Friday, September 5, 2008

Ai đã vi phạm pháp luật, nhìn từ vụ Thái Hà

VietCatholic News (Thứ Sáu 05/09/2008 10:38)

Truyền thông nhà nước và sự kiện “vi phạm pháp luật” ở Thái Hà

Cụm từ “vi phạm pháp luật” đã được dùng quá nhiều trên báo chí và các phương tiện nhà nước để nói về giáo dân và tu sĩ Giáo xứ Thái Hà.

Như để tăng thêm tính hấp dẫn của màn kịch truyền thông, nhiều chứng cứ thật giả được đưa lên, nhiều nhân vật được phỏng vấn, được dùng để lên án. Tuyệt nhiên không có một người giáo dân hay một tu sĩ nào trong cuộc có được một tiếng nói trên đó để hiểu được ý kiến của họ.


Giáo dân cầu nguyện tại Thái Hà
Hệ thống truyền thông đã làm hết sức mình để chứng tỏ một điều: Sự độc quyền thông tin không phải là không có lý khi thể chế đảng trị vẫn tồn tại. Người ta nói rằng: “Nếu để người ta nói lên sự thật trên báo chí, không biết điều gì sẽ xảy ra?” Tại sao vậy? Tại sao chỉ có những nước như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba là những nước còn lại của sự độc quyền báo chí?

Một số tờ báo dù sao cũng đã có chút liêm sỉ khi họ chỉ đăng những tin bài này theo chỉ thị khi không thể đừng. Họ đã thừa biết chuyện vi phạm ở đây ra sao nên chỉ đăng vài dòng cho qua chuyện như đi nghĩa vụ hoặc “tự nguyện đóng góp từ thiện” bằng cách bị trừ thẳng vào lương mỗi khi có địch họa, thiên tai.

Như một cơn mưa độc, chiến dịch bôi đen, bóp méo sự việc Thái Hà của dàn báo chí nhà nước đã rào lên rồi lặng im theo cái gậy chỉ đạo.

Duy có tờ Hà Nội mới, vẫn dai nhanh nhách với cái giọng xuyên tạc, bóp méo và dựng chuyện, quy kết như thường.

Phải chăng, họ lấy việc gắp lửa bỏ tay người khác làm niềm vui? Họ thấy việc kích động thù hằn, tạo lằn ranh tôn giáo là mục tiêu không thể bỏ? Họ thấy có làm như thế, người dân mới thấy hết bộ mặt của “Tiếng nói của Thành ủy Đảng cộng sản Thành phố Hà Nội” nó trơ tráo như thế nào? Xin thưa, không cần quảng cáo, không cần nhiều thông tin, những người dân Hà Nội chỉ mấy phút xe máy khi họ đến Thái Hà, là có thể kiểm chứng được lòng tin (nếu có) của họ vào cái gọi là “tờ báo” này bấy lâu nay đã được đặt đúng chỗ hay chưa?

Hay họ thấy với xu thế này, thì cái ngày người ta tính sổ công bằng với “Tòa soạn báo Hà Nội mới” đã đến gần. Lúc đó thì họ không có chỗ trú thân? Vì họ đang ngự trị ngay trong ngôi nhà là tài sản trước đây của người Công giáo nên họ cố làm người lính xung kích đang say máu?

Người ta cũng đặt câu hỏi, phải chăng trên mặt báo, khi các vấn đề quốc kế, dân sinh, các vấn đề về lãnh thổ, lãnh hải, những vấn đề về tài chính, ngân hàng, tăng giá, lạm phát, đời sống nhân dân lao động xuống thấp… đã không được bàn đến thì chỉ còn những chuyện cướp, giết, hiếp, tham nhũng, tình dục… Vì vậy Hà Nội mới mới lấy đề tài này để câu khách vì đề tài này được thả giàn khuyến khích, tha hồ tô vẽ bóp méo và nói láo mà không bị “soi”. Thậm chí còn được biểu dương. Không “nhạy cảm” như chuyện đưa tin ông Võ Văn Kiệt đã chết lên rồi lại phải gỡ xuống chờ đến hơn 1 ngày sau mới có định hướng?

Nhưng thôi, ở đây tôi chỉ muốn bàn một câu trong muôn vàn câu họ đã dạy thiên hạ nhưng hình như họ chưa thuộc bao giờ: “Quốc pháp là tối thượng” (Báo Hà Nội mới ngày 5/9/2008)

Ở đây, chúng ta thử phân tích sự vi phạm pháp luật ở sự việc Thái Hà như thế nào? Dưới con mắt của một công dân bình thường, chúng ta cũng có thể thấy những điều cơ bản về việc “vi phạm luật pháp” ở đây.

Quốc pháp là tối thượng, ai đã vi phạm quốc pháp?

Ai cũng hiểu rằng: Một đất nước được điều hành bởi Nhà nước, và tất cả đều tuân theo luật pháp, luật pháp được soạn thảo không được trái ngược, hoặc chống lại, làm sai lệch tinh thần của luật mẹ là Hiến pháp.

Tất cả những văn bản trái Hiến pháp được ban hành đều không có giá trị, những tổ chức, cá nhân ra các văn bản ban hành sai trái với Hiến pháp có thể bị truy tố bởi Tòa án Hiến pháp như ở một số nước văn minh.

Hiến pháp 1959 được thông qua ngày 31-12-1959. Trong đó, quy định rõ ràng những điều sau đây:

Điều 18: Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và các thứ vật dụng riêng khác.


Điều 19: Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân.


Điều 20: Chỉ khi nào cần thiết vì lợi ích chung, Nhà nước mới trưng mua, hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và điều kiện do pháp luật quy định.


Điều 26: Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Đất đai, tài sản của Dòng Chúa Cứu thế - Xứ Thái Hà đã làm chủ đã xác lập quyền sở hữu từ trước khi thành lập nước VNDCCH và được công nhận từ 16 năm sau khi thành lập nước là điều không ai chối cãi, kể cả UBND Thành phố Hà Nội.

Theo những điều khoản trên của Hiến pháp, đất đai của Dòng Chúa Cứu thế được pháp luật bảo hộ và nhà nước có trách nhiệm thực thi quyền được bảo hộ đó. Trường hợp nhà nước muốn sử dụng đất đai, tài sản trên đất của giáo xứ Thái Hà, muốn trưng thu, trưng mua, trưng dụng hay cho, tặng, hiến, đều phải có chứng từ, giấy tờ văn bản có giá trị pháp lý phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Vậy nhưng, nhìn những chứng cứ đã được UBND TP Hà Nội cung cấp, (cứ tin là có thật), thì chúng ta thấy một điều: Những văn bản đó, không thống nhất về nội dung, không có ý nghĩa pháp lý của việc chuyển quyền sử dụng, sở hữu cho nhà nước các đất đai, tài sản nói trên, tất cả chỉ là “bàn giao quản lý” theo đúng chức năng của nhà nước – Trong một đất nước, nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội, vậy việc bàn giao quản lý này, không có nghĩa là nhà nước là chủ sở hữu tài sản trên.

Nếu UBND TP Hà Nội không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ, không chứng minh được việc mình chiếm đoạt, sở hữu những tài sản trên, thì đương nhiên, theo Hiến pháp 1959 mới ký chưa ráo mực, UBND TP Hà Nội đã vi phạm pháp luật ngay tại thời điểm đó.

Khi đất đai, tài sản trên nói trên, chưa có văn bản phù hợp pháp luật để thuộc quyền sở hữu của mình mà UBND Thành phố Hà Nội đã giao, cấp đất đai tài sản trên cho Xí nghiệp Thảm len từ ngày 30/1/1961 là trái pháp luật.

Xí nghiệp Thảm len, được giao cấp đất đai có nguồn gốc chiếm đoạt không ngay tình, không phù hợp pháp luật, mà sử dụng những tài sản đó là vi phạm pháp luật. Khi Xí nghiệp Thảm len sáp nhập với Công ty May Chiến Thắng để sau đó biến tài sản này thành đất đai của tư nhân là vi phạm luật pháp.

Sau khi UBND TP đã giao đất đai, tài sản trên đang thuộc sở hữu của Dòng Chúa Cứu thế mà không có văn bản nào được thực hiện phù hợp pháp luật, thì quyền sở hữu và sử dụng của Dòng Chúa Cứu thế không hề thay đổi. Việc Dòng Chúa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà đòi lại quyền sử dụng sở hữu của mình bị chiếm đoạt là đúng quy định pháp luật.

Tất cả những hành động chống lại việc đòi quyền sở hữu hợp pháp của người khác là vi phạm pháp luật. Tất cả những việc bảo kê cho việc chống lại việc đòi hỏi quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người khác là vi phạm pháp luật.

Ngày 8/8/1996, Dòng Chúa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà đã gửi đơn khiếu nại, từ đó nhiều lần Dòng Chúa Cứu thế - Xứ Thái Hà đã liên tục khiếu nại, nhưng đã không được trả lời.

Đến năm 2007, khi biết Công ty May Chiến Thắng đã bán đất đai của họ cho một doanh nghiệp bất động sản để chia chác và tư nhân hóa, giáo dân mới kéo nhau đến cầu nguyện và giữ đất. Vụ việc mới có những chuyển động khác.

Hiến pháp năm 1992 thông qua tại phiên họp ngày 15 tháng 4 năm 1992, hồi 11 giờ 45 phút. Điều 74, “Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh”.

Vì vậy, việc UBND TP Hà Nội và các cơ quan hữu quan, đã không giải quyết các khiếu nại về quyền sử dụng và sở hữu tài sản của Dòng Chúa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà một thời gian quá dài đến 12 năm, là đã vi phạm Hiến pháp, pháp luật.


Nhà quan chiếm nửa đường đi!

Báo HNM online ngày 5/9/2008 viết rằng: “… các trường hợp tranh chấp đất đai có nguồn gốc tôn giáo ở các địa phương đã được lường trước. Quốc hội, với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, đã ban hành Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26-11-2003, trong đó Điều 1 khẳng định: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất …”.

Theo những lời lẽ đã được viết trong bài báo trên, phải chăng Quốc hội đã lường trước được việc Nhà nước chiếm đoạt đất đai tôn giáo mà không có văn bản đúng pháp luật quy định nên đã ra cái Nghị quyết nói trên “Theo Tờ trình số 1516/CP-CN ngày 05 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ..”? để công nhận những điều vô lý đó?

Nếu vậy, Quốc hội đã làm điều đó có đúng với tinh thần hiến pháp chưa? Và trước hết, người ta có quyền đặt câu hỏi: Quốc hội đó đang là của ai và phục vụ ai? Bởi đối tượng đang bị chiếm đoạt đó là nhân dân Việt Nam.

Xin thưa rằng, theo hiểu biết đơn giản nhất về pháp lý, thì không có bất cứ văn bản nào, Nghị quyết nào được phép vượt lên các qui định của Hiến pháp. Cũng không có bất cứ văn bản nào, dù là của cơ quan nào được chống lại Hiến pháp.

Hiến pháp 1992 - Điều 23: - Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”.

Điều 70: (Trích)- Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Mặt khác, những khiếu nại của Dòng Chúa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà đã được khiếu nại từ năm 1996, tức là 7 năm trước khi có cái Nghị Quyết nói trên. Nếu các cấp nhà nước nghiêm chỉnh là những cơ quan phục vụ nhân dân, thì sự việc đã giải quyết xong trước rất lâu khi Nghị quyết trên ra đời. Cho nên khi Nghị quyết ra đời, đất đai đó vẫn đang trong vòng tranh chấp, khiếu kiện, chứ không thể là “nhà nước đã quản lý bố trí sử dụng” ... như bài báo và các cơ quan nhà nước cố tình gán ghép vào.

Đất đai, tài sản của Dòng Chúa Cứu thế - Xứ Thái Hà hoàn toàn không nằm trong bất cứ khoản mục nào của cái Nghị quyết nói trên đã nêu. Không thể ghép đất đai, tài sản trên vào một chính sách nào trong giai đoạn đó. Hoàn toàn không nằm trong chính sách “Cải tạo XHCN” như bao nhiêu văn bản từ các cơ quan TP Hà Nội cố bám vào và đã bị phá sản bởi ngay chính các quan chức trong cơ quan thi hành pháp luật đã khẳng định. (Ngay cái XHCN còn chưa biết mặt mũi nó làm sao thì làm sao mà cải tạo nó?)

Và ngay cả khi có, thì cũng phải có các văn bản đi kèm khi chiếm đoạt đất đai, tài sản trên vào nhà nước chứ chẳng ai nói bằng miệng, hoặc bằng những thứ giấy tờ không đủ căn cứ pháp lý như TP Hà Nội đã đưa ra.

UBNDTP Hà Nội, ngày 26/08/2008, đã gửi công văn số 680/UBND-NNĐC về việc cung cấp tài liệu giải quyết khiếu nại và gửi kèm 4 bản photocoppy để chứng minh cơ cở cho việc chiếm đoạt đất đai của mình, tức là đã thừa nhận việc sử dụng Nghị quyết 23/2003/QH11 nói trên là không đúng pháp luật.

Ngay cả khi đưa ra văn bản nói trên, chắc biết nhân dân đồng bào sẽ nghĩ gì, có đồng tình hay không, nên Nghị quyết trên còn thòng một câu sau: “đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích chung của toàn dân tộc, đồng tình, ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội, coi đây là sự đóng góp thiết thực vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước”.

Việc bị chiếm đoạt khác hẳn với việc đóng góp tự nguyện cho đất nước. Trong những năm chiến tranh, đồng bào Việt Nam bất kể lương, giáo đã cống hiến không chỉ tài sản như những việc “xe chưa qua, nhà không tiếc” , mà cả hàng triệu sinh mạng của mình mà không hề toan tính với tinh thần ”Vì tổ quốc, sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của mình”…

Nhà quan chiém nửa đường đi!
Nhưng hai việc tự nguyện và bị chiếm đoạt là hai việc hoàn toàn khác nhau. Cũng như việc đóng góp cho đất nước khác hẳn việc cố tình chiếm đoạt xong rồi nhân hóa, chia chác cho một nhóm người nào đó.

Xưa nay, người dân luôn là những người nhân nghĩa, việc hi sinh của họ trong thời chiến đã đành, nhưng ngay cả trong thời bình sau chiến tranh, khi mà các quan chức thi nhau vơ vét, tham nhũng để tệ nạn này trở thành “quốc nạn”, thì họ vẫn là những người đã hiến đất, hiến nhà cho các lợi ích công cộng. Còn các quan chức của dân ở đâu? Xin thưa, hãy chờ đấy.

Những người dân còn phải hi sinh đến bao giờ hỡi cái nhà nước “do dân và vì dân” này?

Sau những tháng ngày giáo dân Thái Hà đã kiên quyết yêu cầu bằng nhiều hình thức, đến nay, giữa TP Hà Nội và Nhà thờ Thái Hà chỉ là việc xem xét các chứng cứ cho việc chiếm đoạt có đúng Hiến pháp và pháp luật không mà thôi.

Tiếc rằng, những chứng cứ TP Hà Nội đã đưa ra, đến nay là không đủ cơ sở pháp lý như đơn của Giáo xứ Thái Hà đã chỉ rõ. Liệu họ có văn bản, chứng cứ nào khác hơn nữa không? Bởi ngay khi cung cấp chứng cứ, cái Quyết định số 76 mà Đài THVN đã đưa lên lại không được đưa ra? Bởi họ biết rằng, chính cái quyết định ký ngày 30/1/1961 này đã nói lên toàn bộ sự thật về đất đai ở đây đã bị chiếm đoạt như thế nào.

Nếu có thêm những chứng cứ khác, TP HN và bên Nhà Thờ Thái Hà cũng đưa những tài liệu của mình để chứng minh cho những quan điểm của mình.

Với sự việc Thái Hà, trước khi nói hãy uốn lưỡi 7 lần

Việc luôn kết tội giáo dân, tu sĩ Thái Hà “vi phạm pháp luật” và bịa đặt trắng trợn, bóp méo sự thật để kết tội, mà những vi phạm của ngay các cơ quan công quyền một cách ngang nhiên không hề được nhắc đến, đó là sự vô lương tâm của một nhóm ma cô cầm bút. Đó là sự suy đồi đạo đức cuả xã hội, của dân tộc được thể hiện qua những trí thức nô dịch. Những con người chỉ vì miếng ăn mà làm mù con mắt lương tâm.

Điều người ta thấy hài hước, là nhiều bài báo, nhiều công văn đã nói câu này: “Trong thời gian tới, nếu Giáo xứ Thái Hà có nhu cầu xin sử dụng đất để phục vụ mục đích tôn giáo theo quy định Nhà nước thì phải thực hiện đúng trình tự, quy định của pháp luật, báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết”.

Một giáo dân đã nói: “Của chúng tôi rõ ràng, bị chiếm đoạt đòi mười mấy năm nay còn không thèm trả lời, chờ đến khi bán cho tư nhân bị phát hiện, chúng tôi phản đối thì mới bằng mọi cách, mọi lực lượng để dập tắt. Thì hỏi làm sao mà họ còn xem xét đến những cái chúng tôi xin của họ? Trước hết, chúng tôi yêu cầu trả cái của chúng tôi đã, rồi chúng tôi sẽ xin và mang ơn họ sau” .

Cũng trên báo HNM luôn có những câu như sau: “Rõ ràng, chính quyền luôn luôn mở ra những cơ hội...” như để kể công. Xin thưa, chính quyền nếu là của dân, việc mở ra cơ hội phát triển cho dân là trách nhiệm của chính quyền. Chính quyền của dân thì không thể là nhà tù của dân để có thể kể công là mở ra hay đóng lại theo ý mình.

Trở lại bài viết trên tờ HNM, họ viết: “Ngoài ra, thành phố còn kiên quyết chấn chỉnh những sai phạm trong quản lý quy hoạch, kiến trúc... Và trước đó, Hà Nội được cả nước biết đến khi kiên quyết xử lý hàng loạt ngôi nhà xây lấn hành lang an toàn của đê trên đường Yên Phụ... Những việc làm đó đã góp phần lập lại trật tự kỷ cương, phép nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự bình yên cho Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước.

Vậy ai đã để cho những sai phạm trên xảy ra, khi mà Nhà nước với đội ngũ công chức khổng lồ ăn lương nhân dân? Ai đã chịu trách nhiệm về những vấn đề đó, hay cuối cùng cũng chỉ là nhân dân? Tiền của cho những sai phạm và xử lý sai phạm đó có là của cải của xã hội Việt Nam hay không? Làm ra rồi phá đi, có là cách để cho hạnh phúc nhân dân được đảm bảo?

Trở lại việc ở Thái Hà, việc đơn giản nhất là giáo dân dựng chiếc lều bạt ngủ đêm bị kết tội là làm mất an ninh trật tự, làm cản trở giao thông. Hãy đến xem ngôi nhà của cán bộ nào đó đã chiếm nửa con đường đi chung mà mới được xây dựng chưa lâu, thì cái lều bạt chỉ là con muỗi.

Dù sao, trên tờ báo này, đã công nhận một điều không thể không công nhận: “Để xảy ra tình trạng trên, có nguyên nhân từ thiếu sót khuyết điểm của chính quyền các cấp và các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng khu đất ở 178 phố Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa trong các thời kỳ trước đây” . Nhưng vẫn đổ cho giáo dân và tu sĩ.

Vậy những cái gọi là thiếu sót đó thế nào? Nó là con voi mà những “vi phạm” của giáo dân nếu có là những con muỗi bám trên đó?

Cái khuyết điểm chính, cái mồi lửa chính làm bùng lên sự phẫn uất của giáo dân Thái Hà là ở chỗ: Chiếm đoạt không theo pháp luật những tài sản được pháp luật bảo hộ đã diễn ra ngang nhiên mà không ai bị xử lý, bởi sự phân biệt đối xử trong những trường hợp này, đã biến nạn nhân thành thủ phạm đã dẫn tới tình trạng này.

Ai đã vi phạm pháp luật? Pháp luật một đất nước có được chống lại Hiến pháp của đất nước hay không? Ai đã chống lại Hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bằng những hành động của mình? Xin các nhà báo ảo thuật, hãy tự soi lại.

Vụ việc ở Thái Hà, chỉ là những vụ việc dân sự đơn giản, nhưng tờ HNM và một số quan chức đã hình sự hóa vụ việc, rồi chính trị hóa nó cho những mưu đồ khác nhau. Hãy suy nghĩ một điều: Sau hơn 60 năm dưới chế độ này, một nước Việt Nam với nhân dân vốn cần cù, chịu khó, giàu nhân nghĩa, tại sao luôn luôn có “những thế lực thù địch” nhiều đến thế?

Câu trả lời dễ dàng là: Nếu giải quyết mọi vấn đề đất nước không căn cứ trên luật pháp với công lý và sự thật, nếu cứ tiếp tục chỉ vì quyền lợi của những cá nhân nào đó, (như trên mảnh đất Thái Hà đã bị âm mưu chia chác) mà đẩy người dân lương thiện, đẩy cả cộng đồng nhân dân, cộng đồng tôn giáo vì công lý hòa bình (như những giáo dân Thái Hà hôm nay) đến nhà tù, súng đạn và dùi cui, để chiếm đoạt bằng được tài sản của họ, thì chắc chắn, số lượng những kẻ thù địch sẽ tăng lên gấp bội mà thôi.


Quốc pháp là tối thượng, hãy để đất nước được điều hành với một nền pháp luật công minh và để có công lý có cơ hội phát triển trên đất nước này. Điều đó hết sức cần thiết cho sự phát triển của đất nước này theo kịp bước đi của thế giới văn minh.

Hà Nội, ngày 5/9/2008
J.B. Nguyễn Hữu Vinh

No comments: