VietCatholic News (Thứ Tư 10/09/2008 15:14)
Bài Phúc âm Chúa nhật tới, Chúa nhật 24 thường niên năm A sách Phúc âm thánh Mac-cô kể lại: Khi Phêrô hỏi Chúa Giêsu “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Chúa Giêsu đáp lại “Thầy không bảo là đến bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.
Hẳn là Chúa Giêsu không có ý nói phải tha thứ cho đến con số 490 thì thôi không tha thứ nữa nhưng mà là tha thứ mãi, tha thứ không ngừng, không giới hạn. Cũng chẳng phải Chúa Giêsu chỉ muốn nói với Phêrô hay các môn đệ của Người nhưng đó là lệnh truyền cho tất cả mọi người Kitô hữu về sự tha thứ.
Tha thứ qủa là không dễ dàng gì. Chỉ nói trong một phạm vi nhỏ hẹp là gia đình giữa vợ chồng với nhau, giữa anh chị em với nhau hay giữa con cái với cha mẹ thì cũng đã thấy chuyện tha thứ nhiều khi rất khó khăn huống hồ trong phạm vi rộng lớn và phức tạp hơn. Chẳng hạn đối với những kẻ xúc phạm đến danh dự; xâm phạm đến tính mạng, tài sản hay là đối với kẻ coi ta là kẻ thù, là đối tượng mà họ muốn trừ khử.
Vụ việc đang diễn ra ở Thái Hà là một thách đố lớn về sự tha thứ đối với giáo dân Thái Hà nói riêng và đối với người Công giáo nói chung. Làm sao không phẫn nộ cho được khi nhà cầm quyền dùng mọi phương tiện sẵn có trong tay, bất chấp mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm vu cáo, mạ lỵ môt cách trắng trợn hầu chuẩn bị cho việc bắt bớ, đàn áp? Làm sao có thể không nguyền rủa đối với những thủ đoạn gian manh vừa ăn cướp vừa la làng? Đánh đập những người dân chân yếu tay mềm đến mang thương tích rồi lại chối leo lẻo rằng chỉ tự vệ. Làm sao không oán hận những trò bỉ ổi đưa người trà trộn vào giáo dân, lợi dụng lúc cúp điện thiếu ánh sáng để dở cái trò ném đá giấu tay? Xịt hơi cay vào những giáo dân đang chú tâm cầu nguyện rồi lại trơ trẽn hỏi ai là thủ phạm. Làm sao mà không muốn đưa tay vả vào miệng những kẻ được coi là rường cột của quốc gia lại có hành động vô giáo dục khi hè nhau cất tiếng hát “như có…” không đúng nơi, đúng lúc hay là tát vào mặt những kẻ trâng tráo dí sát ống kính vào mặt những giáo dân đến cầu nguyện? Làm sao mà không căm phẫn cho được khi người ta bày ra cái trò đưa một số người gọi là “những giáo dân cốt cán, đại diện giáo dân giáo xứ Thái Hà” để đấu tố linh mục và giáo dân Thái Hà hay là dở trò ngăn cản giáo sỹ và giáo dân từ những nơi khác hành hương về cầu nguyện và hiệp thông với Thái Hà ?
Thế nhưng người Kitô hữu không được hành động như lẽ thường tình bởi vì Kitô giáo là một tôn giáo của yêu thương. Yêu thương thì phải tha thứ. Tha thứ không phải chỉ được nói đến trong đoạn Phúc âm nêu trên mà còn được nói đến nhiều lần trong thánh kinh chẳng hạn như:
Trong sách Phúc âm thánh Mat-thêu: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15)
Trong sách Phúc âm thánh Mac-cô: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mc 11:25-26)
Trong sách Phúc âm thánh Luca: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. (Lc 6:37)
Trong thư Colôsê: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3:13)
Trong sách Huấn ca: “Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (Hc28:7)
Người Công giáo ở Việt Nam, nhất là những giáo dân có mặt ở linh địa Thái Hà hàng ngày phải đối diện với bao nhiêu thử thách như bị vu khống, bị bắt bớ, bị hành hung, bị ngược đãi, bách hại, bị khiêu khích đủ cách …và hiện đang có những dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền sẽ mạnh tay với Thái Hà.Vậy phải làm gì? Có lúc tôi đã tự hỏi liệu có thể nhịn nhục mãi trước lối hành sử qúa vô lý, qúa thô bạo, qúa ngang ngược của những người ỉ quyền cậy thế? Nhưng là con cái của Chúa tất nhiên chúng ta phải đương đầu với mọi thách thức theo đường lối của Chúa.
Đối với những người đã nhúng tay vào việc bắt bớ, đàn áp, hãm hại những anh chị em tại Thái Hà, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và làm như lời khuyên trong thư Rôma “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa” (Rm 12:14). Chúng ta chỉ chúc lành và cầu nguyện cho họ còn việc khác hãy để cho Chúa lo liệu. Ngày xưa Saolô ngã ngựa trên đường đến Damas tìm diệt con cái Chúa để rồi sau đó trở thành một tông đồ nhiệt thành của Chúa. Biết đâu cũng sẽ có những Saolô khác hồi tâm khi đang ra sức tìm cách bách hại con cái Chúa tại Thái Hà.
Đối với những người đang làm công việc bịa đặt, đổi trắng thay đen, vu oan gía họa cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và giáo dân Thái Hà thì Phúc âm thánh Luca đã dậy rằng “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:28). Hay theo Phúc âm thánh Mat-thêu: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:11). Chúng ta cứ làm như lời dạy của Chúa và đừng quan tâm đến những trò đặt điều, vu khống vì cổ nhân đã nói “Hàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu”. Sự thật bao giờ cũng vẫn là sự thật. Những sự dối trá, lọc lừa trước sau gì cũng bị phanh phui và kết qủa sẽ đi ngược lại với những gì kẻ dối trá mong muốn.
Đối với những người được lệnh trà trộn vào trong giáo dân để theo dõi, phá rối hay khiêu khích … hãy cứ để cho họ làm công việc của họ. Phần giáo dân hãy giữ thái độ lịch sự với mọi người đến với Thái Hà, dù họ là ai. Biết đâu một lúc nào đó khi một mình đối diện với lương tâm, những người đó sẽ nhận ra đâu là sự thật đâu là gỉa dối mà có sự chuyển đổi trong tâm hồn. Với những phóng viên muốn quay phim chụp hình, đừng tỏ ra bực bội mà hãy vui vẻ, nở một nụ cười với họ hoặc vẫy tay chào trước ống kính của họ. Những hình ảnh này sẽ là những hình ảnh tuyệt đẹp khi được đưa lên truyền hình hay báo chí.
Cả thế giới đã lên tiếng về vụ việc ở thái Hà. Người Công giáo Việt Nam không thể che mắt bịt tai đối với những bất công mà anh chị em ở Thái Hà đang phải gánh chịu. Hơn lúc nào hết cần gặt bỏ cái tinh thần “Đèn nhà ai nhà ấy rạng” mà tỏ rõ thái độ hỗ trợ cho giáo dân Thái Hà. Càng ngày càng có nhiều đoàn hành hương gồm Giám mục, linh mục, tu sỹ và giáo dân từ khắp nơi đổ về Thái Hà khiến cho nhà cầm quyền lo ngại. Họ đã chỉ thị cho công an dùng nhiều thủ đoạn nhằm ngăn cản những cuộc hành hương đến Thái Hà. Rồi đây có thể các đoàn hành hương sẽ khó vượt qua được hết những nút chặn của công an để đến được Thái Hà. Trong trường hợp đó các linh mục quản hạt, quản xứ chỉ cần kêu gọi giáo dân trong giáo hạt, giáo xứ cầu nguyện cho Thái Hà và bày tỏ sự liên đới với Thái Hà bằng những lá thư hiệp thông. Chẳng có ai có quyền ngăn cấm các buổi cầu nguyện và cũng chẳng ai có thể ngăn chặn được những lá thư hiệp thông nói lên sự đồng lòng với Thái Hà.
Chúa Giêsu không chủ trương bạo động nhưng người Công giáo Việt Nam, noi gương tiền nhân, sẽ không khiếp nhược trước bạo quyền trong việc đòi hỏi công bằng. Là người tin theo Chúa, các Kitô hữu sẵn sàng tha thứ. Nhưng tha thứ không có nghĩa là đồng lõa với bất công và phản bội lẽ phải.
Vermont 10/9/2008
Lại Thế Lãng
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment