Ngày 13 tháng 9 năm 2008
Xin phép có đôi lời:
Cám ơn ông Phó chủ tịch cũng như quí vị bên quận đã cho chúng tôi đến đây hôm nay để cùng với quận, tìm cái hướng giải quyết cho vấn đề nó đang xảy ra tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng.
Về phía bản thân cá nhân thì tôi thấy rằng : để giải quyết vấn đề này thì chúng ta phải trở về với gốc rễ của vấn đề, về đến ngọn nguồn của vấn đề. Mà nếu muốn giải quyết tận gốc thì phải tìm đến nguyên nhân, lý do tại sao nảy sinh ra cái chuyện này. Các nguyên nhân các cha đã nói, nó chỉ là nguyên nhân ở phần ngọn thôi chứ không phải là nguyên nhân của phần chìm mà đấy là cái vấn đề quan trọng.
Thế thì tại sao nó xảy ra cái chuyện như vậy thì con thấy có mấy nguyên nhân như thế này :
1. Nguyên nhân thứ nhất là: Do nhà nước chúng ta đã không tôn trọng những cơ sở pháp lý hay nói tóm lại là không có giải quyết vấn đề dựa trên những cơ sở pháp lý.
Trước hết, về nguồn gốc đất thì đây là khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế Giáo Xứ Thái Hà. Điều này không phải là chúng tôi tự khẳng định mà ngay các công văn của nhà nước cũng khẳng định. Tôi lấy ví dụ như là quyết định 76 ký ngày 30/01/1961, hay là công văn số 1784 của Sở tài nguyên môi trường, công văn 2476 của UBND Tp Hà Nội…
Về mặt lịch sử thì cũng không ai phủ nhận những nguồn gốc đó là của nhà thờ, như vậy khu đất này là khu đất của nhà thờ.
Chính quyền thì cho rằng khu đất này được chính quyền quản lý thì như hôm nọ trong cuộc gặp với ông Chủ tịch thì chúng tôi cũng đã nói đó là: Chính quyền phải cho chúng tôi biết là chính quyền đã quản lý khu đất đấy theo chính sách nào?
Một số công văn của nhà nước thì cho rằng là đã quản lý khu đất này theo chính sách cải tạo XHCN, nhưng mà thiếu tướng Nhanh vừa gặp chúng tôi ngày 22/08 thì nói ngược lại là : Thiếu tướng phản đối cái chuyện đó và cho rằng đất này không thuộc diện cải tạo XHCN. Thiếu tướng thì nói rằng là đất này thuộc là đất quản lý nhà đất. Sự bất nhất giữa các cơ quan như vậy làm chúng tôi rất khó xử, bởi vì chính về phía nhà nước cũng không có khẳng định rõ ràng về cái chuyện đất đai như vậy. Nhưng đối với chúng tôi thì chúng tôi đã ngay từ đầu khẳng định rõ một điều rằng là đất ở đây, đất Tôn Giáo - thì chắc là ngài phó Chủ tịch hiểu và biết, chưa bao giờ đất thuộc diện cải tạo XHCN. Đó là thực tế thôi, không ai phủ nhận cái chuyện đó. Nếu chúng ta có thể tìm hiểu tham khảo cho nó rõ thì tôi đề nghị tham khảo các văn bản luật thời kỳ đó, thiết lập thời kỳ năm 53, năm 61 cách riêng có những tham khảo luật về cải cách ruộng đất ban hành 1953 và có hiệu lực cho đến ngày 30/04/1975 nghĩa là từ ngày 30/04/1975 trở về trước thì luật ruộng đất là cái luật được chi phối mọi văn bản dưới luật.
Thế thì khẳng định như thiếu tướng Nhanh là có cơ sở thì phải cho biết nhà nước quản lý như thế nào? Lúc nào? Và đâu là văn bản hợp pháp về việc quản lý này? Cái chuyện này thì nó giống như là hôm nay mình đi đăng ký một cái xe thì phải có hồ sơ đăng ký, ngày tháng đăng ký, chứng nhận của cơ quan tiếp nhận đăng ký chứ không thể nói như thiếu tướng Nhanh bảo là quản lý, nếu là quản lý thì phải cho văn bản chứng cớ nhà nước đã quản lý chứ không nên chúng ta áp đặt và cố tình hiểu nó sai về qui định của pháp luật.
Thế thì chúng tôi nói chuyện này có cơ sở chứ không phải là không, như lúc nãy tôi nói đó: luật cải cách ruộng đất ban hành năm 53 và có hiệu lực thi hành cho tới 30/04/1975, thì trong đó có qui định rất rõ, đất tôn giáo thì phải có quyết định trưng mua, trưng thu, trưng dụng nếu thấy cần thiết. Khi nào thấy cần lắm thì mới làm chuyện đấy. Nếu bây giờ, nhà nước nói quản lý thì nhà nước phải có giấy tờ trưng thu, trưng mua, trưng dụng khu đất này và sắc lệnh 243 của Chủ Tịch Hồ Chí Minh thì qui định rất là rõ ràng rằng là việc trưng thu trưng mua thì phải được lưu lại trong một cuốn sổ và cái phiếu mua đó phải được xé trong một cái phiếu có cuống, nghĩa là bây giờ nhà nước phải giữ lại được cái cuống đó chứ không có cái cuống đó thì việc Chính phủ trưng thu, trưng mua nó không có giá trị nữa.
Thế thì chúng tôi thấy rằng nếu mà Nhà nước chứng minh được cái chuyện này đó thì việc quản lý mới hợp pháp. Tiếc rằng chúng tôi đã gửi rất nhiều văn bản yêu cầu chứng minh cái chuyện đó thì vừa rồi chúng tôi rất là mừng UBND TP đã cung cấp cho chúng tôi một số chứng từ và cho rằng cha Bích đã ký giao khu đất này cho nhà nước quản lý. Nhưng mà trong các chứng từ mà cấp cho chúng tôi thiếu mất một cái chuyện quan trọng nhất đó là quyết định 76 ký ngày 30/01/1961, nghĩa là trước cái ngày nhà nước cho là cha Bích ký giấy bàn giao 10 tháng. Thế thì hiểu sao về cái chuyện đó. Như vậy cái quyết định 76 nhà nước đã quản lý như thế nào để có đất để mà đưa ra quyết định 76. Chúng tôi yêu cầu đòi hỏi cái đó, thế thì việc nhà nước cho rằng cha Vũ Ngọc Bích ký giấy bàn giao dựa trên những chứng cớ mà UBNDTP cấp cho chúng tôi thì chúng tôi đã có thư phản bác, cũng đã gửi lên trên quận này rồi. Thư đó ký ngày 27/08/2008.
Ở đây, thì chúng tôi xin lưu ý một điều như thế này: cho tới giờ này thì chính quyền chưa chứng minh được đâu là ngày chính xác cha Vũ Ngọc Bích ký giấy bàn giao. Bởi theo các chứng từ của UBNDTP cung cấp và dựa theo các công văn của nhà nước gửi cho chúng tôi thì ít nhất có 4 thời điểm nhà nước cho rằng cha Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao.
Thứ nhất là tại công văn số 2476 UBND TP. Hà nội ký ngày 30/06/2008 thì Tp Hà Nội cho đó là ngày 24/10; công văn số 1784 của Sở tài nguyên môi trường thì lại khẳng định đó là ngày 24/11; một văn bản do UBTp cung cấp ký ngày 10/11 và một văn bản khác ký ngày 9/11/1991. Nghĩa là có 4 thời điểm khác nhau để khẳng định cùng một hành vi của linh mục Vũ Ngọc Bích. Như vậy thời điểm nào là chính xác thì phải nói cho chúng tôi. Bởi vì nếu không thì không thể nào khẳng định nó rõ ràng cha Bích ký bàn giao, kẻo vô tình đổ oan cho người đã chết.
Ngoài ra thì trong số các chứng cớ UBND đưa lại thì có thêm tờ đơn xin bàn giao ký ngày 27/05/1963. Chúng tôi xem kỹ tờ đơn này thì cha Bích chỉ giao 4.000m2 đất và ruộng cấy 3 mẫu. Quí vị có thể xem cái đó chứ không phải giao đất tất cả 60.000m2 như là chúng ta vẫn đang khẳng định. Thế thì vấn đề là tại sao đã bàn giao từ năm 1961 như là nhà nước nói mà tới năm 63 lại phải làm đơn. Nếu làm đơn phải có giấy biên nhận bằng không có giấy chứng thực đó thì việc bàn giao không có giá trị. Ví dụ mang quả bom đến nhà ông Phó chủ tịch đặt đấy bảo tôi giao ông cái này thì phải chứng nhận bóc nó ra xem đấy là cái gì, chứ không ông cứ vui vẻ mà ôm để ở nhà một quả bom thì nguy hiểm.
Ông Lưu:
Cái này chắc quí vị đã hiểu cả rồi.
Tôi nói thế này nha, cái việc mà dưới giáo xứ Thái Hà, lúc đó còn linh mục Trịnh Ngọc Hiên khiếu nại cái việc này lên Thành Phố, thì TP người ta đã có đoàn liên ngành kết luận vấn đề này. Cho nên cái phần kết luận ấy thì cái cấp quận phải chấp hành cái kết luận của Tp. Và tôi biết là đến bây giờ các vị đã kiến nghị lên cả ông Nguyễn Minh Triết, cả ông Thủ Tướng Chính Phủ rồi thì cái việc ấy thì thôi thì các vị phải vui lòng cho là cái việc ấy là của cấp khác, không bàn đến.
Linh mục Phong:
Vấn đề là chúng tôi đang trình bày theo những yêu cầu của ngài phó chủ tịch. Bởi vì tôi nghĩ giải quyết vấn đề này thì chúng tôi phải đi đến tận gốc của vấn đề là như vậy, thì nếu như cấp quận không giải quyết, đương nhiên không thuộc thẩm quyền nhưng có thể có ý kiến lên cấp trên để trình bày một cách có ngọn nguồn.
Nếu không thì không được minh bạch cho cái cách giải quyết cho chúng tôi. Bây giờ cứ yêu cầu chúng tôi phài làm chuyện này nhưng về phía chính quyền thì lại không có một cái động thái tích cực nào, không trở về với cái gốc của vấn đề thì không thể làm sao giải quyết được.
2. Cái thứ hai, tôi thấy nguyên nhân thứ hai bây giờ phải giải quyết. Chính cái nguyên nhân này cũng làm cho vấn đề nó trở nên phức tạp. Đó là những cơ sở pháp lý chính quyền đưa ra để giải quyết đơn khiếu nại của chúng tôi nó không hợp tình, nó chẳng hợp lý.
Tại các công văn, cách riêng công văn số 2476 ngày 30/06, cho rằng trong thời kỳ cải tạo XH nhà cửa năm 60 thực hiện thông tư số 73 ngày 07/07/1962 của chính phủ quản lý đất tư nhân đất cho thuê, đất vắng chủ đất bỏ hoang ở nội thành nội thị thì qui định đất cho thuê của các tôn giáo của các hội diện tích dù nhiều hay ít đều do nhà nước trực tiếp quản lý nhà nước không bồi hoàn một khoản tiền nào. Việc chính quyền áp đặt thông tư 73 vào việc giải quyết đất của chúng tôi thì nó không đúng. Đây là thông tư qui định việc giải quyết đất cho thuê, đất bỏ hoang, đất sa bồi. Đất đai của chúng tôi tại 178 Nguyễn Lương Bằng thì chưa bao giờ cho thuê, đất không phải đất vắng chủ cũng không phải đất bỏ hoang bởi vì chúng tôi có bằng khoán Điền thổ, bởi vì chúng tôi còn có bằng khoán điền thổ đó.
Điều bất hợp lý thứ hai là nhà nước không bao giờ quản lý trước để thực hiện một thông tư có sau đó một năm.
Cái thứ hai là khi giải quyết đơn khiếu nại của chúng tôi thì chính quyền cũng dựa vào Nghị quyết 23 để không giải quyết trao lại quyền sử dụng đất của chúng tôi thì tôi nghĩ rằng đó là một chuyện cũng không hợp lý. Bởi vì nghị quyết 23 thì chỉ áp dụng cho trường hợp nhà nước quản lý cách chính đáng, ngay tình, đúng pháp luật. Nhà nước không thể tự động vào nhà chúng tôi đuổi chúng tôi đi, sau đó chúng tôi đòi lại thì đưa cái nghị quyết 23 để mà nói là không có cơ sở giải quyết. Thế thì cái việc quản lý phải hợp pháp ngay từ gốc nếu không hợp pháp thì cái việc chúng tôi được pháp luật bảo hộ cái quyền chúng tôi. Vì thế việc chúng tôi đòi lại là có cơ sở pháp lý.
Rồi bên cạnh đó thì việc khiếu nại xin giao lại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng cho chúng tôi thì chúng tôi đã kiến nghị từ 12 năm trước đây tức là năm 1996. Tính như thế thì việc chúng tôi đòi đất trước cả nghị quyết 23 bảy năm. Nói như vậy, cho đến khi nghị quyết ra đời, đất đó cũng chưa được quản lý hợp pháp mà vẫn còn đang trong vòng tranh tụng, vì cái chuyện đó thì cũng là lý do không thể áp dụng cái nghị quyết 23 để giải quyết đất của chúng tôi.
3. Và lý do thứ 3, cái gốc của vấn đề, cái nguyên nhân gây nên tình trạng như bây giờ thì các linh mục vừa đã nói, đó là vấn đề truyền thông bóp méo sự thật…
Cái chuyện này thì chúng tôi cũng đã có những cái thư phúc đáp lên các cấp chính quyền yêu cầu làm sao đấy, chúng ta cần phải ghi nhận vấn đề một cách thực tế, đi vào trong chính trọng tâm cũng như là tôn trọng những sự thật vấn đề, thì mới giải quyết được.
Đấy là một vài cái ý kiến mà theo bản thân tôi, tôi thấy rằng là để giải quyết được ngọn nguồn cái vấn đề ở đây thì chúng ta phải về lại nguồn gốc vấn đề, dựa trên những chứng cớ pháp lý.
Chứ cho đến lúc này tôi thấy là cứ giải quyết phần ngọn và cũng yêu cầu chúng tôi giải quyết phần ngọn thì làm sao chúng ta có thể giải thích cho giáo dân cách chính đáng và làm sao để cho giáo dân có thể nghe được, bởi vì họ vẫn xác tín một điều đất đấy là đất của nhà thờ. Điều đấy thì chính quyền cũng khẳng định. Cho nên tôi rất mong chính quyền, qua ông Lưu ở Quận, có tiếng nói lên các cấp lãnh đạo cao hơn, những nơi và những cơ quan có thẩm quyền giải quyết, để giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp.
Chúng tôi cũng mệt, thực sự mệt mỏi chứ không phải là sung sướng hay là gì cả. Tôi nghĩ các vị cũng rất mệt mỏi. Thế thì hôm nay tôi mừng là quí vị mời chúng tôi lên để có một cuộc đối thoại trao đổi để tìm ra cái nguyên nhân, cũng như là hướng giải quyết vấn đề. Tôi thấy hướng giải quyết tốt nhất, đó là hãy giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở pháp lý.
Nhà nước bây giờ đã thu hồi khu đất đó, và đất đó bây giờ thuộc về nhà nước, thì nhà nước cũng có thể giao cho chúng tôi một cách hợp lý, hợp tình. Và đấy sẽ là gút thắt của vấn đề để giải quyết tất cả những vấn đề đang khó khăn ở đây.
Tôi nghĩ rằng cách giải quyết duy nhất là ở chỗ đó thôi, còn nếu nhà nước cứ chính trị hóa, hình sự hoá và tiếp tục bắt giam người giáo dân - tôi cũng nghe những thông tin là cũng có thể bắt giam các linh mục, thì chỉ làm cho vấn đề thêm căng thẳng và việc giải quyết sẽ đi vào bế tắc, và khối đại đoàn kết toàn dân sẽ bị, không đến mức tan hoang nhưng nó sẽ bị chia rẽ sâu sắc, bởi vì, hiện nay sau khi báo đài loan tin một cách thất thiệt thì có một sự chia rẽ sâu sắc giữa những người công giáo và những người vốn xưa nay họ không có cảm tình với người công giáo. Chính sự vu khống, mạ lị đấy đã làm cho sự chia rẽ ấy trong dân tộc ngày càng sâu sắc hơn. Và như thế chỉ làm hại cho Nhà Nước thôi, làm cho nhà nước yếu đi thôi.Nhà nước bây giờ muốn mạnh thì phải xây dựng lại khối đoàn kết toàn dân, xây dựng thì phải làm yên lòng dân, muốn yên lòng dân thì phải tôn trọng pháp luật. giải quyết mọi vấn đề dựa trên cơ sở pháp luật.
Tôi xin có vài lời như vậy, trong buổi gặp này.
Tôi hôm nay rất chân thành nói bằng tất cả tấm lòng của tôi để cầu mong chính quyền cùng với chúng tôi giải quyết vấn đề dựa trên chứng cứ pháp lý mà pháp luật đã quy định
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment