VietCatholic News (Thứ Ba 16/09/2008 10:30)
Những sự kiện diễn ra ở Thái Hà những ngày gần đây đã vượt khỏi phạm vi của một giáo xứ hay một giáo phận. Phải nói truyền thông nhà nước đã góp phần không nhỏ trong việc gây tiếng vang, nhiều khi ngược lại với chủ đích của người loan tin. Một tháng đã trôi qua kể từ ngày cuộc cầu nguyện bùng lên lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, với tính cách mạnh mẽ và quyết liệt dường như khiến cho giới cầm quyền hết sức lúng túng. Thời gian chưa thể coi là dài, nhưng thiết tưởng cũng đủ để chúng ta đưa một vài nhận định về thái độ của chính quyền.
Đàn áp
Đàn áp là từ mà giới truyền thông nhà nước cũng như các quan chức ngành công an ra sức phủ nhận, dù chính họ biết rõ hơn ai hết đó chính là biện pháp mà họ đang sử dụng.
Khác hẳn với khi diễn ra vụ Toà Khâm Sứ, bắt đầu từ tháng 12-2007, dàn đồng ca báo hình, báo chữ và báo tiếng của chính quyền đã được huy động ngay từ những ngày đầu tiên khi cuộc cầu nguyện tại Thái Hà bùng phát trở lại. Báo báo Hà Nội Mới đã không che dấu chủ đích đàn áp bằng dư luận qua phương tiện báo chí: “Việc các cơ quan truyền thông trong nước liên tục đăng tin, bài viết, ảnh, chương trình truyền hình có nội dung tố cáo, tạo dư luận rộng rãi lên án những hành vi vi phạm pháp luật tại 178 Nguyễn Lương Bằng đã tác động mạnh đối với linh mục giáo xứ Thái Hà.” Phải nói, ở một góc độ nào đó, truyền thông nhà nước đã thành công, khi đa số người dân chỉ biết đến vụ việc qua truyền thông độc quyền của nhà nước, và với họ, các linh mục và giáo dân tại Thái Hà mang một bộ mặt quái gở, lì lợm, tham lam cố chấp. Tuy nhiên, liều thuốc mà giới truyền thông sử dụng lại có tác dụng phụ là gây tiếng vang cho vụ việc. Những ai thực sự quan tâm và tìm hiểu sẽ không khó nhận ra rằng trớ trên thay, tất cả những điều xấu xa giới truyền thông và quan chức nhà nước khoác cho các linh mục và giáo dân Thái Hà lại là phản ảnh trung thực bộ mặt của giới cầm quyền, một bộ mặt nhem nhuốc của những kẻ quyết tâm quay lưng trước sự thật.
Đàn áp bằng truyền thông xem ra không hiệu quả, hay nói đúng hơn, gây ra nhiều hậu quả không theo ý muốn của những kẻ có thừa phương tiện nhưng lại thiếu một điều cốt yếu trong truyền thông: sự thật, giới cầm quyền và có quyền đã sử dụng trò đàn áp bằng bạo lực. Thế nhưng, chính họ cũng thấy đó là cách giải quyết của phường lưu manh, nên chơi trò ném đá giấu tay. Cứ như giới quan chức ngành công an, thì ở Hà Nội hẳn phải có một đội quân vô hình nhưng lại sử dụng những loại công cụ hữu hình là dùi cui điện và bình xịt hơi cay. Mà lạ một điều là đội quân này dường như rất hiểu ý chính quyền. Nhà nước mà chỉ huy được một đội quân như thế thì chắc chắn là “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” rồi. Phiền một nỗi những tấm ảnh biết nói được loan truyền trên hệ thống thông tin điện tử dường như lại không chịu chỉ xếp hàng theo lề đường được ngành truyền thông nhà nước vạch ra!
Thế lực thù địch
Lúng túng, bối rối và phản ứng tuỳ tiện trước một vụ việc mà diễn biến nằm ngoài dự đoán của giới cầm quyền vốn quen dùng trò chơi bạo lực, có quan chức đã đổ vấy cho một thế lực thù địch đứng sau lưng giáo xứ Thái Hà. Thế lực thù địch, một khái niệm vô hình, vô tung vô tích, nhưng tiện ở chỗ nó rất dễ dùng để chụp lên đầu những người hay nhóm người mà giới cầm quyền không ưa. Những chế độ độc tài dường như luôn có thù địch và phải có thù địch mới yên tâm. Mà cứ nói tới thù địch là nhân dân ta nhất định phải chống rồi.
Thực ra, dường như khi tung ra những đòn đàn áp bằng truyền thông và bạo lực, giới cầm quyền đã chắc mẩm là sẽ đè bẹp giáo xứ Thái Hà như người ta dơ chân di một con dán. Mọi khúc mắc sẽ được dùi cui điện, hơi cay, thậm chí nòng súng giải quyết dễ dàng như trở bàn tay. Vậy mà ngược với dự tính của họ, vụ việc đã không bị đè bẹp, trái lại còn gây ra một tác dụng phụ khác, đó là tính lan toả và khơi dậy tình đoàn kết của người công giáo.
Tử huyệt gian dối
Những ai chịu dành chút thời giờ và thực tâm tìm hiểu vụ việc đều dễ dàng nhận ra bộ mặt tráo trở, nhem nhuốc, gian dối, nham hiểm và vô lương của giới truyền thông nhà nước và các quan chức ngành công an. Thư ngỏ của giám mục Vũ Huy Chương và Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã chỉ ra một cách chừng mực nhưng rõ ràng tính lưu manh và lừa bịp của giới truyền thông nhà nước.
Đó thiết tưởng không phải là điều gì quá xa lạ với những ai là nạn nhân của một hệ thống phi nhân và tàn bạo. Điều lạ nằm ở chỗ giờ đây dường như giới cầm quyền không còn thiết che giấu bộ mặt thật của mình bằng vẻ ngoài nhân nghĩa. Bản chất của họ không thay đổi sau mấy chục năm, vẫn là những kẻ tâm địa gian manh, dám làm mọi chuyện để đạt mục đích. Có khác chăng là những bộ mặt đen đúa gầy còm xưa kia bây giờ nung núc những mỡ, và lạ lùng thay, vụ việc Thái Hà giống như một phép thử khiến cho nhiều bộ mặt nham nhở xuất hiện dưới ánh sáng mặt trời để nhiều người có dịp quan sát tỏ tường những góc cạnh gồ ghề thô bỉ.
Suy cho cùng thì giới quan chức chính quyền có nói tới một thế lực thù địch cũng thật chí lí. Ánh sáng đối lập với bóng tối. Sự dối trá thù nghịch với chân lí. Cả một hệ thống vốn được xây dựng trên hận thù và dối trá, nhưng nhờ một thời cơ nào đó đã khoác vội vào mình tấm áo xộc xệch mang mầu ái quốc, nay lại có một đám người kiên quyết nói lên sự thật, sau lưng nhóm người này lại có một hệ thống truyền thông không chính thống và vô vàn vô số những kẻ sẵn sàng loan truyền sự thật không cần lương bổng. Thế lực đó rõ ràng là một thế lực mà những kẻ vốn sống dựa vào sự dối trá phải gọi tên là thế lực thù địch.
Mới hay dối trá là nền tảng, cũng là tử huyệt của một hệ thống phi nhân tàn bạo, từng là tai hoạ khủng khiếp cho nhân loại trong thế kỉ 20. Khi kẻ tỉ võ không còn thiết che giấu tử huyệt của mình, là lúc họ sẽ dễ dàng ra đòn lưỡng bại câu thương. Nhưng liệu sự thật có tiếp tục dễ dàng bị bức tử trong thế giới hôm nay?
Hoàng Cúc
- Lại bắt quả tang: Báo CAND, Cơ quan Ngôn luận của Bộ Công An VN bịa tin tức ...
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment