Wednesday, September 10, 2008

Ðiếu cày Nguyễn Văn Hải bị hai năm rưỡi tù giam cho cái giá đã nói 4 chữ cấm “Tự do dân chủ”

BÊN LỀ PHIÊN TÒA XỬ BLOGGER ĐIẾU CÀY NGÀY 10/9/2008

Bài viết là dòng cảm xúc, suy nghĩ của một độc giả gửi đến Phía trước về phiên tòa xử blogger Điếu Cày ngày 10/9/2008. Cảm ơn bạn đã chia sẻ những dòng này cho các bạn trong BBT và các độc giả khác. Những suy tư này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Phía trước.


Phiên tòa xử bloger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải diễn ra sáng ngày 10/9/2008.

Là một người quý bác Nguyễn Văn Hải, khi xem các bài viết của bác trên blog và hành động đấu tranh không mệt mỏi của bác trong công cuộc đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sáng hôm nay, trời không trong xanh không có những đám mây bàng bạc như của nhà văn Thanh Tịnh. Trời mù mù, mưa bay lất phất, báo hiệu một ngày không trong sáng, không tốt lành.


Bác Nguyễn Văn Hải bị hai năm rưỡi tù giam
cho cái giá bác đã nói 4 chữ cấm “Tự do dân chủ”.

Tôi và những người bạn đến tòa án quận 3 hòng mong muốn tham dự phiên tòa, ủng hộ các luật sư và tinh thần bác Hải. Hơn 8h sáng, khu vực Tòa án quận 3 đã có nhiều bác Công An mặc thường phục cầm dùi cui đi đi lại lại.

Khi thấy chúng tôi, các vị hỏi đến làm gì, chúng tôi bảo chúng tôi muốn tham dự phiên tòa xét xử ông Nguyễn Văn Hải, thì được một anh công an đã bảo: để đảm bảo an toàn trật tự cho phiên tòa.. nên mời anh chị đi về.

Một anh bạn khác của tôi vừa tơi, đứng trước tòa ngóng mắt nhìn vô đã được bác công an trông hình dong to béo cầm dùi cui đuổi thẳng ra đường Paster, khi đấy tôi thấy một số người dân đi đến cánh cổng của Tòa thì các bác công an cầm dùi cui xông vào hét lên:

“Quậy à, quậy à, có đi ngay không!”

Quang cảnh rất náo loạn do các bác công an gây ra. Tiếc là tôi không thể chụp hình cảnh này.

Một người bạn tôi nhỏ nhẹ hỏi một vị chức sắc từ Tòa án quận 3 đi ra : “tại làm sao mà không vào được, phiên tòa xử công khai cơ mà ?".

Vị chức sắc bảo : “vụ này nhạy cảm lắm… công an họ bày binh bố trận, không vào được đâu, anh thông cảm nhé!”.

Một phiên tòa xử một vụ về trốn thuế… mà gọi là nhạy cảm, trước đây đã có bao phiên tòa xử chuyện trốn thuế… người dân vào xem thì có ngăn cản gì đâu.

Ấy thế mà đến khi bác Điếu Cày lại bị, và bị gọi là “nhạy cảm”, không được làm rối, không được vào. Công an ấy, họ bày binh bố trận, phải chăng họ sợ sẽ có một cuộc biểu tình xảy ra trước cổng Tòa án quận 3? Vì trong thâm tâm họ, vụ án này là một vụ án chính trị, phải nghiêm trang, phải hoành tráng để dằn mặt đám “dân đen” dám học đòi làm chính trị, đòi dân chủ à, đòi biểu tình như các nước khác á, còn lâu nhé!

Nếu ai đó muốn biết lực lượng công an hùng hậu thế nào thì xin hãy đến các phiên tòa xét xử các vụ án có liên quan đến chính trị. Này nhé, suốt đọan đường Nguyễn Đình Chiểu, Bà Huyện Thanh Quan, Paster, Trương Định, công an đứng nghẹt đường, thường phục, sắc phục có. Cô bé em tôi hỏi “sao có người mặc đồ thanh tra xây dựng kìa, lại đứng ngay góc đường Bà Huyện Thanh Quan”. “Công An cả đấy”- anh bạn tôi giải thích. Kế bên Tòa án quận 3, một đám thanh niên mặt mày bặm trợn đang ngồi uống café ngay quán cóc, nhưng lại mang theo máy bộ đàm, mặt mày hung bạo, đôi mắt cú vọ nhìn những ai quanh quẩn ngay khu vực Tòa án, và tống cổ những ai có ý đồ đi vào khu vực này.

Cô em tôi mới học luật từ nước ngoài về, hỏi tôi: “phiên tòa của Việt Nam, mỗi khi xét xử vụ án hình sự thì có nhiều công an cầm dùi cui, xô đẩy người dân khi họ muốn vào để xem xét xử như thế này hả anh?”.

Tôi bảo bình thường thì không em ạ, vụ này tại bác Nguyễn Văn Hải đã trót viết, đã trót đòi bốn chữ cấm…bốn chữ “TỰ DO DÂN CHỦ”, nên bác mới được công an chăm sóc thế. Tự nhiên, cô em tôi bảo : “vậy ra mình đã can đảm đến xin tham dự phiên tòa….không biết mình có bị ghi vào bìa đen của cơ quan chính quyền không nhỉ?...”

Lúc ấy, tôi đã buồn và càng phục những luật sư bào chữa cho các phiên tòa như thế này, những con người hết sức “người”, hết sức can đảm. Trên đường về tôi cứ mong cho luật sư Lê Công Định, luật sư Trần Lâm, luật sư Bùi Ngọc Hiếu, luật sư Nông, luật sư Bảo Trâm sẽ thành công, mặc dù trong thâm tâm có điều gì mach bảo tôi sẽ không thành công. Tôi cố lừa dối mình khi tự xem một quẻ độn, thì kết quả quẻ là Kinh, tôi biết không tốt… nhưng thôi cứ cố mà hy vọng mà mong bác Hải sẽ khỏi ngồi tù, sẽ chỉ là án treo… Hôm trước có dịp gặp luật sư Định, tôi cố mạnh miệng… “bác Nguyễn Văn Hải sẽ ra tù, anh yên tâm đi” ….

Người ta đã và đang nhạo báng công lý!

Vụ án bác Hải sao mà có thể ra được cơ chứ, mình xem cũng bằng thừa, làm gì có “công lý” cho những người dân nhỡ có tư tưởng tự do dân chủ, những người dân đã can đảm nói “Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta”….

Hơn 3 h chiều ngày 10/9/2008, tôi biết kết quả của phiên tòa: bác Nguyễn Văn Hải bị kết án 2 năm 6 tháng tù giam.

Thật đúng là “Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Bác Nguyễn Văn Hải bị hai năm rưỡi tù giam cho cái giá bác đã nói 4 chữ cấm “Tự do dân chủ”.

Tôi có người bạn may mắn tham dự phiên tòa đã kể lại câu chuyện ở phiên tòa như sau:

Đến phần tranh luận, khi luật sư Định, một con người mà tôi muốn gọi là bậc trí dũng, bào chữa cho thân chủ, thì các vị thẩm phán bác bỏ một cách “hung bạo và luật rừng”. Một vị thẩm phán đã lập luận: “hợp đồng cho thuê nhà ghi bên thuê nhà nộp tiền thuế cho bên cho thuê nhà, có nghĩa là bên thuê đã nộp tiền thuế cho bên cho thuê… Ông Nguyễn Văn Hải có hành vi trốn thuế một cách tinh vi bằng cách ghi vào hợp đồng như thế…”. man rợ quá, luật sư Định phản bác lại : “ người bình thường không ai đọc đoạn hợp đồng đó lại nghĩ là nộp thuế cho chủ nhà cả, mà là nộp cho cơ quan nhà nước”. Hài kịch và xấu mặt vô cùng, khi quan chức ngành kiểm sát bảo: luật sư Định đã nói xấu các quan chức trước mặt bàn dân thiên hạ, đề nghị công an đến đoàn luật sư thành phố và kiểm tra tư cách của luật sư. Choáng thật!

Một bậc trí dũng nhỡ mà dính dáng đến mấy vụ chính trị thì trí dũng đến đâu cũng phải bị công an kiểm tra tư cách, Có nơi nào như nơi này không nhỉ?

Còn nghe, khi ra khỏi phiên tòa các vị công an ấy đã hùa lại như một bầy sói, dạy cho luật sư Định một bài học, nào là không được phép nói “xử lý công an”, nghe đâu khi bào chữa luật sư Định nói cần xử lý hành vi vi phạm pháp luật của những vị trong ngành kiểm sát….

Than ôi, có nơi nào như nơi này không hả trời?

Qua bài viết này, tôi muốn nói, muốn nhắn nhủ, vị nào, dân đen nào muốn đòi dân chủ, muốn đòi công bằng, hãy cẩn thận nhé! Bảo trọng nhé những con người dũng cảm.

Nhưng tôi lại nhớ câu nói của nhà phật “Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục đây”.

Và tôi đã tâm đắc trong lần gặp luật sư Định, luật sư đã nói “Nếu anh không đốt lửa, nếu tôi không đốt lửa, nếu chúng ta không đốt lửa thì bao giờ bóng đêm mới vỡ ra thành bình mình đây ?!”.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/9/2008
Hà Túc Đạo
© Tạp Chí Phía Trước.

Nguồn:
http://blog.360.yahoo.com/blog-V3M_NEolerbUJtSbv.5KMo8GAUmgg7A-?cq=1

—Φ—

30 tháng tù cho Người yêu nước Điếu Cày

Vụ xử án "Điếu Cày trốn thuế" đã gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua.

Đài BBC đã đưa tin:


Toà án Quận 3, TP Hồ Chí Minh, tuyên mức án trên đối với ông Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày) hôm 10/9, trong khi vợ cũ của ông nhận mức án cải tạo không giam giữ 16 tháng và thử thách ba năm.
Bà Dương Thị Tân, vợ cũ của ông Hải, cho hay tòa vẫn giữ nguyên tội danh trốn thuế đối với chồng cũ của bà.


Nhưng bà Tân cho biết bà mới là người trực tiếp thu tiền thuê nhà của khách hàng.
“Chúng tôi không trốn thuế. Mọi chứng cớ vẫn còn trong các hợp đồng thuê nhà”.
Truyền thông trong nước loan tin vợ chồng ông Hải đã cho thuê nhà từ năm 1999 tới nay, và số thuế lẽ ra phải đóng là 400 triệu đồng.
Bà Tân nói: “Sự việc của gia đình liên quan tới nhiều vấn đề nên tôi phải mời bốn vị luật sư để công lý được thực hiện”.
“Nhưng rất tiếc là các lời bào chữa của bốn vị luật sư đều không được xem xét và tòa đều bác”.
Trước đó, luật sư Lê Công Định thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nói các chứng cứ đối với thân chủ của mình “rất yếu và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Vợ blogger Điếu Cày nói thêm sẽ kháng cáo đến cùng.
Blogger Điếu Cày một thành viên chủ chốt của Câu Lạc Bộ Nhà báo Tự do.

'Ân oán giang hồ'

Blogger này là người viết nhiều bài lưu truyền trên mạng internet về các chủ đề dân quyền, Hoàng Sa - Trường Sa và gần đây là phản đối việc rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh.
Trước khi phiên tòa diễn ra, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới ở Pháp thúc giục giới chức tư pháp không đưa ra án tù với ông Hải.
Trong một bình luận gửi cho BBC hôm 10/9, một thành viên của 'Câu lạc bộ nhà báo tự do', Tạ Phong Tần, cho rằng bản ản và vụ bắt giữ blogger Điếu Cày đã hình sự hoá quan hệ hành chính đằng sau một mục đích chính trị.
Nhà báo tự do này cũng cho rằng Chính quyền có hành vi đáp trả lại những khiếu kiện trước đây của blogger điếu cày theo kiểu 'ân oán':
"Ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) đối với nhà cầm quyền địa phương vốn dĩ có nhiều ân oán vì ông từng kiện công an phường Bến Thành ra toà hành chính."
"Sau đó, ông Hải lại nhiều lần kiện báo Công an TPHCM vì đăng bài sai sự thực"
Nhà báo tự do Tạ Phong Tần cũng cho rằng ông Hải nhiều lần bị 'vu khống tàng trữ ma tuý, bị sách nhiễu, hành hung, bắt giữ trái pháp luật và đối xử tàn tệ' vì đã 'tham gia biểu tình chống Trung Quốc chiếm hai quần đảo của Việt Nam'.
Trong khi đó, nhiều blogger trên mạng đã chỉ trích việc Chính quyền hạn chế quyền được có luật sư bào chữa của blogger Điếu Cày, cũng như việc thông tin về tổ chức phiên toà đã bị giới hạn tới công chúng.


Đài RFA viết:

Bối cảnh vụ xử Điếu Cày diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 9, được giới quan sát cho là “tế nhị,” và “xử nặng Điếu Cày là Việt Nam tự phủ nhận quan điểm về lãnh thổ, lãnh hải của mình đối với Trung Quốc” .
Giới quan sát tại Việt Nam cho rằng việc xét xử Điếu Cày nằm trong tình huống chính trị tế nhị mà chính quyền Việt Nam hiện đang đối mặt.

Có ý kiến cho rằng, chính quyền không muốn ra án nặng với Điếu Cày, cho dầu là án không liên quan trực tiếp đến chính trị.

Lý do là vì, xử nặng Điếu Cày tức là tự mâu thuẫn với phản ứng chính thức của Việt Nam liên quan đến bài báo Trung Quốc có nội dung dùng quân sự xâm lược Việt Nam.
Ông Hải bắt đầu gặp rắc rối với chính quyền sau khi có các hoạt động công khai thể hiện quan điểm phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa-Trường Sa như tham gia biểu tình và đăng bài viết trên trang blog cá nhân với bút danh Điếu Cày.

Ngoài ra, ông cũng là ngừơi chủ xướng thành lập Câu lạc bộ nhà báo tự do, quy tụ những cây bút mạng thẳng thắn phản ánh những điều mắt thấy tai nghe trong hiện thực, với mong muốn góp tiếng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, giữa bối cảnh nhà nứơc Việt Nam không cho phép báo chí tư nhân đồng thời kiểm duyệt gắt gao internet.

Từ khi ông Hải bị bắt tạm giam gần 5 tháng qua, dư luận trong và ngoài nứơc, cộng đồng blogger, và kể cả các cơ quan bảo vệ nhân quyền quốc tế cụ thể như Tổ chức phóng viên không biên giới, bày tỏ sự phản đối và mạnh mẽ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.

Cũng theo RFA, vợ cũ của Điếu Cày nói: "Họ đã kết án ông Hải là 2 năm 6 tháng tù giam vì cái tội gọi là trốn thuế của ông nguy hiểm cho cộng đồng. Họ nói như vậy tại toà. Và đền mấy cái số tiền mà theo họ quy kết cho chúng tôi là cái tội danh trốn thuế, số tiền họ phạt lên gấp đôi, cái thuế mà họ buộc cho chúng tôi được hạ xuống. Họ tuyên như vậy thôi thì tôi không hiểu cái tội danh trốn thuế họ quy kết cho chúng tôi là có phải là tội nguy hiểm hay không? Thực sự là họ muốn dùng biện pháp này để họ câu lưu ông ấy về cái việc khác, nhưng mà không cho nói. Họ bảo đây chỉ có xử về việc trốn thuế thôi.

Luật sư của tôi thì có rất là nhiều bằng chứng và rất là nhiều những yếu tố có chứng cứ đàng hoàng để khẳng định rằng chúng tôi không phải là trốn thuế, nhưng toà bác bỏ, toà cho rằng là không đúng."

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) nhận định:
"Nhà báo này thực ra đã bị kết tội vì những bài viết của ông trên Inetrnet, tố cáo chính sách bá quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông" và trước đó họ đã kêu gọi các thẩm phán Việt Nam khoan hồng với nhà báo Điếu Cày, vì cho rằng vụ này là ''một bài trắc nghiệm rất quan trọng về mức độ đáng tin cậy của ngành tư pháp Việt Nam''.

Theo RFI

Xin nhắc lại là nhà báo Nguyễn Hoàng Hải đã bị bắt hồi tháng tư vừa qua, vài ngày trước khi đuốc Thế Vận HộI Bắc Kinh ghé qua Sài Gòn. Theo hãng AFP, phiên toà hôm nay đã mở ra một cách hết sức kín đáo. Luật sư Lê Công Định bào chữa cho bị cáo đã xác nhận bản án với AFP, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Ngành tư pháp Việt Nam cũng hoàn toàn kín tiếng về nguồn tin trên.
Bản án đối với nhà báo Điếu Cày được đưa ra vào lúc Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte bắt đầu chuyến viếng thăm Việt Nam, chặng đầu tiên trong vòng công du Châu Á sẽ đưa ông qua Cam Bốt, rồi Hồng Kông, từ ngày 10 đến 18 tháng 8.

Nguồn: CLB Nhà báo Tự do
http://blog.360.yahoo.com/blog-FuoEs40yd6RRny_PYSPvm1VnOVpUuw--?cq=1

No comments: