Tuesday, August 19, 2008

Hội Nghị Quốc Tế Tại Tokyo: Toàn Cầu Yểm Trợ Dân Chủ Hóa Trung Quốc Và Á Châu

NGUYỄN THANH TRANG TƯỜNG TRÌNH . Việt Báo Thứ Ba, 8/19/2008, 9:03:00 PM



Hình ảnh hộị nghị.

Hội Nghị Quốc Tế “Toàn Cầu Yễm Trợ Dân Chủ Hóa Trung Quốc và Á Châu” (International Conference on Global Support for Democratization in China and Asia) do bốn cơ quan và diễn đàn dân chủ có tầm vóc quốc tế liên kết tổ chức, đó là Democracy in Asia and China, Forum for Democratic China and Asia, Taiwan Foundation for Democracy và World Forum for Democratization in Asia. Hội nghị là một diễn đàn , để từ đó xây dựng một lập trường chung nhằm củng cố các lực lượng quốc tế trong nỗ lực vận động nhân quyền, tự do và dân chủ để tiến đến mục tiêu tối hậu là giải thể các chế độ độc tài và quân phiệt để đem lại dân chủ thật sự cho mọi quốc gia tại Á Châu.
Hội Nghị quốc tế năm 2008 đã được tổ chức trong hai ngày 4 và 5 tháng 8 tại Tokyo. Lần đầu tiên Hội Nghị đã được tổ chức năm 2006 tại Bá Linh, Đức quốc và lần thứ hai đã được tổ chức vào tháng 5-2007 tại Quốc Hội Âu Châu ở Brussels, Bỉ.

Hội Nghị năm nay đã quy tụ được 63 chính khách, dân biểu, nghị sĩ, giáo sư đại học và rất nhiều nhà đấu tranh nhân quyền và dân chủ từ Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu và Á Châu. Đặc biệt có sự hiện diện của Tiến Sĩ Paul Scott, Giáo Sư người Mỹ đang giảng dạy tại Kansai Gaidai University, Tiến Sĩ Klause Rose, Thứ Trưởng quốc phòng Đức, Dân Biểu Goran Linblad, chủ tịch phái đoàn Thụy Điển tại Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu, Dân Biểu Rob Anders, chủ tịch Tiểu Ban Ngoại Giao Quốc Hội Gia Nã Đại., Thượng Nghị Sĩ Mark Bishop và Dân Biểu Michael Danby thuộc Quốc Hội Úc, Tiến Sĩ Seishu Makino, cựu Thứ Trưởng bộ Tư Pháp Nhật, hai Dân Biểu Tokuichiro va Edano thuộc Quốc Hội Nhật, ông Karma Chophel, chủ tịch Quốc Hội lưu vong Tây Tạng, v.v. Ngoài ra, còn co sự tham dự của nhiều tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch, Tổ Chức Nhân Quyền Không Biên Giới (Human Rights Without Frontiers), Cơ Quan Theo Dõi Olympic (Olympic Watch) và Liên Minh Chống Kỳ Thị SắcTộc (Coalition Against Racial Discrimination). Ví Hội Nghị quan tâm đến vấn dề Trung Quốc nên con số tham dự viên người Hoa đông nhất, hơn 20 người. Họ đến từ rất hiều quốc gia trên thế giới. Kế đến là hai phái đoàn Tây Tạng và Nhật cũng rất hung hậu. Hầu hết các nước khác tại Á Châu đều có vài người tham dự, ngoại trừ Phi Luật Tân, Nepal và Việt Nam mỗi nước chỉ có một người. Riêng Việt Nam, cá nhân chúng tôi được mời tham dự là đại diện chính thức của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.

Trong suốt hai ngày sinh hoạt, các tham dự viên đã hăng say bàn thảo ba đề tài lớn sau đây:

(1) Làm thế nào để vận động nhân quyền và dân chủ tại Trung Quốc và Á Châu sau Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008;

(2) Ảnh hưởng của Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 đối với Nhân Quyền tại Hoa Lục và trên thế giới; và

(3) Sự lớn mạnh và tương lai chính trị của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền hòa bình thế giới.

Trước khi bế mạc vào lúc 5 giờ chiều ngày 5-8-2008, Hội Nghị đã thông qua một bản Tuyên Bố Chung, với nội dung đòi hỏi nhà cầm quyền Trung Quốc:

Thứ nhất, tôn trọng các nhân quyền phổ quát và quyền tự do báo chí theo đúng tinh thần của Thế Vận Hội Quốc Tế.

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã cam kết sẽ tôn trọng tự do báo chí, một điều kiện tiên quyết của tất cả các Thế Vận Hội trước đây, nghĩa là sẽ không có việc kiểm duyệt báo chí của Trung Quốc cũng như của thế giới. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã không giữ đúng lời hứa, báo chí trong nước cũng như ngoại quốc đều bị giới hạn, không những thế, càng đến gần ngày tổ chức Thế Vận Hội, Bắc Kinh càng đưa ra nhiều biện pháp khắc khe hơn với báo chí. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã ra lệnh cấm báo chí Trung Quốc không được viết hoặc tường thuật bất cứ chuyện gì bất lợi cho chế độ thời gian trước và trong khi diễn ra Thế Vận Hội. Ký giả ngoại quốc cũng bị thanh lọc trước khi Bắc kinh cấp chiếu kháng nhập cảnh và họ còn bị cấm không được phép rời khỏi Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Muốn ra khỏi các nơi ấy, họ phải xin phép, cho hay không là quyền của cơ quan an ninh. Ngoài ra, báo chí ngoại quốc muốn phỏng vấn ai, cũng phải xin phép trước, khi nào có phép mới được quyền thực hiện.

Thứ hai, rút hết lực lượng quân sự của Trung Quốc ra khỏi Tây Tạng để bảo đảm quyền tự quyết và tự trị của nhân dân Tây Tạng được tôn trọng.

Như mọi người đều đã biết rõ, quân đội nhân dân Trung Quốc đã chiếm đóng Tây Tạng từ năm 1949. Từ đó đến nay, người dân Tây Tạng đã bị đàn áp liên tục và dã man. Chính phủ lưu vong Tây Tạng, dưới sự lãnh đạo của Đức Dalai Lama luôn luôn kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tự trị của nhân dân Tây Tạng và hãy đối thoại với họ để giải quyết vấn đề Tây Tạng trong hòa bình, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục chủ trương đồng hóa dân Tây Tạng và tiếp tục vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng.

Thứ ba, phê chuẩn các Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc trong đó có Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc đã diễn ra khắp nơi một cách có hệ thống và hết sức thâm độc. Nhất là đối với người dân Tây Tạng và Uyghurs. Bắc Kinh vẫn duy trì chính sách giới hạn một cách phi lý các quyền công dân cũng như các nhân quyền căn bản và phổ quát như quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do tôn giáo, tự do hội họp và tự do lập hội, v.v.

Thứ tư, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt mọi vi phạm nhân quyền.

Theo phúc trình của cơ quan nhân quyền Dui Hua Foundation, trong năm 2007, con số các tù nhân chính trị đã gia tăng lên mức cao nhất trong vòng tám năm qua. Nhân dịp chuẩn bị tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, thay vì cải thiện nhân quyền như nhà cầm quyền Trung Quốc đã hứa hẹn với Ban Tổ Chức Thế Vận Hội quốc tế, càng đến gần ngày tổ chức Thế Vận Hội nhà nước Trung Quốc đã gia tăng đàn áp, khủng bố và bắt giam nhiều nhà báo cũng như những người bất đồng chính kiến. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, và nhất là Internet đã kị kiểm soát nghiêm ngặt.

Thứ năm, chấm dứt các chương trình viện trợ quân sự cho các chính quyền độc tài, quân phiệt tại Á Châu và khắp nơi trên thế giới.

Song song với sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự, Trung Quốc đã gia tăng viện trợ quân sự cho nhiều chính quyền độc tài, chuyên chính như Miến Điện, Bắc Triều Tiên, và Sudan. Bắc Kinh đã dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bào An Liên Hiệp Quốc để cưỡng lại các nỗ lực quốc tế chống lại nạn diệt chủng tại Darfur và nỗ lực cải thiện nhân quyền tại Miến Điện. Thêm vào đó, Trung Quốc đã có chính sách cưỡng bách hồi hương một cách có hệ thống nhưng hoàn toàn vi phạm các Công Ước Quốc Tế mà Trung Quốc đã ký kết và phê chuẩn.

Thứ sáu, chấm dứt ngay mọi hành động khủng bố và đe dọa các tổ chức và cơ quan truyền thông quốc tế.

Trong suốt nhiều năm qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã xử dụng các biện pháp khủng bố và đe dọa để ngăn cản các công ty truyền thông như Eutelsat và Yahoo thực hiện các chương trình truyền thanh từ ngoại quốc vào Hoa lục. Cộng đồng quốc tế, các chính quyền cũng như các công ty thương mãi, cần phải có các biện pháp thức thời, cứng rắn chống lại mọi hành động đàn áp, kềm kẹp báo chí của Trung Quốc, nhất là hệ thống Internet.

(Tokyo, ngày 6-8-2008)

NGUYỄN THANH TRANG TƯỜNG TRÌNH
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=115&nid=133142

No comments: