Wednesday, August 27, 2008

Nghe LM Nguyễn Văn Khải phát biểu quan điểm với Chủ tịch UBND Quận Đống Đa

VietCatholic News (Thứ Ba 26/08/2008 16:06)

Linh mục Nguyễn Văn Khải phát biểu quan điểm với Chủ tịch UBND Quận Đống Đa chiều ngày 22.8.2008



download here


Điều đầu tiên tôi xin thưa là chúng tôi là dân, là công dân của đất nước Việt Nam, là công dân của Quận Đống Đa này. Việc các vị xuống với chúng tôi là càng hiếm rồi, nhưng chúng tôi lên đây cũng hiếm. Cực chẳng đã thì thảo dân mới đến cửa công quyền.

Hôm nay chúng tôi lên đây là cơ hội để chúng ta trao đổi với nhau và để các cán bộ nghe tiếng nói của nhân dân. Cho nên phải cho chúng tôi cơ hội để trình bày, chứ nếu chỉ đến để thông báo thì tôi nghĩ ông chỉ cần làm cái thông báo gửi xuống Nhà thờ, thế là xong.

Thứ hai là vừa rồi tôi nghe, thấy Cha Chính xứ và ông Chủ tịch đều có chung mục đích là giải quyết cho ổn thỏa vụ này, là có an ninh trật tự ổn định xã hội. Nhưng cha Chính xứ muốn ổn định an ninh trật tự từ chiều sâu, từ trong lòng dân, còn ông Chủ tịch thì chỉ muốn an ninh trật tự ở bên ngoài. Nhưng không hiểu chữ an ninh trật đó như thế nào, chứ tôi thấy thì có mấy anh công an và ông Chủ tịch Phường đấy thấy, giáo dân đi ra đi vào xếp hàng rất trật tự ngăn nắp và cầu nguyện đúng giờ, đúng buổi sớm, trưa,chiều tối. Không ai có hành động gì quá khích cả.


LM Khải và các LM Thái Hà gặp chủ tịch Quận Đống Đa
Trong lời của ông Chủ tịch, tôi thấy cứ lặp đi lặp lại từ “quá khích”?, tôi thấy so với các nhóm dân về đây biểu tình, khiếu kiện tập thể như các nhóm dân ở xung quanh Hà Nội này thì chúng tôi rất an tâm về giáo dân của mình, bởi giáo dân rất kiềm chế, không có bạo lực bằng lời nói cũng như hành động. Ngay cả việc ông nói đe dọa công nhân của Công ty May Chiến Thắng, tôi nghĩ là phải hiểu ngược lại. Chúng tôi có quay phim chụp hình đoạn đó.

Khi công ty may Chiến Thắng sang xúc phạm đến ảnh tượng, phông bạt của người ta, thì người ta có ý kiến lại, nhưng khi Cha Phong ra nói một câu là giáo dân bỏ hết đi về ngay, để cho họ lấy bạt và ảnh đi. Cho nên chúng tôi an tâm và tự hào về giáo dân của mình rất biết kiềm chế, nếu như những nhóm dân khác, thì chúng tôi nghĩ là có xung đột lớn. Những công an làm việc ở hiện trường biết điều đó.

Điểm thứ ba là việc giữ gìn pháp luật, chúng tôi phải thưa với quý vị thế này: Chúng tôi là những người tu hành, giảng dạy đạo lý, nếu chúng tôi không tuân theo pháp luật, thì không thể nào nói được ai. Chúng tôi dạy dân sâu hơn cả pháp luật nữa là tuân theo đạo đức, tuân theo lương tâm mình.

Các linh mục đã hết sức kiềm chế và giáo dân cũng thế thôi, để thực thi theo đúng pháp luật. Giáo dân có cách hiểu pháp lý theo cách của họ. Không biết nhà nước dạy dân về pháp luật đến đâu, nhưng căn cứ vào các lý lẽ, thì mảnh đất ấy vẫn là mảnh đất của Nhà thờ. Vì đất ấy chưa bao giờ Nhà nước ra quyết định tịch thu, chưa bao giờ nhà nước thuê, chưa bao giờ nhà nước mua. Nhà thờ cũng chưa bao giờ cho mượn, hiến tặng, bán. Mà chủ thể sở hữu đó là Nhà thờ thì hiện diện liên tục hơn 80 năm nay. Đó là cộng đồng giáo dân ở Họ đạo Nam Đồng, nay là Dòng Chúa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà hiện diện từ cuối thế kỷ 19. Chúng tôi còn giữ những giấy tờ bằng chữ nho, tiếng Pháp và tiếng Việt liên quan đến khu đất ấy nữa. Đó là mua của ai, quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào.

Vậy thì quý vị cũng phải hiểu cho rằng về căn bản luật pháp là vẫn thuộc quyền sử dụng của họ. Nếu Nhà nước có ra luật là đất đai thuộc sở hữu toàn dân đi chăng nữa, thì quyền sử dụng vẫn thuộc của họ. Trong cảnh họ thấy các cơ sở tôn giáo bên trong mảnh đất bị phá, thì tôi cũng thấy đau lòng dù tôi mới vào đó có một lần thôi. Nhưng căn cứ các hình chụp ngày xưa, thì tôi thất rất đau lòng khi các cơ sở tôn giáo bị xúc phạm như thế.

Ngay khi phá các cơ sở tôn giáo bên trong, thì có mấy nhà họ lấn làm nhà ra giữa đường, rồi họ làm nhà sâu vào bên trong khu đất, họ mới lấn, mới làm chưa được 1 năm nay. Họ xâm phạm công khai như thế mà không ai xử lý cả?

Rồi Công ty Chiến Thắng còn phá tường, làm con đường bê tông lớn đi vào, rồi phân lô khu đất ra. Dân đến nói với chúng tôi là chúng tôi mua đất ở đây thế này, thế kia. Người dân có hiểu biết luật pháp trong mức độ của họ, nên họ đã hành động.

Theo như tôi thấy, nếu quả thực quan tâm đến đời sống của dân thực, thì các ông thấy nội thành Hà Nội 4 quận cũ chỉ có 6 nhà thờ. 6 nhà thờ đó cho một thành phố chỉ có 500.000 dân thời Pháp mà thôi, bây giờ dân số Hà Nội đã 3.000.000 dân, dân Công giáo tăng lên rất nhiều mà 6 cơ sở cũ đất nhà thờ nào cũng bị thu hẹp lại. Như nhà thờ chúng tôi, bản đồ là hơn 60.000 mét vuông, nay chỉ còn hơn 2.700 mét vuông. Ông chủ tịch thấy ngày thứ bảy, chủ nhật thế nào? Hết cả đường đi lối lại, không đi nổi, tôi mà đi đâu về khi đang làm lễ, thì phải ở ngoài phố hoặc nhà dân đợi lễ xong mới về được. Hàng chục nghìn người vào thứ 7, chủ nhật. Đang khi đó thì đất của Nhà thờ bỏ không, bỏ hoang, rồi bán chia nhau.

Các ông phải xem vấn đề bức xúc là từ đâu? Mình phải xem tìm an ninh thế nào? Tôi biết rằng nhà nước mình đây đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, chúng tôi luôn luôn mong muốn một nhà nước có tính chất pháp quyền bao nhiêu càng tốt cho dân bấy nhiêu, tốt cho các cán bộ thi hành nhiệm vụ của mình bấy nhiêu.

Bời thế, nên chúng tôi xin các ông cho chúng tôi cơ hội để trình bày, để các ông biết lắng nghe lời dân, chúng tôi đây cũng là dân của các ông cả. Các ông xem người có đạo trong Thành phố này gia tăng bao nhiêu. Chỉ xung quanh Hồ Tây đã có 600 di tích, đền, chùa, miếu, vậy mà trong cả Thành Phố chỉ có 6 nhà thờ thôi mà đất lại thu hẹp như vậy. Mà bây giờ lại nghe bảo định thu hồi đất để làm công trình công cộng, làm đường… thì xin thưa với các ông, cứ xuống nghe tiếng dân thì thấy. Còn chúng tôi chỉ mong xã hội an bình, đất nước dân chủ, văn minh cho mọi người dân được cơ may hạnh phúc.

Tôi rất đau lòng khi thấy mình đây là anh em mà tranh cướp đất của nhau, đang khi đất của mình trên biên giới cửa khẩu Hữu Nghị quan, ở Trường Sa, Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm, trên biển bị Trung Quốc lấn. Đồng bào Thanh Hóa và giáo dân chúng tôi ở đảo Lý Sơn đánh cá trên biển Việt Nam mà bị Trung Quốc bắt, bắn chết. Đang khi trong nước tranh cướp đất của nhau mà ở bên ngoài như vậy?

Phải chi mình được bình an phát triển, mọi người đoàn kết với nhau để đương đầu với ngoại xâm. Các ông cứ vào các trang web của Trung Quốc, tôi đọc thấy đầy rẫy những trang, bài của chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc coi Việt Nam là thù địch và tìm cơ hội tấn công.

Vì thế, chúng tôi mong rằng các cấp chính quyền ở đây tạo điều kiện để giúp dân được bình an từ gốc.

Các cấp chính quyền cũng nên nói với báo chí truyền thông nên phản ánh chân thực, không nên vu cáo, xuyên tạc, chụp mũ, bôi nhọ… như vậy nó lại phản tuyên truyền.

Chúng tôi có thấy cán bộ đến để vận động thuyết phục giải tán bà con, chứ không phải để lắng nghe bà con về những bức xúc.

Chúng tôi không hành lễ bên ngoài, chúng tôi chỉ có hành lễ trong Nhà thờ, còn ngoài đó, giáo dân ra cầu nguyên và chúng tôi ra cầu nguyện cùng giáo dân. Các ông nên xem lại các khái niệm về Cầu nguyện và hành lễ, hành lễ khác và cầu nguyện khác nhau. Không bao giờ chúng tôi làm lễ ngoài đường bao giờ cả.

Về vấn đề pháp luật, các ông cho rằng khi giáo dân phá tường là vi phạm pháp luật. Nhưng xét từ gốc của pháp luật, thì khu đất đó đang là của Nhà thờ, nhà nước chưa có văn bản tịch thu, chưa mua, chưa mượn, nên họ quan niệm rằng họ làm đúng pháp luật.

No comments: