Gần sáu trăm năm trước, Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc đã đúc kết những kinh nghiệm xương máu của dân tộc trong việc giữ nước qua áng văn bất hủ “Đại cáo bình Ngô”.
Đọc lại những áng văn xưa, ta hiểu vì sao nước Nam ngàn đời vẫn vững bền qua nhiều triều đại phong kiến, dù những triều đại đó đã được chế độ mới cho là phong kiến thối nát.
Sinh thời của Nguyễn Trãi, là những năm tháng mà quan quân triều đình và hoàn cảnh đất nước được mô tả:
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thừa cơ gây loạn
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Và đối với nhân dân thì:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Trong hoàn cảnh đất nước như vậy, Nguyễn Trãi đã cùng Lê Lợi dấy nghĩa Lam Sơn. Sự nghiệp lớn thành công, quét sạch bóng quân thù ra khỏi bờ cõi, để dựng nên một cơ đồ đất nước:
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Đã bao đời trải qua, những áng thơ văn kia chưa bao giờ lạc hậu, chưa bao giờ thấy giảm giá trị trong cuộc sống người Việt. Trái lại, càng ngày chúng ta càng thấy tỏa sáng những tư tưởng và đạo đức cầm quân, giữ nước của người xưa.
Đã bao đời nay, cũng như hàng triệu con tim Việt Nam khác, đọc những dòng thơ này tôi cứ nghĩ về đạo làm người, những tư chất cần có của những người lãnh trách nhiệm trước dân tộc trong việc kinh bang tế thế.
Đọc lại những áng văn đó, người ta mới thấy đạo đức của những người làm quan nước Việt người xưa đã nhìn thấu tận căn việc cần thiết phải làm gì để giữ kế “sâu rễ bền gốc”. Họ biết cần làm gì khi đất nước lâm nguy, khi giặc phương bắc đang lăm le bờ cõi cũng như làm gì để đất nước an bình thịnh trị.
Dù lúc đó, kẻ thù của dân tộc vẫn:
Giữ ý kiến một người,
Gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác,
Tham công danh một lúc,
Để cười cho tất cả thế gian
Trong cả cuộc chiến giữ nước đó, toát lên tinh thần tư tưởng:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” cách làm đó có vẻ ngược đời, có vẻ khó chấp nhận nhất là khi chủ nghĩa Mác – Lê-nin ở đó C. Mác đã chỉ rõ: “Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất”.
Thực tế, đất nước Việt ngàn đời nay vẫn luôn là một nước nhỏ bên cạnh người khổng lồ Trung Hoa. Nhưng lịch sử đất nước cũng đã viết nên những trang vàng chiến công hiển hách chói lọi qua những chặng dài của các cuộc chiến tranh giữ nước. Dù có thể vẫn phải cống nạp nhiều phẩm vật hàng năm cho thiên triều phương bắc, nhưng chưa bao giờ đất nước này chịu nhục nhã khi để một tấc đất giang sơn trong tay quân thù. Như vậy, nếu so sánh lực lượng vật chất thì chẳng bao giờ đất nước này có thể đứng song song tồn tại với anh bạn láng giềng phương bắc nhiều dã tâm xâm lược.
Nhưng thực tế thì khác. Những thế lực thù địch phương Bắc đã phải tim đập, chân run khi nghĩ đến những trận Bạch đằng, trận Chi lăng. Đó là những chiến công xưa kia.
Còn ngày nay trên thế giới, nhiều đất nước chỉ mấy trăm nghìn dân, chỉ một vài quần đảo nhỏ, vẫn có thể hiên ngang tồn tại và phát triển trên thế giới sánh vai với các cường quốc năm châu bên cạnh những đất nước khổng lồ về mọi tiềm lực. Vấn đề là ở chỗ, đất nước đó đang được hướng dẫn, lãnh đạo bởi những người theo đường lối nào? Có phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn đất nước hay không. Nhất là khi nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ toàn cầu hóa.
Đất nước ta có thể tạo thế đứng vững chắc và hiên ngang không? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào người Việt, vào những nhà lãnh đạo đất nước có tạo được những điều như trên tờ Tạp chí Cộng sản đã viết: “Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng: một dân tộc tuy không lớn, đất không rộng, người không đông, trình độ phát triển xã hội không cao… vẫn có thể đánh bại những đế quốc lớn nhất, hùng mạnh nhất qua các thời đại. Đó là nhờ nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo, thông minh, anh dũng; với đường lối đấu tranh đúng đắn, trong đó biết lấy dân làm gốc, tự lực tự cường, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”
Cho đến nay, những điều lý luận trên có còn đúng không? Những vụ việc gần đây như Tòa Khâm sứ, Thái Hà với muôn ngàn cách thức nhà nước đã đem ra áp dụng, có theo đúng đường lối đoàn kết dân tộc hay không?
Với lối truyền thông bôi xấu, mạ lỵ cả cộng đồng tôn giáo bằng việc vu cáo và chà đạp chính người đứng đầu giáo hội, họ đã định làm gì nếu không nói là kích động một sự hằn thù, phân biệt và chia rẽ cộng đồng dân tộc, làm mất đi sự đoàn kết cần có để phát huy sức mạnh đất nước nhất là những lúc này.
Với cách giải quyết những vấn đề người giáo dân nêu lên và yêu cầu công lý, sự thật cùng với con đường đối thoại đã bị cắt ngang, đã bị chặn đứng bằng những phương cách khó có thể yên lòng dân. Bằng những điều mà chắc chắn lòng người khó thuận khi sự thật được sáng tỏ, đó có phải là cách để thực hiện kế “sâu rễ bền gốc”?
Qua những cuộc cầu nguyện cho hòa bình và công lý của giáo dân ở các vụ việc Thái Hà và Tòa Khâm sứ, giáo dân đã và đang có niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa, vào công lý và hòa bình. Trước bạo lực và nhiều mưu chước khác nhau, họ vẫn ôn tồn và tha thứ, họ vẫn chịu đựng và chấp nhận, thiết nghĩ họ đang là những người thực hiện chân lý mà dân tộc ta đã đúc kết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”.
Đọc bài “Bình Ngô đại cáo” nhớ tinh thần và tấm lòng Ức Trai Nguyễn Trãi, giá như những bài học của Người vẫn còn được đem ra suy ngẫm cho những việc ngày hôm nay, để dân tộc này, đất nước này được an bình thịnh trị:
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Dù bất cứ hoàn cảnh nào, việc đẩy cả dân tộc vào chỗ suy yếu bằng con đường chia rẽ, xung đột, nhất là xung đột tôn giáo là điều không thể chấp nhận được, dù việc đó do bất cứ ai gây ra. Điều đó gây hậu họa hết sức lớn lao cho đất nước đang cần sức mạnh để vượt qua khó khăn trên con đường phát triển.
Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2008
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment