Thursday, October 9, 2008

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 9.10.2008

Văn phòng II Viện Hóa Đạo tổ chức Khóa Tu học Cư sĩ tại chùa Điều Ngự, Westminster, California – Đài Phật giáo Việt Nam nói về bản “Tuyên bố chung” và nhóm tiếm danh GHPGVNTN – Mưu đồ của Thầy Tuệ Sỹ


Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế
International Buddhist Information Bureau
Bureau International d'Information Bouddhiste
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
B.P. 63 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : ubcv.ibib@buddhist.com
Web : http://www.queme.net

*******************************************************************************

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 9.10.2008

Văn phòng II Viện Hóa Đạo tổ chức Khóa Tu học Cư sĩ tại chùa Điều Ngự, Westminster, California – Đài Phật giáo Việt Nam nói về bản “Tuyên bố chung” và nhóm tiếm danh GHPGVNTN – Mưu đồ của Thầy Tuệ Sỹ


PARIS, ngày 9.10.2008 (PTTPGQT) - Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tổ chức Khóa Tu học đặc biệt dành cho giới Cư sĩ nhân ngày Lễ Vía của đức Quán Thế Âm Bồ Tát tại trụ sở mới của Giáo hội : Chùa Điều Ngự, 14472 Chestnut St. - Westminster, CA. 92683 (ngay góc đường Hazard và Chestnut). Điện thoại : (714) 890-9513, (714) 254-5968.


Trong hai ngày 18 và 19.10.2008 tại địa điểm nói trên, Khóa Tu học đặc biệt sẽ đề cập tới các đề tài :


- Đạo Phật ứng dụng vào đời sống thực tế

- Đức Quan Thế Âm Bồ tát và lòng Đại từ bi vô lượng

- Phật giáo và con đường cứu độ

- Phật giáo và tuổi trẻ

- Phật giáo và Phụ nữ

- Sự đóng góp của đạo Phật vào xã hội tây phương

- Lập trường nhất quán của GHPGVNTN trước và sau 1975

- Người Cư sĩ Phật tử trước nhu cầu thời đại

- Hiện tình Phật Giáo trong và ngoài nước


Khóa Tu Học sẽ do nhiều vị Giáo Thọ và Diễn giả đầy kinh nghiệm như Đại lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác, HT. Thích Chánh Lạc, HT Thích Trí Lãng, HT Thích Thiện Hữu, HT Thích Viên Thành, HT Thích Chơn Trí, HT Thích Thiện Tâm, HT Thích Huyền Việt, Pháp sư Niên trưởng Thích Giác Đức, TT Thích Phước Nhơn, TT Thích Giác Đẳng, Gs. Võ Văn Ái, Nữ sĩ Ỷ Lan, v.v...

Mọi chi tiết thăm hỏi hoặc ghi danh tham dự xin gọi về Thượng tọa Trưởng ban Tổ chức, Thích Viên Lý, số điện thoại (714) 890-9513; hoặc (714) 254 – 5068.

Kết thúc Khóa Tu học đặc biệt, Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ sẽ khai trương Cơ sở mới của Giáo hội tại vùng thủ đô người Việt tị nạn qua ba sự kiện nổi bật : Tiếp tân vào lúc 13 giờ ; Họp báo lúc 13 giờ 40 và Lễ An Vị Phật vào lúc 16 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 19 tháng 10 năm 2008 tại địa chỉ Chùa Điều Ngự nói trên.


Xin trân trọng kính mời đồng bào Phật tử và đồng bào các giới quan lâm tham dự cuộc Tiếp tân, Họp báo và lễ An vị Phật vào ngày giờ trại địa điểm nói trên.


Đài Phật giáo Việt Nam phỏng vấn ông Võ Văn Ái về bản « Tuyên Bố Chung » của nhóm Tăng sỉ tiếm danh GHPGVNTN :


Trong mục « Câu Chuyện Cuối Tuần » của Đài Phật giáo Việt Nam phát về Việt Nam tối thứ sáu 3.10.2008, ký giả Triều Thanh đã phỏng vấn ông Võ Văn Ái về bản « Tuyên Bố Chung » của nhóm Tăng sĩ tiếm danh GHPGVNTN tại Âu châu, Úc châu – Tân Tây Lan, Canada và Hoa kỳ.


Ba lập luận của nhóm Tăng sĩ tiếm danh GHPGVNTN này là do « pháp lý và tư cách pháp nhân theo luật pháp các quốc gia sở tại » nên họ phải « sinh hoạt độc lập » với GHPGVNTN trong nước, do họ thành lập trước khi GHPGVNTN Hải ngoại chính thức ra đời năm 1992 nên họ chỉ giữ « liên hệ tinh thần » với GHPGVNTN trong nước chứ không chấp nhận « liên hệ hành chính ». Vì hai lý do này mà họ giải thích sự chống đối Giáo chỉ số 9 của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang và các văn kiện của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo.

Nhưng qua cuộc phỏng vấn, ông Võ Văn Ái đã nhắc lại ba sự kiện quan yếu mà họ đã quên, hay cố quên, để tự họ phản bội lại chính họ đồng thời phản bội GHPGVNTN đã sinh dưỡng họ :


Một là, tất cả họ đều là thành viên của GHPGVNTN trước khi rời nước ra đi, trước 1975 đi du học, sau 1975 đi vượt biển.

Hai là, GHPGVNTN Hải ngoại mà thành hình là nhờ tiếng gọi thức tỉnh qua Tâm Thư của Đức Đệ tam Tăng thống Thích Đôn Hậu viết ngày 10.9.1991. Tâm Thư kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước đoàn ngũ hóa và thống nhất lại giáo hội để phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý bị đảng Cộng sản tước đoạt. Tiếp đến ngày 14.9.1991, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang viết thư tay kêu gọi chư Tăng Ni, Phật tử hải ngoại đáp ứng Tâm Thư để hình thành tổ chức giáo hội ở hải ngoại. Tâm thư và Thư tay này làm luồng gió mới thức tỉnh toàn thể chư Tăng Ni, Phật tử hải ngoại, chẳng khác kẻ lưu lạc trên sông bỗng nghe tiếng gọi mà quay đầu thấy bến đậu. Tuy nhiên từ thời ấy, dù trong niềm hân hoan phấn khởi chung, đã manh nha một cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng và chức vị. Nên mới sinh ra sự trạng thứ ba :


Ba là, cố Hòa thượng Thích Mãn Giác viết thư tán thán Tâm thư của Đức cố Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu, nhưng xin được đứng ra lãnh đạo cuộc thống nhất giáo hội hải ngoại. Một nhóm khác, gồm cố Hòa thượng Thích Đức Niệm, Thượng tọa Thích Minh Tâm và Thượng tọa Thích Pháp Châu gom góp một số người thành lập GHPGVNTN Hải ngoại và đệ trình Đức cố đệ tam Tăng thống xin công nhận cho họ lãnh đạo Phật giáo hải ngoại. Thời ấy, riêng tại Hoa Kỳ đã có 6, 7 tổ chức Giáo hội tranh giành nhau quyền lãnh đạo.


Vì tình trạng hỗn mang ấy, Đức cố Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu liền viết Thông điệp ngày 31.10.1991 không chịu công nhận riêng tư một tổ chức hay giáo hội nào, và đặt hai điều kiện với hải ngoại : Một là nguyên tắc tổ chức của GHPGVNTN tại hải ngoại phải dựa vào Hiến chương của GHPGVNTN trong nước và chịu sự lãnh đạo của Hội đồng Lưỡng Viện tại quê nhà. Hai là đề nghị tự ý ngừng sinh hoạt các tổ chức riêng lẻ hiện có để thống nhất các tổ chức, thì trong nước mới công nhận. Nhờ sự sáng suốt và dứt khoát như thế mà các vị Minh Tâm, Đức Niệm, Pháp Châu mới phải tự ý xin gia nhập vào GHPGVNTN Hải ngoại, còn cố Hòa thượng Thích Mãn Giác thì vẫn đứng riêng trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam của mình.

Thế là âm mưu muốn đi riêng lẻ của nhóm Hòa thượng Thích Minh Tâm đã manh nha từ năm 1991. Nhưng thất bại. Nay thí nghiệm lần hai với bản “Tuyên Bố Chung” cũng là điều không lạ.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin chép lại cuộc phỏng vấn nói trên để Bạn đọc có thêm dữ liệu am hiểu một khía cạnh luân hồi của số người chưa bắt kịp phong triều luân sinh vạm vỡ của Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI :


« Tuyên Bố Chung » của Nhóm tiếm danh GHPGVNTN


Triều Thanh : Xin mời quý thính giả Đài Phật giáo Việt Nam nghe Câu Chuyện Cuối Tuần với ông Võ Văn Ái. Thưa ông Võ Văn Ái, mấy tuần lễ qua việc làm xôn xao dư luận là bản “Tuyên Bố Chung” của Nhóm Tăng Ni hải ngoại tiếm danh GHPGVNTN. Xin ông cho biết nội dung việc này ?

Võ Văn Ái : Để biết nội dung vấn đề này cần đọc Thông bạch của Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác ban hành ngày 26.9 vừa qua. Đây là văn bản đầu tiên ở hải ngoại đề cập rõ ràng về Nhóm Tăng sĩ ly khai GHPGVNTN được núp dưới các nhóm tên Thân hữu Già Lam, Tăng Ni Việt Nam Hải ngoại và Về Nguồn.

Triều Thanh : Nhưng vì sao cùng tôn thờ một đức Thế tôn, một giáo lý cứu khổ, nhóm Tăng sĩ này lại ly khai với Giáo hội Mẹ là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thưa ông ?

Võ Văn Ái : Ngoài đời sống tâm linh, đời sống tu hành, có số người còn nhu cầu hiện hữu nơi thế sự, hoặc vì lý tưởng, hoặc vì danh lợi, mà kinh sách gọi là các món lợi dưỡng. Chính ở vai trò thế sự này mà người ta chia rẽ nhau. Chứ không vì bất đồng trong giáo lý, hay cách tôn thờ đức Thế Tôn. Người xưa nói “đồng sàng dị mộng” là diễn tả tâm cảnh này.

Triều Thanh : Ông có thể giải thích rõ hơn ?

Võ Văn Ái : Giải thích cho dễ hiểu, thì phải đi vào những chuyện trong thực tại. Lấy ví dụ năm ngoái hai vị sư Thích Quảng Ba và Thích Như Điển lấy quyết định hậu thuẫn và tham gia Đại lễ Phật Đản LHQ do nhà cầm quyền Cộng sản đăng cai tổ chức ở Hà Nội, và nghe đâu dự tính đưa 500 chư Tăng và Phật tử hải ngoại về tham dự. Phải chăng hai vị này có trình độ tu chứng rất cao, nên nghĩ rằng sự hiện diện của họ tại Hà Nội sẽ làm thay đổi tâm địa của những người Cộng sản.

Giải thích khách quan như thế nào về sự kiện này ? - Hoặc họ vì lý tưởng truyền đạo muốn biến cải người cộng sản ? Hay chỉ là sự phù thịnh, thấy Cộng sản vững như bàn thạch thì tại sao không bắt quàng làm họ ? Điều nào đúng, điều nào sai, chỉ có họ mới biết.

Thế nhưng năm ngoái, khi hai vị này điện thoại về Saigon thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng ra Hà Nội dự Phật Đản do Cộng sản tổ chức, thì Hòa thượng khước từ. Tiếp đến một sự kiện tương tự, ngày 29.8 năm ngoái, Tướng Trần Tư, Thứ trưởng Bộ Công an, vào Bình Định mời Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang ra chơi Hà Nội để gặp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tham dự Đại lễ Phật Đản. Đức Tăng thống cũng từ chối nốt. Dù ông Trần Tư bảo đảm có máy bay đưa đón và có bác sĩ theo chăm sóc.

Đấy, ai dám nói là hai vị Quảng Ba và Như Điển không tôn thờ một Đức Thế Tôn, một giáo lý cứu khổ như hai Ngài Huyền Quang và Quảng Độ ? Thế nhưng tại sao bên theo bên chống ?

Triều Thanh : Ông đưa ví dụ như vậy có hàm nghĩa là sư Quảng Ba và sư Như Điển theo Cộng sản không ?

Võ Văn Ái : Cộng sản là gì và ghê gớm đến nỗi mà trong các cuộc trao đổi sinh hoạt, chúng ta cứ phải chụp mũ kẻ khác ý kiến mình là Cộng sản ?! Trong thâm tâm tôi cũng mong hai vị đó và một số Tăng sĩ ly khai khác ở các châu là cộng sản. Bởi như thế sẽ sòng phẳng để đối thoại với nhau trên phương diện lập trường. Nhưng đằng này, các vị ấy luôn xác định họ không là cộng sản, mà còn chống cộng nữa. Đây mới là chỗ kẹt cho chúng ta.

Triều Thanh : Vì sao kẹt, thưa ông Võ Văn Ái ?

Võ Văn Ái : Kẹt ở chỗ “đồng sàng dị mộng”. Do đó, những ăn nói, hành xử, âm mưu sắp đặt của họ tuy không là cộng sản, nhưng vô tình hay cố ý làm lợi cho Cộng sản. Một thứ ngựa thành Troye. Chính vì vậy mà trong Thông bạch về “Tuyên Bố Chung” của một số Tăng sĩ tiếm danh GHPGVNTN, Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác có hai nhận xét thâm thúy.

Nhận xét thứ nhất, là Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã thất bại trong việc tiêu diệt GHPGVNTN trước cuộc tranh đấu kiên trì và bất khuất của chư Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước suốt 33 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, thì nay vô hình trung, các nhóm tiếm danh GHPGVNTN, hậu thân của Thân hữu Già Lam, Về Nguồn, Tăng Ni Việt Nam Hải ngoại, đang thực hiện điều mà nhà cầm quyền Cộng sản mơ ước, qua các hành động công phá GHPGVNTN của họ, tạo tiếng xấu, gây hoang mang dư luận, nhằm đốt giai đoạn để thực hiện chủ trương tiêu diệt GHPGVNTN.

Nhận xét thứ hai, là Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã thất bại trong âm mưu hình thành một « GHPGVNTN không có Huyền Quang – Quảng Độ » nhằm khai trừ Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ ra khỏi vai trò lãnh đạo Giáo hội để dễ dàng biến tướng GHPGVNTN thành công cụ chính trị cho Đảng Cộng sản, thì nay vô hình trung, các nhóm tiếm danh GHPGVNTN, hậu thân của Thân hữu Già Lam, Về Nguồn, Tăng Ni Việt Nam Hải ngoại, đang thực hiện điều mà nhà cầm quyền Cộng sản mơ ước, qua các hành động của họ nhắm công phá uy tín lãnh đạo của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ. Đặc biệt, văn từ, ngôn ngữ bất kính, thô lỗ, hung hãn được họ tận dụng trong các văn thư của tám vị Hoà thượng tại Hoa Kỳ, của hàng chục bài viết nặc danh thuộc nhóm Thân hữu Già Lam, và nay trong văn bản cuối cùng có tên “Tuyên Bố Chung” ngày 9.9.2008.

Triều Thanh : Xin ông cho biết các nhóm tiếm danh GHPGVNTN này gồm những ai ?

Võ Văn Ái : Chiếu theo Thông bạch Tiếm danh GHPGVNTN do Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhân danh Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo ký ngày 24.8 vừa qua cho biết các tổ chức tiếm danh này gồm có :

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Canada của Thượng tọa Thích Bổn Đạt ;

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan của các vị Hòa thượng Thích Như Huệ, Hòa thượng Thích Bảo Lạc, Thượng tọa Thích Quảng Ba, v.v..., và

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Âu châu của Hòa thượng Thích Minh Tâm”.

Hiển nhiên phải thêm vào Nhóm Tăng sĩ trong cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hoa Kỳ” mới ra đời sau Đại hội Về Nguồn hôm 21.9 tại chùa Bác Nhã của sư Nguyên Trí ở Santa Ana, trong đó có những vị như Thích Trí Chơn, Thích Thắng Hoan, Thích Tín Nghĩa, Thích Vân Đàm, Trần Quang Thuận, Bùi Ngọc Đường, v.v...

Triều Thanh : Nhưng theo lý luận của nhóm Tăng sĩ có tên trên đây ký dưới “Tuyên Bố Chung” ngày 9.9.vừa qua thì “Các GHPGVNTN Hải ngoại tại Canada, Úc Đại lợi-Tân Tây Lan, Âu châu và Hoa Kỳ là các tổ chức do chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử các nơi đó cùng nhau kết hợp để xây dựng nên. Mỗi Giáo hội đều có Hiến Chương, Quy Chế hay Nội Quy riêng, có pháp lý và tư cách pháp nhân theo luật pháp các quốc gia sở tại và sinh hoạt độc lập. Nghe cũng có lý lắm chứ. Ông nghĩ sao về luận điểm của họ ?

Võ Văn Ái : Lý sự thì có thể, nhưng luật tắc thì không. Lý sự cũng có thể, nhưng đạo vị thì không. Trà dư tửu hậu với nhau để cười cợt thì được. Nhưng người có kiến thức và văn hóa không ai lý sự kiểu tiểu tâm như vậy. Các hội đoàn sinh hoạt ở hải ngoại phải tuân thủ theo pháp luật địa phương, hẳn nhiên phải có quy chế riêng phù hợp với địa phương. Tuy nhiên một tổ chức tôn giáo tự nguyện đặt mình hay xin gia nhập Giáo hội Mẹ trong nước là GHPGVNTN, thì khi lập Quy chế ở nước ngoài phải tuân thủ hướng đi, lập trường của Giáo hội mà mình tôn thờ hay xin gia nhập. Không có luật pháp ở bất cứ quốc gia nào dù là Úc châu, Âu châu, Mỹ châu bắt các hội hay các Giáo hội Phật giáo phải viết Hiến chương, Quy chế hay Nội quy của tổ chức mình khác với Hiến Chương của GHPGVNTN trong nước. Không có luật pháp nào bắt các tổ chức tiếm danh phải “sinh hoạt độc lập” với đường hướng giáo dục, tâm linh, lập trường của GHPGVNTN trong nước, là Giáo hội đã sinh dưỡng và đào luyện họ trước kia.

Triều Thanh : Nhưng các nhóm tiếm danh nói rằng họ thành lập trước khi có GHPGVNTN Hải ngoại chính thức ra đời năm 1992, nên họ có quyền sinh hoạt riêng, có quyền không đồng ý với sự chỉ đạo trong nước, có quyền phản chống Giáo chỉ số 9 hay Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ số 9 của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Họ có quyền lắm chứ, họ sống ở xứ tự do mà. Nhất là họ đã thành dân Mỹ, dân Pháp, dân Úc, dân Canada rồi ?

Võ Văn Ái : Hiển nhiên họ có toàn quyền chống đối, không thừa nhận GHPGVNTN trong nước. Nhưng đã chống đối như thế thì còn lấy danh xưng GHPGVNTN làm gì ? Tại sao không đặt một tên khác ? Ở hải ngoại có biết bao hệ phái ngoài GHPGVNTN, như Giáo hội Hoa Nghiêm, Giáo hội Linh Sơn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trên Thế giới, Giáo hội Khất sĩ, v.v... Đối với các giáo hội khác tên hay riêng biệt, GHPGVNTN không có quyền gì động tới. Nhưng kẻ nào lấy danh xưng GHPGVNTN kẻ ấy phải tuân thủ Hiến chương của Giáo hội. Anh không thể nói bừa bãi rằng tôi dân Mỹ, nhưng tôi bất chấp Hiến pháp Mỹ, tôi bất chấp luật pháp Mỹ. Anh cứ thử nói và hành động như thế đi, luật pháp sẽ dạy ngay cho anh một bài học công dân giáo dục. Tôi nói thế cho dễ hiểu. Chứ không ngụ ý rằng GHPGVNTN muốn dạy một bài học giáo lý nào cho giới Tăng thượng mạn. Bởi vì vào hay ra GHPGVNTN là do tự nguyện, không ai ép buộc ai. Hoan hỉ thì nhập cuộc làm thành viên Giáo hội. Không ưa thì bỏ đi. Ở đây chỉ là vấn đề liêm sỉ. Không thể tự nhận là người của Giáo hội rồi lại phủ nhận Giáo hội.

Đồng ý là có những giáo hội mang danh GHPGVNTN trước khi GHPGVNTN Hải ngoại chính thức ra đời năm 1992. Nhưng tất cả đã là thành viên của GHPGVNTN khi còn ở trong nước. Khi nghe tin GHPGVNTN Hải ngoại chính thức ra đời năm 1992 theo lời Đức Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu kêu gọi, một số lớn các tổ chức này đã hoặc tự nguyện hoặc viết đơn xin gia nhập Giáo hội. Vậy thì có hai thời kỳ làm mốc xác định. Trước năm 1992 là một thời kỳ. Ở thời kỳ này ai muốn lập hội gì cũng được, lấy tên gì cũng không sao, hoạt động như thế nào tùy thích. Chẳng có gì hay có ai ràng buộc. Sau năm 1992 là một thời kỳ khác. Thời kỳ thống nhất khối GHPGVNTN ở hải ngoại thành tổ chức có liên hệ hữu cơ với Giáo hội Mẹ trong nước. Nói liên hệ hữu cơ là nói có ràng buộc bằng một lý tưởng, một tinh thần và với một tổ chức có kỹ luật, có quy chế, có hiến chương. Vậy thì các tổ chức tiếm danh trên kia không thể nói họ muốn làm gì thì làm, với cái cớ rất trẻ con là do “có pháp lý và tư cách pháp nhân theo luật pháp các quốc gia sở tại”. Cũng không thể nại cớ chỉ “liên hệ tinh thần” với Giáo hội trong nước mà thôi, chứ không “liên hệ hành chính”. Đây là lối lý luận của kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ (anarchist), nếu không nói là trẻ con. Huống chi đối với những người từng được học tập giáo lý bất nhị.

Vấn đề khá quan trọng chớ quên là nhóm Tăng sĩ tiếm danh trên kia là ai ? Họ là những Tăng sĩ thành viên của GHPGVNTN khi còn ở trong nước. Một số vị ra nước ngoài du học trước năm 1975, một số vị vượt biển ra đi sau năm 1975. Tức sự gắn bó với Giáo hội là điều cơ bản và linh thiêng, không thể ăn nói tự thị như kẻ chối bỏ nguồn gốc. Những vị đi du học thì ai nuôi họ ? Nếu không là GHPGVNTN thì cũng là cơm đùm cơm bới của đàn na tín thí làm lụng vất vả, nhưng thương Đạo thương Thầy mà chắc bóp tiếp tế cho thầy ăn học, ngưỡng mong thầy khi thành tài trả lại công đức ấy cho chúng sinh, cho giáo hội. Còn các vị vượt biển ra đi sau 1975, thì nay đa số đã có chùa to, nguy nga, sung túc. Thử hỏi ai đóng góp xây chùa nếu không là đàn na tín thí, chắc bóp tiền lao động cực khổ vì tin Phật, thương đạo, quý thầy mà cúng dường xây cất, thay vì hưởng lợi riêng cho gia đình, con cái ? Đây là món nợ tinh thần mà các vị không thể phủi tay nói ngược, khi thu đạt đời sống sung túc, khá giả. Đức Phật xây dựng giáo đoàn là kê dựa vào tứ chúng (Tăng, Ni, Nam Phật tử và Nữ Phật tử). Cắt tứ chúng làm hai, chỉ có Tăng Ni thôi, đạo Phật không còn là đạo Phật.

Triều Thanh : Xin ông cho biết rõ hơn sự kêu gọi thống nhất của Đức Đệ Tam Tăng thống Thích Đôn Hậu năm 1992 như thế nào, cùng sự ra đời chính thức của GHPGVNTN ở Hải ngoại ?

Võ Văn Ái : Năm 1991 chứ. Ngày 10.9.1991, Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, lúc ấy còn là Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống, gửi bức Tâm Thư kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước đoàn ngũ hóa và thống nhất lại giáo hội để phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý bị đảng Cộng sản tước đoạt. Tâm thư là liều thuốc hồi sinh Phật giáo Việt Nam dưới tảng đè Cộng sản. Tiếp đến ngày 14.9, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang viết thư tay kêu gọi chư Tăng Ni, Phật tử hải ngoại đáp ứng Tâm Thư để hình thành tổ chức giáo hội ở hải ngoại. Tâm thư và Thư tay này làm luồng gió mới thức tỉnh toàn thể chư Tăng Ni, Phật tử hải ngoại. Chẳng khác kẻ lưu lạc trên sông bỗng nghe tiếng gọi mà quay đầu thấy bến đậu. Tuy nhiên lúc bấy giờ trong niềm hân hoan, phấn khởi chung, đã manh nha một cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng và chức vị.

Tôi còn nhớ hai sự kiện, Cố Hòa thượng Thích Mãn Giác viết thư về hoan nghênh và xin đứng ra lãnh đạo việc thống nhất Phật giáo hải ngoại. Mặt khác, ba vị gồm Cố Hòa thượng Thích Đức Niệm và hai Thượng tọa Thích Minh Tâm và Thích Pháp Châu gửi về Huế cả một danh sách nhân sự hình thành trọn gói GHPGVNTN Hải ngoại dưới quyền điều hành của 3 vị, và xin trong nước công nhận. Nhưng Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã từ chối. Hòa thượng Thích Đức Niệm nay đã viên tịch. Thượng tọa Minh Tâm nay lên Hòa thượng và chủ súy Nhóm Về Nguồn kết hợp với Nhóm Thân hữu Già Lam ly khai Giáo hội Mẹ, còn Thượng tọa Pháp Châu thì đi phục vụ Nhà cầm quyền Cộng sản.

Do sự chạy đua giành giật này mà Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu viết thêm bức Thông điệp ngày 31.10.1991 đặt hai điều kiện với hải ngoại : Một là nguyên tắc tổ chức của GHPGVNTN tại hải ngoại phải dựa vào Hiến chương của GHPGVNTN trong nước và chịu sự lãnh đạo của Hội đồng Lưỡng Viện tại quê nhà. Hai là phải thống nhất các tổ chức thì trong nước mới công nhận. Lời của Ngài Đôn Hậu rất minh bạch khi nhấn mạnh rằng “Đặc biệt tại Hoa Kỳ hiện có 6 đến 7 tổ chức Phật giáo Việt Nam, yêu cầu khẩn cấp vận động, điều hợp thành một giáo hội duy nhất và đề nghị tự ý ngừng sinh hoạt các tổ chức riêng lẻ hiện có”. Nhờ sự sáng suốt và dứt khoát như thế mà các vị Minh Tâm, Đức Niệm, Pháp Châu mới phải tự ý xin gia nhập vào GHPGVNTN Hải ngoại, còn cố Hòa thượng Thích Mãn Giác thì vẫn đứng riêng trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam của mình.

Như vậy ngày nay, Hòa thượng Minh Tâm ở Âu châu và giới Tăng sĩ ly khai tại Hoa Kỳ, Canada, Úc châu – Tân Tây Lan đâu thể nói ngược là mình chỉ “liên hệ tinh thần” với trong nước nhưng “không liên hệ hành chính”, phải “theo pháp lý sở tại”, phải “sinh hoạt độc lập” ? Ngày nào họ ghi danh xin vào Giáo hội năm 1992, rồi bao nhiêu năm qua họ vẫn đệ trình nhân sự xin Viện Hóa Đạo trong nước phê chuẩn thì đó là liên hệ gì ?! Tại sao bây giờ ngày 9.9.2008 viết “Tuyên bố Chung” ly khai, chối bỏ, tiền hậu bất nhất ?

Chính họ thất hứa và phản bội Giáo hội. Năm 1992, họ đáp lời Thông điệp ngày 31.10.1992 của Đức Đệ tam Tăng thống Thích Đôn Hậu chấm dứt hoạt động riêng tư, lẻ tẻ, để thống hợp thành GHPGVNTN Hải ngoại và tuân hành Hội đồng Lưỡng Viện trong nước. Nay chính họ chứ chẳng ai khác phản lại lời thề xưa.

Triều Thanh : Ông nói như vậy, có thể hiểu rằng điều mà Sư Thích Minh Tâm mơ ước thống lãnh riêng tư năm 1992 không thành, thì nay tới thời Sư thực hiện sự ly khai qua “Tuyên Bố Chung” hôm 9.9 vừa qua. Phải không thưa ông ?


Võ Văn Ái :
Tôi chỉ kể lại chuyện cũ, chuyện thật, chẳng muốn hàm ý gì cả.

Triều Thanh : Theo ông thì vì sao Sư Thích Minh Tâm cùng nhóm Tăng sĩ như Thích Quảng Ba, Thích Như Điển, Thích Bảo Lạc, Thích Tín Nghĩa, Thích Bổn Đạt, v.v... ký tên dưới Tuyên Bố Chung ngày 9.9 vừa ly khai GHPGVNTN, vừa tiếm danh GHPGVNTN ?

Võ Văn Ái : Xin đọc Thông bạch của Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác về bản “Tuyên Bố Chung” cùng sự tiếm danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất của một số Tăng Ni hải ngoại tất sẽ hiểu đầu đuôi câu chuyện.

Triều Thanh : Xin ông một câu hỏi chót. Ông ước đoán hậu quả sẽ ra sao với bản “Tuyên Bố Chung” cùng sự tiếm danh GHPGVNTN của nhóm Tăng Ni và cư sĩ hải ngoại nói trên ?

Võ Văn Ái : Trước mắt, nhóm Tăng Ni, Cư sĩ tiếm danh nói trên đang thực hiện những điều mà nhà cầm quyền Cộng sản mơ ước thực hiện 33 năm qua nhưng Cộng sản luôn luôn thất bại. Đó là âm mưu đánh đổ uy tín Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ ; đó là âm mưu đánh đổ và tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cùng cơ cấu toàn quốc và hải ngoại của Giáo hội, đặc biệt Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế là cái gai phải nhổ trước tiên, hầu Đảng cộng sản có thể rảnh tay đóng cửa thảm sát lãnh đạo Giáo hội trong nước, mà công luận thế giới chẳng ai hay biết.

Nói là nói thế, chứ thành công hay không lại là chuyện khác. Đảng Cộng sản có quyền hành tuyệt đối, có công an, mật vụ mà chưa thành công, thì một nhúm người ô hợp, tụ nhau vì những quyền lợi, danh vị riêng tư, làm sao thành công trước khối quần chúng Phật tử đông đảo và trí tuệ trong cũng như ngoài nước.

Tuy nhiên chúng ta không nên loại trừ nguy cơ mà họ có thể nhắm đến, và cũng là âm mưu 3 năm qua của nhóm Thân hữu Già Lam và nhóm Về Nguồn để phục vụ tham vọng cho chủ soái họ là TT Tuệ Sỹ nắm cho bằng được chức Viện trưởng Viện Hóa Đạo, rồi chọn một vị nào đó làm Đệ Ngũ Tăng thống. Được như vậy, Nhà cầm quyền Hà Nội sẽ đánh trống mở cờ công nhận “GHPGVNTN của họ” ngay. Tức thực hiện kế hoạch có từ 3 năm trước đây của Cộng sản, là một “GHPGVNTN không Huyền Quang không Quảng Độ”. Được như vậy Cộng sản mới có thể chứng minh với công luận thế giới là Cộng sản đã “thay đổi” chính sách tôn giáo, đã “công nhận” GHPGVNTN. Nhưng thực chất là dứt điểm GHPGVNTN. Dứt điểm GHPGVNTN là thành công dập tắt mọi yêu sách của nhân dân cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền.

Nhưng nói là nói thế, chắc gì thành công. Vì lịch sử luôn có những yếu tố bất ngờ và mầu nhiệm để dẹp tan tà giáo.


Triều Thanh : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

Mưu đồ của Thượng tọa Tuệ Sỹ là đầu mối ly khai của một số Tăng sĩ ở hải ngoại hiện nay :

Bài viết « Mưu đồ của Thẩy Tuệ Sỹ với GHPGVNTN » từ Huế gửi ra mà chúng tôi đăng tải dưới đây, là những dữ liệu làm sáng tỏ sự dương đông kích tây của các nhóm Thân hữu Già Lam, Về Nguồn, Tăng Ni Việt Nam Hải ngoại đang tìm cách phân liệt cộng đồng Phật giáo từ nhiều năm qua.

Động loạn khởi đầu khi Giáo chỉ số 2 của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 29.11.2005 về việc công cử thành phần nhân sự của Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo. Do Thượng tọa Tuệ Sỹ có những hành động chống phá đường hướng cố hữu của GHPGVNTN, và do Thượng tọa viết đơn xin từ chức, nên tên Thượng tọa không còn trong thành phần nhân sự của Giáo hội trong Giáo chỉ số 2. Thế là những thân hữu và đệ tử của Thượng tọa trong nhóm Thân hữu Già Lam rồi Về Nguồn khởi đầu cuộc phân liệt Giáo hội, mà những người chủ động có thể kể là các Thượng tọa Thích Nguyên Siêu, Thích Quảng Ba, Thích Tâm Hòa, Thích Bổn Đạt, Thích Nguyên Trí, Thích Vân Đàm..., các Hòa thượng Thích Minh Tâm, Thích Tìn Nghĩa, Thích Thắng Hoan, Thích Trí Chơn, v.v... và hai Cư sĩ Bùi Ngọc Đường, Trần Quang Thuận...

Nan đề của nhóm người tranh chấp nói trên được Hòa thượng Minh Tâm nêu ra trong buổi họp của GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ ở chùa Diệu Pháp ngày 16.3.2006 là : « Tại sao Giáo chỉ số 2 ban hành mà không hỏi ý kiến họ ? ». Nói theo ngôn ngữ ngoài đời cho dễ hiểu, chẳng khác chi câu hỏi của một vị Tỉnh trưởng nói rằng : « Thông điệp của Tổng thống sao không hỏi ý kiến tôi trước khi phổ biến ?! ». Luận điệu của những vị này trong buổi họp ngày 16.3 đều đoan quyết như đinh đóng cột rằng : Hai Ngài Huyền Quang và Quảng Độ bị bưng bít trong nước nên không biết gì tình hình ở hải ngoại và khắp nơi. Thêm một số người thao túng, lũng đoạn Giáo hội, giả tạo những văn kiện của hai Ngài mà hai ngài không biết ». Trước luận điệu ấy, Hòa thượng Thích Trí Lãng giơ tay phát biểu : « Lâu nay nghe luân lưu những luồng tin như vậy, nên tôi đã điện thoại thỉnh ý Hòa thượng Viện trưởng Thích Quảng Độ và có xin ngài thu băng cuộc điện đàm này. Nay xin đại hội cho phép phát ra cho mọi người cùng nghe ».

Cuốn băng được phát 90 phút. Lời Hòa thượng Thích Quảng Độ ngược hẳn tất cả những luận điệu mà nhóm tranh chấp thổi phồng bấy nay, kể cả sự kiện Thượng tọa Tuệ Sỹ xin từ chức, hoặc những khi Viện Hóa Đạo có việc nguy biến, cần khẩn, phải họp bàn, thì Thượng tọa « nhập thất » không đến.

Buổi họp dấy lên như lửa, sau khi nghe cuốn băng thu, liền xuôi êm như nước. Tưởng như được giải quyết ổn thỏa. Nhưng không, nhóm người tranh chấp vẫn tiếp tục tiếng kèn trận thôi thúc : « Tại sao Giáo chỉ số 2 ban hành mà không hỏi ý kiến chúng tôi ? », « Hai Ngài bị bưng bít », « Giáo chỉ giả...Vân vân và vân vân »...


Bởi vậy bài viết « Mưu đồ của Thẩy Tuệ Sỹ với GHPGVNTN » đăng tải dưới đây cho thấy bàn tay và sợi dây từ trong nước đang giật liên hồi ra hải ngoại như một màn Múa Rối Nước :


Mưu đồ của Thầy Tuệ Sỹ với GHPGVNTN


BỐI CẢNH

1/.Lể Chung Thất Đức cố Đệ Tứ Tăng Thống:

Khoảng cuối tháng 7/2008 Môn Đồ Pháp Quyến có xin Giáo Hội cho Môn Đồ Pháp Quyến được chủ động tổ chức Lể Chung Thất cho Đức Tăng Thống với mục đích “đền ơn đáp nghĩa”. Nếu lể Chung Thất do Hội Đồng Lưỡng Viện tổ chức thì sẽ có một số thành phần “cấn cái” không đến tham dự được. Đồng thời Chính Quyền sẽ cản trở Phật Tử đến tham dự vì họ sợ tập trung đông đảo để công bố Di Chúc, Giáo Chỉ như GH đã tuyên bố trong Lể Nhập Tháp.


Hoà Thượng Viện Trưởng chấp thuận yêu cầu nói trên và để cho Lể Chung Thất tại Nguyên Thiều do Môn Đồ Pháp Quyến tổ chức được nhẹ nhàng hoàn mãn, Hoà Thượng Viện trưởng quyết định tổ chức Khai Kinh tuần Chung Thất Đức Tăng Thống để công bố Di Chúc và Giáo Chỉ trong lể Lục Tuần ngày 17/8/2008 ( 17/7/Mậu Tý ) đồng thời uỷ quyền Văn phòng II Viện Hóa Đạo tuyên đọc Di Chúc, Giáo Chỉ và cử hành lể Suy Tôn cùng ngày nói trên tại chùa Pháp Luân, Hoa Kỳ.

Để thực hiện quyết định trên, ngày 17 tháng 8 năm 2008 ( 17/7/Mậu Tý ) Hội Đồng Lưỡng Viện đã tổ chức một phiên họp đặc biệt tại Văn Phòng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN ở Chùa Giác Hoa, đường Nơ Trang Long, Saigon. Phiên họp nầy có hai mục đích chính :

- Công bố Di Chúc và Giáo Chỉ của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN.

- Lể Khai Kinh tuần Chung Thất Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN.



2/.Công bố Di Chúc và Giáo Chỉ:

Theo đề nghị của Hoà Thượng Thích Đức Chơn (Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sỉ, Viện Chủ Tu Viện Quảng Hương Già Lam) là nên công bố Di Chúc và Giáo Chỉ tại Chánh Điện ngay trong lể Khai kinh tuần Chung Thất. Nhưng Hoà Thượng Viện Trưởng giải thích rằng : « Hiện nay Công An đang bao vây dày đặc chung quanh Chùa Giác Hoa, nếu chúng ta đọc trước Chánh Điện họ có thể xông vào chụp giựt, Di Chúc và Giáo Chỉ bị mất hoặc rách nát, buổi lể bất thành mà họ còn rêu rao trên báo đài là “đã phá vở được âm mưu của GHPGVNTN » gây hoang mang cho quần chúng Phật Tử thì chẳng ích lợi gì. Cho nên tôi đề nghị chúng ta nên công bố Di Chúc và Giáo Chỉ ngay trong buổi họp trước giờ hành lể, còn lể Khai kinh Tuần Chung Thất chỉ thuần tuý nghi lể mà thôi.


Sau khi đọc xong sẽ uỷ nhiệm Văn Phòng II Viện Hoá Đạo công bố chính thức đồng thời làm lể suy tôn trong buổi lể Chung Thất do Văn Phòng II tổ chức tai Chùa Pháp Luân, Hoa Kỳ cùng ngày 17/8/2008.


SỰ KIỆN:

Tại phiên họp Hội Đồng Lưỡng Viện sáng ngày 17/8/2008 tại Chùa Giác Hoa, sau khi công bố Di Chúc và Giáo Chỉ của Đức Tăng Thống, Hoà Thượng Thích Đức Chơn nêu ý kiến là trong Di Chúc Đức Tăng Thống kêu gọi hoà hợp, đoàn kết, vậy tại sao GH lại bỏ Thượng Toạ Tuệ Sỷ.

Thái độ của Hoà Thượng Viện Trưởng


Hoà Thượng Không Tánh và Thượng Toạ Thanh Quang đứng dậy xin trả lời nhưng Hoà Thượng Viện Trưởng nói rằng : « Không ai hiểu thầy Tuệ Sỹ bằng tôi, cho nên để tôi trả lời cho rõ ràng hơn ». Sau đó Ngài nói với HT Đức Chơn : “ Thầy hãy nghe cho kỹ ”:

a/- Năm 1999 tôi ra thăm Hoà Thượng Huyền Quang, đang bị quãn thúc tại Chùa Hội Phước Tỉnh Quãng Ngãi. Cuộc thăm viếng nầy có sự hiện diện của Thầy Hãi Tạng. Trong hoàn cảnh tù đày Ngài vô cùng cảm xúc, tôi trình bày lên Ngài công việc của Gíao hội, nhân đó xin Ngài chấp thuận thỉnh cử Thượng Toạ Tuệ Sỹ vào chức vụ Phó Viện Trưởng kiêm Tổng Thơ Ký Viện Hoá Đạo để có người gánh vác công việc Gíao hội trong công cuộc phục hoạt hiện tại. Ngài lắc đầu không đồng ý, Ngài nói, cử một chức Tổng Thư ký thử làm xem sao, chứ cử chi một lần hai chức lớn vậy? Tôi tiếp tục câu chuyện đến hồi vui vẻ tôi nhắc lại việc thỉnh cử nói trên, nhưng Ngài cũng không đồng ý. Sau đó tôi nhắc lại lần thứ 3 Ngài vẫn không đồng tình. Vì công việc đòi hỏi phải có người trong chức vụ nói trên, tôi khẩn thiết đề nghị thêm một lần nữa tức là lần thứ 4, Ngài ngồi yên lặng một lúc rồi nói : thôi được tôi giao toàn quyền cho Hoà Thượng quyết định.

Kể từ đó Thượng Toạ Tuệ Sỹ chính thức đảm trách chức vụ Phó Viện Trưởng kiêm Tổng Thư Ký Viện Hoá Đạo. Một thời gian sau, khoảng năm 2001, thì Thượng Toạ từ chức. Năm 2003, tại Đại hội bất thường ở tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định, Thượng tọa được cử lại làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo.


b/.- Trong thời gian đảm trách chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng Toạ có thông báo cho tôi rằng : « Nhà Nước sẽ chấp thuận cho GHPGVNTN được hoạt động với điều kiện thành phần lãnh đạo Gíao hội không có Ôn và Ôn Huyền Quang, Ôn tính sao? » Tôi hỏi lại : Vậy thì Thầy tính sao? Thầy Tuệ Sỷ nói : Không có Ôn và Ôn Huyền Quang thì ai lãnh đạo GH, chúng con làm việc với ai.

c/.- Sau đó một thời gian, Thầy Tuệ Sỷ lại thông báo cho tôi biết rằng : « Nhà nước sẽ cho GHPGVNTN được hoạt động nếu GHPGVNTN đăng ký ». Tôi giải thích cho Thầy Tuệ Sỷ hiểu rằng : « Đăng ký nghĩa là xin Nhà nước cho mình cái quyền được hoạt động. Cái quyền đó hiện nay mình đã có rồi, đó chính là pháp lý của GHPGVNTN, chưa ai giải thể Gíao hội, chưa có một sắc lệnh nào cấm Gíao hoạt động cả. Tại sao chúng ta lại thả hình mà bắt bóng. Nếu chúng ta làm đơn đăng ký rồi, họ cứ để hoài không giải quyết, chúng ta làm việc gì họ cũng sẽ lấy cớ là chưa giải quyết mà hoạt động là bất hợp pháp, đó là cái bẫy để họ đàn áp chúng ta một cách hợp pháp, Thầy thấy không ? ».

d/- Sau Đại Hội bất thường của GHPGVNTN tai Tu viện Nguyên Thiều và sự biến Lương Sơn, Thầy Tuệ Sỹ cũng như tôi, mỗi người bị quản thúc mỗi nơi. Thời gian này, Thầy đã ra quyết định bổ nhiệm Ông Nguyễn Châu làm Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ mà không trình cho tôi biết. Trong Quyết Định nầy thay vì Thừa Uỷ Nhiệm Viện Trưởng VHĐ thì Thầy đã ghi Thừa Uỷ Nhiệm Ban Chỉ Đạo Viện Hoá Đạo, nghĩa là không có Viện Trưởng, và đóng ấn riêng của Thầy lên văn bản. Cùng với Quyết Định nầy Thầy Tuệ Sỷ đã ra quyết định tấn phong 4 Huynh Trưởng GĐPT lên cấp Dũng mà tôi chẳng hay biết gì cả.


e/- Thầy Tuệ Sỹ liên lạc với các Huynh Trưởng hải ngoại thành lập « Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên Thế Giới » mà tôi không biết gì cả. Đến khi mọi việc xong xuôi rồi Thầy mới sai Thầy Nguyên Vương đem điện thoại của Thầy đến cho tôi nghe, trong điện thoại Thầy yêu cầu tôi duyệt y Gia Đình Phật Tử trên Thế Giới. Tôi không chấp thuận vì 3 lý do:


- Việc tổ chức tôi không biết.

- Không thông qua Văn phòng II, cũng như Ban Đại Diện các Quốc Gia , các Châu lục.

- Tổ chức nầy không có trong Hiến Chương GHPGVNTN.



f/- Khoảng giữa năm 2005 Thầy Tuệ Sỹ gởi đơn xin hoán chuyển công việc vì không thích hợp với chức vụ Phó Viện Trưởng. Nhân ngày giổ Tổ Nguyên Thiều, tôi triệu tập Hội Đồng Viện Hoá Đạo họp để giải quyết các công việc của Gíao hội, trong đó có vấn đề Thầy Tuệ Sỷ, nhưng Thầy không đến họp viện cớ bận nhập thất. Nhưng mấy hôm sau, Thầy lại ra Nha Trang để lo tang lễ cho Sư Bà Tâm Đăng. Tôi rất ngạc nhiên vì mấy hôm trước nghe Thầy Nhập Thất không dự họp được. Do đó, tôi cử Thầy Không Tánh ra đi đám, đồng thời gặp Thầy Tuệ Sỹ, để yêu cầu Thầy cho biết là nếu Thầy không đãm đương chức vụ Phó Viện Trưởng nữa thì Thầy muốn giữ chức vụ gì để Viện sắp xếp. Thầy Tuệ Sỹ đã nặng lời với Thầy Không Tánh: “Nói với Ôn Viện Trưởng tôi không làm chi hết, đừng để vào rồi sau nầy tôi từ chức thì mất mặt đó. Bây giờ tôi đang giúp cho thầy Lê Mạnh Thát”. Tại đám tang nầy có Thầy Thanh Huyền, Thầy Đức Thắng, Thầy Phước An, Thầy Nguyên Giác, Thầy Phước Viên. Sau đám tang, cả 6 thầy đồng loạt từ chức làm cho Gíao hội vô cùng khó khăn.



Thái độ của Hoà thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng thống
kiêm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo



Sau khi Hoà thượng Viện Trưởng trả lời HT. Đức Chơn xong, nhiều vị trong Hội Đồng Lưỡng Viện muốn phát biểu thêm nhưng Hoà Thượng Thiện Hạnh yêu cầu im lặng. Hoà Thượng Thiện Hạnh nói với HT Đức Chơn: « Ôn về nói với Thầy Tuệ Sỹ rằng việc Thầy Tuệ Sỹ thì Thầy Tuệ Sỹ biết rõ hơn ai hết ». Nói như vậy Thầy Tuệ Sỹ sẽ hiểu. HT Thiện Hạnh cũng đã cho qúi Thầy biết 2 sự kiện quan trọng liên quan đến Thầy Tuệ Sỹ:

a/. Trong khi Thầy Tuệ Sỹ làm đơn xin thôi giữ chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hoá Đạo và xin hoán chuyển đến một chức vụ khác phù hợp với khả năng, HT Thiện Hạnh đã gặp Thầy Tuệ Sỹ và nói với Thầy Tuệ Sỹ rằng: « Nếu Thầy thấy chức vụ Phó Viện Trưởng VHĐ không thích hợp thì tôi xin nhường chức vụ Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống cho Thầy, còn tôi Viện Hoá Đạo bố trí việc gì tôi làm việc nấy ». Thầy Tuệ Sỹ đồng ý. Tôi đã trình việc nầy lên Hoà Thượng Tăng Thống và Hoà Thượng Viện Trưởng, được cả hai ngài chấp thuận. Nhưng sau đó Thầy Tuệ Sỹ nói với Thầy Không Tánh những lời như trên làm cho tôi bị mất uy tín với Nhị Vị Lãnh Đạo Tối Cao GHPGVNTN.


b/. Sau khi không tham gia GHPGVNTN, Thầy Tuệ Sỹ đã nhiều lần vận động tôi nghỉ việc. Năm 2007 khi đưa Đức Tăng Thống vào điều trị tại bệnh viện Pháp Việt, tôi về nghỉ tại Già lam, Thầy Tuệ Sỹ nói với tôi rằng : « Ôn nên nghỉ việc đi, theo Di chúc của Hoà Thượng Huyền Quang mà Bùi Ngọc Đường đọc được thì Ôn không có chức vụ chi mô. Ôn nghỉ đi và cầu nguyện cho con và Lê Mạnh Thát. Sau nầy chúng con sẽ cung thỉnh Ôn trở lại. Tôi đã nói cho Thầy Tuệ Sỹ biết rằng tôi làm việc vì Gíao hội, vì tấm lòng của tôi đối với Nhị Vị Lãnh Đạo, xin Thầy hãy bỏ luận điệu ấy đi và xin Thầy suy nghĩ cho kỹ về hành động của mình ».

Thế nhưng khi tôi về Huế, Thầy Tuệ Sỹ lại gọi điện ra nhắc lại một lần nữa, sau đó có Bùi Ngọc Đường, Trần Quang Thuận về vận động tôi nghỉ theo ý đồ của Thầy Tuệ Sỹ như tôi đã nói trong bản Phúc Trình Phật Sự của Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống đã phổ biến.



Thái độ của Hoà Thượng Thích Như Đạt, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự


Hoà Thượng Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tăng Sự chỉ nói với Hoà Thượng Thích Đức Chơn một câu : « Xin Hoà Thượng xem lại việc Hoà Thượng theo lệnh ai mà đứng ra chủ trì lễ thắp nến cầu nguyện cho nhóm Nguyễn Châu – Bạch Hoa Mai hôm đám Ôn Tăng Thống ? ».


Chỉ một câu thôi nhưng làm cho mọi người nhớ lại cảnh tượng đêm 10/7/2008 tức là đêm cuối cùng Tang Lễ Đức Tăng Thống: (đây là phần phụ lục để Phật Tử hiểu thêm)

- Hoà Thượng Thích Đức Chơn đích thân chủ lễ và châm nến cho nhóm Nguyễn Châu – Bạch Hoa Mai, bên cạnh Hoà Thượng có Thượng Toạ Hải Tạng đứng điều khiển.

- Hoà Thượng Tăng Sự đích thân ngồi trước Kim Quan tụng kinh từ 10g đêm cho đến 3g30 sáng, hai bên có 10 Thầy và 20 Huynh Trưởng túc trực không cho nhóm Châu - Mai vào Linh đài, đề phòng nhóm nầy gây ra biến động như việc đọc Điếu văn trước đó mấy hôm.

- Khi Hoà Thượng Đức Chơn châm nến cho nhóm Châu - Mai xong vừa trở về phương trượng, đang còn y áo trên người, Hoà Thượng Thiện Hạnh, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống mời Hoà Thượng Đức Chơn ngồi xuống và khiển trách ngay “ Tôi không chấp nhận việc làm của Thầy, một người trong Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo mà lại bao che, tiếp tay cho nhóm chống phá Giáo Hội ”. Hoà Thượng Đức Chơn nói “ Tụi hắn có lỗi chi”. Hoà Thương Thiện Hạnh đáp : “ Thầy muốn tôi kể tội bọn nó ra không ?” Hoà Thượng Đức Chơn làm thinh.

- Sau đó Hoà Thượng Thiện Hạnh ra trước Linh Đài nói với Thầy Hãi Tạng “ Thầy vào đây thì phải có phép có tắc nghe chưa, thầy đừng có tự tung tự tác, tôi là Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, tôi đuổi Thầy ra khỏi đây chừ”. Thầy Hãi Tạng làm thinh.



PHẦN KẾT

Qua tâm sự của Hoà Thượng Viện Trưởng Viện Hoá Đạo và Hoà Thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống và Hoà Thượng Tăng Sự trả lời Hoà Thượng Đức Chơn, chúng ta thấy Hoà Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Hoà Thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng thống đã hết lòng chìu Thầy Tuệ Sỹ chứ không hề bỏ Thầy. Thầy muốn chức gì Quí Ngài sẵn sàng bố trí vào chức đó. Nhưng tham vọng của Thầy Tuệ Sỹ đã thể hiện qua tiến trình như sau:

- Giai đoạn 1: Loại bỏ Nhị Vị Lãnh Đạo Tối Cao để chiếm vị thế : Như trên chúng ta thấy, từ lâu Thầy Tuệ Sỹ đã có quan hệ với Chính Quyền, nắm bắt được ý đồ của Chính Quyền là muốn loại bỏ Nhị Vị Lãnh Đạo Tối Cao. Để gây áp lực với Nhị Vị Lãnh Đạo

Thầy đưa ra chiêu bài đăng ký của Chính Quyền để gài GHPGVNTN vào bẫy, để Nhị Vị Lãnh Đạo nãn lòng mà rút lui. Nếu kế hoạch nầy thành công, dĩ nhiên Phó Viện Trưởng Thích Tuệ Sỹ sẽ nghiễm nhiên ngồi vào ngôi vị lãnh đạo tối cao GHPGVNTN như cả Thầy lẫn chính quyền mong nuốn.

- Giai đoạn 2: Không chiếm được vị thế lãnh đạo thì tiếm quyền: Vì không đạt được mưu đồ loại bỏ Nhị Vị Lãnh Đạo để làm Viện Trưởng cho nên : Thầy bắt đầu tiếm quyền như quyết định công cử Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ, quyết định thăng Cấp Dũng, quyết định tổ chức « Gia Đình Phật Tử trên Thế giới » mà không trình cho HT Viện Trưởng biết. Có lẽ Thầy nghĩ rằng Hoà Thượng Viện trưởng sẽ bị quản thúc không có ngày tự do, cho nên dù có biết, Hoà Thượng cũng chẳng làm gì được.

- Giai đoạn 3: Không tiếm quyền được, Thầy bèn phá rối cho Giáo hội tan nát: bằng cách nhũng nhiểu chức vụ, vận động Quí Tổng Vụ trưởng đồng loạt từ chức… để cho Gíao hội không có nhân sự mà phải đi đến chổ tan rã.

- Giai đoạn 4: Khi Gíao hội tan rã, Thầy sẽ đứng ra tổ chức lại Gíao hội: Đây là tham vọng cuối cùng. Tham vọng nầy đã thể hiện trong câu nói khi Thầy vận động Hòa thượng Thiện Hạnh nghỉ việc : « Ôn nghỉ việc đi rồi cầu nguyện cho con và Lê Mạnh Thát, sau nầy chúng con sẽ cung thỉnh Ôn trở lại ».


Vì tham vọng ấy mà Thầy đã im lặng ( hay nói cách khác là ngấm ngầm hổ trợ ) để cho Thân Hữu Già Lam, Về Nguồn, Tăng Ni Hải Ngoại suy tôn Thầy, tích cực chống lại GHPGVNTN. Vì tham vọng ấy mà Thầy bảo bọc nuôi dưỡng, dạy dổ Gia Đình Phật Tử của nhóm Nguyễn Châu - Bạch Hoa Mai để hậu thuẩn cho Thầy hôm nay và mai sau.

Cố Đô , Tuần Chung Thất Đức Đệ Tứ Tăng Thống

Vu Lan PL 2552 – 2008 - Mậu Tý

No comments: