Phỏng vấn Thuyền trưởng USNS Mercy
7/2008
DCVOnline – Phỏng vấn
DCVOnline phỏng vấn thuyền trưởng tàu bệnh viện USNS Mercy công tác nhân đạo ở Nha Trang, Việt Nam
DCVOnline: Như đã đưa tin, tàu bệnh viện của hải quân Hoa Kỳ đến Nha Trang, Việt Nam mười một ngày để khám và chữa bệnh cho người dân địa phương trong chiến dịch Công tác Thái Bình Dương 2008 cuối tháng Sáu vừa qua. Đặc biệt năm nay, Chiến Dịch Nụ Cười 2008 (Operation Smile) đã thực hiện nhiều ca mổ ngay trên tàu cho các trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở mặt .News Editor của DCVOnline có dịp “trà đàm” với Thuyền trưởng Robert T. Wiley và Kỹ sư trưởng Joseph Watts của tàu bệnh viện USNS Mercy. Câu chuyện trong buổi trà đàm này không những chỉ nhằm trình bày lại những hoạt động của USNS Mercy ở Nha Trang mà còn là những mẩu chuyện đời thường, rất thường, của hai sĩ quan cao cấp nhất của tàu trong thời gian công tác ở Nha Trang.Mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn, trò chuyện giữa Thuyền trưởng Wiley, Kỹ sư trưởng Watts và Nguyên Hân.
USNS Mercy
Nguồn: http://mercycaptain.blogspot.com
Nguyên Hân: Chào thuyền trưởng Wiley. Xin ông vui lòng cho độc gỉa DCVOnline biết cảm nhận của ông khi tàu ghé vào làm việc ở Nha Trang.
Thuyền trưởng “Bob” Wiley của USNS MERCY. Nguồn: Bob Wiley
Thuyền trưởng Wiley: Tôi tin rằng qua Chiến dịch Nụ Cười năm nay, chúng ta đã đi một bước nữa - một bước thật dài – trong mối quan quan hệ giữa hai nước ngày càng gần gũi hơn. Chúng tôi lấy làm sung sướng đã có dịp làm việc với các đối tác Việt Nam và giúp đỡ cho các bệnh nhân Việt Nam đang cần chăm sóc sức khỏe ở vùng Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa.
Nguyên Hân: Xin ông vắn tắt những công tác chính của USNS Mercy ở Nha Trang lần này?
Thuyền trưởng Wiley: Chúng tôi có sáu chương trình để làm việc với chính quyền sở tại: 1. Khám, Chữa bệnh và Mổ ngay trên tàu, 2. Chương trình Trợ giúp Dân sự Y Nha khoa, 3. Chương trình Trợ giúp Dân sự Kỹ thuật, 4. Chương trình Trợ giúp Thú y, 5. Chương trình Trao đổi Chuyên đề giữa các chuyên gia, và 6. Chương trình Phát triển Quan hệ Cộng đồng. Ở Việt Nam, thì chương trình thứ 4 về Thú y, chúng tôi không thực hiện, vì phía Việt Nam không yêu cầu. Trong những chương trình trên thì chương trình Khám, Chữa bệnh và Mổ ngay trên tàu (On-board Surgical, medical, and diagnostic care) là mạnh mẽ nhất, vì điểm mạnh là tàu có 12 phòng mổ, có ngân hàng huyết, CT scanner, phòng cấp cứu hồi sức (ICU)…
Nguyên Hân: Lúc đầu chúng tôi chỉ muốn hỏi vắn tắt, nhưng bây giờ “có sự đổi ý”, xin ông nói thêm về những công tác này.
Thuyền trưởng Wiley: (Cười)… Chúng tôi lúc đầu dự trù mổ 300 trường hợp ở Nha Trang, nhưng cuối cùng chỉ thực hiện được 234 ca. Một phần ba trong số này là các trẻ em bị bệnh sứt hàm ếch, hoặc vòm họng. Bên cạnh đó, có những ca mổ kéo màn mắt (cataract), mổ lấy bướu u nan buồng trứng, mổ lấy tử cung, mổ cắt bỏ túi mật, mổ thoát vị bẹn cho các em trai vị thành niên.
Như tôi trình bày, chương trình thứ hai là Chương trình Giúp đỡ Dân sự Y và Nha khoa (Medical and Dental Civil Assistance Projects) là tiếp cận với nhiều bệnh nhân nhất. Chúng tôi có hai nhóm MEDCAP và DENCAP khác nhau vào bờ làm việc hằng ngày. Mỗi nhóm có khoảng 35 đến 50 bác sĩ, nha sĩ, y tá, chuyên viên y tế, cứ mỗi sáng là họ rời tàu đến các bệnh xá hay trường học để làm việc, nghĩa là khám và chữa bệnh miễn phí cho người dân, riêng về nha khoa thì thường là nhổ răng. Trung bình mỗi nhóm khám khoảng 500 bệnh nhân mỗi ngày. Ngoài ra, chúng tôi còn gởi những chuyên viên phòng dịch đến làm việc với chuyên viên y tế địa phương để trao đổi kinh nghiệm và giúp hướng dẫn họ về những vấn đề y tế cộng đồng.
Chương trình Trao đổi giữa các chuyên gia, căn bản là chuyên viên y tế từ tàu đến các bệnh xá và bệnh viện ở địa phương để huấn luyện nhân viên y tế địa phương, cũng như gởi nhân viên kỹ thuật đến sửa chữa một số trang thiết bị y khoa ở bệnh viện địa phương bị hỏng và đồng thời huấn luyện họ sự bảo trì máy móc y khoa.
Nguyên Hân: Chương trình nào theo ông thuyền trưởng là “ăn khách” nhất?
Thuyền trưởng Wiley: Chương trình thứ sáu Phát triển Cộng đồng là chương trình sinh động và ăn khách nhất. Vì bên cạnh những công tác nhân đạo và từ thiện là sự kết nối giữa con người - người Mỹ và người Việt Nam, và Chương trình Phát triển Cộng đồng nhắm vào mục đích này. Đã có những cuộc đấu bóng đá giữa thủy thủ đoàn và người dân địa phương thật là vui, hoặc thủy thủ đoàn tình nguyện đi sơn trường học, sửa trung tâm dành cho trẻ em mồ côi, xây hồ nước dự trữ cho các em. Nhưng cái ăn tiền nhất, vâng cái lôi cuốn khán gỉa nhiều nhất là màn trình diễn nhạc ở những trường học hoặc bệnh xá này. Sao? Cái gì làm ông Nguyên Hân cười? Vâng, USNS Mercy có ban quân nhạc Pacific Fleet Band đi theo, nói cho anh biết lần nào ban nhạc này trình diễn là cũng thu hút vô số người, đặc biệt là qúy vị khán gỉa con nít…
Nha Trang, Việt Nam hôm 26 tháng Sáu: Hình chụp Bác sĩ Nha khoa Viet Tran Trung, phải, một người làm việc thiện nguyện cho NGO East Meets West Foundation, và anh John Chan, của đại học California đang chữa cho bệnh nhân. Nguồn: U.S. Navy phots by Mass Communication Specialist 3rd Class Joshua Valcarcel
Nguyên Hân: Hình như ông quên đề cập đến Chương trình Trợ giúp Dân sự Kỹ thuật?
Thuyền trưởng Wiley: Ồ, Chương trình này do công binh của hải quân Hoa Kỳ (Seabees) và Ban Kỹ thuật tàu Mercy đảm trách. Căn bản là đi sửa trường học và bệnh xá. Năm này chúng tôi có sáu dự án để hoàn tất. Và cũng rất may mắn là năm nay có công binh của Úc Đại Lợi (Australia) đi theo tàu và phối hợp làm việc với chúng tôi trong những dự án này.
Nguyên Hân: Những bệnh xá hay trường học nào mà phái đoàn nhân viên tàu Mercy đến làm việc ở Nha Trang và vùng phụ cận? Và kết qủa cuối cùng?
Thuyền trưởng Wiley: Đó là bệnh xá Điện Hòa, bệnh xá Diễn Điền, bệnh xá Vĩnh Trung, ngoài ra là trại trẻ em mồ côi Ninh Hòa, và Trung tâm Giáo Dục và Cai nghiện (Rehab) Khánh Hòa.
Nói tóm tắt, phái đoàn của USNS Mercy đã thực hiện được 234 ca mổ, khám và cho thuốc 11,576 bệnh nhân, đã hoàn thành sửa chữa ba bệnh xá, một trung tâm Giáp dục và Cai nghiện, và một trung tâm trẻ em mồ côi. Ngoài ra, đoàn kỹ thuật viên của tàu cũng sửa chữa một số dụng cụ, trang thiết bị y khoa ở các bệnh viện địa phương và những máy móc này đã được hoạt động trở lại bình thường, tổng trị gía của những máy móc này được đánh gía khoảng chừng 300.000 đô-la.
Nguyên Hân: Bây giờ xin hỏi chuyện đời tư của thuyền trưởng kiêm thủy thủ Wiley. Ông có thời gian xuống phố trong thời gian ở Nha Trang?
Thuyền trưởng Wiley: Rất ít, vì qúa bận rộn trên tàu. Tiếp khách, đặc biệt là các viên chức nhà nước cũng là một phần nghi lễ, nên tôi rất bận. Tuy nhiên, tôi cũng có dịp xuống phố đi “thăm dân cho biết sự tình.”
Nguyên Hân: Ông thấy thế nào?
Thuyền trưởng Wiley: Rất tương phản. Ở vùng đã phát triển thì khách sạn, cao ốc rất đẹp, tân thời như ở Singapore, Hong Kong... , nhưng chỉ đi xa ra ngoài chút xíu là nhà cửa lụp xụp tồi tàn. Nó tương phản đến độ làm tôi liên tưởng đến cảnh bên này đường rầy xe lửa là một cảnh đời giàu có, sung túc và chỉ ngay bên kia đường rầy là một cảnh đời nghèo nàn khốn khó.
Hình chụp các viên chức chính phủ Việt Nam chào tạm biệt Captain Bill Kearns, Chỉ huy trưởng Chuyến Công tác này; Captain Bob Wiley, Thuyền trưởng USNS Mercy; và Captain Jim Rice, Chỉ huy trưởng Cơ sở Điều trị Quân đội. Hình do Captain Wiley gởi cho DCVOnline
Nguyên Hân: Vâng. Thế thì về phương diện làm việc. Ông nhận thấy các đối tác người Việt Nam và của chính quyền Việt Nam như thế nào?
Thuyền trưởng Wiley: Ở cấp địa phương, thì họ làm việc với chúng tôi rất tốt, rất hợp tác với nhau để làm việc có kết qủa như mình mong muốn. Nhưng ở cấp cao hơn thì … quan liêu hết biết. Làm như là chuyện của ai đâu. Không ai đứng ra giải quyết vấn đề một cách dứt khoát cho công việc có thể tiếp tục mà cứ chạy vòng vòng… (cười). Ô, luôn tiện nói đến chuyện này, tôi muốn nói là đã có một số bác sĩ Việt Nam xuống tàu làm việc cùng chúng tôi trong công tác chữa bệnh. Đặc biệt là có một bác sĩ chuyên khoa mắt ở bệnh viện Mắt Nha Trang đây, tôi nghe các bác sĩ trên tàu khen anh ta hết sức. Họ bảo tay nghề anh bác sĩ Việt Nam này giỏi thuộc loại đẳng cấp quốc tế và họ rất phục.
Tôi rất mong muốn trong chuyến trở lại năm tới sẽ có nhiều chuyên viên y tế Việt Nam hợp tác cùng chúng tôi hơn. Đã có một viên chức cao cấp của Việt Nam hứa với chúng tôi là sẽ tăng cường sự cộng tác của các chuyên viên y tế Việt Nam cho lần sau.
Nguyên Hân: Điều gì làm ông nhớ nhất sau những ngày ở Nha Trang?
Thuyền trưởng Wiley: Nhớ gì nhất? Đó là những nụ cười rạng rỡ của các em bé bị sứt môi, sứt vòm họng sau khi mổ, lần đầu tiên thấy miệng của mình trở nên “lạ lẫm” không còn toang hoát nữa như trước đây, sau ca mổ, và những giọt nước mắt hân hoan trên khuôn mặt của cha mẹ em bé.
Thuyền trưởng "Bob" Wiley với chiếc nón lá Việt Nam mua từ Nha Trang. Hình do Nguyên Hân chụp, và được thu nhỏ lại theo ... yêu cầu của Capt. Wiley.
--------------------------------------------------------------------------------
Nguyên Hân: Vâng, cám ơn ông. Chúng tôi cũng đang thấy sự hân hoan đó trên khuôn mặt của ông bây giờ đây. Sự hân hoan cho một công tác nhân đạo được thành công mỹ mãn. Câu hỏi cuối cùng, ông có mua qùa gì ở Việt Nam làm kỹ niệm?
Thuyền trưởng Wiley: Cười lớn… Có, có. Chờ chút. Và ông đi lấy khoe chiếc nón lá Việt Nam mua ở Nha Trang. Ông đội chiến nón lá lên đầu, cười híp mắt...
Nguyên Hân: Thuyền trưởng Wiley, ông trông rất “đẹp” trong chiếc nón lá này. Ông không cho chúng tôi cũng chụp tấm hình này để chia sẻ với bạn đọc DCVOnline trên toàn cầu. Rất cảm ơn ông dù bận rộn, nhưng đã bỏ thì giờ “trà đàm” với DCVOnline.
© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------
Ghi Chú:
(1) Captain Wiley có trang blog riêng. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về chuyến hải hành Operation Smile 2008 tại Skipper's Scrivenings.
(2) Mời bạn đọc đón xem phần Phỏng vấn Kỹ sư trưởng của USNS Mercy vào ngày mốt.
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5235
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment