Sunday, September 28, 2008

Bác Nguyễn Thế Thảo có vai trò gì?

Văn, Toán, Sử
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3137

“…Chí Phèo XHCN có những đặc điểm giống và khác Chí Phèo thời nhà văn Nam Cao còn sống. Chúng giống ở chỗ vu vạ, nhưng khác ở chỗ vu vạ không chỉ nhằm ăn vạ (một cút rượu, một đồ nhắm), mà nhằm đẩy người lương thiện vào chỗ tội chết…”

Chúng cháu tin chắc như đinh đóng cột rằng bác Nguyễn Thế Thảo, kiến trúc sư, uỷ viên trung ương đảng, đương chức chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, biết rõ hai điều:

Điều thứ nhất: Bác đã nhìn tận mắt và nghe tận tai cụ giám mục Ngô Quang Kiệt đáp lại trực diện và tức thời những lời “kết thúc” của bác trong cuộc đối thoại giữa chính quyền Hà Nội với đại diện đồng bào công giáo Hà Nội. Vị thế của bác khi đó khiến bác thấu hiểu hơn tất thảy mọi người về nội dung mà cụ giám mục đã phát biểu.

Bác đề cao pháp luật, bác kể công chính quyền Hà Nội đã tạo điều kiện cho công giáo (nhất là trong các dịp lễ Noel), thì cụ giám mục cũng đáp trả bác về hai điều đó:

a) Trong vụ giáo dân “xin lại” mành đất ở Thái Hà sắp bị đem ra chia chác, cần xét xử bằng pháp luật dựa vào chứng lý của mỗi bên. Nhân đó, cụ nói thêm: pháp luật VN cần minh bạch và công bằng để nước ta mạnh lên, dân ta đi ra nước ngoài không bị họ soi xét mỗi khi trình ra hộ chiếu VN (thấy nhục).

b) Tự do tôn giáo là quyền con người. VN đã ký cam kết thực hiện Tuyên ngôn Quyền con người, thì trách nhiệm là phải tôn trọng quyền này, chớ không phải chuyện kể công hay ban ơn.

Điều thứ hai: Hơn ai hết, bác là người biết sớm nhất và rõ nhất báo chí Hà Nội đã cắt xén rất ác ý câu nói của vị giám mục (mà chính tai bác đã trực tiếp nghe hôm trước), để tạo một dư luận thiếu lương thiện đả kích một con người chân chính nhưng không có phương tiện biện minh. Tờ báo này thuộc đảng bộ và chính quyền Hà Nội, tổng biên tập và lãnh đạo toà soạn đều là đảng viên và công chức của đảng bộ và chính quyền Hà Nội. Không khó gì để bác giáo dục họ về sự trung thực.

Vậy bác đóng vai trò gì trong việc làm bất lương của một tờ báo thuộc đảng bộ và chính quyền Hà Nội, dưới quyền bác - khi bác không dạy dỗ những người trong toà soạn của báo; và không có một lời cải chính - khi bác là nhân chứng số 1 trong vụ vu cáo bất lương này? Bác vô can, vô cảm? Bác là người ngoài cuộc? Bác là kẻ “không tố cáo tội phạm” chăng? Bác là tòng phạm (với cấp dưới)? Bác là đồng phạm (với bọn nhà báo tay sai)? Bác là thủ phạm? Bác là gì trong số kể trên?

Chí Phèo XHCN có những đặc điểm giống và khác Chí Phèo thời nhà văn Nam Cao còn sống. Chúng giống ở chỗ vu vạ, nhưng khác ở chỗ vu vạ không chỉ nhằm ăn vạ (một cút rượu, một đồ nhắm), mà nhằm đẩy người lương thiện vào chỗ tội chết.

Chúng giống ở chỗ không thể hoàn lương, nhưng không phải do xã hội xô đẩy mà do chính chúng tạo ra một chế độ là tha hoá chính chúng. Chúng khác ở địa vị xã hội (rất cao), trang phục (rất sang trọng), vẻ mặt (rất đạo mạo), trình độ (rất cao, ví dụ, kiến trúc sư, đại học và trên đại học) so với Chí Phèo “cùng đinh” thuở xưa.

Tuổi chúng tôi, sẽ được chứng kiến ngày bác chết. Chỉ mong rằng bác hoàn lương trước khi chết. Thành tâm đấy, nhưng liệu có kịp?

Văn, Toán, Sử
(sinh viên sư phạm)

No comments: