Trong cuộc họp sáng ngày 20.09.08 giữa UBND Tp Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm với Tổng Giám mục và 19 linh mục Hà Nội, Ðc Kiệt đã nói một câu để đời : "Chúng tôi rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam" ! Có nổi giận lắm mới nói như thế.
Không nổi giận cách bộc phát từ một sự nóng này chốc lát mà mất khôn đâu. Ngược lại. Câu nói của Ðc Kiệt nằm ở phần kết lời phát biểu. Lời phát biểu này lại là lời đáp trả lời kết thúc buổi họp của ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND Tp HN. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng nội dung lời phát biểu miệng này đã có sẵn trên giấy trắng mực đen trong Thông Cáo Khẩn Cấp của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội do Linh mục Gioan Lê Trọng Cung, Chánh Văn Phòng ký và Ðơn Khiếu Nại Khẩn Cấp do Tgm Ngô Quang Kiệt ký, cả hai gửi đi ngày 19.09.06 và được đọc trong các nhà thờ. Rõ ràng sự nổi giận của Tổng Giám mục Hà Nội, chức sắc Công giáo có trách nhiệm cao nhất tại miền Bắc, vừa mang tính khẩn cấp, vừa có đắn đo cân nhắc. Nó đột xuất nhưng bình thản, đàng hoàng và biểu lộ một sự phẫn nộ không thể không có khi đối phương trắng trợn tự lột mặt nạ.
Từ nhiều năm qua, nhất là từ cuối năm ngoái, Tòa TGM Hà Nội yêu cầu Chính quyền trả lại khu đất Tòa Khâm sứ. Ðơn từ, khiếu nại, biểu tình bằng lời kinh tiếng hát... nhưng tựu trung luôn luôn ôn hòa và nhấn nhịn. Có lẽ qua những hứa hẹn của một chính quyền chuyên hứa cuội và trước thái độ cương quyết của giáo dân đổ về Hà Nội, chính Tòa Tổng Giám mục tưởng rồi cũng xong, khu đất 40-42 phố Nhà Chung sẽ được thu hồi và dành cho công tác phục vụ cần thiết. Nhưng trong khi vụ việc chưa được giải quyết, thì chiều ngày 18 tháng 09, chính quyền công bố dự án biến khu đất thành công viên, ngay đêm hôm đó trộm vụng thi công, sáng ngày 19/09 toàn khu vực Tòa Tổng Giám mục và phố Nhà Chung bị phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Ngay lúc đó, Thông Cáo Khẩn Cấp của Tòa TGM phản ứng cứng rắn : "Vụ việc này đang đi ngược lại với đường lối đối thoại mà Nhà nước và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đang tiến hành. Vụ việc này là hành động bất chấp nguyện vọng của Cộng đồng Công Giáo, bất chấp luật pháp và coi thường tổ chức Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Việc này cũng là hành động chà đạp lên đạo đức, lương tâm mọi người trong xã hội".
Trước hành động du côn như trên, và nói chung, trước cách hành xử của chính quyền trong vụ giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm sứ, sự nổi giận của Ðc Kiệt đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam và Chính quyền Hà Nội, đồng thời có thể là khởi đầu cho sự gặp gỡ giữa Giáo hội Công giáo, đặc biệt hàng giáo phẩm, với những thành phần khác trong xã hội dân sự đã hoặc đang hình thành tại Việt Nam.
Tgm Ngô Quang Kiệt đoạn tuyệt với thứ ngôn ngữ mềm dẻo (có khi co giãn tới độ cao su), nhân nhượng (có lúc khó phân biệt với nhượng bộ). Ðc Kiệt không ngại gọi con mèo là con mèo, theo lối nói của người Pháp ; chính ngài cũng dùng tục ngữ Pháp để nói ngay ở đầu lời phát biểu rằng "những cái tính toán nó đúng mực nó mới là những người bạn tốt được" (les bons comptes font de bons amis). Ðức cha Kiệt mong muốn tiếp tục đối thoại - Giáo hội Công giáo chủ trương đối thoại với bất cứ chế độ nào - nhưng đối thoại thẳng thắn, nếu cần, tính sổ cách minh bạch trong tinh thần trân trọng đối phương, sự thật và công lý.
Việc đòi đất, ngay từ đầu đã có ý nghĩa đòi hỏi công lý. Tuy nhiên, những lời cầu kinh, những cuộc rước tượng ảnh, và ngôn ngữ nhà đạo, dù gây thiện cảm đến mấy, vẫn còn có thể bị hiểu lầm như một đòi hỏi cục bộ. Lời phát biểu của Ðc Kiệt không nói tình thương, không kêu gọi cầu nguyện, không hát kinh Hòa bình. Dễ hiểu, ngài nói với quan chức của chế độ, bằng ngôn ngữ thông thường ai ai cũng nghe rõ, dù là công giáo hay không công giáo, hữu thần, đa thần hay vô thần. Riêng ông Nhà nước đã nghe ra tức khắc. Bằng chứng là phản ứng dữ dội của ông ngay sau đó : ông xuyên tạc, dối trá, quy chụp, đe dọa... và vô tình chứng minh rằng Ðc Kiệt nói đúng.
Ðức cha nói gì ? Ngài nói về một dân tộc con Rồng cháu Tiên, bốn ngàn năm Văn hiến mà ngày nay chẳng ai coi ra gì ? "Một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn quốc bây giờ cũng thế." Trong khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam thì "đi đâu cũng bị soi xét". Nhục ! Làm sao không nhục nếu còn chút tự hào dân tộc ? Nhưng vì đâu ra nông nỗi này ?
Câu trả lời ai cũng biết. Quan hệ ở chỗ nó đến từ vị Tgm Hà Nội :
Chúng ta bị sỉ nhục vì chúng ta bị cai quản bởi một chính quyền không biết nhục. Ai chẳng muốn "cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng", ai chẳng muốn "thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp". Tiếc thay, những lời hay ý đẹp đã thành khẩu hiệu tuyên truyền, lừa bịp. Thực chất là bao cấp : khi không cấm được thì cho phép. Gọi là "tạo điều kiện". Nói là phải tôn trọng pháp luật, nhưng hành xử với dân cách phi pháp. Nói là xử theo tình người, theo nguyện vọng của người dân nhưng không đếm xỉa gì đến những nguyện vọng chính đáng nhất của người dân, v. v... Những lời tố cáo thẳng thừng của Tgm Ngô Quang Kiệt trong lời phát biểu ngắn của ngài, mỗi người trong chúng ta đều có thể nối dài. Tội ác của chế độ này kể sao cho hết ! Tuy nhiên điểm độc đáo của Tgm Ngô Quang Kiệt không nằm trong những lời tố cáo, nó hàm ẩn trong cách tố cáo.
Sự nổi giận của Ðức Cha Kiệt chính là sự nổi dậy của lòng tự trọng (không phải tự ái). Con người không chỉ là cái bụng lo cơm áo gạo tiền, cũng không chỉ là cái đầu biết đắn đo, tính toán hơn thiệt. Mà còn là cái tâm can biết tự trọng và cần được kính trọng. Ðã là người, ai cũng bức xúc, phẫn nộ khi bị khinh rẻ ; hổ thẹn, tức là chính mình khinh mình, khi thiếu tự trọng (đọc Chế Lan Viên trước kia và Nguyễn Khải vừa đây). Nhưng tại sao phải tự trọng ? Xin miễn đi vào câu hỏi hắc búa này. Thực tế, trong thâm tâm, mỗi chúng ta đều cảm nhận như vậy. Cụ thể, ai cũng ôm ấp và cố gắng thực hiện một cái gì đó nó làm cho mình lớn hơn mình. Một niềm tin tôn giáo, một lý tưởng xã hội, một khát vọng nghệ thuật, một mơ ước yêu đương... Chỉ có người mới mang những giá trị vượt người và sẵn sàng chết để bảo vệ những giá trị đó.
Nguyễn Hộ, già đời mới nhận ra mình đã chọn lầm lý tưởng và xả thân chống lại cả một chế độ.
Những người dân oan đòi đất không chỉ vì miếng đất. Nếu họ mất đất vì thiên tai, vì thua lỗ, họ đành chịu. Dân oan đòi đất chủ yếu vì thấy mình bị khinh rẻ, hà hiếp. Người giáo dân Thái Hà cũng thế. Chính quyền giằng giai không làm họ nản. Dùi cui, roi điện, chó nghiệp vụ, công an chìm nổi và những phường vô lại do chính quyền điều động không làm họ sợ. Họ tin và tự hào về niềm tin của họ. Niềm tin ấy giúp họ tự trọng và trân trọng tha nhân. Nói cách khác, tự trọng đồng nghĩa với tự do vì tự trọng là chính mình làm chủ mình. Tự do đương nhiên đi đôi với bình đẳng, vì với tư cách là người ai cũng phải được kính trọng như ai. Ðó là tất cả nền móng của dân chủ mà chế độ này đề cao nhưng chẳng những không thực hiện mà còn làm ngược lại. Họ coi người dân như sâu bọ. Chúng ta biết cả, nhưng cứ phải nhắc lại. Chưa có thời kỳ nào trong lịch sử nước nhà người dân bị chính quyền khinh khi như thời nay. Nhưng khinh dân vẫn chưa đủ, họ còn dùng muôn phương ngàn kế nhằm đê tiện hóa người dân và vận dụng sự hèn nhát, đê tiện để trấn áp người dân. Coi vụ cải cách ruộng đất. Ðàn áp không đủ, còn phải hạ nhục. Phi văn hóa chưa đủ, còn phải phản văn hóa. Hơn nửa thế kỷ tại miền Bắc, hơn ba mươi năm tại miền Nam, họ đã thành cái vũng lầy của tham ô, bạo ngược làm ô nhiễm Ðất nước.
Cám ơn Ðức Cha Ngô Quang Kiệt đã đá vào cái vũng bùng nhùng đó. Cha "không tranh chấp với Nhà nước", không làm chính trị nhưng xin cha tiếp tục nổi giận. Có những cơn giận thánh thiện (saintes colères) phải không, thưa Cha ?
Ðỗ Mạnh Tri 26.09.08
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment