Trần Gia Phụng
Trước năm 1975, trong hoàn cảnh chiến tranh,
Việt Nam Cộng Hòa vượt rất xa về kinh tế so với các nước Đông Nam Á như Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Thái Lan. Đến đầu thế kỷ 20, sau một phần tư thế kỷ gọi là hòa bình, Việt Nam lại chậm tiến rất nhiều so với các nước Đông Nam Á.
Câu hỏi đặt ra là tại sao? Câu trả lời chắc chắn không phải tại dân Việt. Dân Việt lúc nào cũng thông minh, cần cù, chăm chỉ. Vậy chỉ còn một lý do duy nhất để giải thích sự thua sút của Việt Nam sau năm 1975,
đó là do sự quản lý của nhà nước cộng sản.
Có người cho rằng nhà nước cộng sản quản lý sai lầm, yếu kém. Thật ra, vấn đề không đơn giản như thế.
Theo điều 4 hiến pháp năm 1992, đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Đảng CSVN, vì quyền lợi của đảng, vì muốn củng cố quyền lực của đảng, đã thi hành chính sách độc tài toàn trị, đặt toàn bộ sinh hoạt của đất nước dưới sự thống trị của họ, không có tự do dân chủ, nên đất nước chậm tiến, tức là CS có tính toán, chứ họ không sai lầm.
Chuyện
Việt Nam ngày nay thiếu tự do dân chủ không cần phải chứng minh. Không có tự do dân chủ thì không thể có tiến bộ xã hội, không thể có phát triển kinh tế. Đó là lý do giải thích tại sao Việt Nam chậm tiến so với các nước ĐNÁ, chứ chưa nói các nước trên thế giới.
Xã hội Việt Nam hiện nay có hai mặt khác nhau: Mặt nổi có vẻ phồn thịnh cho du khách cỡi ngựa xem hoa và hưởng thụ ở các thành phố, trình diễn với quốc tế, màu mè bên ngoài. Còn mặt chìm tức mặt thật của xã hội Việt Nam là đời sống khổ cực hàng ngày của đa số dân chúng, nhất là ở các vùng nông thôn nghèo đói.
Nếu Việt Nam thực sự được tự do dân chủ, dù hạn chế vì chiến tranh như thời Việt Nam Cộng Hòa, thì đất nước chúng ta vẫn tiếp tục phát triển và vượt trước các nước Đông Nam Á, chứ không lẹt đẹt đàng sau đuôi như ngày nay.
Đó là chuyện trong nước. Ở ngoài nước, Việt Nam hiện nay đang bị Trung Quốc đe dọa trầm trọng. Trung Quốc là mối đe dọa thường trực của Việt Nam từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, nhưng gần đây, mối đe dọa tăng lên rất nguy hiểm, vì
hai sai lầm chiến lược của Hồ Chí Minh và đảng CSVN.
Sai lầm chiến lược thứ nhất là
Hồ Chí Minh đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam làm đất nước tan hoang, yếu kém, chia rẽ. Kinh
nghiệm lịch sử cho thấy, khi nước Việt Nam mạnh, thì Trung Quốc làm bạn; khi nước Việt Nam yếu, thì Trung Quốc đe dọa và xâm lăng.
Sai lầm chiến lược thứ hai của Hồ Chí Minh là
dựa vào Trung Quốc để chống Pháp, nói rằng giải phóng dân tộc, rồi dựa vào Trung Quốc để xâm lăng miền Nam, nói rằng chống Mỹ cứu nước.
Đồng ý rằng Pháp là nước đã xâm lăng Việt Nam từ năm 1862. Người Việt Nam đã liên tục nổi lên chống Pháp. Tuy nhiên, chưa nói chuyện đánh đuổi thực dân Pháp để thay bằng một hình thái
thực dân nội địa (autocolonisation),
CSVN dựa vào Cộng sản Trung Quốc để đánh Pháp thì không khác gì nhờ một kẻ cướp đuổi một tên trộm.
Tên trộm bỏ chạy thì tên cướp dòm nhà. Tên cướp bên cạnh nhà còn nguy hiểm hơn tên trộm ở xa vạn dặm.
Việc dựa Trung Quốc để đánh Mỹ cũng là một sai lầm lớn lao nữa. Không cần chứng minh dài dòng. Chỉ cần thấy rằng sau khi
tiêu phí 3 triệu sinh mạng của người Việt để
“chống Mỹ cứu nước” trước năm 1975, ngày nay CSVN lại trải thảm để rước Mỹ vào nước. Hành động sau của CSVN cho thấy hành động trước của CSVN hoàn toàn sai lầm.
Đã sai lầm mà còn mang nợ Trung Quốc, đến nổi phải dâng đất trừ nợ, và hiện nay vẫn bị Trung Quốc khống chế.
Như vậy, muốn thoát ra khỏi cảnh trì trệ hiện nay ở trong nước, muốn chống lại nguy cơ Trung Quốc xâm lăng ở ngoài nước, thì chỉ còn con đường duy nhất trước mặt là phải dân chủ hóa đất nước. Dân chủ hóa đất nước mới có thể đoàn kết toàn dân, mới có thể tập hợp trí tuệ, tập hợp tất cả khả năng của người Việt để giải quyết những khó khăn trong nước, xây dựng kinh tế, và tạo sức mạnh tổng lực để kháng cự lại Trung Quốc cộng sản.
Nhiều thức giả ở trong nước đã thấy rõ điều nầy. Vì vậy, ở trong nước đã có nhiều người đứng lên đòi hỏi nhà nước cộng sản phải tôn trọng tự do dân chủ. Nhà nước cộng sản chẳng những không quan tâm đến nguyện vọng của dân chúng, mà còn đàn áp, tiêu diệt tất cả những nhà tranh đấu dân chủ. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là phong trào đòi hỏi dân chủ càng ngày càng lan rộng ở trong nước. Hết người nầy bị bắt, bị bịt miệng, thì người khác đứng lên liên tục tranh đấu.
Tương lai đất nước Việt Nam phải do chính người trong nước quyết định. Người Việt chúng ta ở hải ngoại không thể trực tiếp tranh đấu cho tự do dân chủ trong nước. Tuy nhiên, để cho cuộc tranh đấu của đồng bào trong nước chóng thành công, đồng bào ở hải ngoại cần tiếp tay, hỗ trợ tinh thần cũng như vật chất.
Vì vậy, để Việt Nam có thể tiến bộ, thoát qua cơn khổ nạn cộng sản hiện nay, và đủ sức để kháng cự lại Trung Quốc cộng sản, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý vị, bằng tất cả các cách của mỗi người, quý vị hãy yểm trợ phong trào dân chủ trong nước.
TỰ DO DÂN CHỦ là một cái quyền chứ không phải là một ân huệ. Quyền nầy được xác định bởi bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và hiến pháp các nước. Tại Việt Nam, tự do dân chủ của người dân bị
nhà nước cộng sản tước đoạt, tước đoạt một cách công khai bằng điều 4 hiến pháp năm 1992. Do đó, người dân có quyền, có bổn phận và có trách nhiệm đứng lên đòi hỏi TỰ DO DÂN CHỦ.
TỰ DO DÂN CHỦ là
con đường duy nhất mở ra cánh cửa tương lai cho Việt Nam. Con đường nầy hiện nay đang bế tắc, rất khó khăn, đầy chông gai và hiểm trở. Tuy nhiên không lẽ vì khó khăn, vì hiểm trở mà người Việt không lên tiếng, không lên đường, và không tiến bước.
Đường không đi, không đến. Chuông không gõ, không kêu. Không bắt đầu thì không kết thúc. Vì tương lai đất nước Việt Nam, xin quý vị hãy lên tiếng, xin quý vị hãy tiếp tay với phong trào đòi hỏi dân chủ ở trong nước. Có TỰ DO DÂN CHỦ, Việt Nam mới tiến bộ, mới cất cánh bay cao.
Trần Gia Phụng
Toronto, 27-9-2008
tntd dc
-------------------
Co the lien quan:
- "Thư ngỏ của một sinh viên bình thường ...
http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=329642http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/03/060302_nguyentientrung.shtml
No comments:
Post a Comment