Sunday, September 28, 2008

Từ Sài Gòn nhìn ra điểm nóng Hà Nội

Nguyễn Viện Gửi tới BBC từ Sài Gòn


Các sự việc đang diễn ra ở Thái Hà và Tòa Khâm sứ Hà Nội trong những ngày này đang là sự kiện nóng nhất, gây chú ý dư luận cả trong và ngòai nước.

Theo tường thuật của các cơ quan thông tin nhà nước thì giáo phận Hà Nội, đặc biệt là vai trò của Tòa Tổng Giám mục và Dòng Chúa Cứu Thế, đang là những kẻ gây rối, coi thường pháp luật.

Nhưng những thông tin ngược lại từ các mạng tự do, cho thấy nhà nước đang trấn áp giáo hội Công giáo bằng tất cả sức mạnh của mình:

Công an cảnh sát, dây kẽm gai, chó nghiệp vụ và bọn côn đồ với những hành vi hạ cấp ở Thái Hà như vào nhà thờ chửi tục, hút thuốc giữa lúc giáo dân đang hành lễ, ném mắm tôm dầu nhớt vào tượng Đức Mẹ, lăng nhục và nhổ nước bọt vào mặt các linh mục, phá đền thánh…

Họ cũng khủng bố giáo dân, bôi nhọ hàng giáo phẩm trên báo chí truyền hình trong lúc người Công giáo chỉ đáp lễ bằng lời cầu nguyện trong hòa bình. Có thể đọc đầy đủ những thông tin về việc này trên Vietcatholic.net.

Đòi đất hay đòi công lý

Trong cuộc họp giữa UBND thành phố Hà Nội và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ngày 20.9.2008, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã minh định: “Chúng tôi đòi đất chứ không xin đất”.

Xin tham khảo nguyên văn bài nói đầy đủ của Tổng Giám mục Kiệt để hiểu tại sao người Công giáo đòi đất, khi chính quyền Hà Nội giới thiệu ba khu đất - có thể coi như sự bồi thường cho việc cưỡng chiếm Tòa Khâm sứ để làm công viên khi không thể cùng nhau chia chác - để Tòa Tổng chọn lựa.

Không thể phủ nhận tình hình chính trị Việt Nam ngày càng bất ổn

Sự việc cũng tương tự như ở Thái Hà.

Có thể nói, Giáo hội Công giáo Việt Nam đang đưa chính quyền vào một thế “kẹt” chết người. Trả đất cho chủ cũ của nó hay tiếp tục chiếm đất đều không ổn. Giải quyết cách nào cũng gây ra những hậu quả nguy hiểm cho chính quyền.

Giáo hội Công giáo hẳn nhiên phải biết thế kẹt của chính quyền. Người ta có thể đặt ra những câu hỏi khác nhau xung quanh sự kiện này. Một diễn tiến của cuộc cách mạng cam nhằm lật đổ chế độ hay đơn giản chỉ là giáo hội Công giáo đang buộc chính quyền phải đối diện với Sự thật và Công lý?

Nhà nước có can đảm đối diện với Sự thật và Công lý không?

Câu trả lời rõ ràng là KHÔNG.

Xuyên tạc câu nói của Tổng Giám mục Kiệt trên hệ thống thông tin đại chúng về nỗi ô nhục Việt Nam và những hành vi hạ cấp vô văn hóa ở Thái Hà, cũng như cách thức cưỡng chiếm Tòa Khâm sứ giữa đêm khuya với lực lượng an ninh hùng hậu cùng chó nghiệp vụ, chỉ cho người ta thấy chính quyền không còn chính nghĩa, không thật sự mạnh và không có luật pháp.

Và người dân lại chép miệng: “Đúng là Cộng sản”.

Hậu quả của sự kiện này là đã đẩy giáo hội Công giáo vào thế đối đầu với chính quyền, gây mất đoàn kết dân tộc, trong lúc hiểm họa Trung Quốc đang sờ sờ trước mặt.

Đánh tráo dư luận

Tất nhiên cũng có câu hỏi dành cho chính quyền.

Tại sao chính quyền lại thất hứa với người Công giáo về một cuộc đối thoại để giải quyết tranh chấp?

Phải chăng, nhà nước đang muốn hướng dư luận vào người Công giáo thay vì phải đối phó với Trung Quốcnạn lạm phát đang đưa đất nước xuống hố thẳm? Đảng Cộng sản sợ mất quyền hay sợ mất nước?

Không thể phủ nhận tình hình chính trị Việt Nam ngày càng bất ổn. Có những dấu chỉ cho thấy đảng cầm quyền cũng đang chia rẽ trầm trọng với hai phe cấp tiến và bảo thủ, thân Trung Quốc và thân Mỹ.

Bên cạnh đó, phản ứng chống đối nổ ra ở trên diện rộng với những thành phần xã hội khác nhau. Làn sóng biểu tình của công nhân đòi quyền dân sinh, nông dân đòi đất, sinh viên học sinh biểu tình chống Trung Quốc (có thể hiểu là chống sự hèn yếu của chính quyền), văn nghệ sĩ trí thức chống độc tài.

Phong trào đòi tự do dân chủ càng ngày càng lan rộng trong giới trẻ - thể hiện qua các blogger, các báo chí mạng đối lập, các tổ chức chính trị, các tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Công giáo…

Dường như điều kiện cho một cuộc Cách Mạng Cam đang đến. Nhưng rất tiếc, người ta chưa nhìn thấy hình ảnh một lãnh tụ có khả năng đoàn kết các cá nhân, các tổ chức quần chúng thành một mặt trận thống nhất.

Vận hành của lịch sử bao giờ cũng cần một lãnh tụ xuất chúng. Bao giờ cơ may đó đến?

Nhà văn Nguyễn Viện hiện sống tại TPHCM. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có ý kiến gì xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk
Nguyễn Viện-BBC

No comments: