Thursday, September 25, 2008

Vũ Hải Ðăng: Tôi thấy nhục nhã vì Hộ chiếu Việt Nam bị soi xét

Tôi Thấy Nhục Nhã Vì Hộ Chiếu Việt Nam Bị Soi Xét
Vũ Hải Đăng - Đảng DCND

Gần đây, vụ việc tranh chấp nhà đất ở 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng là điểm nóng thời sự trong nước.

Thiết tưởng đây là những đòi hỏi hợp lý từ phía Giáo Dân mà Chính quyền Cộng sản cần giải quyết sớm trước khi sự việc bùng nổ, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của hai bên. Tuy nhiên, khi báo chí đăng lại phát ngôn của Tổng Giám Mục Hà Nội - Ngô Quang Kiệt, đã khiến nhiều người dân bức xúc, vì họ chỉ được nghe đoạn trích không đầy đủ:

"Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái Hộ chiếu Việt Nam."

Nếu chỉ có phát ngôn trên, thì dư luận hiểu là Ông Ngô Quang Kiệt cảm thấy nhục vì phải mang quốc tịch Việt Nam, là công dân nước CHXHCNVN.

Nhưng khi nghe toàn văn lời phát biểu của ông trước các quan chức TP Hà Nội, thì chúng ta có thể hiểu theo nghĩa khác:

"Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái Hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật, nó cầm cái Hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế."



Có phải TGM Ngô Quang Kiệt muốn nói "Tôi thấy nhục nhã vì mang Hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, không như công dân Nhật Bản, Hàn Quốc, đi đâu cũng không bị xem xét gì cả ?"

Nếu đây chỉ là lỗi về diễn đạt, cũng như nhiều trường hợp các Chính khách nước ngoài "nói nhịu", và đã bị báo chí, dư luận chỉ trích, thì sự việc này mang một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là "Truyền thông nhà nước đã cắt xén câu nói, nhằm mục đích hạ uy tín của TGM Ngô Quang Kiệt".

Truyền thông nhà nước đang tìm cách quy kết TGM Ngô Quang Kiệt là đã xúi giục, kích động giáo dân có những hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm mục đích chống chính quyền. Đặc biệt, qua đoạn phát biểu bị cắt xén trên, chính quyền cộng sản muốn quy TGM Ngô Quang Kiệt thêm một tội danh "Phản Bội Tổ Quốc".

Phải có Độc Lập Tự Tôn, sau đó mới nói đến Độc Lập Tự Do. Có Độc Lập mà nước nhà yếu nghèo, tụt hậu, thì chúng ta phải cảm thấy nhục nhã, lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm. Do đó, khi mang Hộ chiếu Việt Nam mà đi đâu cũng bị soi xét, hẳn không ai trong chúng ta là không thấy buồn!

Có một câu nói đã thành chân lý: "Thời thế, Thế thời, thời phải thế". Từ xưa, chưa một chính quyền độc tài nào tồn tại mãi mãi. Lịch sử Việt Nam, trừ những giai đoạn ngắn ngủi người dân có được một chính quyền Dân chủ, còn lại, lịch sử 4000 năm của dân tộc ta là sự đổi thay, tiếp nối của các nhà nước độc tài: Độc tài Quân chủ Phong kiến, Độc Tài Quân phiệt Thực dân (thời Pháp thuộc), Độc tài Chuyên chế Phát xít (thời Nhật chiếm đóng), và Độc tài Toàn trị thời nay.

Chế độ Độc tài đã kìm hãm sự phát triển của nước nhà, một thời gian dài nước ta bị cô lập với thế giới văn minh. Người dân sống trong Chế độ Độc tài bị mất tự do, còn chính quyền thì ngày càng suy thoái, thối nát.

Biết bao anh hùng dân tộc, họ là lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa Nông dân, tiêu biểu là người anh hùng Áo Vải Cờ Đào Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đứng lên lãnh đạo nhân dân lật đổ các chính quyền độc tài. Họ là những người yêu nước, thương dân, có lòng Tự Tôn Dân Tộc, trung thành vô hạn với Tổ quốc.

Để có được địa vị cao sang, bổng lộc lợi quyền như ngày nay, các quan chức Cộng sản không được quên sự hi sinh của hàng triệu người con Việt Nam, họ đã ngã xuống vì mục đích cao cả: Hi sinh vì Tổ quốc, cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, cho non sông Việt Nam đời đời bền vững.

Không được đánh đồng, lẫn lộn giữa Chính quyền Cộng sản với Dân tộc Việt Nam, giữa Đảng Cộng sản với Tổ Quốc Việt Nam .

Một chính quyền mà không lo được cho dân, không mưu cầu hạnh phúc cho dân, thì theo quy luật của tạo hóa, chính quyền đó phải bị đánh đổ, không phải nhân dân, mà chính họ đã tự đánh đổ mình.

Vụ việc Nhà thờ đòi đất, chỉ là một trong những biểu hiện bùng phát của những mâu thuẫn đang tồn tại trong lòng chế độ: Mâu thuẫn giữa Khát vọng Tự do - Dân chủ của nhân dân và Chế độ Độc tài - Toàn trị, mâu thuẫn giữa yêu cầu đòi cải cách chính trị và sự bảo thủ giáo điều của nhóm lãnh đạo chóp bu, mâu thuẫn giữa quá trình xã hội hóa thông tin và nạn độc quyền tư tưởng, độc quyền báo chí, mâu thuẫn giữa cực giàu và cực nghèo, mâu thuẫn giữa kinh tế hội nhập và văn hóa truyền thống v.v...


Mang tấm Hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, nguyên nhân chính là vì dòng chữ ghi trên đó: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - HỘ CHIẾU (SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM - PASSPORT). Tên nước ta được thêm chữ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (SOCIALIST) mới có 32 năm (1976-2008), nó không thuộc về dân tộc, chỉ thuộc về một học thuyết (Mác-Lênin) mà trên thế giới, còn vài nước vẫn đi theo.

Nhìn lại lịch sử, cha ông ta đã lấy những tên nước (Quốc Hiệu) thể hiện tinh thần Độc Lập Tự Tôn, như Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, rồi Việt Nam.

Tôi vô cùng tự hào là người Việt Nam, nhưng tôi không tự hào, thậm chí thấy xấu hổ vì trên Hộ chiếu của tôi, có dòng chữ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (SOCIALIST), điều đó khiến cả thế giới soi xét tôi, nhòm ngó tôi, coi thường tôi !

Hà Nội, ngày 22-9-2008
Vũ Hải Đăng - Đảng DCND

Nguồn: Ðảng Dân Chủ Nhân Dân
http://ddcnd.org/main/index.php?option=com_content&task=view&id=448&Itemid=9

No comments: