Sunday, October 12, 2008

Thảo luận cùng ông Lê Công Phụng về vấn đề biên giới (Trương Nhân Tuấn)

Trương Nhân Tuấn
“…thiết nghĩ các chi tiết lịch sử giúp cho các thế hệ VN ý thức rằng việc giữ nước của cha ông ta đã rất khó khăn và chỉ có người VN mới thiết tha với đất nước của mình mà thôi…”



Ông Lê Công Phụng, đại sứ VN tại HK, có trả lời phỏng vấn nhà báo Lý Kiến Trúc (http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/ChinaVietnamBorder/interview-with-VN-amb-in-the-US-on-Sino-Vietnamese-borders-issues-TMi-09252008115350.html ), truyền thanh lại trên RFA (Radio Free Asia), về một số vấn đề về biên giới trên đất liền và hải phận trong vịnh Bắc Việt giữa VN và TQ trong tuần lễ cuối của tháng 9 – đầu tháng 10 năm 2008. Ông Phụng đã có thời làm Thứ Trưởng bộ Ngoại Giao kiêm Trưởng Ban Biên Giới. Đây là lãnh vực mà ông Phụng thông hiểu hơn mọi người.
Sau khi nghe bài phỏng vấn người viết có một số điều muốn thảo luận lại cùng ông Lê Công Phụng :

1. Những vấn đề lịch sử

Ông Phụng cho rằng trong lịch sử giữa hai nước VN và TQ chưa bao giờ ký kết những hiệp ước về biên giới, ngoài các hiệp định đã ký mới đây 31-12-1999 và 25-12-2000. Đương nhiên ta không tính tới các kết ước về biên giới giữa Pháp và nhà Thanh vào cuối thế kỷ 19. Nhà báo Lý Kiến Trúc nhấn mạnh, và hỏi lại, ông Lê Công Phụng khẳng định là như thế. Nhưng thực sự có đúng như vậy hay không ?

Ta biết rằng, cho đến giữa thế kỷ thứ 19, về thuật ngữ chuyên môn, VN cũng như TQ đều không có một khái niệm cụ thể về đường biên giới (đường phân chia lãnh thổ, đất đai). Ngôn ngữ VN cũng như TQ không có từ «biên tuyến». Thay vào đó ta chỉ có biên cương, cương dịch, biên thùy, biên viễn, biên cảnh, biên giới, biên viên, biên địa [1] ... Biên giới ở đây chỉ có nghĩa là «vùng ngoài».

Khái niệm về Ðường Biên Giới (frontière, boundary) theo công pháp quốc tế chỉ mới có từ hồi đầu thế kỷ 20. Thuật ngữ «đường biên giới» được hiểu như là «enveloppe continue d’un ensemble spacial, d’un Etat», «vỏ bao bọc liên tục của một tập hợp không gian, một quốc gia»; «le point où expire la compétence territoriale», «điểm chấm dứt thẩm quyền thuộc về lãnh thổ».

Khái niệm về biên tuyến không có, luật quốc tế cũng chưa có, đương nhiên sẽ không có các «hiệp định» hay «hiệp ước» về biên giới, hiểu theo ý nghĩa thời nay. Ông Phụng nói như thế thì không sai nhưng hoàn toàn không có ý nghĩa.

Bởi vì hai dân tộc Việt - Hán đều đã có một khái niệm về chủ quyền lãnh thổ từ thời xa xưa, hiện hữu từ ngàn năm trước. VN có khái niệm này qua «tuyên ngôn độc lập» năm 1077 của Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Cương vực của « nước Nam » được xác định theo bộ Hồng Đức Bản Đồ, thực hiện dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497) [2]: An Nam Ðồ Thuyết (Những gì ghi trên bản đồ An Nam), An Nam Chi Ðịa (đất đai An Nam), Tây Khóa Ai Lao (phía Tây chận ngang xứ Ai Lao), Ðông Chí Hải Tân (phía Ðông chạm đến tận biển), Bắc Du Lưỡng Quảng (phía Bắc vượt qua hai xứ Quảng), Nam Khống Chiêm Thành (phía Nam kềm chế Chiêm Thành).

Đặc biệt, lịch sử VN đã có những trường hợp «phân định biên giới» với TQ, cụ thể và rạch ròi, phù hợp với quốc tế công pháp như các kết ước hiện thời. Các đường biên giới đó, đúng ra là các đoạn biên giới đó, đã hiện hữu từ ngàn năm trước, dân chúng hai nước biết rõ và tôn trọng nó, các thời đại sau này chỉ xác định lại.

Trường hợp đất Tụ Long, phân định năm 1728, đường biên giới là sông Ðổ Chú. Con sông này phân chia tổng Tụ Long thuộc Tuyên Quang với phủ Khai Hóa tỉnh Vân Nam. Biên giới vùng này được xác định năm Ung Chính thứ 6, có ghi lại qua các bộ chính sử như Đại Thanh Nhứt Thống Chí của TQ và VN qua bộ Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn.

Ta cùng có một số các thí dụ khác: sông Ðàm Lân biên giới động Kim Lạc; sông Mang Khê là biên giới của động Liễu Cát; sông Tam Kỳ là biên giới của động Tư Lâm (Tư Phù); sông Cổ Sâm là biên giới của động Cổ Sâm…[3] của VN với đất Tàu. Ta cũng có thể nhắc đến núi Phân Mao, phía đông-nam phủ Khâm Châu, có trụ đồng Mã Viện dựng lên vào năm 41 Tây Lịch, đánh dấu biên giới tỉnh Quảng Ðông (TQ) với Việt Nam.

Trong khoảng thời gian đàm phán Pháp-Thanh (1885-1887) để xác định đường biên giới hiện trạng theo điều 3 hiệp ước Thiên Tân 1885, các địa danh nói trên đều được Pháp lập hồ sơ, tìm kiếm và xác định vị trí trên bản đồ. Ngoại trừ một số vùng đất của VN bị Pháp nhượng cho TQ để có quyền lợi kinh tế, phía bên nhà Thanh cũng công nhận giá trị pháp lý của một số đoạn biên giới này trong công ước đã được hai bên long trọng ký kết ngày 26 tháng 6 năm 1887[4]. Tuy nhiên, các đoạn biên giới đó (như đoạn qua núi Phân Mao) đã không được tôn trọng trong lúc phân giới, cắm mốc. Nguyên do từ sự trí trá, gian lận của các quan lại TQ, họ tìm cách tráo tên, hay đổi tên các địa danh, đổi tên sông suối, núi… thậm chí mua chuộc hay hăm dọa dân chúng địa phương để dành lấy các vùng đất này về họ[5]. Đến thời kỳ phân giới, cắm mốc (1888-1897), người ta vô phương thiết lập lại được đường biên giới lịch sử. Công cuộc phân định và phân giới kéo dài tổng cộng 12 năm, chỉ để xác định lại đường biên giới đã hiện hữu từ trước. Điều này cho thấy biết bao khó khăn mà phía người Hoa đã gây ra cho Pháp. Cuối cùng VN bị mất cho TQ một số đất ước lượng đến 4.000 km².

Học giả Charles Fourniau, chuyên gia nghiên cứu biên giới VN, công nhận sự hiện hữu của đường biên giới lịch sử giữa VN-TQ. Theo ông đường biên giới VN và TQ theo công ước 1887, ngoài một số điểm đã bị Pháp trao đổi cho TQ để lấy quyền lợi kinh tế, là thể hiện một thực tế lịch sử giữa hai nước từ thời xa xưa [6].

Trung Tá Bonifacy, trong một tiểu luận nghiên cứu về tổng Tụ Long viết vào thập niên 30 [7], đã lên án nước Pháp làm mất đất của VN. Ông cho rằng người Việt từ ngàn năm qua đã biết cách bảo vệ đất đai của họ trước kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Nói thế cũng là công nhận sự hiện hữu của đường biên giới lịch sử giữa VN và TQ trước khi Pháp sang đô hộ VN.
Nhắc lại lịch sử dông dài như thế để kết luận rằng: trước 1887 VN và TQ đã hiện hữu một đường biên giới lịch sử. Điều 3 hiệp ước Thiên Tân 1885 có nội dung là xác định lại đường biên giới đó.

Lời phát biểu của ông Phụng tuy đúng nhưng không có ý nghĩa. Luật quốc tế công pháp đặt ra là dựa lên «tập quán» của các nước trong cộng đồng thế giới. Trước khi có công pháp quốc tế thì các nước kế cận cũng đã có những qui định, tức «luật riêng», của hai bên để xác định lãnh địa của nước họ rồi. Ta gọi các văn bản đó là «qui ước về biên giới cũng không sai. Các hiệp ước ký kết sau khi có công pháp quốc tế là chỉ để «công pháp hóa» một thực tế đã hiện hữu và ràng buộc giữa hai nước từ ngàn xưa mà thôi.

Trên tinh thần đó rõ ràng VN và TQ đã nhiều lần «phân định» biên giới trong quá khứ.
Tôi cho rằng Ông Phụng phát biểu như thế chỉ là việc sơ ý, cũng như ông đã sơ ý nói sai năm các công ước Pháp-Thanh được ký kết. Thực ra Pháp và nhà Thanh ký kết 2 công ước về biên giới VN, đó là công ước phân định biên giới giữa TQ và Bắc Kỳ «Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin», do ông Constans ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 và công ước bổ túc ký ngày 20 tháng 6 năm 1995 do ông Gérard cũng ký tại Bắc Kinh, chứ không phải là các năm 1888 và 1892 như ông Phụng đã nói.
Tôi thiết nghĩ các chi tiết lịch sử này cần thiết được nhắc lại. Nó giúp cho các thế hệ VN ý thức rằng việc giữ nước của cha ông ta đã rất khó khăn và chỉ có người VN mới thiết tha với đất nước của mình mà thôi.

2/ Tọa độ các điểm cao

Ông Lê Công Phụng cho biết việc phân định biên giới VN và TQ dựa trên bộ bản đồ của công ước Pháp-Thanh 1887. Hai bên thiết lập bản đồ của nước mình trên căn bản của bộ bản đồ này, sau đó so sánh với nhau, kết quả hai bên chênh lệch 227km² tại 64 điểm.

Việc phân định lại biên giới, theo ông Phụng, là chỉ để xác định biên giới ở 64 điểm đó. Mặc dầu chưa tham khảo bộ bản đồ mới nhưng tôi nghĩ rằng ông Phụng đã không nói sai, ít ra về phương diện thời gian phân định. Ta thấy, Pháp đã mất 12 năm chỉ để xác định lại đường biên giới đã hiện hữu từ trước. Ngày nay, VN và TQ đã mất gần 9 năm chỉ để xác định và phân chia 227km² ở 64 điểm trên một đường biên giới đã được xác định rõ rệt. Đó là hậu quả của những khó khăn khi làm việc với phía TQ.

Về các « cao điểm », sau cuộc chiến 1979, ông Phụng cho biết, TQ rút về nhưng giữ lại 27 điểm cao. Sau đàm phán lần 1, TQ trả 15 điểm, giữ lại 12 điểm. Lần 2 trả 6 giữ lại 6. Và đây là quyết định chung cuộc, lý do ông Phụng đưa ra là phía TQ đã xây công sự trên đó, nên phải nhượng cho TQ.

Ông Phụng nói rằng nhờ thương lượng ráo riết, đường biên giới đi qua các đỉnh đó (6 đỉnh) và không phe nào được xây cất công sự cách biên giới 100m.

Có một số điểm chưa rõ rệt mà có lẽ ông Phụng không muốn nói ra.

Nói rằng phía TQ không trả lại 6 đỉnh cao là do TQ đã xây các công sự trên đó. Nếu đã xây cất, làm thế nào điều ước xác định đường biên giới đi qua các đỉnh và không bên nào được xây cất cách đường biên 100m ? Phải chăng các công sự mà TQ đã xây phải đập phá đi ? Nhưng nếu phải đập phá đi thì TQ còn viện lý gì để dành đỉnh cao đó cho họ ?

Tôi nhận thấy có điều không rõ rệt ở các giải thích này. Ông Phụng có thể nói rõ rệt hơn không ? Nhất là 6 đỉnh cao này cách biên giới cũ là bao xa ?

3/ Nam Quan và thác Bản Giốc

Ông Phụng đã nhiều lần giải thích về hai vùng đất này.

Về Nam Quan, lần nào cũng vậy, ông Phụng nói rằng đường biên giới Pháp Thanh đi về phía nam của Nam Quan, đường biên giới 1999 cũng đi về phía nam của Nam Quan. Không có vấn đề mất đất tại đây. Nhưng tiếc là lần nào cũng vậy, các ký giả không ai đặt câu hỏi đường biên giới đi về phía nam nhưng cách cổng Nam Quan là bao nhiêu mét ?

Theo các biên bản phân giới của công ước Pháp Thanh 1887, đường biên giới khu vực Nam Quan đi qua mốc số 18. Mốc này cắm trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng Nam Quan 100m. Mốc mang tên Trấn Nam Quan Ngoại. Cột mốc này đã bị phía TQ « ủi nát » từ năm 1955 [8].

Theo tôi biết, đường biên giới tại đây hiện nay đã dời sâu về phía nam trên 300m (có thể 400 hay 500m).

Về thác Bản Giốc, kỳ này ông Phụng không còn nói đến cột mốc từ thời Pháp Thanh « cắm ở giữa cồn » như năm xưa nữa. Ông chỉ nói rằng VN được 2/3 thác và TQ được 1/3 thác.

Tôi có 2 tài liệu cho thấy thác Bản Giốc nằm trên lãnh thổ VN và cách đường biên giới đến 2km.

Tài liệu 1: Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si [9], par le Commandant Famin, Vice-Président de la Commission d’Abornement des Frontières Sino-Annamites en 1894. Paris, Auguste Challamel, Editeur, Librairie Coloniale, 1895 (Trang 12-13; 142,143). (Tonkin và trên vùng biên-giới Quảng-Tây, của Cdt Famin, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Phân-Giới năm 1884. Ông Famin là người chỉ huy các đội cắm mốc vùng Bản Giốc.
Trang 12-13) xác nhận thác Bản Giốc thuộc Việt Nam, tạm dịch như sau:

«Trên vùng phía Bắc (vùng II Quân Sự), sông Qui Thuận chảy qua Trùng Khánh Phủ. Ðây là một phụ lưu của sông Tây Giang (Si-Kiang). Có chiều rộng khoảng 60 thước, chảy vào đất Bắc (Tonkin) qua cửa Ải Lung và chảy vào lại TQ ở gần một công sự của nước này, có tên Nam Ton, sau khi đã chảy qua một thung lũng rộng lớn và rất trù phú. Hai cây số trước khi rời khỏi đất Bắc, sông này chảy xuống một bậc đá và tạo thành một cái thác tuyệt đẹp cao khoảng 40 thước.”

Tài-liệu 2 : Bulletin du service Géologique de l’Indochine, Volume XI, Fascicule I, “Etudes Géologiques sur le Nord-Est Du Tonkin” [10], (Feuilles de Bảo Lạc, Cao Bằng, Hà Lang, Bắc Kạn, Thất Khê và Long Châu), Réné Bourrret; Ha-Noi - Hải-Phòng Imprimerie d’Extrême d’Orient – 1922. (trang 32-33-34). Tài liệu này xác nhận thác Bản Giốc của Việt Nam, tạm dịch như sau:

“…sông Qui Xuân chảy qua gần ở Chi-Choi. Sông này sau khi ra khỏi vùng đá vôi Phong Nam, mở rộng phía dưới hạ lưu thung lũng của nó. Tại đây dân bản xứ tưới nước rất nhiều bằng hệ-thống tưới bằng ống tre. Con sông này mở một con đường ngoằn-ngoèo trong vùng phía Ðông của phủ Trùng Khánh và chảy xuống hết ghềnh thác nầy qua ghềnh thác khác để đến biên giới Ðông-Bắc, kế cận Bản Giốc, trước khi chảy qua vùng đồi Bồng Sơn. Công sự Bản Giốc, hiện nay bỏ trống, cheo leo trên một núi đá cao khoảng 30 thước, nhìn xuống những ghềnh thác của con sông và vùng đồng bằng rất đông đảo dân cư, với những tường cao bao quanh. Ðây là một trong những vùng đẹp nhất của Tonkin, nếu không vì xa xôi và vì khó khăn phương tiện lưu thông, nó rất xứng đáng để du khách đến thăm viếng với những hang động, những cây cầu hình chữ Z bắt lên những tảng đá để băng qua sông, và nhất là cái thác hùng vĩ, gọi là thác bậc thềm có tên Tu Tong, được người Châu Âu biết nhiều qua tên Thác Bản Giốc».

Theo các biên bản phân giới của công ước 1887, cột mốc cắm gần thác mang số 53, tên Bách Nga Khẩu, cắm «bên lề một con đường ở phía Tây Nam và trên phần nối dài của một khu rừng nhỏ», (au bord du chemin et au SO et sur le prolongement d’un petit bois).

Ông Phụng nên làm sáng tỏ về các chi tiết này.

(còn tiếp)
Trương Nhân Tuấn


[1] Theo Nguyễn Thế Anh, «Etablissement par le Vietnam de sa frontère dans ses confins occidentaux», trong quyển Les Frontière du Vietnam, Paris, Harmattan 1989, tr. 186.
[2] « La perception des frontières dans l’Ancien Viet-Nam à travers quelques cartes vietnamiennes et occidentales của Mm Tâm-Quách Langlet», sdd, tr 27.
[3] «La perception des frontières dans l’Ancien Viet-Nam à travers quelques cartes vietnamiennes et occidentales của Mm Tâm-Quách Langlet», sdd, tr 26, dẫn lại từ Đào Duy Anh, Đất Nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội, 1964, tr 188.
[4] Procès verbal du 29 mars 1887: Délimitation de Tchouk-san à Chi-ma – Biên bản ngày 29 tháng 3 năm 1887 : Phân định từ Trúc Sơn đến Chí Mã. Tài liệu CAOM, mã số Indo, GGI, 65353. Theo đó đường biên giới đi qua chân núi Phân Mao.
[5] Thư của Cdt Chiniac de Labastide, chủ tịch ủy ban phân giới, gởi Toàn Quyền Đông Dương ngày 10 tháng 7 năm 1890. Tài liệu CAOM, Indo, GGI, 65355.
[6] La Frontière sino-vietnammienne et le face à face franco-chinose à l’époque de la conquête du Tonkin, sdd - tr
[7] “Le Canton de Tu Long et la Frontière Sino-Tonkinoise” trong tập La Revue Indochine số 5&6 năm 1924.
[8] Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nxb Sự Thật, Hà Nội 1979, tr 10.
[9] Bibliothèque SOM, CAOM.
[10] Idem.
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3152

Liên quan:
- x-cafevn: Đại sứ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn về vấn đề biên giới lãnh hải với Trung Quốc: Ông Phụng khẳng định là Hoàng Sa mặc dù bây giờ đã mất hoàn toàn trong tay Trung Quốc
- Mất Biển Đông Là Mất Nước Đó ! - Vu Huu San
- Về việc mất đất, mất biển: Tôi thách ông Vũ Dũng!
- KHÔNG PHẢI LÀ TỔ QUỐC???
- TRẤN NAM QUAN GIỜ Ở ĐÂU?

- Thảo luận cùng ông Lê Công Phụng về vấn đề biên giới (Trương Nhân Tuấn)
- Thanh niên Việt - Trung gặp gỡ hữu nghị tại Trung Quốc
- Bùi Tín: Quan hệ Việt - Trung, Mười tám năm Bắc thuộc đã là quá đủ !

No comments: