Lê Minh: CSVN âm mưu xóa sổ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Lê Minh
Tin Hoà thượng Thích Huyền Quang, Ðệ tứ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất (GHPGVNTN) qua đời hôm qua ngày 5 tháng 7 là cái tin buồn không riêng cho hàng ngũ chức sắc Phật giáo, Phật tử Việt Nam, mà còn là cái tang chung cho dân tộc Việt Nam, bởi vì ngài là lãnh tụ của một giáo hội bị CSVN liên tục trù dập, đàn áp, và ngài còn là hình ảnh của nhân từ bác ái, đối kháng với bạo quyền, không chấp nhận sự áp đặt việc chính trị hóa Giáo hội PGVNTN.
Trong thời gian gần đây, tình hình sức khỏe của ngài suy sụp. Đoán biết trước sự ra đi của ngài, cách đây mấy hôm các báo chí quốc doanh theo chỉ thị của Ban Tôn giáo và Ban Tư tưởng Trung ương đã đồng loạt “khai hỏa”, tấn công Giáo hội PGVNTN. Mở màn là Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), cái loa của chế độ, rồi kế đến là màn “hội đồng” của các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Quân đội Nhân dân, VietnamNet, Lao Động,... với cùng một văn phong (đương nhiên là “sao y bản chánh”), đã lần lượt tố khổ, bôi nhọ giáo hội bằng những ngôn từ lật lọng, đổi trắng thay đen không thể tưởng tượng được.
Bài viết trên các tờ báo này đã sử dụng cùng một phương châm: tâng nịnh HT. Thích Huyền Quang, trong khi nói xấu để tìm cách chia rẽ các thành viên trong hàng giáo phẩm và luôn tìm cách đánh đổ tính chính danh của Giáo hội PGVNTN.
Theo Giáo sử thì Giáo hội PGVNTN là tổ chức hợp nhất các giáo phái Phật Giáo VN, được hình thành vào tháng 1 năm 1964, với vị Đệ nhất Tăng thống (1964-1973) Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973), Đệ nhị Tăng thống (1973-1979) Hòa thượng Thích Giác Nhiên (1878-1979), Đệ tam Tăng thống (1979-1991) Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1905-1991) và kế đến là Đệ tứ Tăng thống (1991-2008) Hòa thượng Thích Huyền Quang (1919-2008) vừa viên tịch.
Trong suốt quãng thời gian gần nửa thế kỷ ấy, Giáo hội PGVNTN đã trải qua nhiều thăng trầm. Sau biến cố 1975, Giáo hội đã chịu sự trù dập đàn áp cay nghiệt của chính quyền CSVN. Năm 1981, để dễ bề cai quản, nhà nước CSVN đã cho thành lập Giáo hội Phật Giáo VN, và cũng để khai tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vì Giáo hội không chịu đặt mình dưới sự chỉ đạo chính trị của nhà nước CSVN thông qua Mặt trận Tổ quốc, một công cụ của Đảng CSVN.
Bản thân Hòa thượng Thích Huyền Quang cũng phải chịu nhiều trù dập bắt bớ, đặc biệt là kể từ khi ngài phải tiếp nối con đường của cố đại lão HT. Thích Đôn Hậu, gánh vác trách nhiệm của Giáo hội PGVNTN trong cương vị giáo chủ. Ngài đã nhiều lần bị chính quyền bắt bớ, giam cầm, quản chế tại gia, tại Tu viện Nguyên Thiều, ngăn cản không cho đi lại. Suốt những năm đầu của thế kỷ 21 này, chịu nhiều áp lực của dư luận, và chính khách quốc tế, thủ tướng CSVN Phan Văn Khải khi đó đã phải tiếp Ngài ở Hà Nội. Ngài đã đặt vấn đề yêu cầu nhà nước CSVN trả lại cho Giáo hội PGVNTN chính danh và quyền hợp pháp, thế nhưng Phan Văn Khải cũng chỉ ầm ừ hứa cuội cho qua chuyện.
Trở lại với việc các tờ báo và cơ quan truyền thông quốc doanh lợi dụng tình huống hiểm nghèo của Giáo hội PGVNTN để gây xáo trộn, TTXVN đã lố bịch khi cho rằng các chức sắc của Giáo hội PGVNTN toan tính “giành quyền tổ chức tang lễ” cho chính vị lãnh đạo của mình. Cái loa Thông Tấn Xã này còn nhai lại sáo ngữ quen thuộc khi cho rằng chính quyền địa phương đã “chỉ đạo” việc chăm sóc cho Hoà Thượng tại bệnh viện. Thì ra, tại Việt Nam hiện nay, chỉ khi nào có sự “chỉ đạo” đặc biệt của chính nhà nước thì bệnh nhân mới được chăm sóc đàng hoàng, chứ không như tại các nước văn minh khác, một khi bệnh nhân được đưa vào bệnh viện thì các bác sĩ y tá đều phải hết mình cứu chữa, dù đó là một tội nhân, chứ chưa nói là một vi cao tăng được trọng vọng như trường hợp của đại lão HT. Thích Huyền Quang.
Nếu sự quan tâm ưu ái này là có thật thì rõ ràng đó là một mưu mô có tính toán dưới bàn tay “chỉ đạo” đầy lông lá của nhà nước CSVN. Bản thân HT. Thích Huyền Quang đã từng bị tù đày, vu vạ, quản chế không được đi lại tự do. Nhớ lại hồi năm 1992, trưởng ban Dân vận khi đó là Phan Văn Tánh đã ra chỉ thị mật về việc “Huyền Quang và số phần tử hoạt động chống đối”, để lệnh cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh) phải triệt hạ uy tín ngài.
Cách đây mấy năm, khi ngài và phái đoàn phật tử trên đường đến Lương Sơn gần thành phố Nha Trang, thì bị công an chận bắt. Sau đó các cán bộ Mặt trận Tổ quốc và công an thay phiên nhau khám xét thân thể và hỏi cung ngài suốt hơn 8 tiếng đồng hồ.
Thử hỏi chỉ với hai ví dụ điển hình trong một quãng thời gian gần như vậy, có lý nào nhà nước CSVN lại thay giọng đổi tánh nhanh như vậy?
Chính nhà nước CSVN đã quản thúc ngài suốt nhiều năm và ngăn cản sự đi lại của ngài, vậy mà TTXVN đã ngậm máu phun người, trân tráo lật lọng khi lập luận rằng các thị giả hầu cận của ngài là những người đã được Giáo hội PGVNTN cử ra để quản thúc ngài. Thật là nực cười không thể chịu nổi!
TTXVN còn cho rằng các chức sắc Giáo hội PGVNTN lợi dụng tình huống này để “công khai hóa một tổ chức bất hợp pháp mang tên Giáo hội PGVNTN”. Đây là một lập luận ấu trĩ, vì chưa bao giờ trong lịch sử Giáo hội của mình, Giáo hội PGVNTN phải nhờ đến một nhà nước, chính quyền nào hợp pháp hóa danh xưng tổ chức của mình. Giáo hội PGVNTN đã hiện diện và tồn tại từ trước năm 1975, và hiện nay vẫn tiếp tục tồn tại mặc dầu CSVN đã và đang ra sức thủ tiêu, xoá bỏ sự hiện diện của giáo hội.
Khi đem so sánh Giáo hội Phật giáo VN (quốc doanh) với Giáo hội PGVNTN thì tờ Quân đội Nhân dân đã hớ hênh khi nói rằng Giáo hội Phật giáo VN (quốc doanh) “tuy thụ động, nhưng vẫn tốt”. Đương nhiên, lúc nào Giáo hội Phật giáo VN cũng “thụ động” bởi vì nó là giáo hội quốc doanh, do Đảng CSVN nặn ra và chịu mọi điều khiển sai bảo của Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc. Một giáo hội như vậy thì không thể là một giáo hội chân chính, phục vụ giáo đồ mà đã bị chính trị hoá tận gốc để phục vụ Đảng CSVN.
Trở lại với câu chuyện cứu trợ dân oan vào năm ngoái, khi thầy Không Tánh được Giáo hội PGVNTN công cử ra tận Hà Nội để trao tiền cho dân oan tại trụ sở khiếu kiện ở 110 Cầu Giấy, thì liền bị “5,6 anh công an ở ngoài lao vào, ... và giật lấy ... bì thơ trên tay” (lời phỏng vấn thầy Không Tánh trên RFA ngày 25/05/2007). Thầy Không Tánh sau khi bị đích thân thứ trưởng công an Nguyễn Văn Hưởng chất vấn, liền bị giải giao về lại Sài Gòn. Ấy thế mà TTXVN lại báo cáo láo rằng thầy Không Tánh được tự do đi lại để cứu trợ dân oan. Láo đến thế là cùng!
Tu viện Nguyên Thiều, nơi Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang bị quản thúc
Với tư cách là vị giáo chủ Giáo hội PGVNTN, và cũng là người sáng lập ra Tu viện Nguyên Thiều (Bình Định), Hoà thượng Thích Huyền Quang chắc hẳn phải có rất nhiều đệ tử, học trò, không riêng gì số tăng ni phật tử của Giáo hội PGVNTN, mà còn cả một số tăng ni hiện đang sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh). Nhất định ảnh hưởng của ngài đến phật tử và các tăng ni của cả hai giáo hội rất lớn. Lễ tang của HT. Thích Huyền Quang chắc chắn sẽ thu hút đông đảo chư tăng và phật tử tham dự. Do đó, nếu đám tang này do Giáo hội PGVNTN đứng ra tổ chức thì sẽ là mối lo cho nhà nước CSVN.
Nhưng nếu không phải Giáo hội PGVNTN đứng ra tổ chức thì ai có thể tổ chức đây? Không lẽ Giáo hội quốc doanh hay nhà nước đứng ra tổ chức sao? Một ông cụ vừa qua đời thì đám tang của ông cụ sẽ phải do chính con cháu mình tổ chức, chứ không lẽ là do hàng xóm tổ chức? Sao lại có chuyện vô duyên thế!
Nếu giành giật không được thì chắc chắn nhà nước sẽ quan tâm “chỉ đạo” cho công an đủ loại màu sắc, trùng trùng điệp điệp hiện diện tại tang lễ của Hòa Thượng vào ngày 11 tháng 7 này. Đó là điều mà nhiều người đã nghĩ đến.
Với sự ra đi của HT. Thích Huyền Quang, CSVN đang một lần nữa âm mưu xóa sổ dứt điểm Giáo hội PGVNTN. Do đó, việc CSVN mới đây đã ra lệnh cho báo chí quốc doanh tung chiến dịch vu khống HT. Thích Quảng Độ, chia rẽ nội tình giáo hội là điều dễ hiểu. Bởi vì Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, vị lãnh đạo tinh thần hàng thứ hai của giáo hội sẽ là vị kế thừa công việc dang dở của Ðệ tứ Tăng thống Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang.
Xin nguyện cầu cho Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, vị Ðệ ngũ Tăng thống của Giáo hội, tiếp tục cầm lái con thuyền Giáo hội PGVNTN vượt qua cơn giáo nạn.
Lê Minh
Sydney ngày 6 tháng 7 năm 2008
(TNTD DC)
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment