Friday, October 17, 2008

Một Vụ Kết Án Có Dụng Ý?

Một Vụ Kết Án Có Dụng Ý?
Trung Điền


Ký giả Nguyễn Việt Chiến (Hình AFP)

Sáng ngày 15 tháng 10 năm 2008 vừa qua, tòa án thành phố Hà Nội đã tuyên án bốn người liên hệ trong vụ án gọi là lợi dụng chức quyền và quyền tự do dân chủ, tạo xáo trộn xã hội qua vụ tham nhũng PMU 18 gồm Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên cục trưởng cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) bị cảnh cáo; Thượng tá Đinh Văn Huynh, nguyên trưởng phòng 9 thuộc cục điều tra C14 bị 1 năm tù; ký giả Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) bị án treo 24 tháng; ký giả Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) bị 2 năm tù giam. Qua kết quả tuyên án cho thấy là ký giả Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên bị nặng nhất vì ông đã không nhận tội và khẳng định “không làm gì sai trái” chỉ loan tải theo những tin tức từ các cơ quan điều tra của Bộ công an. Trong khi đó, ký giả Ngưyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ thì lúc đầu cũng bị kết án như ký giả Nguyễn Việt Chiến nhưng vào ngày cuối, ông Hải nhận đã làm sai và chịu trách nhiệm về những hành vi của mình nên tòa đã tha.

Mấu chốt của vụ án nằm ở hai điểm mâu thuẫn quan trọng như sau:

Thứ nhất, hai ông Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh là nhân vật chính trong vụ điều tra vụ án tham nhũng PMU 18. Mọi tin tức, thông tin của vụ án đều tung ra từ hai nhân vật này. Tuy hai ông này bị cáo buộc là tiết lộ thông tin vụ án cho báo chí và báo cáo thông tin sai lạc cho cấp trên để gây những hiểu lầm trong nội bộ, nhưng ông Quắc thì chỉ bị cảnh cáo trong khi ông Huynh là thuộc hạ của ông Quắc bị 1 năm tù giam. Nếu có tội theo đúng sự cáo buộc của tòa thì Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc phải chịu mức án ít ra là 1 năm hay nhiều hơn so với Thượng Tá Đinh Văn Huynh.

Thứ hai, cả hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đều viết bài dựa theo những thông tin từ các cuộc họp báo của cán bộ Cục C 14 của Tướng Phạm Xuân Quắc, thế nhưng tòa án lại cáo buộc những nội dung các bài viết của hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến là sai lạc, gây hoang mang trong dư luận. Khi đối chất trước tòa, ký giả Nguyễn Việt Chiến cũng khẳng định các thông tin mà ông viết đều dựa vào những công bố của cục điều tra. Nhiều lần quan tòa cố tình ép buộc ông Nguyễn Viết Chiến phải thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm những nội dung đã viết; nhưng ông Chiến đã quy trách nhiệm đó cho cơ quan điều tra và những bài của ông viết đúng theo luật báo chí. Trong khi ông Hải thì nhận trách nhiệm về hành vi của mình, không cứng rắn phản bác như ông Chiến. Cuối cùng thì hai người đã bị hai bản án khác nhau.

Với hai điểm mâu thuẫn nổi bật nói trên, người ta nhìn thấy rằng vụ xét xử 2 nhà báo và 2 cán bộ cục điều tra tội phạm là một vụ kết án có dụng ý.


Ký giả Nguyễn Văn Hải (Hình AFP)

Thứ nhất, việc mang Tướng Phạm Xuân Quắc ra tòa là đòn trả thù của phe nhóm Nông Đức Mạnh muốn dằn mặt những cán bộ ngành công an đã thẳng tay đập vỡ ổ tham nhũng trong Bộ giao thông vận tải và nhất là đã kéo theo sự thất sủng hàng loạt cán bộ cao cấp của phe bảo thủ không được vào Trung ương đảng trong kỳ Đại hội toàn đảng X vào tháng 4 năm 2006. Khi nhận điều tra vụ án PMU 18, Thiếu Tướng Quắc đã tuyên bố rằng đây là vụ án đánh để đời, trước khi về hưu. Điều này cho thấy là Tướng Quắc đã chuẩn bị thế trận để chơi tới cùng với nhóm tham nhũng Nông Đức Mạnh. Nhưng khi đưa Tướng Quắc ra tòa với các tội lợi dụng chức quyền, cố ý làm lộ bí mật công tác.. chế độ chỉ đánh khẽ với bản án ‘cảnh cáo’.

Tuy muốn trả thù Tướng Quắc nhưng lãnh đạo Cộng sản Việt Nam vẫn còn sợ tướng Quắc – dù ông đã về hưu không còn quyền lực. Lý do là vì lãnh đạo Cộng sản Việt Nam từ Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Phan Văn Khải cho đến Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Lê Hồng Anh…. sợ tướng Quắc sẽ một lần nữa “lợi dụng quyền tự do tư tưởng” viết hồi ký kể lại những điều thâm cung bí sử qua các vụ án Năm Cam, vụ án Mường Tè (Lai Châu), vụ án Lã Thị Kim Oanh, vụ án tham nhũng Petro, vụ án Dung Quất…, mà chính Tướng Quắc có nhúng tay điều tra. Những vụ án động trời kéo dài nhiều năm nói trên không thể nào không dính đến các lãnh đạo đã và đang còn tại chức nếu Tướng Quắc kể lại những mẫu điều tra của ông. Do đó mà Cộng sản Việt Nam chỉ giơ cao nhưng đánh khẽ vì không muốn đẩy tướng Quắc vào thế phải trả thù cho trận chiến để đời cuối cùng của ông bằng một bộ hồi ký dài nhiều tập liên quan đến các tội tham nhũng của lãnh đạo.

Thứ hai, việc mang các nhà báo ra tòa là nhằm tạo một sự răn đe cho giới phóng viên, ký giả không nên quá đà đi sâu vào những loan tải các vụ án tham nhũng. Vì muốn răn đe nên Hà Nội chỉ bắt giam 2 trong hàng chục ký giả phóng viên đã từng làm các phóng sự vụ PMU 18. Điều không ngờ của Hà Nội là việc bắt giữ này đã gây ra một luồng phản cảm với những nghi vấn trong dư luận về thực tâm chống tham nhũng của lãnh đạo và coi đây là đòn trả thù của lãnh đạo Hà Nội đối với các cơ quan truyền thông. Do đó khi bị bắt, hai ký giả Nguyễn Văn Hải báo Tuổi trẻ và Nguyễn Việt Chiến báo Thanh Niên đã bị cáo buộc là lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhưng khi mang ra tòa thì đổi thành tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, để biến chiêu.

Vì chỉ muốn răn đe và cảnh cáo nên Hà Nội cố mớm ý để cho hai nhà báo nhận tội, nhưng không ngờ ký giả Nguyễn Việt Chiến lại khăng khăng từ chối việc nhận tội và cho rằng việc làm của ông hoàn toàn đúng theo luật báo chí của chế độ; chỉ có ông Nguyễn Văn Hải nhận sai trái trong việc làm của mình. Kết quả này đã đẩy Hà Nội ở vào thế lúng túng khó xử. Nếu tha bổng cả hai mà có một người nhận tội và một người không nhận tội thì không ổn tí nào. Cho nên việc kết án ký giả Nguyễn Việt Chiến 2 năm tù đã có một dụng ý của giới lãnh đạo Hà Nội nhằm trừng trị những ai không chịu khuất phục uy quyền của đảng.

Nói tóm lại, vụ xử án 2 cán bộ công an và 2 nhà báo qua vụ PMU 18 là một đòn trả thù lẫn nhau giữa các phe nhóm. Bốn người này chỉ là nạn nhân của những toan tính giữa các phe quyền lực khi những hành vi tham ô của lãnh đạo CS bị phơi bày trước công luận. Chỉ tội cho những người thực tâm muốn bài trừ tham nhũng đã trở thành những con dê tế thần trong các vụ xử án sát phạt của các nhóm quyền lực này.

Trung Điền
Nguồn: Việt Tân



Bà Nguyễn Thị Việt Hằng, chị nhà báo Nguyễn Việt Chiến, sau khi tòa tuyên án (Hình AFP)


Ðọc thêm:
Vụ xử hai nhà báo và hai sĩ quan công an cao cấp ngày 15/10/2008: bài học quý giá cho lực lượng công an
Việt Hoàng

Dư luận Việt Nam vừa có vẻ lắng xuống sau vụ Toà Khâm Sứ Hà Nội và Thái Hà thì lại được hâm nóng qua vụ xét xử hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) cùng hai sĩ quan cao cấp của Bộ Công An là cựu Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH - C14) và Thượng tá Đinh Văn Huynh (điều tra viên cao cấp của Bộ công an) liên quan đến vụ tham nhũng nổi tiếng nghiêm trọng PMU-18 với nhân vật chính là cựu thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến.

Bản án đã được Hội đồng xử án tuyên bố ngày 15/10/2008 với bị cáo Phạm Xuân Quắc là cảnh cáo, bị cáo Nguyễn Văn Hải là hai năm cải tạo không giam giữ, bị cáo Đinh Văn Huynh là một năm tù và Nguyễn Việt Chiến là hai năm tù giam.

Bản án đã gây nhiều tranh cãi xung quanh câu hỏi là: những người này có thật sự có tội hay không?

Tại phiên toà chỉ có mình nhà báo Nguyễn Văn Hải là “thừa nhận” có tội nhưng không cố tình, còn lại ba người kia đã kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc của Toà án. Ông Phạm Xuân Quắc cho rằng mình “vô tội”, ông Đinh Văn Huynh cho rằng “bị oan”, còn nhà báo Nguyễn Việt Chiến khẳng định rằng tất cả các bài báo ông viết không hề phân tích, bình luận thêm, và ông vẫn tin rằng đó là những thông tin có độ tin cậy cao, được phối kiểm từ nhiều nguồn chặt chẽ, có ghi âm lưu trữ chứ bị cáo không hề bịa ra tại thời điểm đưa tin.

Dư luận đánh giá vụ việc này như thế nào?

Hầu hết dư luận đều bất bình và phản đối việc bắt giữ, kết án những người này vì cho rằng họ là những người chống tham nhũng mạnh mẽ nhất. Mà tham nhũng tại Việt Nam thì được tất cả các vị lãnh đạo đảng to nhất khẳng định là “quốc nạn” và lúc nào cũng kêu gọi chống tham nhũng. Hành động bỏ tù những người phanh phui và tham gia việc chống tham nhũng đã đi ngược lại những lời hứa hẹn chống tham nhũng, khiến không những nhân dân Việt Nam mà còn cả cộng đồng quốc tế nghi ngờ quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền Việt Nam. Nhiều quốc gia và các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi trả tự do cho những nhà báo chống tham nhũng này.

Một phần nhỏ dư luận thì cho rằng những người vừa bị kết án này hoặc là “công cụ” hoặc là “tòng phạm” trong việc đấu đá, tiêu diệt, tranh giành lẫn nhau trong nội bộ đảng cộng sản, cụ thể là giữa phe ông Nguyễn Tấn Dũng và phe ông Nông Đức Mạnh. Nhưng dù động cơ “chống tham nhũng” có xuất phát từ đâu đi nữa thì những người này vẫn được ủng hộ, bởi vì dù vô tình hay cố tình thì họ cũng đã “đứng” về phía nhân dân, chống lại bọn tham nhũng, bọn “cướp ngày”, bọn “cướp cổ cồn”…

Bà luật sư Ngô Bá Thành, cựu chủ nhiệm ủy ban pháp luật Quốc hội đã từng nói một câu nổi tiếng là “Việt Nam có cả một rừng luật nhưng chỉ dùng một thứ luật duy nhất là luật…rừng”. Câu nói này có lẽ đúng trong vụ xử hai nhà báo và hai sĩ quan công an cao cấp ngày hôm nay.

Vụ tham nhũng nghiêm trọng nhất, lớn nhất Việt Nam trong năm 2006, vụ PMU-18, liên quan đến nhiều vị tai to mặt lớn trong chính phủ đã “chìm xuồng” lặng lẽ. Bị can chính trong vụ này là viên chức chính phủ cao cấp, cựu Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến. Nhân vật này đã được trả tự do sau hai năm giam giữ sau khi Viện Kiểm Sát Tối Cao tuyên bố là ông vô tội, sau đó đã được phục hồi đảng và công tác; nhưng chẳng bao lâu lại bất ngờ bị Ban bí thư trung ương đảng khai trừ và tước bỏ mọi chức vụ trong đảng. Theo dư luận thì ông Nguyễn Việt Tiến đã thoát khỏi vụ PMU-18 nhưng lại bị “dính chưởng” trở lại là do liên quan đến vụ ăn hối lộ ở dự án đường cao tốc Đông Tây tại TP HCM được vay từ vốn ODA của Nhật.

Dư luận ai cũng biết là con gái và con rể của ông Nông Đức Mạnh là nhân viên dưới quyền của ông Nguyễn Việt Tiến, rõ ràng cái ô dù che chở cho Nguyễn Việt Tiến nếu có thì không ai khác ngoài Nông Đức Mạnh. Ông Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh thì lại bắt giam Nguyễn Việt Tiến do sự chỉ đạo của chính phủ và sự bật đèn xanh của Nguyễn Tấn Dũng (khi nhận chức ông Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn là sẽ mạnh tay chống tham nhũng). Nhờ thế lực của Nông Đức Mạnh vẫn mạnh nên Nguyễn Việt Tiến mới ra tù và kết quả hôm nay là chuyện “tính sổ” với những “kẻ thù” đã dám “vuốt râu hùm”. Chính ông Phạm Xuân Quắc cũng đã ý thức điều đó qua những câu nói trước đây như “Vụ PMU-18 này là trận đánh lớn nhất trong cuộc đời tôi”, hay “Nếu không sắp về hưu thì tôi không dám làm vụ này”, và điều ông lo lắng đã xảy ra, dù ông đã về hưu thì cũng không thoát được sự “trừng phạt” của mấy “ông trời con”.

Dù rằng không ưu gì công an nhưng có lẽ nhiều người đã cảm thông, bùi ngùi khi nhìn thấy cảnh ông Tướng công an, người hùng một thời với mái tóc bạc trắng đứng trước vành móng ngựa như một kẻ tội đồ.

Dư luận vẫn là dư luận, dư luận có thể đúng cũng có thể sai. Nhưng dưới chế độ độc tài và toàn trị như đảng cộng sản Việt Nam thì mọi chuyện khó tin nhất vẫn có thể làm người ta tin. Bởi lẽ dưới chế độ chuyên chính vô sản thì mọi chuyện đều được dàn xếp và mặc cả trong bóng tối, đằng sau hậu trường. Người dân thật sự không thể biết được chuyện gì đang xảy ra trên quê hương mình. Ai có tội, ai vô tội, ai là anh hùng hay phạm nhân, sự thật không bao giờ được công bố, vàng thau lẫn lộn. Tất cả chỉ là sự sắp đặt của một số người nhân danh tổ quốc và đứng trên mọi pháp luật.

Điều khiến cho những người có lương tri thấy phẫn nộ là sự thiếu minh bạch và công khai dưới các chế độ độc tài. Cũng có thể là những người này có tội thật sự, thế nhưng dù thế nào đi nữa thì họ cũng cần được xét xử một cách công bằng bởi một toà án hoàn toàn độc lập, chứ không thể chịu các bản án đã được sắp xếp trước như nhiều vụ án mang tính “nhạy cảm” khác.

Phần phản biện của các luật sư bào chữa cũng như chính nhà báo Nguyễn Việt Chiến trước toà đã chứng minh rằng tội của họ nếu có thì cũng chỉ bị xử theo luật báo chí, cả thế giới đều xử như vậy. Khi nhà báo vu khống hay nói sai sự thật thì họ phải xin lỗi, đính chính trên báo và nếu người bị hại không hài lòng thì họ phải đứng đơn kiện các nhà báo ra toà. Trong vụ này không ai đứng lên kiện các nhà báo, kể cả ông Nguyễn Việt Tiến. Nếu Toà cho rằng các nhà báo “xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức và công dân” thì lý lẽ này cũng không ổn vì các nhà báo hoàn toàn đứng về phía “lợi ích của (đa số) công dân”.

Tuy nhiên bài học đau đớn nhất của giới báo chí trong vụ án này là “thân phận” bọt bèo của họ dưới chế độ toàn trị. Cũng một việc làm nhưng họ vừa có thể trở thành anh hùng cũng vừa có thể trở thành tội nhân. Thân phận họ, tiếng nói của họ là lương tri, là tiếng nói của thành phần tinh hoa xã hội cũng phải chịu một thân phận “ruồi muỗi”, mỗi khi “trâu bò húc nhau”.

Tuy nhiên theo ý kiến của tôi thì bài học đắt giá nhất, quan trọng nhất, lớn nhất trong vụ án này là dành cho lực lượng công an Việt Nam, những người đang phục vụ chế độ cộng sản một cách mẫn cán và trung thành. Họ không hề biết và ý thức được rằng thân phận họ cũng như quả chanh, vắt hết nước là cho vào thùng rác. Họ cũng không nghĩ rằng “lưỡi gươm” có tên gọi là “pháp luật” (của cái gọi là “Nước CHXHCN Việt Nam”) luôn treo lơ lững trên đầu. Lưỡi gươm đó luôn sẵn sàng giáng xuống đầu họ bất cứ lúc nào, nhất là khi lưỡi gươm đó phục vụ cho các âm mưu, cho việc đấu đá thanh trừng lẫn nhau trong nội bộ đảng cộng sản. Công lao rực rỡ và một bề dày cống hiến như Tướng Quắc hay Thượng tá Huynh cũng không tránh khỏi lưỡi gươm oan nghiệt cho dù đã được đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hậu thuẫn.

Tuy nhiên có một điều an ủi lớn lao đối với những người vừa bị tuyên án, là sự chia sẻ, đồng cảm của đa số người dân Việt Nam. Sự đồng tình, ủng hộ và ghi nhận của người dân mới là thước đo quan trọng nhất cho các hành vi của mỗi con người. Cũng như những người đấu tranh cho dân chủ bị chính quyền kết tội, bốn bị cáo ngày hôm nay không có gì phải xấu hổ hay day dứt, nhân dân luôn đứng về phía những người công chính.

Chỉ có một chế độ dân chủ thật sự, nơi mà sự nghiêm minh và tính minh bạch luôn được tôn trọng thì thân phận của con người mới được bảo vệ trước sự bất công và ngạo ngược. Cũng chỉ dưới chế độ dân chủ mới có “tam quyền phân lập”, ngành tư pháp và toà án được độc lập và không bị chi phối bởi các thế lực chính trị đen tối thì công hay tội của mỗi người mới được dư luận thừa nhận rộng rãi.

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
Nguồn: Thông Luận

No comments: