( cái gọi là Đạo đức "cách mạng" )
Hồ Không 18/1/2007
LTS.- Mới đây, Bộ Chính Trị Đảng CSVN đã ra chỉ thị 06-CT/TW "yêu cầu toàn dân học tập để nhận thức về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh." Nhận thấy đây là một chỉ thị "không đùa"cây bút Hồ Không ở trong nước đã gởi ra bài sau đây góp ý với Đảng về 10 bài học tập "đạo đức của Bác" cũng tương tự như 10 bài học tập dành cho các trại viên "học tập cải tạo" sau khi Miền Bắc đã nuốt trọn Miền Nam vào năm 1975.
Bài 1.- Dẫn nhập: Vì sao ta phải học về Đạo đức Hồ Chí Minh
Ở trong nước CHXHCNVN, người dân không có quyền hỏi, chỉ có quyền chấp hành Nghị định dù là của một cơ quan vi hiến (do không có cái gì là Bộ Chính Trị trong cả ba Hiến pháp 1946, 1980, 1992).
Dù chế độ VN hiện giờ là một chế độ "pháp quyền" (chứ không phải "pháp trị" như ba tên phản động ở hải ngoại đòi), ta vẫn có thể phớt lờ đi chuyện BCT không có trong Hiến pháp vì... "luật của kẻ mạnh vẫn là luật hơn."
Vậy thì ta phải học, đừng hỏi. Ta phải học về đạo đức của Hồ Chí Minh vì ít ai biết đó là những đạo đức nào.
Người dân do thuộc lời dạy của Bác nên đã có câu về Lăng Bác ở Ba Đình:
"Bác Hồ lộng kiếng" thì thôi,
Mùi hôi thối rữa, chao ôi, nặc đình.
Bài 2.- Vấn đề "chính danh"
Khổng Tử là phong kiến, là cổ hủ, là lạc hậu, là giai cấp (sĩ, nông, công, thương), thêm nữa lại còn là Tàu (nói nhỏ là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc VN) nên không thể chấp nhận được. Vì vậy nên "tiên học lễ, hậu học văn" hay chuyện "chính danh" hoặc chuyện "trăm năm trồng người" đều là tư tưởng của Bác cả.
Song muốn chính danh thì phải gọi Hồ Chí Minh là gì?
Gọi là "Bác" không xong dù sinh thời đương sự rất ưa bắt người khác gọi mình như thế ("Bác" chính thật nghĩa là "bố đẻ" như trong "Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi") dù như người kia có thể bằng tuổi bố "Bác." (Chính vì thế mà cũng đã có ông nhạc sĩ nói đến "Cha già bên trời Đông.") Còn mấy cháu nhỏ ngày nay thì làm sao gọi bằng "Bác" được. Nếu "Bác" còn sống thì chúng sẽ phải gọi là "cụ" hay "cha Bác."
Thế gọi là Hồ Chủ Tịch có được không? Cũng được nhưng có lẽ phải gọi là "cố Hồ Chủ Tịch" mà nhiều người lại có thói quen đọc thành "Chủ Tịt," bất tiện lắm.
Thôi gọi trống không vậy. Thì Bộ Chính Trị đã chẳng làm thế là gì? Không lẽ lại gọi là thằng như trong một bài mỉa:
"Không có gì quý hơn Độc Lập, Tự Do"
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó...
Bài 3.- Đạo đức 1 của Hồ Chí Minh: Láo, xấc
Cũng như Chí Phèo, cách độc nhất cho anh "Ba bồi tàu" lên mặt với thiên hạ là nói láo. Anh nói láo về tên: tên Nguyễn Sinh Cung mà tiếng Nghệ trọ trẹ đọc thành "Côông" nên sang tiếng Pháp khó nghe lắm. Anh nói láo về năm sinh: 1892 khi làm đơn xin vào Trường Thuộc Địa để mong ra làm quan thừa hành cho Pháp, 1895 khi xin giấy tờ sang Nga đi học làm bồi cho Quốc Tế Cộng Sản, 1890 khi về nước để tính cho gọn 55 tuổi ngõ hầu có thể thành "Bác" của thiên hạ, "cha đẻ" của dân tộc. Anh nói láo để cướp công của người khác: Anh nhận vơ tên Nguyễn Ái Quốc (đích thật là tên chung của năm người: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh bên cạnh cậu bé Nguyễn Tất Thành) để tự cho mình là tác giả của cuốn Bản án Thực dân Pháp (tên tiếng Pháp: Procès de la colonization française). Sở dĩ ta biết là nhận vơ vì theo chính HCM, dưới tên Trần Dân Tiên, viết trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, lúc bấy giờ tiếng Pháp của HCM còn yếu lắm.
Những điều nói láo trong đời của HCM thì kể bao nhiêu cũng không hết. Có lẽ nói láo quen nên cuối cùng chuyện này cũng vận vào đời của ông ta: ông đã khéo chọn ngày chết vào đúng ngày Quốc khánh của miền Bắc (2 tháng 9, 1969) nên buộc lòng đồ đệ của ông phải tiếp tục nói láo, khai với nhân dân là ông chết vào ngày hôm sau.
Còn xấc thì tự gọi mình là "Bác" với cả những người lớn tuổi bằng bố mình, HCM còn gọi cả Đức Thánh Trần là "Bác" theo nghĩa "Anh/Tôi":
"Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng...
Bác đưa một nước qua nô lệ,
Tôi dắt năm châu đến đại đồng."
Bài 4.- Đạo đức "tam vô"
Vô gia đình: Sau 28 năm xa quê hương, Hồ Chí Minh về tới Hà Nội năm 1945. Được tin và dò hỏi để biết HCM chính là "thằng Côông" em mình ngày trước, bà chị Thanh khăn gói quả mướp lặn lội từ Làng Sen trong Nghệ An ra tận Hà Nội để nhìn mặt em và mừng cho em nay đã thành Chủ Tịch nước. Thay vì vui mừng được thấy chị, Hồ đã cho đàn em ra xua đuổi viện lý đó là một người đàn bà điên.
Một thi sĩ đã mô tả "Bác" thật đúng boong:
"Bác Hồ ơi, Bác không yêu nhà,
Bác làm sao yêu được nước."
Vô tổ quốc: Trong khi Phan Bội Châu từ chối điều kiện của Nga đặt ra cho các du học sinh VN là phải chấp nhận "tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản" thì Hồ Chí Minh tự nguyện làm tay sai cho Đệ tam Quốc tế ngay từ đầu. Do vậy HCM mới có dịp ăn lương của Quốc tế Cộng sản đi công tác ở Trung Quốc, Thái Lan, Mã Lai, Hồng Kông; bán Phan Bội Châu cho Sureté Pháp để dễ bề xích hóa phong trào yêu nước của người Việt ("Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.../Tôi dắt năm châu đến đại đồng."); để đến chết chỉ muốn về (một cách rất duy tâm) gặp Mác với Lê-nin mà thôi (Di chúc HCM).
Vô tôn giáo: Gọi các tôn giáo khác là "thuốc phiện" của quần chúng (theo Karl Marx), Hồ lại đòi mọi người, như các chủ Nga của ông, phải tin vào "tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản." Tín ngưỡng này giờ đây đã nâng HCM lên bậc thánh (theo đạo Khổng), bậc tiên (theo đạo Lão), bậc bồ tát (theo đạo Phật) và bậc "Cha già" (theo đạo Chúa). Thế mà theo Trần Dân Tiên (một bút hiệu HCM dùng để ca tụng mình), Hồ Chủ Tịch là người rất khiêm tốn, không muốn nói về mình.
Bài 5.- Đạo đức bịp
Bịp yêu nước: Trần Dân Tiên/Hồ Chí Minh cho rằng cậu bé Nguyễn Tất Thành khi rời bến nhà rồng ở Sài Gòn là muốn ra nước ngoài để học cái hay của họ nhằm "trở về giúp đồng bào." Sự thực là chỉ ít tháng sau, ngày 15/9/1911, HCM đã viết hai lá đơn xin vào Trường Thuộc Địa Pháp: "Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp..."
Bịp không vợ: Sau khi tán thất bại hai cô đầm Marie Brière (khoảng 1921) và Bourdon (1923), HCM (với tên Lý Thụy) lấy cô Tàu Tăng Tuyết Minh (1926-1928) và có một con gái với cô ta, khi bị bắt ở Hồng Kông (1931) đang sống với một phụ nữ Tàu tên Li Sam, đi dự Đại hội CSQT lần thứ 7 vào năm 1935 ở Mạc Tư Khoa (dưới tên Lin) thì khai Nguyễn Thị Minh Khai là vợ, sau lấy Đỗ Thị Lạc (1944) và cũng có một con gái với cô này, rồi lại có con trai với Nông Thị Xuân (1955) tên Nguyễn Tất Trung (xong cho Trần Quốc Hoàn hãm hiếp và giết cô này chỉ vì cô muốn chính thức cho con mình có cha), xém lấy Nguyễn Thị Phương Mai (khoảng 1956) và tính nhờ Đào Chú giới thiệu để lấy một cô Quảng Đông vào năm 1959 nhưng bị Lê Duẩn chặn lại.
Bịp khiêm tốn: Vì "Bác" rất khiêm tốn, không muốn nói về mình nên chính Bác dùng ít nhất là hai tên (Trần Dân Tiên và T. Lan) để viết hai cuốn sách ca tụng mình. HCM nói với Bernard Fall, "Hãy để cho ông già có một vài bí mật của ông ta." Nhưng ông già này có tới 150 bí danh (có lẽ là kỷ lục, cần phải đưa vào Guinness Book of Records), tự đề cao mình là Thánh, là Tiên, là Phật, là "Cha già" với những "Đây suối Lê-nin, kia núi Mác."
Bịp đơn sơ: Hồ Chí Minh hút thuốc hảo hạng của Mỹ (Philip Morris) nhưng có mời khách thì chỉ mời thuốc nội địa, rẻ tiền. Hồ cũng cấm ngặt người khác bắt chước mình (giả vờ đơn sơ) vì nếu thế thì "Bác" đâu còn nổi bật như là người đi dép HCM, "đêm nay Bác không ngủ" v.v.
Bài 6.- Đạo đức giết người hàng loạt
"Bác" không thích đưa mấy ai ra tòa. Giết quách đi cho xong nhưng vụ Trần Dụ Châu trong kháng chiến chống Pháp. Mà giết một không đủ, giết nhiều cho nó sướng tay. Từ thời Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-31), Hồ Chí Minh đã không ngần ngại dùng đòn khủng bố: "Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ." Thời gian HCM và Phạm Văn Đồng đi sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau (không có kết quả) giữa năm 1946, Hồ cho Võ Nguyên Giáp thẳng tay giết khoảng 10 nghìn người trong các đảng phái Quốc gia (theo Philippe Devillers, một sử gia Pháp). Bảy năm sau, từ 1953 đến 1956, Cải cách ruộng đất của "Bác" giết nhiều người trên một nửa nước trong 3 năm "hòa bình" hơn cả một cuộc chiến tranh dài 8 năm chống Pháp (CCRĐ dạy cho cả nước nhục mạ, đấu tố và giết địa chủ, "cường hào, ác bá," kể cả phú nông, có thể lên đến 100 nghìn người-tổng số nạn nhân là 172 nghìn theo tiết lộ của Đặng Phong). Trong trận Mậu Thân (Tết 1968 và sau đó), Hà Nội mất 500 nghìn người theo thú nhận của Võ Nguyên Giáp với Oriana Fallaci (Interviews with History).
Bài 7.- Đạo đức cắt nước và bán nước
Ngày nay, ai cũng biết là Châu Ân Lai đã bẻ chân bẻ tay Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp để buộc Hà Nội phải chấp nhận chia đôi đất nước ở vĩ tuyến thứ 17 dọc theo sông Bến Hải, dù như đã thắng Pháp quyết liệt ở trận Điện Biên Phủ, để cho Trung Cộng có cơ hội trở thành một nước lớn được các nước Tây phương công nhận như một đối tác đáng tin cậy. Tóm lại, xương máu thì là xương máu Việt Nam nhưng hưởng lợi thì lại là Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh- "đánh cho đến giọt máu cuối cùng của mấy thằng (ngu) Việt Nam."
Chưa hết, khi Trung-Cộng đòi chủ quyền trên 4/5 biển Đông (đối với Việt Nam còn đối với Trung Hoa thì đó là biển Nam Hải), Phạm Văn Đồng (mà chắc chắn phải có sự đồng thuận của Hồ Chí Minh) ngày 14 tháng 9 năm 1958 đã có công hàm chính thức (in ngay trên mặt báo Nhân Dân ở Hà Nội) công nhận những biên giới do Trung-Cộng vẽ ra, ngay cả ở ngoài khơi biển Đông/Nam Hải. Những biên giới này gộp cả Hoàng Sa và Trường Sa mà trước kia có nhiều đảo đã được công nhận rộng rãi là của Việt Nam. Khi hải quân của VNCH đụng độ với hải quân Trung-Cộng đến xâm chiếm Hoàng Sa vào tháng 1-1974, Hà Nội im thin thít-nghĩa là hy sinh quyền lợi đất nước cho những quyền lợi chủ nghĩa.
Chính những tiền lệ này đã làm cho Hà Nội "há miệng mắc quai" khi Bắc Kinh vào năm 1999 đòi Việt Nam nhượng bộ ít nhất là 720 cây số vuông dọc biên giới Việt-Trung và, sang cuối năm sau, hơn 10 nghìn dặm vuông nữa trên Vịnh Bắc Việt. Tóm lại, Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã mở đường cho sự bán nước trong hai năm 1999 và 2000.
Bài 8.- Đạo đức suy đồi
Không ít người cho rằng thời kháng chiến chống Pháp là một thời hoàng kim, con người vì có lý tưởng, vì có người "cha già" cần, kiệm, liêm, chính nên không có tham nhũng. Điều này chỉ đúng một phần mà phần đúng lại chính nhờ vào hai thành phần: tiểu tư sản ("tạch tạch sè" trong tiếng lóng của hậu phương) đào tạo trong cái nôi lãng mạn của những năm 1930-40 và người nông dân tay chưa nhúng vào chàm, nghĩa là chưa nhúng vào những vụ giết người hàng loạt trong cải cách ruộng đất.
Nhưng thực ra, cái thời "hoàng kim" ấy cũng chỉ là một ảo tưởng. Vì sao? Vì sự suy đồi đạo đức trong quan hệ xã hội của Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1950 là do Cộng Sản khuyến khích: con tố cha, vợ tố chồng, con dâu tố bố mẹ chồng, người thiếu nợ tố ngoa người chủ nợ (địa chủ, phú nông) v.v. làm đảo lộn hết cả luân thường đạo lý. Rồi "thượng bất chính" thì "hạ" không thể nào mà không "tắc loạn" được, nhất là khi tất cả đất đai và các công cụ canh tác được tập trung vào các hợp tác xã để cho "cán bộ mua đài, mua xe." Tóm lại, giai cấp quan liêu không chân lấm tay bùn mà lại có quyền sinh quyền sát trên những nông dân quần quật ngày đêm, quyền tính điểm, quyền chia phát tem... thì bảo làm sao mà không có tham nhũng được?
Bài 9.- Đạo đức "ngôn hành bất nhất"
Chính Lê Duẩn, ngay từ thời Hồ Chí Minh còn sống, đã có lần phải hỏi: "Tại sao mà chỉ với 5 phần trăm đất người nông dân được quyền giữ, họ lại có thể sản xuất được tới 60 phần trăm lợi tức của họ trong khi đó thì hợp tác xã chỉ cung cấp được có 40 phần trăm mà thôi?"
Hỏi thì cứ hỏi song chưa bao giờ ta được nghe câu trả lời cho đích đáng.
Cũng như ngay từ thời kháng chiến chống Pháp, muốn giết con gà, con vịt để đãi khách cũng phải giả vờ than khóc để đánh lừa hàng xóm là con gà, con vịt kia đã chết toi. Thành thử nói là thời kháng chiến chống Pháp "sạch" hơn thời sau này thì cũng chưa chắc. Nó chỉ là ở một thời mà nhiều người, nhờ ở giáo dục truyền thống và tiểu tư sản, còn biết thế nào là liêm sỉ, là tự trọng nên chưa kịp hủ hóa như sau này.
Nói cách khác, cả một xã hội bị đặt vào trong một thế mà ai cũng phải nói dối, nói một đằng làm một nẻo. Chẳng thế mà vị Tổng thống áp chót của miền Nam Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thiệu, dù để cho mất nước, vẫn được người dân ghi nhớ qua câu: "Đừng tin những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm."
Bài 10.- Kết, hay là Đạo đức "rỗng"
Chủ nghĩa Cộng Sản ngày hôm nay, như ta biết, đã hoàn toàn vỡ nợ. Không những chỉ Nga không còn dạy Mác-Lê, Trung-Cộng cũng hết dạy từ lâu, thậm chí chậm chân đến như VNCS giờ đây xem chừng cũng đã lẳng lặng bỏ rơi hai "ông Tây râu xồm" này, "ông Tây râu xồm" thứ ba là Xít-ta-lin thì đến Tố Hữu có sống dậy chắc cũng cầm cuốc xẻng đi chôn ông mất thôi.
Nhưng cái đầu mà rỗng thì nguy nan vô tận. Nó sẽ có chỗ cho những tư tưởng khác, lạ thay thế vào đó. Do vậy mà Hà Nội đã phải vội vã đưa ra "tư tưởng Hồ Chí Minh" để trám vào chỗ hổng kia.
Song chọn gì thì chọn, chớ ai lại đi chọn "tư tưởng" của một người đã từng khẳng định sự lệ thuộc của mình như thế này: "Về lý luận, Đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin... lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam." (HCM tại Đại hội 2 của Đảng CS Đông Dương, tháng 2 năm 1951, ở Tuyên Quang) Không chỉ một lần, HCM còn khẳng định rõ ràng hơn nữa khi có người muốn lập công ghép "tư tưởng Mao Trạch Đông" vào với "tư tưởng HCM": "Không," Hồ liền nói, "tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin" (theo Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc Hội). Cũng tại Đại hội này, Hồ còn nói: "Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được." (Nguyễn Minh Cần, Đảng CSVN qua những biến động trong phong trào quốc tế)
Vậy thì lối thoát có lẽ là ở đây. Ta hãy cứ dạy "minh triết" Hồ Chí Minh để cho mọi người thấy nó rỗng, nó sáo, nó xạo, nó tào lao như thế nào. Sau khi học thật kỹ cái "thầy không muốn dạy, trò không muốn học" này ít lâu thì có lẽ cả thầy lẫn trò sẽ tỉnh ngộ, ngộ ra một điều: Thì ra cái đầu "rỗng" nó đâu chịu để cho "rỗng" mãi! Từ lúc nào nó đã học được nhiều điều tân tiến và hữu ích của nhân loại, cần thiết cho sự hội nhập ngày càng tăng tốc với thế giới bên ngoài, nhất là sau khi Việt Nam đã vào WTO. Và thế là chẳng cần ai âm mưu hay thúc đẩy, "diễn biến hòa bình" cứ xảy ra lúc nào không ai hay trong mọi cái đầu ở Việt Nam, không ít thì nhiều.
HỒ KHÔNG
Việt Báo Thứ Năm, 18-01-2007
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=45&nid=101082
http://www.google.com/custom?domains=www.vietbao.com&q=h%E1%BB%93+ch%C3%AD+minh&sa=Search&sitesearch=www.vietbao.com&client=pub-3752630389526216&forid=1&ie=UTF-8&oe=UTF-8&cof=GALT%3A%23008000%3BGL%3A1%3BDIV%3A%23336699%3BVLC%3A663399%3BAH%3Acenter%3BBGC%3AFFFFFF%3BLBGC%3A336699%3BALC%3A0000FF%3BLC%3A0000FF%3BT%3A000000%3BGFNT%3A000000%3BGIMP%3A000000%3BFORID%3A1&hl=en
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment