Tuesday, October 14, 2008

Tư tưởng chánh trị, kinh tế và con người thật Hồ chí Minh

Thử tìm hiểu Chỉ thị 06-CT/TW HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Hay Tư tưởng chánh trị, kinh tế và con người thật Hồ chí Minh

Nguyễn văn Trần

Bộ Chánh trị đảng cộng sản Hà nội vừa ra Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động « Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức hồ chí minh ». Nhơn đây, xin nhắc lại trong vừa qua, Bộ chánh trị đã ban hành một chỉ thị quan trọng, đó là Nghị quyết 36 hướng dẫn đảng viên các cấp thi hành chánh sách của đảng chiêu dụ và thu phục người việt hải ngoại về với đảng cộng sản để được như vậy, đảng cộng sản có thể tổng kết chiến thắng 30/04/75 một cách trọn vẹn. Chỉ thị 06-CT/TW nhằm chấn chỉnh hàng ngũ đảng, củng cố lòng tin nhân dân đối với đảng cộng sản trong vai trò lãnh đạo đất nước ngày nay đang trên đà suy yếu.

Nghị quyết 36 cho thấy chỉ trong thời gian ngắn, đảng cộng sản Hà nội đã không còn giữ thái độ cao ngạo đối với người việt hải ngoại như trước kia ( bọn đĩ điếm, phản quốc, tức thái độ ông/chúng mày ) mà đã thay đổi « người việt hải ngoại là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc » ( quan hệ ông/chúng mày nay đổi lại vị trí ) bởi vì chỉ số tiền 4 tỷ mỹ kim của người việt hải ngoại gởi về Việt nam hàng năm, tính ra thành lợi tức đầu người, cũng đã vượt khởi quá xa lợi tức đầu người ở việt nam ngày nay.

Nay Bộ chánh trị ra Chỉ thị 06-CT/TW không tránh khỏi phơi bày rõ một thực tế khách quan là chủ nghĩa cộng sản không còn là niềm tin, là lý tưởng tranh đấu của người cộng sản nữa. Mà đúng vậy. Cộng sản Mác-Lê sụp đổ trọn vẹn ở Liên-xô và Đông âu bởi vì học thuyết khoa học hiện thực mà lại không có khả năng mở ra tương lai. Sau khi sụp đổ, chủ nghĩa cộng sản cũng không để lại được một điều gì dù nhỏ nhít khả dĩ ơn ích cho nhơn loại.

Cộng sản đã sụp đổ như chưa hề có cộng sản hiện hữu.

Đảng cộng sản hà nội không thể không biết sự thật lịch sử này nên nay họ xoay qua cố tạo dựng Hồ Chí Minh thành một giá trị qui chiếu cho đảng viên và thuyết phục nhơn dân chấp nhận như một niềm tin chung. Giá trị qui chiếu, niềm tin chung sẽ là cơ sở tinh thần dựa trên đó đảng cộng sản cố sức kéo dài thêm quá trình xã hội chủ nghĩa của chế độ.

Nhưng « tấm gương tư tưởng đạo đức hồ chí minh » có phải thật sự có giá trị qui chiếu hay không ? Mà Hồ Chí Minh có tư tưởng, đạo đức không ? Con người thật Hồ Chí Minh nếu có nêu gương thì tấm gương ấy là tấm gương như thế nào ?

1-Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh

Từ Đại hội 6 ( 12 - 86 ), đảng cộng sản hà nội đưa ra chánh sách « đổi mới », tức chuyển biến chủ nghĩa mác-lê-mao thành chủ nghĩa- mác-lê-đặng (Đặng Tiểu Bình ), nhưng vẫn khẳng định Việt nam theo con đường xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, mà chỉ tiếp thu những thành tựu tốt đẹp của chế độ tư bản về khoa học, kỹ nghệ để xây dựng và phát triển đất nước xã hội chủ nghĩa, dứt khoát bác bỏ không khoan nhượng những giá trị tinh thần nền tảng như các quyền tự do chánh trị, văn hóa, tôn giáo, …(1)

Đến năm 1991, Hà nội lại bắt chước Bắc kinh (đề cao Mao trạch đông ) hô hào đề cao cái gọi là « tư tưởng hồ chí minh » và đưa vào tất cả các tài liệu tuyên truyền chánh thức, cả đưa vào sách giáo khoa các cấp .

Thật tình thì Hồ Chí Minh làm gì có tư tưởng ! Những gì Hồ Chí Minh viết chỉ có giá trị không hơn những bản văn hành chánh cho cán bộ của ông. Hơn nữa, chính Hồ Chí Minh cũng từng thú nhận « không có tư tưởng gì khác hơn chủ nghĩa mác-lê ». Sự thú nhận này làm ra vẻ ông là người khiêm tốn, nhưng thật sự không phải ông là người có tánh khiêm tốn. Trong quyển « Lẽ Phãi của chúng ta » do Nhà xuất bản Chánh Trị Quốc Gia, Hà nội, 2004, ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Quốc Hội, phản bác nhũng chống đối của người việt tranh đấu dân chủ, viết : « … riêng về mặt lý luận, họ sử dụng mọi phương tiện đánh vào nền tảng tư tưởng của đảng là chủ nghĩa Mác-Lê, ở Việt nam [chủ nghĩa Mác-Lê] còn là tư tưởng hồ chí minh ». Nhưng ở Việt nam, chủ nghĩa Mác-Lê chuyển biến thành tư tưởng mao trạch đông –staline .

Sùng bái tuyệt đối Staline và Mao trạch đông nên đã có lần trong chiến khu, trước một số đông đảng viên, vào đầu thập niên 50, Hồ Chí Minh chỉ ảnh Staline và Mao trạch đông nói :

« Bác có thể sai lầm ; chớ hai vị nầy không bao giờ phạm phải sai lầm ». Do đó, lúc nào Hồ Chí Minh cũng hết lòng hết dạ tôn thờ Staline và Mao Trạch đông là bực thầy của lý thuyết chuyên chính vô sản mà ông ra sức học tập và đem áp dụng ở Việt nam : « đảng cộng sản là công cụ của chuyên chính vô sản », mà chuyên chính sau cùng chỉ còn là « chuyên chính của một người » (2) .

Boris Savourine đã phải nhìn nhận Hồ Chí Minh là đồ đệ tuyệt trần của Staline (3). Còn đối với họ Mao, Hồ Chí Minh khẳng định « kinh nghiệm và tư tưởng của Mao trạch đông đã giúp chúng tôi hiểu thấu đáo hơn học thuyết mác-anghên-lê- staline. Những người cách mạng việt nam phải luôn luôn ghi nhớ và biết ơn Mao trạch đông về những cống hiến to lớn đó » (4) .

Khi ghép « tư tưởng hồ chí minh » vào chánh sách « đổi mới », Hà nội không nghĩ là muốn dựng lên Hồ Chí Minh thay thế Mác-Lê-Staline-Mao để làm cho mọi người thấy có một chút màu sắc việt nam bởi theo tư tưởng hồ chí minh cũng không gì khác hơn rập khuôn theo tư tưởng staline-mao trạch đông mà thôi. Lúc nào Hồ Chí Minh cũng tâm nguyện đó là học thuyết đúng đắn nhứt, là kim chỉ nam xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. Vì tin tuyệt đối Staline và Mao trạch đông mà Hồ Chí Minh đã đem về Việt nam áp dụng vào thực tế những lời dạy và kinh nghiệm quí báu của hai người ấy, đã gây ra thảm cảnh ở miền Bắc Việt nam từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất long trời lở đất, giết hại hơn nửa triệu nông dân vô tội, làm tê liệt sự sản xuất xã hội suốt trong nhiều năm. Tiếp theo, Hồ Chí Minh thực hiện «Trăm Hoa Đua Nở » giết hại sạch những trí thức ưu tú ở Miền Bắc. Trong số trí thức ấy, có những người thoát chết lúc thanh trừng, phải kéo dài cuộc sống đau khổ cho đến cuối đời trong gần đây.

Trung thành với tinh thần chuyên chính vô sản, lúc kháng chiến, Hồ Chí Minh dựng « Mặt Trận Việt Minh » để thực hiện đoàn kết toàn dân nhưng, thực chất, là để tiêu diệt tất cả đoàn thể, cá nhơn nào tham gia Việt Minh mà không theo cộng sản, mặc dù cùng đánh đuổi thực dân pháp giành độc lập cho Việt nam. Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố rõ : « Đảng ta không những giành được quyền lãnh đạo cách mạng ( kháng chiến chống thực dân ) trong cả nước, mà còn đập tan được mọi âm mưu của giai cấp tư sản hầu tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng với đảng ta » (5) . Trên thực tế, lúc ấy, từ Hà nội, Hồ Chí Minh đã không ngần ngại ra chỉ thị sát hại những nhà trí thức ái quốc chơn chánh ở Miền nam như Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan văn Hùm, Trần văn Thạch, Hồ văn Ngà, Nguyễn văn Sâm,…và vô số những tín đồ của các tôn giáo ái quốc trong Nam như Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo (Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ bị Việt minh cộng sản theo lệnh Hồ Chí Minh sát hại ở Đốc Vàng).

Riêng đối với những người kháng chiến theo Đệ Tứ, như Tạ Thu Thâu, Hồ chí Minh đã không tiếc lời nguyền rủa đó là « bầy chó trốt-kít » và buộc tội họ là « bọn phản bội, gián điệp, tay sai ngoại bang, đế quốc,… »(6). Ngày nay, đảng cộng sản hà nội học tập và áp dụng tư tưởng hồ chí minh không lệch lạc trong các vụ buộc tội những nhà tranh đấu dân chủ và nhơn quyền ở Việt nam là « gián điệp, phản quốc, … ». Nhưng khi nhìn lại nghiêm chỉnh thì ai ai cũng nhận thấy Tạ Thu Thâu và tất cả nạn nhơn của Hồ Chí Minh, và cả những người đang tranh đấu dân chủ và nhơn quyền ở Việt nam ngày nay, đều được mọi người lương thiện kính trọng và nhìn nhận họ là những nhà ái quốc trong sáng, chơn chánh . Còn Hồ Chí Minh khó được nhiều người việt nam không cộng sản thừa nhận là người yêu nước.

Năm 1961, dưới thời hồ chí minh, Quốc Hội ở Hà nội ban hành Nghị quyết 49 / NQ / TVQH cho phép công an bắt nhốt mọi công dân vào Trại Cải tạo Tập trung trong 3 năm không cần án lệnh tòa án, không cần xét xử. Sau đó, việc tạm giam có thể được gia hạn đến vô thời hạn. Ngày nay, Võ văn Kiệt chấp hành tư tưởng hồ chí minh, ban hành Nghị Quyết 31 CP cho phép công an quản lý hành chánh tại gia mọi công dân bị tình nghi là thành phần nguy hiểm cho chế độ để tránh cho đảng và Nhà nước phí tổn giam giữ tập trung như trước.

Nhiều đảng viên, tức không kể đến toàn dân lương thiện, đã phải lên tiếng nguyền rủa « tội ác của chế độ này ( do Hồ Chí Minh lập ra ) thật nói không hết » (7) . Còn cựu Đại Tá Bùi Tín, nguyên Phó Tổng biên tập Nhựt báo Nhân Dân, phán xét từ tốn : « Đó là (đảng cộng sản và tư tưởng hồ chí minh ) một Bộ Máy đàn áp rộng lớn và tinh vi theo kiểu KGB lộng hành, bất chấp luật pháp và dư luận, chà đạp quyền tự do của công dân, khống chế con người và xã hội, tạo nên nỗi sợ hãi thường trực và dai dẳng … (8).

2- Tấm gương Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh suốt đời nêu cao tấm gương là người cộng sản chuyên chính, cho đến chết thì tìm đường đi gặp cụ Mác, cụ Lê (Di chúc). Noi gương Mao Trạch đông, ông luôn luôn giữ vững con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt nam. Ông không ngần ngại sao chép một cách máy móc « lý thuyết cách mạng không ngừng ». Ông tin tưởng theo Mao Trạch đông nên quả quyết sau cách mạng dân chủ nhơn dân, tức sau cuộc Cách mạng giành độc lập và Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Cải Tạo Trí Thức (vụ Nhân Văn Giai Phẩm), thì Việt nam phải tiến lên làm Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Và cả hai cuộc Cách mạng nầy phải quan hệ nhơn quả với nhau và đều do đảng cộng sản lãnh đạo.

Hồ Chí Minh lúc nào cũng nêu cao tấm gương kiên quyết tin tưởng ở sự thắng lợi trên qui mô toàn thế giới của chủ nghĩa xã hội trước chủ nghĩa tư bản.

Vào đầu năm 1960, Trung quốc thực hiện chánh sách « Đại Nhảy Vọt ». Ở Việt nam, Hồ Chí Minh liền noi gương Mao Trạch đông đưa ra khẩu hiệu « tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội ». Năm 1976, sau khi hai miền Nam Bắc thống nhứt theo cộng sản thì đảng cộng sản hà nội áp dụng trung thực tư tưởng hồ chí minh như tấm gương chánh trị qua khẩu hiệu lãnh đạo « tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội ».

Đến năm 1990, Liên-xô và Đông âu sụp đổ làm cho lòng tin sắt đá của Hồ Chí Minh trước kia rằng chủ- nghĩa- xã- hội phải toàn thắng, đã không thắng, mà còn tan tành thành mây khói.

Về kinh tế, Hồ Chí Minh nêu cao tấm gương làm đồ đệ ngoan ngoãn của Mao Trạch đông, thi hành chánh sách Hợp Tác Hóa Nông nghiệp ở Việt nam ngay sau khi nắm được chánh quyền ở Miền Bắc « các Hợp Tác Xã dưới sự lãnh đạo của đảng phải trở thành những đội quân vững mạnh của nông dân lao động, trong cuộc phát triển sản xuất » (9). Dứt khoát, như Trung quốc, Hồ Chí Minh không chấp nhận mọi hình thức « khoán » với nông dân để giữ sản xuất gia đình và cá thể, có khả năng giải quyết nhu cầu lương thực tối thiểu hằng ngày cho người dân, nhứt là nông dân .

Đến cuối đời, Hồ Chí Minh còn nêu cao « tấm gương chết sống » với chủ nghĩa xã hội nên ông kiên định rằng chủ nghĩa xã hội là ngọn đuốc soi đường cho cả nước tiến lên. Ông dạy đảng viên cộng sản của ông « yêu Tổ quốc phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì Việt nam tiến lên chủ nghĩa xã hội thì Tổ quốc ngày một giàu mạnh thêm » (10). Sau khi chiếm được Miền Nam, đảng cộng sản hà nội lập lại lời dạy nầy của Hồ Chí Minh làm khẩu hiệu giáo dục toàn dân « yêu Tổ quốc là yêu chủ nghĩa xã hội ». Và ngày nay, đảng cộng sản vẫn còn giữ « tổ quốc xã hội chủ nghĩa ».

Năm 1959, phát huy tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh, trong một báo cáo về dự thảo hiến pháp, khẳng định « chế độ ta xóa bỏ các hình thức sở hữu không xã hội chủ nghĩa » làm cho nền kinh tế nhiều thành phần trước kia trở thành một nền kinh tế thuần nhứt sở hữu toàn dân » để tạo « nền tảng vững chắc cho chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh việc cải tạo xã hội chủ nghĩa » (11).

Không chỉ cải tạo nông nghiệp, Hồ Chí Minh vẫn thực hành lời dạy của Staline và Mao Trạch đông « cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với giai cấp tư sản trong công nghiệp ». Qua năm sau, Hồ Chí Minh hô hào phải làm một việc cần kíp, gấp rút là « cải tạo giai cấp tư sản dân tộc » (12). Nên nhớ từ ngữ « cải tạo xã hội chủ nghĩa » là sản phẩm của Mao truyền dạy .

Người thi hành chánh sách cải tạo công thương nghiệp ở Miền Bắc vào giữa thập niên 50 và sau nầy, ở Sài gòn, là Đỗ Mười. Tưởng nên nói thêm để biết về con người có thành tích lớn nầy. Đỗ Mười xuất thân làm nghề thiến heo và sửa cửa trước khi tiến lên làm Bộ trưởng,Thủ tướng và sau cùng, làm Tổng Bí thơ đảng cộng sản hà nội. Vào thời gian lần lượt đảm nhiệm những chức vụ lãnh đạo đất nước ấy, ông lại mắc bệnh tâm thần . Ban đêm, ông leo lên Cây Bàng hát nghêu ngao và cười nói một mình. Khi đánh tư sản, Đỗ Mười giải thích với cán bộ đảng viên thi hành chiến dịch rằng « bọn tư sản giống như lũ chuột cống ; khi thấy chúng nó lú đầu ở đâu thì phải đập cho nó chết ngay (theo lời kể lại của nhà báo Bùi Tín) .

Thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh tiếp tục theo gương Mao Trạch đông hô hào « để đạt mục đích công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, toàn dân ta phải ra sức thực hiện chánh sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, nhằm biến nền kinh tế Miền Bắc ( vốn nghèo nàn, cực kỳ lạc hậu, thiếu mọi điều kiện làm công nghiệp nặng ) thành một nền kinh tế hiện đại trong vòng 10 năm » (13) ! Đưa ra quyết định nầy chứng tỏ Hồ Chí Minh không có một hiểu biết tối thiểu về kinh tế và, một cách tổng quát, không có một kiến thức cần thiết tối thỉểu về lãnh đạo, ngoài tài ngoan ngoản vâng lời Mao Trạch đông và Staline .

Cũng như về chánh trị, về kinh tế, Hồ Chí Minh vẫn là tấm gương sáng in bóng Mao Trạch đông. Dưới bút hiệu Trần Lực, Hồ Chí Minh hô hào « Việt nam nên áp dụng hoàn toàn kinh nghiệm xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung quốc » (14) .

Hậu quả về mặt kinh tế khi Hồ Chí Minh áp dụng rặp khuôn chánh sách cải tạo xã hội chủ nghĩa theo kiểu mao trạch đông đã đưa Việt nam lâm vào tình trạng ngèo đói, lạc hậu cực kỳ thảm hại và còn di hại như một nảo trạng của người cầm quyền ngày nay .

3- Con người Hồ Chí Minh

Cởi bỏ những huyền thoại do bộ máy tuyên truyền hà nội liên tục khoác lên người ông, Hồ Chí Minh sẽ hiện nguyên hình của con người thật, với nhiều tội ác hơn là đạo đức, gian xảo, láu cá, hơn là lương thiện .

Mang tên Nguyễn Ái Quốc, thật sự không phải tên hay xước hiệu của mình nhưng không bao giờ ông chịu đính chánh. Ông còn không ngần ngại lấy những câu nói của các danh nhân làm cho mọi người hiểu như của ông, như « dân chủ là chế độ của dân, do dân, vì dân » ; hoặc « vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm, trồng người ». Sự gian xảo, bất lương nổi cộm của Hồ Chí Minh là lấy tập Thơ Tù làm tác phẩm của mình. Thế mà Hồ Chí Minh được cán bộ đảng viên tuyên truyền ông là người xưa nay khiêm tốn : « Bác không hề nói là của Bác ; chính cán bộ tình cờ phát hiện ra Bác là tác giả ». Người ta tin Hồ Chí Minh đủ can đảm làm việc nầy vì ông đã viết sách chỉ nhằm tự đề cao chính mình dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, trong lúc ấy, ông vẫn từ chối khi cán bộ yêu cầu Bác hãy viết hồi ký về đời hoạt động cách mạng của Bác ! Trước sự từ chối của Bác, cán bộ đảng viên không ngớt cất lời ca ngợi Bác luôn luôn là người khiêm tốn !

Về đời tư, ông từng có vợ chánh thức với người phụ nữ tàu Tăng Tuyết Minh, từng sống chung nhiều năm như vợ chồng với Nguyễn thị Minh Khai, lấy Nông thị Xuân có con, … thế mà Hồ Chí Minh vẫn nói được rằng « suốt đòi không vợ con để cống hiến trọn vẹn đời mình cho quốc gia, dân tộc ».

Hồ Chí Minh nếu có lấy vợ, sống bình thường như mọi người và phục vụ đất nước không phải là điều xấu. Hơn thế nữa, Ông có thể có nhiều tình nhân, lấy nhiều người đàn bà không chánh thức, như phần lớn cán bộ cộng sản cao cấp từ trước đến giờ, miễn không lợi dụng chức quyền o ép ai, thì người đời vẫn chấp nhận điều đó một cách bình thường. Nói dối, gian xảo mới là điều xấu, bị người đời khinh bỉ.

Kết luận

Xét tấm gương tư tưởng đạo đức hồ chí minh không gì hơn bằng kiểm điểm lại hành động của Hồ Chí Minh trong suốt thời gian ông lãnh đạo cuộc chiến tranh ở Việt nam, đến khi nắm được chánh quyền ở Miền Bắc, và hậu quả của chánh sách chuyên chính vô sản do ông chọn lựa không suy nghĩ kéo dài cho đến ngày nay trên cả nước.

Nhằm đạt mục tiêu xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh đã sát hại hằng triệu sanh mạng đồng bào một cách oan uổng. Việt nam có nhiều cơ hội tranh thủ được hòa bình không phải bằng chiến tranh khốc liệt kéo dài, nhưng hòa bình ấy sẽ không có chế độ cộng sản toàn trị, nên Hồ Chí Minh đã nhiều lần từ khước. Trong gần đây, 30 – 04 – 1975 đã là cơ hội tốt đẹp để người cộng sản thực hiện hòa giải dân tộc thật sự, tránh thêm cho đồng bào thảm cảnh chết chóc hằng nhiều vạn người, đủ thành phần xã hội, đủ lớp tuổi, trên biển cả, trong rừng sâu, gia đình ly tán, nhà cửa tan nát, xã hội tê liệt, …Người cộng sản đã không làm mà quyết tâm trả thù giai cấp, không xem đó là đồng bào, cũng chỉ vì trung thành noi theo tấm gương « chuyên chính vô sản hồ chí minh », thực hiện tư tưởng hồ chí minh .

Làm theo « tấm gương tư tưởng hồ chí minh » trong việc xây dựng đất nước là một thất bại hiển nhiên . Việt nam vẫn tụt hậu, và ngày nay, vẫn hoàn toàn không phải là một chề độ «của dân, do dân, vì dân ».

Nhận xét tổng kết, sự nghiệp của Hồ Chí Minh là « nhốt cả dân tộc vào cái rọ chuyên chính vô sản về mặt chánh trị, và đem lại nghèo đói, lạc hậu, nhân tâm ly tán, xã hội băng hoại, đạo lý suy đồi, về mặt kinh tế xã hội » (15).

Đó là tấm gương trung thực hồ chí minh !

Ai có thể nhìn thấy ở Hồ Chí Minh một tấm gương khác hơn để học tập và làm theo, nhưng xin đừng nhái lại những luận điệu tuyên truyền dối trá của đảng cộng sản còn lưu hành ở Việt nam ngày nay chỉ nhằm thần thánh hóa Hồ Chí Minh ?.

Ôi ! Giấc mơ chỉ của một nhóm người mà đã biến thành cơn ác mộng của cả một dân tộc !

Nguyễn văn Trần



Ghi chú :

(1) Võ Nhơn Trí, Việt nam cần đổi mới thật sự, Đông Á, Vancouver, Canada, 2003

(2) Nguyễn Minh Cần, đảng cộng sản việt nam qua những biến động trong Phong trào cộng sản quốc tế, Huê kỳ, 2001)

(3) Pierre Brocheux, Ho Chi Minh, Paris, 2000

(4) Võ Nhơn Trí, Việt nam cần đổi mới thật sự, Đông Á, Vancouver, Canada, 2003

(5) Hồ Chí Minh, Toàn Tập, X, Hà nội

(6) Hồ Chí Minh, sđd

(7) Nguyễn văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quê Hương, Văn Nghệ, Huê kỳ, 1991

(8) Bùi Tín, Mặt Thật, Huê kỳ, 1993

(9) Hồ Chí Minh, Toàn Tập, II, Hà nội

(10 ) Võ Nguyên Giáp, Tư tưỏng hồ chí minh và con đường cách mạng việt nam, Hà 2000

(11 ) Hồ Chí Minh Tuyển Tập, Hà nội, 1980

(12 ) Hồ Chí Minh Tuyển Tập, sđd

(13 ) Vô Nhơn Trí, trich dẩn trong Việt nam cần đổi mới thật sự, sđd

(14 ) Trần Lực, Mấy kinh nghiệm trung quốc mà chúng ta cần học, Hà nội, 1952

(15 ) Lữ Phương, Thế Kỷ 21, Huê kỳ, 2001
--------------
- audio: cựu đại tá cs, Đào văn Nghệ nói về Hồ Chí Minh

No comments: