Monday, September 29, 2008

Nói và làm - Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt

VietCatholic News (Thứ Sáu 01/11/2002 03:50)

Thời Ðức Giêsu, những người Pharisêu tự cho mình là đạo đức, là bậc thầy dạy dỗ dân chúng về cách sống đạo. Nhưng Ðức Giêsu nhìn thấy trong lối sống đạo của họ có những biểu hiện lệch lạc làm hoen ố đạo thật. Nhân đó Người đưa ra mấy chỉ dẫn thiết thực cho đời sống đạo.
Chỉ dẫn thứ nhất : Ðừng nói, hãy làm.

Giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách rất lớn như giữa lý thuyết với thực hành, giữa ước mơ với hiện thực, giữa lý tưởng với thực tại.
Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Nên người ta dễ rơi vào thói nói nhiều làm ít, hoặc chỉ nói suông mà không làm, hoặc còn tệ hơn thế khi việc làm mâu thuẫn với lời nói. Như trường hợp những người Pharisêu : “Họ nói mà không làm”.
Trong những trường hợp ấy, nói về đạo trở thành phản chứng, làm cho người nghe khó chấp nhận đạo.
Khi phê phán thái độ của người Pharisêu, Ðức Giêsu muốn dạy ta đừng nói nhiều, nhưng hãy làm. Chính việc làm minh chứng đạo thật. Chính việc làm mới có sức thuyết phục. Lý thuyết dù có hay có đẹp đến đâu nếu không thực hiện được thì cũng vô ích. Giáo lý ai cũng đã biết cả rồi. Chỉ còn thiếu việc thực hành mà thôi.

Chỉ dẫn thứ hai : Hãy làm một cách khiêm tốn.
Thực ra những người Pharisêu không phải không làm. Họ có làm. Nhưng họ làm gì cũng muốn phô trương. Muốn tỏ ra mình đạo đức, họ đeo lề luật trên trán, trên tay. Ðeo rồi, sợ người khác không nhìn thấy, họ phải “đeo những hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài” để cho mọi người biết họ yêu mến lề luật, giữ đạo cặn kẽ.
Thói phô trương dễ biến thành tự phụ tự mãn, hợm mình. Nên những người Pharisêu “ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thày”.
Khi phê phán người Pharisêu, Ðức Giêsu muốn cho môn đệ hãy thực hành đạo trong kín đáo : "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy... Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo... Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy... Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:1-6).
Kín đáo làm việc đạo đức là dấu chỉ lòng mến Chúa chân thực. Lòng mến Chúa chân thực sẽ dẫn đến thái độ khiêm tốn, biết luôn chọn chỗ hèn kém, biết kính trọng người khác và luôn biết phục vụ anh em.

Chỉ dẫn thứ ba : Hãy làm đúng vị trí.
Người đạo đức chân thực sẽ luôn sống dưới ánh mắt Chúa. Nhờ đó nhận thức được vị trí của mình trước mặt Chúa và trước mặt anh em. Sẽ hiểu mọi quyền năng đều phát xuất từ Chúa. Dù tôi được Chúa đặt làm cha, làm thày dạy tôi vẫn là con cái, là môn đệ của Chúa. Theo phân công tôi đại diện cho Chúa để làm nhiệm vụ dạy dỗ nhưng thực chất trước mặt Chúa, tôi chỉ là anh em của mọi người. Vì nhận lãnh trách nhiệm từ Chúa, nên tôi chỉ là người phục vụ, phải làm tốt nhiệm vụ làm cha, làm thày dạy của mình. Sống đúng vị trí của mình, tôi càng biết khiêm tốn phục vụ hơn.

GỢI Ý CHIA SẺ
1- Lời nói đi đôi với việc làm. Trong đời sống đạo, điều này có dễ không ?
2- Người ngoại đạo nói : “Tin đạo nhưng không tin người có đạo”. Bạn nghĩ gì về phát biểu này ?
3- Quyền hành là để phục vụ. Bạn nghĩ gì về điều này ?

Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt
--------------------------------------------------------------------
Đọc giả ghi nhớ:
- "cs nói một đường làm một nẻo" (nhật ký rồng rắn, Cố Trung tướng cs Trần Độ)
- cs thường không có (bị đứt) dây thần kinh mắc cở (hổ thẹn).
- "cs chỉ biết tuyên truyền và gian dối" (cựu tổng bí thư đcs Liên Xô, Michael Gorbatchew)
- chế độ cs toàn trị tồn tại dựa trên vài cột trụ chánh : tuyên truyền gian trá, bạo lực, luật rừng;

No comments: