Friday, July 11, 2008

Những trang mạng gian trá

Phan Bạch Quán


Kẻ gian ăn cắp mật mã PayPal

Anh bạn tôi vừa bị một cú hoảng hồn: Mật mã (password) tài khoản Paypal của anh ta đã bị kẻ gian ăn cắp một cách trắng trợn và tài tình.

Sunny, một người Mỹ trắng, không phải “mới sinh ra ngày hôm qua” (not born yesterday), càng không xa lạ với chuyện mua bán (và lừa đảo) trên Net. Một hôm tình cờ mở tài khoản PayPal của mình để kiểm tra thì thấy một số tiền khá lớn từ trương mục ngân hàng của anh đã được đem ra trả cho một công ty nào đó ở Anh quốc.

May mắn cho bạn tôi, PayPal vẫn chưa giao tiền cho công ty kia (một công ty không địa chỉ). Anh ta vội vàng liên lạc với PayPal và ngân hàng báo cho cả hai nơi biết rằng đã có người mạo danh anh trong chuyến giao dịch này.


Chìa khoá an toàn của PayPal?
Nguồn: http://www.paypal.com
--------------------------------------------------------------------------------

Paypal hứa sẽ ngưng việc chuyển ngân và điều tra vụ việc, nhưng không có lời giải đáp thích đáng về lý do tại sao kẻ lạ có thể xâm nhập vào trương mục của khách trong khi Paypal luôn luôn quảng cáo về tính an toàn tuyệt đối của mình. Sunny chỉ còn cách nhớ lại tất cả những vụ mua bán gần nhất mong tìm ra manh mối cho việc anh bị mất mật mã.

Và Sunny nhớ ra tên một trang mạng anh đã có vào mua hàng và đã rất không vừa ý, đó là trang TECHONDigital (www.techondigital.com ). Nơi đây bày bán máy chụp hình và máy chỉ đường GPS (Global Positioning System) với giá rẻ hơn thị trường rất nhiều. Sunny đã đặt mua một máy GPS và trả tiền qua PayPal. Nhưng chỉ vài giờ đồng hồ sau một nhân viên bán hàng của công ty này đã gọi điện thoại và yêu cầu anh phải mua thêm thẻ nhớ (memory card) với giá đắt gấp nhiều lần giá ngoài thị trường. Sau một hồi nài ép nhưng không thuyết phục được Sunny, nhân viên bán hàng nói rằng: “Hiện bây giờ hàng đã bán hết nếu muốn mua phải đợi chuyến hàng sau” (back order). Đánh hơi thấy mùi lừa bịp, Sunny đã hủy bỏ cuộc mua bán này và không suy nghĩ thêm về nó nữa. Thế nhưng, khoảng một tuần lễ sau, có người trộm được mật mã Paypal của anh, kẻ gian này, theo Sunny suy đoán, chắc chắn có liên hệ tới website gian trá techodigital.com kia.

Sunny liền vào những trang web cảnh báo về hàng giả - công ty dzỏm để tìm kiếm them về công ty nói trên. Đúng như anh nghi ngờ, techodigital.com đã bị nhiều khách hàng ta thán vì ép khách mua thêm những thứ không cần thiết, nếu không ép được thì không giao hàng nhưng vẫn tính tiền khách qua thẻ tín dụng. Nếu khách nhận ra sự sai trái thì phải trình báo với công ty tín dụng để đòi lại tiền. Nhiều phần trăm khách không bị mất tiền nhưng thì giờ và công sức bị phí phạm oan uổng. Những trang mạng gian trá này sau một thời gian sẽ đột nhiên mất tích trên Net, hàng mua về, nếu có hư hỏng, khách cũng không biết kiếm ai để khiếu nại. Nếu có nhờ PayPal can thiệp thì cũng rất lâu lắc phiền toái.

Tuy nhiên lừa bịp khách để bán hàng là một chuyện, còn ăn cắp thông tin cá nhân lại là một chuyện khác. Điều có thể xảy ra là khi người mua nhấn vào nút Paypal có sẵn trên trang web để trả tiền bằng thẻ tín dụng hay trương mục ngân hàng của mình (đã đăng ký với PayPal) thì bị một hệ thống gài đặt sẵn trên trang này ăn cắp mật mã. Sau đó, như đã xảy ra cho Sunny, kẻ gian chỉ còn tà tà đi mua sắm bằng tiền người khác qua PayPal.


Bài học kinh nghiệm

Để ngăn chận vụ giao dịch bất lương vừa kể, anh bạn tôi đã mất nguyên một ngày làm việc để liên lạc với ngân hàng và PayPal. Dù không mất tiền và được PayPal hứa sẽ điều tra thêm về vụ việc nhưng từ rày xắp tới Sunny nhất định sẽ giữ những nguyên tắc sau:

1. Không giao dịch với những trang mạng lạ trên Net.

2. Nếu bắt buộc phải mua hàng của những trang web lạ, phải “điều tra” kỹ lưỡng uy tín của cửa hàng. Có rất nhiều trang mạng cho người mua viết những lời phê bình và phàn nàn. Những trang web này có tên chung là “gripe sites”. Một trang web bao gồm nhiều gripe sites nhất là trang WebGripeSites.com (www.webgripesites.com )

3. Nếu trả tiền bằng PayPal, bạn nên vào tài khoản của mình trên trang nhà của PayPal rồi qua đó trả tiền cho cửa hàng. Đừng bao giờ trả tiền bằng nút PayPal được gắn sẵn trên trang web của cửa hang.

4. Thường xuyên thay đổi mật mã của tài khoản PayPal, nhất là sau khi mua hàng từ những trang web lạ.


Làm được gì nếu bạn đã bị lừa gạt?

Trong trường hợp bạn đã bị những trang mạng gian trá lừa lấy tiền hay ăn cắp thông tin cá nhân hãy làm ngay những điều dưới đây:

1. Gởi thơ tới trang mạng gian trá và cho họ biết rằng bạn không hài lòng với dịch vụ của họ và sẽ báo với Better Business Bureau và các Văn phòng Bộ trưởng Tư Pháp của tiểu bang…, cũng như cho các công ty liên hệ như PayPal biết chuyện.

2. Liên lạc với công ty thẻ tín dụng, ngân hàng, PayPal... để họ làm những thủ tục ngăn chặn hay điều tra vụ việc.

3. Gởi thơ khiếu nại đến văn phòng đặc trách pháp luật tổng quát ở tiểu bang bạn đang cư ngụ (Bộ Tư Pháp tiểu bang, Cơ quan bảo vệ người tiêu thụ) nếu bạn ở Hoa Kỳ. Tìm cơ quan này bằng cách đánh vào Google “consumer protection agency tên tiểu bang”. Cơ quan này sẽ không trả lời trực tiếp cho bạn đâu, nhưng cứ yên tâm, nếu có nhiều người “bức xúc” như bạn khiếu nại chắc chắn cơ quan này sẽ điều tra.

4. Đưa tên trang mạng gian trá lên những “gripe sites”.
Những web sites dưới đây cũng cho bạn ghi lại lời khiếu nại:

Complaints Board (www.complaintsboard.com ),
my3cents.com (www.my3cents.com ),
consumeraffairs.com (www.consumeraffairs.com ),
The Squeaky wheel (www.thesqueakywheel.com ),
Riffoff Report (www.ripoffreport.com )


192 báo cáo của khách hàng than phiền bị lừa
Nguồn: ripoffreport.com
--------------------------------------------------------------------------------

Theo ý riêng của người viết, trang Riffoff Report (www.ripoffreport.com ) là web site dễ xử dụng nhất và có tác dụng nhất. Sau khi đã viết lời khiếu nại của mình trên trang này, bạn hãy in nó ra rồi gởi đến công ty gian dối kia (hay gởi link online). Hãy cho bên kia thời gian để trả lời và thỏa thuận với bạn. Đừng quên hứa rằng nếu vụ việc được giải quyết thỏa đáng bạn sẽ đăng tiếp (trên http://www.ripoffreport.com ) kết quả tốt đẹp để trả lại tiếng tốt cho công ty đó. Khi thấy bạn tỏ ra hiểu biết pháp luật và làm việc có “bài bản” các công ty gian trá thường chịu thua và bồi hoàn thiệt hại cho bạn. Nếu vẫn không được giải quyết thoả đáng, bạn gởi điện thư tiếp, báo cho mạng bán dịch vụ/hàng hoá biết sẽ nhờ các cơ quan liên hệ can thiệp.

Cuối cùng, hãy gởi bài viết này cho bạn bè thân hữu để họ đề phòng những hành vi lừa đảo trên Net. Người viết mong sao mọi người sẽ tránh được cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” như anh chàng Sunny tội nghiệp kia. Và cũng rất mong mọi người bổ túc thêm cho những điều đã viết ở trên. Xin chân thành cám ơn.

© DCVOnline
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5231

No comments: