Saturday, October 4, 2008

Nhà nước muốn gì qua tấm hình “tay bắt mặt mừng” với các Giám mục?

VietCatholic News (Thứ Bảy 04/10/2008 16:36)
Nhà nước muốn gì qua tấm hình “tay bắt mặt mừng” với các Giám mục?

Mấy ngày vừa qua các báo đài trong nước đều đưa tin về về buổi gặp gỡ giữa thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các giám mục có đoạn mở đầu như sau “Chiều 1/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đoàn đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam do Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam dẫn đầu tới chào thăm Thủ tướng, nhân kết thúc Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ hai…”

Mấy chữ tô đậm “nhân kết thúc” trên xin được đề cập sau. Trước hết việc “chào thăm” thủ tướng chính phủ của các giám mục trong tình hình kinh tế - xã hội - an ninh biển khơi VN còn nhiều chuyện đáng lo và cần làm, lẽ ra nó đã chẳng vinh dự được truyền thông nhà nước “để mắt” đến nếu không vì chuyện Tòa Khâm Sứ (TKS) và Giáo xứ Thái Hà. Chính vì có các sự kiện này mà sau lần hội nghị này các giám mục bỗng trở thành “quốc khách” được VTV long trọng đưa tin trong chương trình thời sự 19 giờ phủ sóng cả nước.

Với thời lượng dài những 5-7 phút vào giờ cao điểm không khó lắm để nhận ra rằng sau chuyện “lùm xùm” TKS và Thái Hà, được công an thủ đô đứng ra thay mặt “nhà nước pháp quyền” giải quyết bằng vũ lực và bằng khủng bố tinh thần tu sĩ giáo dân Hà Nội, cái mà nhà nước đang cần lúc này là một hình ảnh “hòa bình hữu nghị” với giáo hội công giáo. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà các ống kính và camera quay cảnh cận cảnh ông thủ tướng Dũng ân cần nắm lấy đôi tay Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM-VN ở các góc nhìn khác nhau đã được các báo đài khai thác tối đa. (có lẽ chỉ còn thiếu cái “hôn thắm thiết” như các đồng chí lãnh đạo phe XHCN thường làm nữa là chúng ta không còn nhận ra vị chủ chăn của mình)

Nhìn những tấm hình ấy bỗng dưng tôi chợt nhớ Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt cũng đã có lần được hân hạnh gặp ông Thủ tướng khi ông bất ngờ đến thăm Tòa TGM khi đến tìm hiểu vụ đất TKS hồi tháng 12/2007. Cũng cái nắm tay thân mật cùng những cử chỉ thân thiện giữa tiếng vỗ tay của đông đảo nam nữ tu sĩ và giáo dân, vậy mà nay có ai ngờ rằng Đức Cha Giuse lại phải đang phải sống trong cảnh gần như bị giam lỏng bởi hệ thống camera, micro của công an giăng tứ phía bao xây Toà TGM.

Vì vậy lần này Sau khi xem qua mấy tấm hình của Đức cha Chủ tịch HĐGM-VN, tôi bỗng đâm “ái ngại” cho Ngài. Mặc dù vị thế, hoàn cảnh cũng như tính cách mỗi người mỗi khác nhưng vì dính dáng đến chế độ đã nhiều phen làm điêu đứng không ít người, vì sự “đổi trắng thay đen” chỉ trong chốc lát của họ tôi không biết Đức Cha Phêro có nhận ra cái nắm tay của mình với Ngài Thủ tướng Dũng đã có giá trị như thế nào đối với truyền thông nhà nước mấy ngày vừa qua không?

Theo thiển ý của người viết thì đằng sau tấm ảnh “tình thương mến thương” ấy có mấy ý đồ xin giáo hội cần phải lưu ý như sau:

1. Nếu là người chỉ đọc báo xem TV trong nước thời gian căng thẳng vừa qua, chắc chắn tôi không khỏi lòng cảm kích đối với đảng và nhà nước khi xem bức ảnh này. Bất kể Đức cha Kiệt và mấy vị linh mục xứ Thái Hà đã “kích động giáo dân” nổi loạn nhưng nhà nước vẫn tỏ ra rất khoan dung độ lượng với giáo hội. Trong một xã hội bị “đói” về thông tin đa chiều như ở trong nước hiện nay, tấm ảnh trên, như ông bà ta thường bảo “trăm nghe không bằng một thấy” nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao là truyền được sự cảm kích về lòng độ lượng ấy đến với 80 triệu dân trong nước.

2. Quan hệ nhà nước và giáo hội hiện đang cùng tồn tại hai “đẳng cấp” khác nhau, đó là:

- Cấp quốc gia: Chính phủ Trung ương - Hội đồng Giám mục VN
- Cấp địa phương: Các tỉnh thành - Giáo phận.

Chuyện căng thẳng ở TKS và Thái Hà, mặc dù ai cũng biết nó mang tầm cỡ quốc gia vì là hậu quả của chính sách cướp đoạt tài sản trên cả nước từ mấy chục năm trước do chính phủ từ HCM cho tới Lê Duẩn thi hành, mà Hà Nội mới chỉ là một. Nhưng chính phủ vẫn im hơi lặng tiếng và chờ cho đến khi tạm ổn ông thủ tướng mới lên tiếng trước HĐGM-VN, cho ta thấy rõ quan điểm muốn chia cắt giáo hội thành hai cấp quan hệ tách rời hẳn nhau của họ.

Nhưng vì sao nhà nước cần phải làm vậy? Xin thưa nó sẽ rất có lợi cho họ. Vì như mọi người đã biết để giải quyết việc khiếu kiện về đất đai của giáo hội cũng như mọi thành phần dân oan khác, KHÔNG THỂ TRÔNG CHỜ VÀO PHÁP LUẬT BỞI VÌ “KHÔNG CÓ CƠ SỞ GIẢI QUYẾT” như Điều 1 của Nghị Định 23/2003/QH11 đã qui định. Đã không thể giải quyết bằng luật pháp thì chỉ còn bằng luật rừng là chắc chắn. Mà một khi đã phải dùng đến bạo lực, thậm chí du côn và xã hội đen tham gia thì tốt nhất là để ở cấp dưới làm, nhỏ làm sai dẫu sao tội cũng vẫn nhẹ hơn và còn có đứa để giả vời kỷ luật cách chức che mắt thế gian v.v…

Chuyện của Thái Hà và TKS đã diễn ra đúng theo kịch bản này. Việc bắt bớ giáo dân, dùng dùi cui hơi cay, du côn được chính quyền thuê mướn để đe dọa nhà thờ v.v… là việc riêng giữa chính quyền Tp.Hà Nội không phải là quyết định của chính phủ vì thế không làm ảnh hưởng gì đến đẳng cấp quan hệ quốc gia giữa nhà nước với HĐGM-VN đang “tươi tốt”.

3. Vì sự “tươi tốt” ấy mà ông Thủ tướng mới thay mặt nhà nước “tuyên dương” HĐGM-VN như sau:

“Thủ tướng cũng tỏ thái độ nghiêm khắc phê phán những thành vi vi phạm pháp luật, tập trung đông người cầu nguyện đòi đất, dựng ảnh tượng, thánh giá, làm lều bạt, phá hoại tài sản công cộng, chống người thi hành công vụ xảy ra ở giáo xứ Thái Hà, 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung Hà Nội vừa qua. Thủ tướng đánh giá cao về thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là không có chủ trương đó…”

4. Và để giữ cho mối quan hệ “thượng tầng khí quyển” ấy luôn được mãi mãi tươi tốt, để lần gặp gỡ sau chính phủ có lý do để tiếp tục “tay bắt mặt mừng” HĐGM-VN, thay mặt chính phủ Ngài Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho HĐGM-VN như sau:

“…yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam có những quyết định để chấm dứt cũng như không lặp lại những việc làm sai trái đó…”

Vì đang ở một đẳng cấp quan hệ khác với Đức TGM Guise Ngô Quang Kiệt, nhưng mà “con dại cái mang” HĐGM-VN cần phải lãnh lấy trách nhiệm “giáo dục” vị giám mục này, như sau:

“Thủ tướng cho rằng những lời nói và hành vi của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã làm giảm sút lớn uy tín của ông trong cộng đồng Công giáo Việt Nam và trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và chính quyền Hà Nội, giữa Nhà nước và Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt tự xem xét lại những hành vi của mình để có cử chỉ sửa mình và hành động thiết thực để khắc phục những sai trái vừa qua, mong muốn Hội đồng Giám mục Việt Nam với tinh thần đồng đạo và vì lợi ích chung hỗ trợ và giúp đỡ Tổng Giám mục Kiệt nhiều hơn nữa, trước hết chấp hành pháp luật. ”

Như vậy, có thể nói rằng chỉ trong vòng có hai tuần lễ sóng gió, hết Đức TGM Ngô Quang Kiệt trở thành nạn nhân bằng “lời nói” thì đến lượt Đức Cha Phêrô Chủ Tịch HĐGM là bị lợi dụng bằng “hình ảnh”.

Tóm lại đối với đảng CSVN với tấm hình ông TTg. Dũng ân cần tay trong tay với vị chủ chăn HĐGM-VN, họ đã hoàn thành cùng lúc hai nhiệm vụ: vừa lăng xê bộ mặt chính phủ qua ông Thủ tướng lại vừa có dịp được “lên lớp” các giám mục. (tất nhiên là các Ngài chẳng ai thèm nghe)

Đôi điều xin thưa chuyện cùng Qúi Đức Cha trong HĐGM-VN

Mặc dù mọi người đều biết, nói gì viết gì chỉ là chuyện nhỏ đối với một chính thể độc tài toàn trị, nhưng mấy chữ “nhân kết thúc” trong câu “Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam dẫn đầu tới chào thăm ông thủ tướng nhân kết thúc hội nghị thường niên” chúng con vẫn cảm thấy có điều gì đấy hơi “sường sượng” ở đây.

Chữ “nhân” trong câu này không thể hiểu theo nghĩa nào khác ngoài “nhân dịp, nhân tiện” nhưng như mọi người đã biết, Hội nghị Giám mục vừa rồi đã diễn ra ở Tòa TGM Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh ở tận miền Nam, còn việc chào hỏi Ngài Thủ tướng hôm 1/10 lại diễn ra ở mãi tận Hà Nội, cách xa nơi hội nghị hàng ngàn km. Vậy sao lại bảo là “nhân tiện”?

Phải chăng từ trước đến nay, cứ sau mỗi lần hội nghị các vị đứng đầu HĐGM-VN có bổn phận phải đến “chào hỏi” người đứng đầu chính phủ như một thủ tục không thể thiếu, nên dù có họp ở đâu cũng là “nhân tiện” ?

Phải chăng việc “chào hỏi” do Ban Tôn Giáo CP sắp đặt này là dịp để HĐGM-VN trình diện và báo cáo cho chính phủ biết tình hình “đồng hành với dân tộc” giáo hội thực hiện đến đâu và bởi vì đã thành lệ nên gọi là “nhân tiện” ?

Cuối cùng để tránh bị hiểu lầm là “kiếm chuyện” với Qúi Đúc Cha, con xin được phép thưa rằng, là giáo dân chúng con luôn tin tưởng vào khả năng lèo lái con thuyền giáo hội của Hội đồng Giám mục. Bởi vì với một giáo hội còn đang phải chung sống với tai ương cộng sản như ở VN, chúng con nghĩ có lẽ Chúa cũng chẳng dám phiêu lưu trao phó 6 triệu con chiên của Ngài vào tay một Hội đồng Giám mục không đủ khả năng.

Trước đây mặc dù chúng con đã từng phải nghe nhiều “lời ong tiếng ve” về các vị chủ chăn của mình, như sự im lặng của giáo hội VN trong nhiều biến có có ảnh hưởng tới Giáo hội Việt nam..., nhưng không thấy các ngài lên tiếng gì cả. Thế rồi 2 năm trước đây Hội Đồng GMVN có lập ra Ủy Ban Truyền thông thuộc HĐGMVN và đã đưa ra đường lối rất là tích cực theo như những huấn dụ của Công Đồng Vatican II và các khuyến khích của Tòa Thánh Vatican.

Mục đích của Truyền thông Công giáo là để các vị chủ chăn dùng phương tiện hiện đại để loan truyền Lời Chúa, hướng dẫn giáo dân sống đạo và chỉ đạo cho dân Chúa biết cách hành sử thích hợp trong các hoàn cảnh đặc biệt... Thế mà từ đó đến nay chúng con chưa thực sự hưởng được những chủ đích mà sứ mạng của Uỷ Ban Truyền thông của HĐGMVN đã đề ra, ngoại trừ tổ chức được 1 cuộc họp lập ban ngành! Mới đây chúng con lại cũng rất hân hoan khi nghe nói HĐGMVN đã lập thêm văn phòng thư ký và phát ngôn viên cho Hội đồng để Giáo hội có tiếng nói chính thức cho tập thể.

Nhưng cho đến nay, xem ta những gì xẩy ra trong Giáo hội, những gì mà dân Chúa muốn biết để có thể đối phó với những hoàn cảnh đặc biệt thì giáo dân vẫn chưa thấy có được những hướng dẫn cập nhật và thức thời. Chúng con có cảm tưởng như chỉ khi nào bị thúc ép hay khi nào "chẳng đặng đừng được nữa" thì mới thấy có sự lên tiếng nhỏ giọt của các Ngài. Chúng con hiểu rằng: Sứ mạng truyền thông của Giáo hội không những chỉ là hướng dẫn mà còn phải đưa ra phương thức đề phòng, và nhất là phải thức thời và nhậy cảm nữa.

Dẫu sao thì người Công giáo Việt nam cũng cám tạ hồng ân Thiên Chúa quan phòng -- cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ đạo công giáo luôn bị đảng CSVN tìm mọi cách tiêu diệt mà họ vẫn không thể nào làm được. Và chính trong những giờ phút cần phải lên tiếng mạnh mẽ với chính quyền như hiện nay thì nội dung lá thư “Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Về Một Số Vấn Đề Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay” đã cho thấy giáo dân chúng con vẫn đang được che chở bởi các chủ chăn của mình.

Thế nhưng giả như nội dung cuộc Họp thường niên của HĐGMVN kéo dài cả mấy ngày vừa xẩy ra ở Xuân Lộc, hay cuộc gặp gỡ giữa HĐGMVN với Thủ tướng Và nhà cầm quyền Việt nam vào ngày 1.10.2008 ở Hà nội kéo dài đến cả tiếng rưỡi đồng hồ thì chắc chắn có nhiều trao đổi chính kiến - dù ích lợi hay không ích lợi - mà dân Chúa được biết thì có phải sẽ hay biết mấy. Cho đến nay, chúng con chỉ nghe quan điểm từ phía nhà cầm quyền, còn về phía Giáo hội tuy có ra thông cáo về cuộc họp nhưng chỉ là những tiêu đề rất lịch sự mà không đả động gì tới những nội dung cần thiết để hàng linh mục và giáo dân có thể cùng đồng hành với các vị chủ chăn của mình... Thật đáng tiếc!

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì chúng con cũng hết sức tạ ơn Chúa đã không để giáo hội VN để bị lâm vào tình cảnh “tan đàn xẻ nghé” như giáo hội Trung Quốc. Càng tự hào hơn vì đã có những vị chủ chăn từng bị lưu đầy trong các nhà tù, trại cải tạo như cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận và cố Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, và hiện nay sự can trường dám lên tiếng cho công lý một cách quyết liệt và vững tin của Đức TGM Hà nội. Đây là những tấm gương không những chỉ người Công giáo Việt nam đáng hãnh diện mà toàn thể thế giới cũng ca tụng và đó là những nhà lãnh đạo tôn giáo cần thiết trong lúc giáo hội bị áp chế hay bị lâm nguy.

Tuy nhiên vì còn phải sống dưới một chính thể độc tài cộng sản, dù họ không thể tiếp tục tàn ác như xưa nhưng thủ đoạn thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ từ bỏ. Bởi chỉ trong hai tuần lễ mà đã có hai vị chủ chăn của giáo hội bị chính quyền bóp méo “lời nói” và lợi dụng “hình ảnh” vào các mục đích có lợi cho nhà cầm quyền, chúng con thấy cần phải hết sức cảnh giác với họ không bao giờ là chuyện thừa thãi.

Sàigon, 04/10/2008

Tham khảo
http://www.vnanet.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/270172/Default.aspx
http://www.vnanet.vn/Portals/0/TinTuc/2008thang10/1001_Giammuc.jpg
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/10/806499/  
http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200810/original/images1634334_0.jpg
http://sggp.org.vn/dataimages/original/2008/10/images264128_3.jpg
http://sggp.org.vn/dataimages/original/images264210_images264128_3.jpg
Alfonso Hoàng Gia Bảo

No comments: