Thursday, August 21, 2008

Báo Nhật tiếp tục mổ xẻ vụ PCI - PMU18

21/8/2008


Báo Nhật nói vụ PCI khiến bốn quan chức nước họ bị bắt vì nghi ngờ tham nhũng tại Việt Nam có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng" hối lộ.
Tờ Japan Times bản điện tử 21/08/2008 nhắc lại chuyện và nói dự án tư vấn của PCI cho phía Việt Nam gây nghi ngờ lớn hơn, thậm chí ra cả các nước khác.

"Vụ việc gây ra những nghi ngờ về quan hệ mờ ám giữa các công ty Nhất và những chính trị gia và quan chức ở các nước nhận viện trợ ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng."

Tờ báo cũng nói dự án PCI tham gia có liên quan đến việc xây dựng đường với đối tác là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.


Nghe tường thuật của Nguyễn Hùng

PCI là tên viết tắt của Pacific Consultants International, một công ty tư vấn đóng tại Tokyo chuyên lo thầu các dự án ODA ở hải ngoại.

Dự án nhận được tiền viện trợ phát triển ODA của Nhật trong giai đoạn từ tháng 10/2001 và 03/2003.

Cựu chủ tịch PCI, ông Masayoshi Taga và ba người khác bị nghi đã trao 600 nghìn đôla trong trong tháng 12/2003 và 220 nghìn đô vào tháng 8/2006 cho người đứng đầu ban quản lý phụ trách giao thông công chính ở TPHCM.

Phần nổi tảng băng

Bài xã luận của Japan Times xuất hiện trong bối cảnh báo chí Việt Nam dường như hoàn toàn im lặng về vụ việc trong những ngày gần đây.


Các nhà điều tra Nhật phải có bằng chứng và có lẽ phải có sự hợp tác từ phía Việt Nam họ mới có thể tiến hành các vụ bắt người.


Một nhà báo của Japan Times

Một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu báo chí cả ở Việt Nam và Nhật Bản ngưng đưa tin về vụ việc trong lúc điều tra đang diễn ra.

Một nhà báo thuộc Ban Xã luận tỏ vẻ ngạc nhiên về tin này và bật cười khi BBC hỏi ông có thấy có lý do gì để các quan chức Việt Nam yêu cầu báo chí không tiếp tục đưa tin về vụ việc hay không.

Ông nói: ''Có lẽ Việt Nam không muốn báo chí đưa tin xấu về chính phủ và các quan chức chính phủ.

''Các nhà điều tra Nhật phải có bằng chứng và có lẽ phải có sự hợp tác từ phía Việt Nam họ mới có thể tiến hành các vụ bắt người.''


Theo Japan Times, cơ quan điều tra nghi rằng 820 nghìn đôla này chỉ là một phần của khoản tiền PCI trao cho quan chức TPHCM trong bốn lần, từ 2003 đến 2006.

Họ cũng nghĩ PCI bắt đầu đưa hối lộ từ khoảng tháng 10/2001.

Theo luật chống cạnh tranh không lành mạnh từ 1998 của Nhật Bản, các công ty của họ cấm không được trao hối lộ cho quan chức nhà nước ở những quốc gia khác.

Truyền thông Nhật nói chính phủ phải tăng sức ép lên các nước nhận viện trợ ODA của Nhật để họ có cơ chế đảm bảo sự trong sáng của các dự án ODA.

Ngoài ra, về văn hóa kinh doanh, báo chí nói các công ty Nhật cần bỏ quan niệm rằng hối lộ là chi phí cần thiết để làm ăn ở nhiều nơi trên thế giới.

Đưa hối lộ ở Việt Nam?

Các ông Masayoshi Taga, Haruo Sakashita, Kunio Takasu và Tsuneo Sakano bị bắt hôm 05/08.


Đại lộ Đông Tây ở TPHCM xây dựng bằng vốn ODA của Nhật Bản

Báo Yomiuri Shimbun trích lời ông Masayoshi Taga cáo buộc ban Quản lý dự án PMU tại TP Hồ Chí Minh đòi 15% tiền hoa hồng để đổi lấy việc trao thầu tư vấn cho PCI trong hai dự án tám năm trước.

PCI thắng thầu lần đầu tháng 10/2001 và theo báo Nhật hồi tháng 3/2003 lại được PMU trao thầu trong một dự án liên quan trị giá hai tỷ yên, lần này một cách bí mật.

Hiện chưa thấy có phản ứng chính thức nào từ phía cơ quan điều tra Việt Nam ngoài phát biểu hồi trung tuần tháng Tám của một quan chức ngoại giao.

Trả lời TTXVN, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn nói báo chí Nhật "có một số bài viết không khách quan và không đúng sự thật, gây nghi ngờ về quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam".

Ông Sơn được trích lời nói ban quản lý dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây TP HCM cho hay "dự án không có hành vi tiêu cực như báo chí đã đưa".

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, dù hai quốc gia chưa ký hiệp định về hỗ trợ tư pháp, nhưng Việt Nam "sẵn sàng phối hợp điều tra với Nhật Bản".

Về phía Nhật, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Yasuhisa Wakamura nói Tokyo lấy làm tiếc rằng các vụ bắt người đã xảy ra.

Ông Wakamura nói với BBC rằng Nhật Bản chưa thể bình luận gì thêm vì vụ việc đang trong quá trình điều tra.

Ông cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu phía Nhật Bản có hợp tác không nếu Việt Nam yêu cầu họ đề nghị báo chí ngưng đưa tin về vụ việc này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080821_japanpresspci.shtml

No comments: