Sunday, October 5, 2008

Ai công kích TGM Ngô Quang Kiệt nên đọc lại bài này của VNNet

“Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng."
TGM Ngô Quang Kiệt


Ký sự "quá giang": Vị đắng của những chuyến đi xa

01:25' 30/12/2006 (GMT+7)
(VietNamNet)- Cũng chỉ là mượn chuyện người khác mà nói tâm sự của mình. Thật ra thời nào có khó khăn của thời đó, điều quan trọng là khó khăn có được thay đổi hay không. Rõ ràng những khó khăn trong bài ký sự gần như không còn nữa những cũng không phải mọi chuyện đã trở nên dễ dàng trôi qua.

Bài này đăng trên báo Xuân Tuổi Trẻ năm 1989, 17 năm trước. Có lẽ là lần đầu tiên cụm thuật ngữ "ký sự quá giang" được sử dụng trên báo.

VietNamNet trân trọng giới thiệu ghi chép này của nhà báo Trần Ngọc Châu. "Ôn cố tri tân", nhìn lại quá khứ để vui mừng, tự hào trước thành tựu công cuộc đổi mới của đất nước. Cũng để mỗi người tự nhắc nhau: còn rất nhiều việc phải làm để Việt Nam bay lên, thoát khỏi cảnh tụt hậu, thua kém với người.

Về một thời không dám nhận mình là người Việt

Một đồng chí giám đốc thuộc loại trẻ, có học thức, sau khi kể với tôi chuyện đi Tây, đã than: "Phải chi nhà báo các ông được đi nhiều để viết cho dân mình, cán bộ mình cùng đọc, cùng hiểu cái thân phận nghèo nhất thế giới của chúng ta mà đủ nhục như cái nhục mất nước, vậy mới quyết chí vươn lên nổi".

Nhưng thưa bạn đọc, nếu chờ tới lượt mình đi nước ngoài thì "còn khuya" nên tôi mạn phép mượn lời kể của những nhà quản lý mà tôi đã gặp sau những chuyến đi học tập bên xứ người để viết bài ký sự dưới đây.

Có một người ngoại quốc từng muốn: "Ngủ một giấc, sáng ra thấy mình là người Việt Nam". Câu nói này hình như chỉ mở đầu cho những câu chuyện cổ tích!

Lần đầu tiên đến Thái Lan, ngồi đợi ở sân bay Bangkok, tôi thấy một đoàn người xếp hàng dài dưới nắng mà không được vào ga. Hỏi ra mới biết đó là những thanh niên Việt Nam chờ máy bay chở đi lao động ở Trung Đông. Họ không được phép vào ngồi đợi máy bay ở nhà ga như những hành khách khác.

Tôi không hiểu tại sao nhưng cảm thấy nhục vì người Việt Nam mình đi nước ngoài, nhất là các nước tư bản, là phải đi qua cửa ngõ sân bay Bangkok - thay vì chỉ cần qua của ngõ Tân Sơn Nhất của ta - rồi từ đó mới đáp may bay đi tiếp. Cho nên phải chịu bao cảnh ngang trái đau lòng.

Trở lại chuyến đi lao động ở Trung Đông. Một người bạn ngồi ở phi trường với tôi hôm đó kể rằng: người Việt Nam đi Trung đông để đào kênh qua sa mạc, lao động cực nhọc, thỉnh thoảng còn bị đánh đập, vì nước người ta là tư bản. Có anh xa vợ lâu ngày mà bên Trung Đông cái khoản phụ nữ là đặc biệt cấm kỵ nên khi về đến Thái Lan, bao nhiêu tiền dành dụm đem ra ăn chơi xả láng và mắc bệnh không dám về nước nữa.

Nhân chuyện này tôi nhớ có lần đi dự một hội nghị du lịch ở Tiệp Khắc, ở đó, tôi đã xem trên truyền hình một bộ phim tài liệu hình sự, diễn ra cảnh các thanh niên Việt Nam lao động hợp tác tại Tiệp Khắc thanh toán nhau bằng búa. Tôi chợt hiểu tại sao tôi đón mãi mà xe buýt không dừng, đến khi mang huy hiệu phái đoàn Nhật thì mới đón được xe. Cũng không lạ gì cảnh người Việt Nam ở Matxcơva không dám chào nhau bằng tiếng Việt vào thời điểm có một thanh niên Việt Nam giết một cảnh sát vì bị bắt quả tang nấu rượu lậu.

Còn đâu huyền thoại về người Việt Nam anh hùng? Khi tôi đến nước Pháp hào hoa, đi ăn ở nhà hàng với mấy anh bạn Việt kiều, mấy ông khách bàn bên cạnh thấy chúng tôi là người châu Á, hỏi: "Mày là người nước nào?" Tôi chưa kịp trả lời đã nghe người bạn Việt kiều: "Người Nhật". "A, ông khách ngoại quốc kêu lên - nước Nhật của ông giỏi lắm. Xin cụng ly chúc mừng ông!".

Một lần khác tôi được giới thiệu là người Phi Luật Tân, thì người ta nói: "Nước ông còn đỡ hơn Việt Nam". Ở Matxcơva tôi thử nói người Trung Quốc xem sao thì được câu trả lời: "Ông nên gửi hàng thêm. Hàng của nước ông tốt lắm. Còn hàng Việt Nam ở Nga thì quá tệ".

Đó chỉ là những câu nói vô tình vì họ không biết tôi là người Việt và chính vì vậy, những câu nói đó chứa đầy vị đắng của sự thật.

Lâu nay chúng ta cứ đóng cửa ca ngợi nhau mà không biết thế giới đang ngày càng vượt quá xa chúng ta. Có dịp đi bàn chuyện buôn bán làm ăn ở một nước Tây Âu tôi mới thấy hết cái lạc hậu của mình.

Ở một nước tư bản, cán bộ kinh doanh của ta khi ngồi vào bàn đàm phán còn hỏi: "Các ông huy động vốn, được cấp vốn bao nhiêu?". Mà không biết rằng họ là tư bản, làm gì có khái niệm "cấp" hay "huy động" như chúng ta. Một điều đáng buồn nữa là trong khi thế giới người ta đã quan niệm quan hệ là: "hai bên cùng có lợi" thì cán bộ ta cứ nghĩ chuyện "đề nghị tài trợ, giúp đỡ, nghĩa là cứ tính chuyện... xin - cho".

Vì sao phải cám ơn người lẽ ra phải cám ơn mình?

Có lần tôi cũng tự xỉ vả mình vì tỏ ra choáng ngợp trước không biết cơ man nào là hàng hoá trên những đường phố Bangkok. Tôi đã đi lại hàng giờ trước những cửa hàng bán lốp ô tô xếp cao như núi, mà nhớ lại nỗi cay đắng của mình khi làm đơn xin duyệt một cái lốp ô tô, chờ cả tháng trời, lại xuống Vũng Tàu mới có.

Đến khi sang Singapore tôi mới khám phá ra rằng nỗi vui của tôi khi đọc tin trên báo chí mình ca ngợi một số nhà máy dệt "hiện đại hoá thiết bị" nhập máy mới, rẻ, tiết kiệm cả triệu USD là chuyện buồn cười. Singapore, Nhật, CHLB Đức đâu còn muốn dệt vải nữa vì nhân công quá đắt.

Ta cảm ơn họ rối rít trong khi lẽ ra họ phải cám ơn ta mới đúng, vì đã lãnh "của nợ" giùm họ (dù của nợ này cũng tốt chán với chúng ta). Chẳng qua chúng ta thiếu thông tin, như anh mù xem voi: đụng cái nào cũng là "voi cả".

Ở Manila, tôi để ý thấy người ta quảng cáo rầm rộ trên ti-vi những sản phẩm mang nhãn hiệu nước ngoài được sản xuất lắp ráp tại chính Phi Luật Tân, theo kiểu sous-license, mà không mặc cảm, tự ti dân tộc chút nào, vì hàng vừa tốt vừa rẻ. Tôi đến thăm hãng Samsung ở Seoul. Trước đây hãng này cũng làm theo công nghệ Nhật và sản phẩm của hãng cũng mang nhãn hiệu nước ngoài, nhưng sau khi cải tiến được 50% các chi tiết thì sản phẩm được mang nhãn hiệu Samsung, hiện không kém gì hàng Nhật giá cả lại rẻ hơn.

Tôi được biết tiền lương tháng của một công nhân quét dọn ở đây là 500 đô còn Tổng Giám đốc là 7000 đô trở lên. Lên án chế độ bóc lột công nhân tận xương tuỷ như thế nào đây?

Nói đến chuyện sản xuất sous-license tôi nhớ hồi trước năm 1975 tại ngay Sài Gòn đã có nhiều hãng làm như vậy: National, Sanyo, Renault... Rất tiếc chúng ta đã để lỡ mất cơ hội, nay thấy người tiến bộ mà thèm.

Giờ xin nói sang chuyện dịch vụ. Ở các thành phố mà tôi đã đi qua: Tokyo, Singapore, Manila, Bangkok, Seoul... bất cứ đâu trong thành phố cũng đều có bàn "exchange" (đổi ngoại tệ) tạo mọi sự dễ dàng cho du khách chứ không khó khăn, kỳ cục như bên ta. Đặc biệt ở Manila tôi thấy các quầy đổi tiền của Ngân hàng Nhà nước đổi giá cao hơn của tư nhân. Cho nên phần lớn ngoại tệ đều rơi vào tay Nhà nước. Cách làm này hoàn toàn ngược với chúng ta.

Ở Thái Lan mạng lưới phục vụ cũng như thái độ phục vụ so với ta, có thể nói là "cực kỳ". Ấn tượng đầu tiên là thủ tục hải quan sân bay quá nhẹ nhàng. Hàng hoá ngoại quốc mang vô nước họ không thành vấn đề. Riêng hàng tiêu dùng mà Thái Lan không sản xuất, được mang vào tự do, không phải chịu thuế má gì cả.

Tôi đã đến bãi biển du lịch Pattaya. Cảnh quan nơi đây đâu sánh nổi với Vũng Tàu, Nha Trang chứ đừng nói chi Hạ Long, Đà Nẵng, thế mà du khách nườm nượp, phải kể con số triệu mỗi năm. Bởi họ biết tổ chức phục vụ tối đa mọi nhu cầu của con người, từ phòng tập thể dục đến bể bơi và kể cả "sex tours". Quan niệm đạo đức đã thành nếp không cho phép tôi chấp nhận một dịch vụ công khai như vậy. Nhưng đây là một vấn đề kinh tế dịch vụ dù có "dị ứng" về mặt đạo đức nhưng tôi vẫn phải công nhận sự tồn tại có lý của nó.

Tại khách sạn tôi ở có một phòng rất sang trong đó có các cô gái xinh đẹp mang số hiệu đoàng hoàng. Khách bên ngoài nhìn vào có thể lựa chọn. Phản ứng đầu tiên của tôi là phẫn nộ, nhưng nhớ lại cảnh bên nhà: ngoài đường ban đêm không thiếu các cô gái ăn sương, thậm chí báo chí đã đăng nhiều phóng sự nên tôi đành "điều chỉnh" phản ứng của tôi. Từ bên trong các cô không nhìn thấy mình đang bị lựa chọn như một món hàng. Ở Manila, các khách sạn lớn tuyển chọn những cô gái hoàn toàn tự nguyện.

Vào Việt Nam: buồn quá

Tôi tìm hiểu và ngạc nhiên khi biết có đoàn du khách nước ngoài vào Việt Nam và than: buồn quá. Sau đó họ bay sang Thái Lan, Mã Lai vung tiền "đổi một trận cười như không". (Đương nhiên chúng ta không thể làm như họ nhưng cũng không thể bình chân như vại, chịu cảnh thất thu). Đó chẳng phải là nỗi đau của những nhà làm du lịch hay sao? Riêng tôi, càng đi càng thấy đau.

Lúc đến Singapore, tôi để ý thấy trong danh bạ điện thoại ở khách sạn, nhà hàng đều có câu đại ý: có thể gọi khắp thế giới ngoại trừ Việt Nam. Tôi bàng hoàng vì không thể ngờ trong thời đại bùng nổ thông tin này vì kém cỏi mà mình đã bị loại ra khỏi hệ thống. Họ hận thù vì ta là xã hội chủ nghĩa? Nhưng Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc thì sao? Tôi không lý giải được, chỉ thấy một nỗi nhục canh cánh bên lòng.

Ở Seoul tôi bị một nỗi đau khác gặm nhấm khi thấy trên đường phố toàn xe hơi nhưng không tìm đâu ra một xe nào do nước ngoài sản xuất. Người Nam Triều Tiên toàn đi xe hơi do nước họ sản xuất. Cũng không nên vội vàng so sánh với Việt Nam bởi ta chưa sản xuất được xe hơi. Có điều tôi đau khi biết rằng chủ hãng xe hơi lớn nhất Nam Triều Tiên hiện nay, hãng Hyundai, là con trai một nông dân mà lúc cha của ông ta còn cày ruộng thì ở Sài Gòn, người ta đã lắp ráp xe La Dalat rồi.

Trước đây nhiều người sợ rằng nếu mở cửa du lịch thì văn hoá tư sản sẽ ùa vào, đầu độc thanh niên nước ta nhưng đi một số nước tôi thấy không hẳn thanh niên nước đó chỉ biết ăn chơi, sống vội. Như ở Seoul chẳng hạn, thanh niên ăn mặc lịch sự, gọn gàng, lúc nào cũng thắt cavạt rất chững chạc, văn minh. Tôi để ý thấy họ rất ít nhậu nhẹt và hút thuốc ngoài đường phố. Ở Seoul 10 ngày tôi chỉ mời được 1 người hút thuốc. Có lẽ rượu, thuốc lá đều rất đắt mà họ lại tiết kiệm tiêu xài chứ không "xả láng sáng nghỉ sớm" như quan niệm của một số bạn trẻ chúng ta.

Ai đi xa về lại không sung sướng khi máy bay đến gần Tổ quốc. Tôi không có niềm sung sướng đó mà chỉ hồi hộp, lo âu vì biết bao thủ tục phiền hà đang chờ đợi. Rời sân bay Bangkok chưa đầy mười lăm phút đã thấy nhân viên hàng không phát cho hành khách mỗi người bốn tờ giấy dài đầy chữ.

Hầu như thấy vui đó mà chỉ có cảm giác hồi hộp, lo âu vì biết bao thủ tục phiền hà đang chờ đợi. Hầu như mọi thứ lỉnh kỉnh đều phải khai ra hết, bao nhiêu áo Pullthun, áo gió, quần bò cho đến một đồng đô còn sót. Chưa khai hết một tờ đã dọn ăn. Có hành khách không kịp ăn vì còn phải vật lộn với những khoản mục trong tờ khai.

Tôi chợt nghe hai ông khách nói tiếng Anh ở hàng ghế trước: "Ông đi Việt Nam du lịch?". "Không, tôi có việc mới đến, chứ xứ sở quá phiền hà này đi du lịch cái gì". Tôi như bị tát tay hay một gáo nước lạnh vào mặt.

Chưa hết, xuống nhà ga phi cảng lại phải chờ hàng giờ, mồ hôi đẫm lưng áo mà thủ tục dường như cứ đứng ì một chỗ. Một ông khách tưởng tôi là người ngoại quốc, lắc đầu nói: "Mất cả giờ rồi mà chúng ta chưa ra khỏi phi trường, không có đâu như ở đây". Tôi đỏ mặt xấu hổ nhưng không biết nói sao.

Các bàn để làm thủ tục hải quan xếp theo hình chữ U quanh hành khách cũng gây cảm giác sợ hãi như đứng trước vành móng ngựa. Tôi đã đi qua nhiều nước và có ý so sánh bên mình qua các cửa sân bay nên bấm giờ để coi thủ tục họ nhanh -chậm thế nào.

Phải nói các nước XHCN còn chậm, nhưng các nước tư bản thì không quá vài phút. Ở phi trường Nhật chỉ 5 phút. Ở Bangkok, mình đi chậm, nhân viên hải quan còn hối thúc đi nhanh. Ở các nước, tờ khai của họ chỉ bằng bàn tay với bốn năm câu hỏi, chủ yếu để thông báo khi có tai nạn. Ở Bangkok, mang vào trên 10.000 đô la thì mới khai, nhưng không khai cũng không sao. Họ sợ mất khách du lịch vì một thái độ bất nhã nào đó, nên rất tránh khám xét. Họ dám bỏ con tép để câu con tôm chứ không cò con như chúng ta. Cái cảm giác dễ chịu không thể nào có được khi đứng trước những khuôn mặt lạnh lùng, nghi kỵ tại căn phòng làm thủ tục ở sân bay. Đối với người đi du lịch, cái thích nhất chưa hẳn là cảnh đẹp, gái đẹp mà lòng hiếu khách.

Kết thúc bài ký sự "quá giang" này, tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn (và cả xin lỗi) những đồng chí xưng "tôi" rong bài: Nguyễn Bá, Lê Công Giàu, Đặng Trung Tín, Lê Hùng Dũng, Khiều Thiện Thuật, Phan Phùng Sanh và Nguyễn Đăng Liêm, những người đã mất thì giờ cho nhà báo sau những chuyến đi xa.

Cái cảnh "quá giang" cũng là đặc biệt, nhưng biết làm thế nào đối với một nhà báo quá đói thông tin. Lại nữa: mùa xuân "trông người lại ngẫm đến ta", chẳng khác nào uống thuốc đắng, không có thú vị gì; nhưng tổ tiên vẫn dạy: thuốc đắng dã tật. Nghìn chén đắng thế này cũng chưa đã tật đâu, tôi chỉ mong nỗi nhục này góp phần thức tỉnh chúng ta, vươn lên làm giàu và sống có văn hoá, văn minh thật sự, chứ không mãi tự ru mình trong những ánh hào quang.

TP.HCM, tháng 1/1989.
Trần Ngọc Châu (Saigon Times)


http://vietnamnet.vn/chinhtri/2006/12/648979/

No comments: