Monday, October 6, 2008

Nguồn cung thực phẩm riêng cho lãnh đạo Trung Quốc

Permanent Link
http://blog.360.yahoo.com/blog-CkgfBTEzeqkPrBLuE0ZFgw--?cq=1&p=1247

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cung cấp lương thực như thế nào?

Vào giữa lúc vụ xì căn đan sữa pha chất mélamine diễn ra, với hàng ngàn trẻ em bị đưa vào bệnh viện, dư luận Trung Quốc lại phẫn nộ khi một viên chức tiết lộ rằng có một trung tâm phân phối thực phẩm được bảo đảm an toàn về chất lượng cho các lãnh đạo.

Thông tin về Trung Tâm Cung Cấp Thực Phẩm Đặc Biệt cho Các Văn Phòng Chính Phủ Trung Ương đến tai người dân sau khi diễn văn của ông Zhu Yonglan, giám đốc trung tâm này, được lưu truyền trên mạng Internet. Trong bài phát biểu, vị giám đốc cho biết là trung tâm nói trên đã được thành lập vào tháng 4 năm 2005, để cung cấp những loại thực phẩm vệ sinh và an toàn, được chọn lọc và kiểm tra kỹ lưỡng, cho các viên chức trong 94 bộ và ủy ban trung ương của chính phủ, cũng như gia đình của họ, kể cả những viên chức đã về hưu.
Bài nói chuyện được đưa ra hôm 18/08/08 tại Công Ty Phát Triển Công nghệ Y khoa Sinh học Ke'er ở Sơn Đông.

Theo UPI, vào đầu tháng 8, trước khi Thế Vận Hội Bắc Kinh khai mạc, đã có một yêu cầu gởi đến chính quyền tỉnh Hà Bắc, đề nghị cho thu hồi loại sữa bột cho trẻ em của tập đoàn Tam Lộc (Sanlu), đặt trụ sở tại tỉnh này. Xét nghiệm cho thấy là loại sữa đó có chứa độc tố.

Lời yêu cầu đến từ công ty Fonterra của New Zealand, nắm 43% phần vốn của Sanlu. Tuy nhiên yêu cầu trên đã bị gạt qua một bên.

Vào đầu tháng 9, chính phủ New Zealand thông báo cho lãnh đạo Bắc Kinh vụ sữa cho trẻ em bị nhiễm độc, và lệnh thu hồi được nhanh chóng đưa ra. Một số viên chức chính quyền Hà Bắc bị trừng phạt vì đã dấu diếm sự vụ và hành động chậm trễ đến gần 6 tuần lễ.

Nhưng đó chỉ là những sự kiện gần đây nhất trong chuỗi xì căn đan thực phẩm không an toàn của Trung Quốc, mà một số đã được xuất ra nước ngoài, như há cảo sang Nhật Bản hay thực phẩm cho chó mèo qua Mỹ.

Thông tin là giới lãnh đạo Trung Quốc được bảo đảm an toàn thực phẩm, không như người dân phải chiụ các thứ độc hại, đã làm dấy lên cả một làn sóng chỉ trích.

Thực ra, sự tồn tại của những kênh riêng biệt nhằm phân phối hàng cho giới lãnh đạo đảng và chính phủ ở Bắc Kinh, không phải là một bí mật gì ghê gớm. Tuy nhiên việc thành lập một trung tâm đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho lãnh đạo là một điều tương đối mới.

Theo ông Zhu, khoảng hơn một chục nhãn hiệu thực phẩm nổi tiếng đã được chứng thực đủ phẩm chất để cung cấp cho lãnh đạo cao cấp.

Sữa Tam Nguyên chẳng hạn, đã được kiểm tra tỉ mỉ sau vụ xì căn đan của Sanlu. Sữa Tam Nguyên là loại sữa đã được cung cấp cho các cơ quan trung ương từ bấy lâu nay, và cả cho những vận động viên Thế vận hội Bắc Kinh.

Trong tình hình tai tiếng sữa nhiễm độc hiện nay, công chúng đều tìm mua loại sữa này cho dù giá cao hơn các nhãn hiệu khác.
Trong phát biểu của mình, ông Zhu cho biết là thực phẩm được chọn để cung cấp cho giới lãnh đạo phải hội đủ các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn và dinh dưỡng.

Ngoài việc chọn lọc chất lượng thực phẩm, trung tâm này còn thành lập nhũng nông trại riêng biệt để sản xuất thực phẩm cho lãnh đạo Trung Ương. Tại các nông trại đó, họ không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu hay chất kích thích tăng trưởng, cũng không dùng phương pháp chuyển đổi gen.

Nhiều người dân, vốn phải đối mặt hàng ngày với thực phẩm bị ô nhiễm hay nhiễm độc, đã không che dấu nỗi tức giận khi thấy rằng giới lãnh đạo không phải chịu nguy hiểm như họ.

Những lời chỉ trích trên mạng rất gay gắt

''Thế giới này sao lạ lùng vậy ? Đầy tớ nhân dân thì lại được ăn uống tốt hơn chủ nhân !''. Một người sử dụng Internet đã viết như trên sau khi đọc được thông tin về Trung Tâm thực phẩm phục vụ lãnh đạo. Một người khác nhận định là nếu bãi bỏ chế độ cung cấp đặc biệt cho giới lãnh đạo thì không ai còn dám bỏ độc tố vào thực phẩm nữa.

Dường như một công ty đầy cao vọng đã đề nghị cung cấp một dụng cụ xét nghiệm mà ai cũng dùng được để phát hiện độc tố trong thực phẩm. Đề nghị này tuy nhiên không mấy được hướng ứng, vì như một nhận định trên mạng là nếu người dân phải tự mình kiểm tra chất lượng thực phẩm hàng ngày của mình, như là kiểm tra thai nghén, thì chính quyền nên từ chức đi thì hơn.

Nhiều vụ xì can đan về thực phẩm đã bùng lên tại Trung Quốc vào năm 2004, từ sữa trẻ con, mì, nấm và nhiều sản phẩm khác. Vào năm đó, trên tổng số 65 sản phẩm đưọc kiểm tra, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn là 79%. Trung tâm Thực phẩm đặc biệt ra đời vào thời điểm đó cho thấy là lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không tin tưởng vào chuẩn mực an toàn thực phẩm của nước họ, đến nỗi mà họ phải huy động phương tiện của Nhà nước để tự bảo vệ mình.

Thực ra, tập quán dành thực phẩm tốt cho giới lãnh đạo cao cấp có từ thời kỳ Diên An, sau cuộc Vạn lý trường chinh, khi ông Mao Trạch Đông sống cùng với nhóm làm cách mạng ở thành phố Diên An miền trung Bắc từ năm 1935 đến 1948. Thực phẩm đặc biệt dành cho ông Mao và một số lãnh đạo cách mạng được mang đến từ những vùng bị kẻ địch chiếm đóng, đôi khi từ Hồng Kông, trải qua một hành trình gian nan, nguy hiểm.

Ít ra là đã có một người, ông Wang Shi Mei (Vương Thực Muội), một trí thức trẻ đến với Hồng Quân Trung Quốc ở Diên An, đã bị tra tấn đến chết vào năm 1947, vì dám chỉ trích chế độ thực phẩm ưu đãi này. Từ đó không ai còn giám phê phán hệ thống cung cấp thực phẩm đặc biệt dành cho giới lãnh đạo nữa.

Ngày nay thì hệ thống đó đã chuyển biến, mở rộng, có thêm nhiều loại sản phẩm để nuôi dưỡng các lãnh đạo. Giới báo chí Trung Hoa hải ngoại đã lên tiếng chỉ trích gay gắt hệ thống đặc quyền này. Chủ nhiệm tờ Tân báo ở New Zealand, ông Wang Weijian cho là hành vi đó không dân chủ, không phù hợp với những xã hội văn minh.

Việc chính quyền chỉ cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho các thành phần lãnh đạo mà thôi, có thể được xem là thành tố của một hệ thống xã hội độc nhất vô nhị, được mô tả là mang ''đặc điểm Trung Quốc''. Tuy nhiên nó không phù hợp với lời hưá ''phục vụ nhân dân'' mà đảng Cộng sản, vốn kiểm soát chính quyền, đã đưa ra.

Trong bối cảnh vụ xì căn đan sữa nhiểm mélamine đang diễn ra, ngày càng nhiều người lên tiếng đòi chấm dứt hệ thống cung cấp đặc biệt đó, để các lãnh đạo như ông Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo, có thể ăn cùng loại thức ăn với người dân. Dư luận hy vọng là biện pháp đó có thể góp phần cải thiện chuẩn mực an toàn thực phẩm cho mọi người. Nhưng khó mà biết được là chính quyền có nghe theo đề nghị này hay không.

(Theo UPI – 26/9/2008)

No comments: