Friday, October 10, 2008

CẦN PHẢI BIẾT NHỤC

Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Trung Kiên (KS ĐH BKHN, dự định du học Mỹ)

Kính thưa ông,

Ông đã có một thư ngỏ gửi tới TGM Ngô Quang Kiệt mà tôi đọc được trên trang web Vitinfo (http://vitinfo.com.vn/muctin/CTXH/53397/default.aspx ).

Là dân Việt, trước hết, tôi cũng đồng quan tâm với ông về cái quốc thể của dân Việt mà chúng ta phải giữ gìn và phát triển. Ông đã nhân danh cái quốc thể đó mà gửi lá thư ngỏ đến TGM Ngô Quang Kiệt, Tổng giáo phận Hà Nội; nhưng chính vì cái quốc thể đó mà tôi gửi đến ông lá thư ngỏ này, nhìn vấn đề theo một cách nhìn khác, để chúng ta cùng nhau xây dựng nước nhà cho xứng đáng một người dân Việt, “con rồng cháu tiên”.

Điều đầu tiên mà tôi chân thành góp ý là xin ông dùng chữ Việt cho đúng đắn hơn:

- TGM Ngô Quang Kiệt nay đã gần 60 tuổi mà ông gọi là giám mục trẻ thì chẳng hợp tai với người dân Việt đâu. Ông cứ xem một người bình thường chào một người ở độ tuổi đó như thế nào để tùy đó mà xưng hô thì không sợ lầm. Cũng có thể ông là một người cao tuổi có thể gọi TGM Ngô Quang Kiệt là giám mục trẻ. Cao tuổi như thế mà mới dự định du học Mỹ thôi thì ông xứng đáng là tấm gương sáng lấy cần cù bù khả năng cho thế hệ trẻ Việt Nam.

- TGM Ngô Quang Kiệt sinh ở Lạng Sơn năm 1952 và đến năm 1954 thì đã di cư vào Nam rồi. Thế mà ông lại viết là ông Ngô Quang Kiệt sinh trưởng ở Lạng Sơn. Xin ông xem lại chữ sinh trưởng trong từ điển Tiếng Việt (sinh ra và lớn lên).

- Cũng xin ông xem lại chữ “hoàn thiện” trong từ điển Tiếng Việt để thấy rằng dùng chữ hoàn tất thì đúng chữ Việt hơn là dùng chữ hoàn thiện như ông đã viết : ông Ngô Quang Kiệt “đã hoàn thiện triết học và thần học năm 1978”.

Đó chỉ là các lỗi nhỏ tôi gặp thấy ngay trong lời mở đầu của ông, còn nhiều từ ngữ khác trong toàn bài mà tôi thấy chỉ nên nhắc ông cách chung rằng một người tự trọng, biết rằng “bút sa gà chết”, thì phải hết sức cẩn trọng khi hạ bút.

Còn về cái nhân sinh quan mà ông đã trình bày trong thư ngỏ, tôi cũng xin có mấy lời ngỏ :

Ông viết : “tôi hết sức ngạc nhiên vì chưa từng nghe ai là người Việt Nam chân chính lại nói “rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”, kể cả những kẻ phản bội tổ quốc hiện đang sống lưu vong cũng không phát ngôn như vậy.”

Đời có vinh có nhục, phải biết nhục để nên vinh. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó:

- Chiến thắng quân Nguyên làm sao có được nếu Hưng Đạo Vương không biết nhục không dạy cho tướng sĩ biết nhục (Hịch tướng sĩ) : “ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. ... Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm.”

- Cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt về nước Tầu, Nguyễn Trãi quyết định đi theo hầu hạ cha, nhưng ông Nguyễn Phi Khanh dạy con : “Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Lọ là cứ phải đi theo cha khóc lóc như đàn bà mới là hiếu hay sao?" Rồi Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi quay trở về, chỉ để Phi Hùng theo ông sang Trung Quốc, để khi ông chết thì đem hài cốt về nước...

Đâu là sức mạnh làm cho Nguyễn Trãi bỏ qua mọi lo toan cho bản thân để đánh đuổi quân Minh về nước nếu không phải là biết nhục để rửa nhục?

Như thế, biết nhục trước sự suy vi của tổ quốc là cái hồn sống của tổ tiên, cái khí phách của những minh quân hiền thần đất Việt hôm xưa. Cái khí phách đó là lời chú giải cho lịch sử mấy ngàn năm chịu tuỳ thuộc, chịu đô hộ, mà vẫn giữ vững được cái bản sắc dân tộc; ngược lại, người không biết nhục trước sự suy vong của tổ quốc mới là những kẻ phản quốc. Hưng Đạo Vương đã chỉ rõ mặt, vạch rõ tên những kẻ không biết nhục cho tiền đồ của tổ quốc, những kẻ phản quốc ở ngay trong nhà : “Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm.” (Hịch tướng sĩ)

Thế đó, phải biết nhục mới nên vinh.

Để thay lời kết, với ước mong góp phần xây dựng một đất nước phồn vinh, tôi thấy phải gửi đến ông và đến mọi người Việt Nam yêu nước đoạn kết của bài Hịch tướng sĩ. Đoạn kết trung thực và mạnh mẽ đó được Hưng Đạo Vương viết ra với một lòng yêu nước mà lịch sử Việt Nam chẳng bao giờ quên. Việc của ông, của tôi, và của dân Việt hôm nay là áp dụng cái tinh thần đó vào lịch sử Việt Nam đang diễn ra ở đây và bây giờ, khi mà đất nước đang phải đối đầu với giặc nghèo, giặc dốt, giặc dối trá, giặc tham nhũng, giặc bạo quyền, để tránh cái thẹn muôn đời :

“Giặc Mông Thát (ngày nay là giặc nghèo, dốt, dối trá, tham những, bạo quyền) với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?

Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta."


Ước mong ông hiểu được cái bụng Hưng Đạo Vương trong tình thế hôm nay của Đất Việt.

Kính thư

Thái Tâm


Thứ năm, 2/10/2008, 6:54'

Thư ngỏ gửi tới ông Ngô Quang Kiệt

(http://vitinfo.com.vn/muctin/CTXH/53397/default.aspx ).

Ông Ngô Quang Kiệt tại cuộc họp với Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngày 20/9. Ảnh: VTV


Hơn 30 năm hành nghề tôn giáo khắp Nam Bắc, thiết nghĩ ông sẽ là một Cha xứ khả kính. Vậy mà, khi nghe những lời phát biểu của ông trong cuộc họp với chủ tịch UBND TP Hà Nội ngày 20/9/2008, tôi hết sức ngạc nhiên...

Tôi được biết ông là một vị giám mục trẻ, sinh trưởng ở Lạng Sơn, đã từng đi qua nhiều vùng miền đất nước; đã hoàn thiện triết học và thần học năm 1978, qua 13 năm tại tu hành tại giáo phận Long Xuyên, tu nghiệp cao học xã hội tại ĐH Công giáo Pari năm 1993 (1).

Hơn 30 năm hành nghề tôn giáo khắp Nam Bắc, thiết nghĩ ông sẽ là một Cha xứ khả kính. Vậy mà khi chúng tôi nghe những lời phát biểu của ông trong cuộc họp với chủ tịch UBND TP Hà Nội ngày 20/9/2008, tôi hết sức ngạc nhiên vì chưa từng nghe ai là người Việt Nam chân chính lại nói “rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”, kể cả những kẻ phản bội tổ quốc hiện đang sống lưu vong cũng không phát ngôn như vậy.

Trong cuộc gặp Chủ tịch UBND Hà Nội, ông có nói chính quyền ban “ân huệ” cho giáo dân. Vậy tôi và ông hãy cùng xem cái “ân huệ” mà Chính phủ này đang "ban", theo cách nói của ông, đã có những thành quả như thế nào?

Xin thưa với ông rằng, từ năm 2006 trở lại đây, nước Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo (CPC). Vừa rồi, chính phủ Mỹ cũng đã khẳng định: Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dân. Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ động tạo điều kiện hướng dẫn giáo dân thành lập các giáo hội, và sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật Việt Nam.

Tháng 5/2008, Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế thuộc Quốc hội Mỹ (USCIRF) đã gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ C.Rai đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần được “đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo”. Nhưng chính Bộ ngoại giao Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ vì cho rằng không có lý do gì đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (2). Đây phải chăng là sự “ban ân huệ” mà ông đã nói?

Còn với tôi thì thấy rằng, đó là sự nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam để đất nước dân chủ hơn, văn minh hơn, tôn trọng tự do tín ngưỡng hơn, và được bạn bè quốc tế kính trọng hơn.

Tôi cho rằng thật đáng tiếc cho ông. Đáng tiếc là vì nếu ông được đọc câu nói của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - Michael Michalak, thì ông sẽ hành xử khác đi.

Ông Michalak nói: “Tôi quyết định học tiếng Việt bởi tôi cho rằng mỗi người cần phải giao tiếp với những người dân ở nước mà mình ở. Học ngôn ngữ vừa là cách tôi thể hiện sự đánh giá cao của mình với đất nước mình ở, vừa là công cụ tôi có thể sử dụng để tạo sự hiểu biết cũng như không khí thân thiện, thoải mái với những người đối thoại”.

Đây là những câu nói chân thành đầy lòng kính trọng dân tộc Việt Nam của một đại sứ Mỹ. Trong khi đó, ông –một công dân Việt Nam, mà lại nói: “rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”. Quả thật tôi hoàn toàn không hiểu nổi, tại sao ông lại nói được lời lẽ như vậy?!

Cho nên, nhiều người khi biết ông nói câu đó, đã bảo rằng: “Già mà nói dại”. Có đúng thế không, thưa ông tổng giám mục? Thực ra với chính câu nói ấy, ông đã tự loại mình ra khỏi đất nước này rồi.

Tôi đã từng xem qua bộ phim “Eva toàn năng”, một câu chuyện nhỏ như là một thông điệp giản dị của chúa trời dành cho loài người. Trong bộ phim đó, có một câu nói rất thú vị: “Chúa không ban cho bạn ngôi nhà, mà chúa ban cho bạn cơ hội lao động để có được ngôi nhà. Chúa không ban cho bạn tình yêu, tình cảm gia đình đầm ấm, mà chúa ban cho bạn cơ hội để giành được tình yêu, và tình cảm gia đình hạnh phúc”.

Đến đây, tôi cũng bỗng nghĩ rằng, đó cũng chính là ý chúa dành cho ông. Chúa đã cho ông cơ hội để thể hiện mình trước giáo dân, cho ông cơ hội không được đọc bài phát biểu của đại sứ Mỹ Michael Michalak, và để rồi cuối cùng cho ông cơ hội phát ngôn ra câu nói nhục nhã đó để tự bộc lộ toàn bộ bản chất của ông trước mặt giáo dân và toàn thể hơn 80 triệu người Việt Nam.

Cuối cùng, tôi xin nói rằng, với mấy ngàn năm lịch sử dân tộc Việt Nam, ngoài truyền thống yêu nước, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, còn có cả lòng bao dung vị tha. Tôi nghĩ rằng nếu ông kịp thời nhận ra những gì mình nói và làm là trái với Chúa, với giáo dân, với dân tộc, là xúc phạm đối với nhân dân và nếu ông muốn sống phúc âm trong lòng dân tộc, thì ông hãy công khai xin lỗi chính quyền và nhân dân.

Có như vậy, hơn 80 triệu người Việt Nam mới có thể tha thứ cho ông.

Kính bút!

Nguyễn Trung Kiên (Kỹ sư ĐH BKHN, dự định du học Mỹ)

No comments: