sau ông không chắc chắn lắm!)

Đến 5 giờ sáng, Ms Quang đến dòng Chúa Cứu Thế (đường Kỳ Đồng) để cầu nguyện và dự lễ sáng, sau đó báo cho linh mục Chân Tín ở đó biết sự thể. Lập tức Lm Chân Tín đến thăm và an ủi Ms Thạch. Ông khuyên công an phường 7 nên xử sự văn minh, không nên đánh đập đồng loại mình, không nên dùng luật rừng rú giữa thành phố, và đề nghị đưa Ms Thạch đi bệnh viện. Lm Chân Tín ra cổng cúi xuống ôm Ms Thạch đang nằm bên vệ đường rồi cầu nguyện và khóc trước các ống kính quay phim của công an.

Sau đó, Ms Quang yêu cầu công an phường 7 hợp tác đưa Mục Sư Thạch đi bệnh viện, nếu công an không chịu thì đó quả là điều không thể chấp nhận. Cuối cùng, công an phường 7 cùng Ms Quang đưa Ms Thạch bằng xe công an đến bệnh viện quận 3 để xét nghiệm. Tất cả những chi phí xét nghiệm, Mục sư Quang phải thanh toán hết. Tại đây, Ms Quang nhiều lần nhắc nhở các bác sĩ nên khách quan trong những kết luận chuyên môn, nhưng vì công an vẫn ngồi ngay trong phòng khám như một đe dọa, nên ông nghĩ các bác sĩ khó mà dám kết luận đúng theo lương tâm. Ông còn e ngại những mũi chích của các bác sĩ rất có thể sẽ phải theo lệnh của công an. Vì thế, lương tâm ông buộc phải tìm cách đưa Ms Thạch đến một nơi khác chữa trị.

Ông luền quyết định không để Ms Thạch nhập viện, cũng không nhận sự chữa trị nào của họ. Thừa lúc không ai để ý, họ trốn ra ngoài bệnh viện và thuê taxi đến một bệnh viện khác. Ms Thạch và hai người khác cùng lên taxi. Họ bảo tài xế chạy ra xa lộ Đại Hàn với tốc độ thật nhanh. Khi biết bọn theo dõi không chạy kịp thì họ chuyển qua xe taxi khác. Ngồi trên chiếc taxi này, họ nghe thấy phone của tổng đài taxi báo cho các tài xế taxi biết ai đang chở ba người trong đó có một người bị trọng thương thì phải báo về tổng đài. Lập tức ba người yêu cầu xe ngừng lại, nhưng tài xế bảo: “Chưa đến nơi sao lại xuống?” Và anh ta chạy thêm một đoạn nữa. Khi thấy tài xế đi vào một con đường khác lạ, ba người nhất định đòi xuống, tài xế đành chấp nhận, nhưng đòi trên 500.000đ tiền xe, dù chỉ mới đi được một đoạn ngắn. Sau đó họ đón xe ôm đi đến một bệnh viện khác mà họ tin tưởng hơn.

***

Hiện nay vụ việc vẫn chưa có thể sáng tỏ, và không biết sẽ kết cục ra sao. Chúng ta chỉ biết mong ước hoặc cầu nguyện cho mục sư Thạch. Qua sự việc này ta thấy an ninh CSVN rất hung hãn, quyết liệt trấn áp bất cứ ai − mà họ biết được − dám chụp hình để đưa tin về những cuộc biểu tình của dân oan. Họ trấn áp không phải vì vấn đề an ninh hay ổn định xã hội. Nhà cầm quyền CSVN thừa biết việc biểu tình đòi quyền lợi của dân nghèo không hề là vấn nạn an ninh hay bất ổn xã hội, mà chính hành vi cướp nhà đất gây bất công khắp nơi của các quan tham mà chế độ muốn dung dưỡng mới tạo nên những bất ổn cho xã hội.

Khối bất động sản khổng lồ − gồm nhà cửa, đất đai của dân nghèo các tỉnh, kể cả của những người dân nghèo nhất nước là các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên − là cội nguồn kích thích lòng tham vô tận của các quan tham đầy quyền lực hiện nay. Họ chủ trương trấn áp thẳng tay dân oan là để tiền, vàng chảy vào các tài khoản ngân hàng vốn đã kếch sù của họ, vào những két sắt đã đầy ắp trong những căn biệt thự khắp nơi của họ. Tóm lại, vì lợi ích của thiểu số rất nhỏ đang nắm quyền tối thượng trong nước mà công an, quân đội, các cơ quan hành chánh và những công cụ khác đang bị tận dụng, khai thác triệt để hầu bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị thối nát. Do đó, những Phạm Ngọc Thạch, những Bùi Kim Thành, những Hồ Thị Bích Khương… hay bất cứ ai binh vực dân oan đều phải chấp nhận trả giá rất đắt, có khi phải chấp nhận thiệt mạng nữa.

Rất mong anh em công an nên sớm nhận ra điều nầy: ai đấu tranh cho dân oan, cho công nhân viên chức nghèo, cho quyền lợi dân tộc mới chính là người các anh em phải bảo vệ. Và cũng rất mong những người đầy tình người hãy tìm mọi cách có thể để bảo vệ tính mạng đang bị lâm nguy của họ.

Tục ngữ Việt có những câu: “Trời cao có mắt”, “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt”; Thánh Kinh cũng viết: “Kẻ ác sẽ bị diệt vong”. Những câu ấy chính là niềm tin và hy vọng cho bất cứ ai dám đứng lên vì dân vì nước, chống lại bất công đang tràn lan trong xã hội. Đế quốc Liên Xô tham tàn, những ngai vàng đỏ giàu sụ bất chánh tại Đông Âu cũ đã tan biến chứng minh các lời tiên tri ấy.


Phóng viên tự do Khối 8406 tổng hợp tin tức từ những cuộc phỏng vấn riêng tư với những người có liên hệ trong vụ việc. (Vì đường dây liên lạc để có thể gửi hình đang bị khống chế, chúng tôi chưa có được những hình ảnh mà chúng tôi muốn có khi chúng tôi muốn gửi sớm bản tin này. Hy vọng chúng tôi có thể đưa thêm hình sau)

____________________________
Phần chú thích:
(1*) Đường Lý Chính Thắng chứ không phải đường Cao Thắng như trong bản chép lại phần ghi âm của đài RFA
(2*) Đường Công Lý cũ, nay là đường Nguyễn văn Trỗi.
(3*) Ms Thạch đã từng tích cực tham gia trong việc tranh đấu giúp Ms Trương Văn Ngành bảo vệ nhà thờ Tin Lành quận 2 bị nhà cầm quyền quận 2 phá sập để chiếm đất vào giữa năm 2003. Xin xem thêm các bản tin:
http://www.lenduong.net/spip.php?article3883 , http://www.doi-thoai.com/vuan_tinlanh03.html , http://www.danviet.net/biensoan/read.asp?Article_ID=113 ...

Ms Thạch cũng đã từng bắt, bị xử án chung với Ms Nguyễn Hồng Quang năm 2004 và ông bị kết án hai năm tù, còn Ms Quang bị kết án 3 năm cũng vì bảo vệ nhà thờ của mình mà nhà cầm quyền quận 2 quyết tâm triệt hạ. Xem
http://www.vietnamhumanrights.net/website/NHQ_041205.htm , http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050411_tinlanhtrial.shtml

(4*) Ông đã từng bị công an bắt và tra tấn nhiều lần chỉ vì muốn bảo vệ công lý, chống bất công, bảo vệ tôn giáo: http://www.lenduong.net/spip.php?article7151 , http://www.mucsu.net/detailnews.asp?News_ID=175

31/10/2008 23h

CTM Phỏng vấn do H.Hà thực hiện


Boomp3.com

No comments: