Tuesday, July 15, 2008

Asia Times: Hãy dâng một lời cầu nguyện cho Việt Nam

Preeta D Bansal and Richard D Land, Asia Times 15/7/08, Khánh Ðăng lược dịch


HOA THỊNH ÐỐN – Vài ngày sau khi vừa đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong một quá trình theo đuổi khá lâu để được xác nhận có một tư thế trên trường quốc tế, thì chính phủ Việt Nam đã đưa ra những lời cảnh cáo nham hiểm đến các vị lãnh đạo Phật giáo là không được biến tang lễ của vị tăng thống 87 tuổi của giáo hội bị cấm đoán thành một “cuộc biểu dương chống nhà nước”.

Thay vì đưa ra những lời đe doạ để tiếp tục xúc phạm đến những tiêu chuẩn quốc tế thông thường về tự do tôn giáo, thì nhà nước Việt Nam nên chấm dứt những hạn chế vô lý đối với tổ chức Phật giáo lớn nhất Việt Nam, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Khi đảm đương một vị trí quan trọng ở Liên Hiệp Quốc trong tháng này, Việt Nam nên bảo vệ, chứ không nên vi phạm đến các quyền tự do căn bản.

Sự đe doạ gần đây nhất đối với GHPGVNTN theo sau sự viên tịch của Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, vị tăng thống của GHPGVNTN được kính trọng khắp nơi như một chiến sĩ tranh đấu cho tự do và nhân quyền. Vì sự tranh đấu một cách ôn hòa mà ngài đã phải trải qua nửa cuộc đời bị giam giữ hoặc trong tù, đầu tiên là dưới chế độ của nhà cầm quyền thực dân Pháp, rồi chính phủ miền Nam, và cuối cùng là nhà nước cộng sản. Ngài qua đời vào ngày 5 tháng 7 tại tu viện nơi ngài bị quản thúc từ năm 2003.

Vị lãnh đạo mới tạm thời, Hoà thượng Thích Quảng Ðộ, và hầu hết các vị lãnh đạo lão thành khác của GHPGVNTN, cũng bị đặt dưới một kiểu giam cầm. Thậm chí ngay cả các nỗ lực mới đây của giáo hội để thành lập các tổ chức từ thiện và gia đình Phật tử ở các tỉnh đã gặp phải sự sách nhiễu, hăm doạ, và bắt bớ. Chế độ Hà Nội coi sự ủng hộ ôn hoà của các nhà sư cho tự do và nhân quyền là một mối đe dọa đến “sự ổn định” của nhà nước. Ngược lại, hàng triệu người Việt Nam coi GHPGVNTN là một tổ chức tinh thần và nhân đạo vô cùng cần thiết.

“Sự viên tịch của Hòa thượng Thích Huyền Quang tạo ra một cơ hội hiếm có cho nhà nước Việt Nam để vinh danh một nhà tranh đấu không biết mệt mỏi cho nhân quyền, bằng cách cho phép GHPGVNTN được thực hiện quyền tự do tôn giáo đúng theo các quy tắc quốc tế thông thường, để tự do chọn lựa vị lãnh đạo của riêng họ, và được tiến hành các sinh hoạt tôn giáo mà không bị quấy rầy. Nhưng thật đáng buồn, điều này sẽ không có khả năng xảy ra.

Chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục công khai ca ngợi Việt Nam về các tiến bộ đã đạt được trong việc nới rộng sự bảo vệ cho các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Trong một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ hồi tháng trước của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush đã tán dương các nỗ lực của nhà nước Việt Nam nhằm cải thiện tự do tôn giáo.

Nhưng một lời tuyên bố như vậy không phản ánh đúng sự thật tại Việt Nam. Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, một cơ quan độc lập cấp liên bang, đã đến Việt Nam hồi cuối năm ngoái để gặp gỡ các viên chức cao cấp của nhà nước Việt Nam và các vị lãnh đạo tôn giáo lão thành, trong đó có GHPGVNTN cũng như các thành viên của xã hội dân sự Việt Nam. Ít nhất có 30 nhà tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo và quyền lợi lao động đã bị bỏ tù hơn một năm, sau khi họ bị bắt vào năm 2007, và nhiều người khác bị theo dõi thường xuyên.

Các tín đồ và cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam cũng tiếp tục phải chịu đựng sự quấy rầy, hăm dọa và theo dõi xâm lấn nặng nề của nhà nước, đặc biệt là những người tranh đấu ôn hoà cho một quyền hạn lớn hơn về tự do tôn giáo hoặc muốn được độc lập tổ chức mà không bị nhà nước kiểm soát. Hàng chục cá nhân đang bị tù hoặc bị giam giữ vì các lý do liên quan đến các hoạt động tôn giáo hoặc cổ xuý cho tự do tôn giáo, mặc dù có sự khẳng định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng không còn bất cứ một người nào gọi là “tù nhân đáng quan tâm” tại Việt Nam.

Các cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Việt Nam vẫn phải chịu đựng sự sách nhiễu, bắt bớ và ngược đãi giống như đối với các nhà sư của GHPGVNTN, điều này trực tiếp mâu thuẫn với các tuyên bố cho rằng tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được cải thiện rất đáng kể, để bảo đảm cho việc tháo gỡ Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo. Phật giáo là một tôn giáo chính trong dân số 86 triệu người ở Việt Nam và sự đàn áp liên tục đối với GHPGVNTN vẫn là một điều tệ hại rất hiển nhiên trong thành tích vi phạm nhân quyền của Việt Nam mà chúng ta không được phép làm ngơ.

Giữa năm 2004 và 2006, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) dưới Ðạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế 1998. Việc chỉ định này đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải tăng cường các biện pháp ngoại giao, bao gồm cả việc trừng phạt lẫn khuyến khích các quốc gia để cam kết với Hoa Kỳ về các đường lối nhằm bảo vệ cho quyền tự do căn bản này.

Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều bước tích cực để mở rộng tự do tôn giáo cho đến năm 2006, khi họ được tháo gỡ ra khỏi danh sách CPC. Rồi sau đó, tự do tôn giáo lại bị trì hoãn: các tù nhân tôn giáo vẫn bị tù, cộng thêm các vụ bắt bớ mới, và nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau một lần nữa lại phải đối diện với nhiều hạn chế. Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã xét thấy chính phủ của ông Bush hành động quá sớm sủa và đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Trong khi mối quan hệ Mỹ - Việt đang đi lên, thì Hoa Kỳ nên suy xét rõ ràng hơn về việc đề thảo ra các chính sách để áp lực nhà nước Việt Nam phải chấm dứt các vi phạm trầm trọng về tự do tôn giáo, bao gồm cả việc bắt bớ bừa bãi các nhà bất đồng chính kiến, và mở rộng sự bảo vệ của luật pháp để phù hợp với các quyền làm người đã được quốc tế công nhận.

Các vị lãnh đạo dũng cảm của GHPGVNTN cùng chư tăng và các Phật tử xứng đáng được hưởng quyền tự do hành đạo, mà không lo sợ bị nhà nước sách nhiễu và bắt bớ, như các nguyên tắc mà quốc tế đã quy định. Các chính sách và chương trình của người Mỹ nên chỉ rõ cho thấy - bằng lời nói lẫn hành động - rằng Hoa Kỳ kiên quyết đứng bên cạnh tự do, và nhân quyền ở Việt Nam.

Preeta D Bansal, một tổ hợp viên của công ty luật quốc tế Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom LLP, và Dr. Richard D Land, chủ tịch Uỷ ban Tự do Tôn giáo và Ðạo lý của Southern Baptist Convention, đồng thời là thành viên của Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế

http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/JG15Ae01.html

No comments: