Sunday, August 17, 2008

Phỏng vấn Ks Đỗ Nam Hải về việc anh bị tịch thu tài sản ngày 30/7/2008 vừa qua

Nguyễn Chính Kết: Chào anh Đỗ Nam Hải. Xin anh vui lòng thuật lại sự việc đã diễn ra vào hai ngày thứ tư và thứ năm, 30 và 31/7/2008, khi công an VN đến nhà anh để tịch thu tài sản của anh, và hôm sau cưỡng bức anh tới đồn công an thẩm vấn.


Đỗ Nam Hải: Thưa anh, 2g00 chiều ngày thứ tư, 30/7/2008, tôi đã ra trụ sở UBND phường 9, quận Phú Nhuận theo giấy mời làm việc mà họ trao cho tôi hôm trước, để trả lời về việc tôi cực lực phản đối không chịu nộp phạt 15 triệu đồng VN, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tôi. Vì thế, đến 3g30 chiều, một nhóm công an khoảng 10 người đã đến khám xét đồ đạc trong phòng tôi. Họ đã tịch thu của tôi một máy laptop, một máy in, một điện thoại di động, một modem, một thùng tài liệu và một số ảnh tôi chụp với các nhà đấu tranh dân chủ, với dân oan. Họ nói: Tài sản tịch thu của tôi sẽ được đem bán đấu giá để nộp cho ngân sách nhà nước cho đủ số tiền 15 triệu đồng mà họ quyết định xử phạt tôi.


Không chỉ thế, sáng hôm sau, thứ năm, ngày 31/7/2008, khi tôi ra tập thể dục tại công viên Gia Định, quận Phú Nhuận; một tốp công an mặc thường phục là những người vẫn bám sát tôi suốt ngày đêm đến nói với tôi: "Theo yêu cầu của sếp tụi em, đề nghị anh Hải hôm nay về công an quận Phú Nhuận để làm việc". Những cảnh đột ngột bắt cóc giữa đường như thế này để cưỡng ép tôi về đồn công an làm việc đã từng xảy ra cho tôi hàng trăm lần rồi. Cũng như những lần trước, lần này họ cũng không đưa ra cho tôi xem bất cứ một thứ giấy tờ nào, kể cả giấy tờ chứng minh họ là công an. Tôi bị cưỡng bức về trụ sở công an quận Phú Nhuận, số 181, đường Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận. Hôm ấy họ giữ tôi tại đó suốt 8 tiếng đồng hồ, từ 9g00 sáng đến 5g00 chiều. Ngày 4/8/2008 vừa qua, họ lại chặn bắt tôi và dẫn giải tôi về công an quận Phú Nhuận từ 10g sáng đến 5g00 chiều (7 tiếng đồng hồ). Tôi cũng cương quyết không chịu làm việc với họ.


Nguyễn Chính Kết: Tại trụ sở công an Phú Nhuận, những ai phụ trách thẩm vấn anh về vụ việc này?


Đỗ Nam Hải: Những sĩ quan an ninh làm việc với tôi từ mấy năm nay và cả lần này thường là 3 trung tá công an, tuổi đều trên dưới 50. Đó là ông Nguyễn Hoài Phong, trưởng Ban an ninh nhân dân, công an quận Phú nhuận, và hai ông khác tên là Tâm và Tùng, thuộc Phòng an ninh bảo vệ chính trị nội bộ và chống gián điệp (PA 35), Công an thành phố Sài Gòn. Ông Tâm, dáng người cao, gầy, đen, nói giọng Nam, quê ở huyện Bình Chánh, Sài Gòn; còn ông Tùng, dáng người thấp, trán hói, đeo kính cận, nói giọng Hà Nội, nhưng quê nội ở huyện Củ Chi, Sài Gòn. Cả hai ông Tâm và Tùng đều là những công an đã từng thẩm vấn các thành viên khác của Khối 8406 như các anh: Nguyễn Chính Kết, Lê Trí Tuệ, Lê Nguyên Hồng và chị Lê Thị Phương Thi…


Nguyễn Chính Kết: Theo anh, mục đích của công an CSVN khi tịch thu tài sản của anh là gì? Có đích thực là để bán tài sản của anh lấy tiền nộp phạt thay anh không?


Đỗ Nam Hải: Hoàn toàn không phải với mục đích ấy, vì trong những lần ấy, có khi họ thấy trong phòng tôi còn có những tài sản khác, kể cả tiền bạc; những tài sản này có giá trị như những tài sản kia, nhưng họ đều không tịch thu.


Nguyễn Chính Kết: Như vậy, họ tịch thu tài sản của anh với mục đích gì?


Đỗ Nam Hải: Trong các lần khám phòng tôi để kê biên tài sản, họ chỉ tịch thu máy vi tính, modem để kết nối Internet, điện thoại di động và những tài liệu dân chủ tôi in ra để đọc. Như vậy, theo tôi, họ tịch thu tài sản của tôi nhằm 4 mục đích:


– Thứ nhất, họ muốn cắt đứt tôi với luồng thông tin bên ngoài qua mạng Internet và qua điện thoại. Vì đây là phương cách đấu tranh bất bạo động của tôi và của những người đấu tranh dân chủ khác.


– Thứ hai, họ muốn tìm hiểu về các hoạt động dân chủ của tôi, cũng như các mối quan hệ của tôi với các bạn hữu đấu tranh dân chủ ở cả trong và ngoài nước. Họ cũng muốn biết tôi đang viết những gì qua những dữ kiện được lưu trong máy.


– Thứ ba, họ muốn khủng bố tinh thần cha mẹ, các anh em tôi, để từ đó, những người thân của tôi sẽ tác động lại tôi bằng tình cảm, yêu cầu tôi ngừng tranh đấu, vì họ không thể trực tiếp yêu cầu tôi điều đó.


– Thứ tư, họ muốn hành hạ tôi cả về thể xác lẫn tinh thần để hy vọng rằng tôi sẽ nản chí không còn muốn tiếp tục đấu tranh dân chủ nữa.


Nguyễn Chính Kết: Như vậy, việc khám nhà và tịch thu tài sản của anh để thực hiện "Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính" chỉ là chiêu bài, là lý cớ họ dùng để thực hiện 4 mục đích trên, phải không anh?


Đỗ Nam Hải: Đúng vậy. Vì từ cuối năm 2005 đến nay, tôi bị nhà cầm quyền CSVN ký 4 quyết định xử phạt hành chánh, với tổng số tiền phạt lên đến 51, 5 triệu đồng VN, tương đương với 3000 USD; nhưng tôi kiên quyết không chịu nộp phạt, dù chỉ một đồng. Vì thế, họ dùng chiêu bài cưỡng chế nộp phạt, bằng cách kê biên tài sản để phát mãi và lấy tiền đó nộp ngân sách nhà nước, chỉ với mục đích tước đoạt mọi phương tiện liên lạc và làm việc của tôi, nhất là các loại máy tính, điện thoại di động, modem để kết nối Internet.


Với những tài sản cũ mà họ tịch thu trước đó, từ năm 2004 đến nay, gồm 7 máy tính, 4 điện thoại di động và 1 máy ảnh kỹ thuật số còn mới thì ngày 30/7/2008 vừa qua, một nhân viên của Phòng tài chính quận thông báo miệng cho tôi biết: Toàn bộ số tài sản đó được định giá chỉ có 2, 5 triệu đồng VN. Nghĩa là họ đánh giá thật thấp những tài sản đó so với giá trị thực của chúng. Với chiêu bài mới “kê biên tài sản” này, họ có thể đến nhà tôi bất cứ lúc nào để tịch thu những phương tiện làm việc và liên lạc của tôi, mà không cần phải có quyết định khám nhà của trưởng công an quận, với sự phê chuẩn của chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, như họ đã làm trước đó. Họ cũng có thể dùng chiêu bài này đối với những người đấu tranh dân chủ khác nữa. Đây là một phương cách đàn áp hiểm độc, hèn hạ và phi pháp của họ.


Nguyễn Chính Kết: Trong lần họ bắt cóc anh về trụ sở công an mới đây nhất, họ đã làm việc với anh thế nào?


Đỗ Nam Hải: Như những lần trước, lần này tôi cũng cương quyết không làm việc với họ. Cụ thể là không trả lời thẩm vấn, không viết, cũng không ăn và không ký bất kỳ thứ giấy tờ nào họ viết ra. Họ mở niêm phong chiếc laptop do ông dân biểu Úc Luke Donnellan tặng tôi năm 2006, để thẩm vấn tôi về từng dữ liệu mà tôi đã lưu trong đó. Họ nói: “Nếu anh Hải có tinh thần hợp tác tốt thì chúng ta sẽ cố gắng làm cho xong việc ngay trong ngày”. Tôi trả lời họ: “Không, tôi không quan tâm đến những tài sản của tôi đã bị các ông cướp mất; tôi coi như đã mất chúng vĩnh viễn. Còn các ông hãy coi chúng như những chiến lợi phẩm mà các ông đã vâng lệnh đảng CSVN của các ông cướp đoạt được. Nay thì xin mời các ông cứ việc tự do mà chia nhau. Còn việc các ông muốn vu cáo tôi là tay sai của các thế lực thù địch, là gián điệp của CIA, là phản động, khủng bố hay là gì gì đi chăng nữa thì đó là chuyện của các ông. Tôi đã bị bộ máy chuyên chính vô sản này vu cáo, bịa đặt hàng trăm lần rồi, cả trước mặt lẫn sau lưng; nay các ông có vu cáo thêm hàng trăm lần nữa cũng chẳng sao. ”


Tiếp theo, họ yêu cầu tôi đứng lên, lột hết túi quần túi áo ra để họ kiểm tra. Trong túi tôi lúc ấy còn một ít tiền, tôi móc ra đưa cho họ. Tôi bảo: "Đây, còn số tiền này, các ông cứ việc cướp nó đi", nhưng họ không lấy. Đến 5g00 chiều cùng ngày, họ nói với tôi: "Bây giờ anh Hải có thể về, và 8g00 sáng mai, mời anh Hải trở lại đây. Nhưng trước khi về, đề nghị anh Hải cho chúng tôi kiểm tra chiếc xe gắn máy của anh để ở bãi giữ xe dưới nhà”. Tôi biết rõ ý đồ của họ là muốn cướp đoạt nốt chiếc điện thoại di động của tôi, mà họ đoán rằng tôi đang để trong cốp xe.


Lúc ấy, tự nhiên tôi nghĩ tới những tội ác của cái bộ máy công an trị này đã từng gây ra cho dân tộc tôi trong suốt gần 63 năm qua, kể từ cái buổi chiều “Mùa thu lịch sử, tràn nắng Ba Đình”, ngày 2/9/1945 ấy đến nay. Tất cả hiện về trong tôi như một cuộn phim quay chậm. Chẳng đâu xa, cũng chính tại đây, nơi tôi đang ngồi: phòng họp B, lầu I - Trụ sở công an quận Phú Nhuận này đã từng là nơi đặt đại bản doanh của bộ chỉ huy tiền phương để chỉ huy việc đàn áp hàng ngàn đồng bào tôi vào đêm 18/7/2007, khi những người dân oan khiếu kiện Việt Nam tập trung suốt một tháng trời trước Văn phòng II - Quốc hội nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, số 194 đường Hoàng Văn Thụ, Phường 9, quận Phú Nhuận. Nơi ấy chỉ cách nơi này chừng 100 mét (xin xem chú thích 1 bên dưới).


Nghĩ đến đấy, tôi liền nói với họ: “Các ông có biết sáng nay, khi tôi bị các cậu lính của các ông chặn lại để dẫn giải về đây thì tôi đã nói gì với các cậu ấy không? ” Họ hỏi: “Anh đã nói gì với họ? ” Tôi trả lời: “Tôi nói với các cậu ấy rằng tôi nhờ các cậu về nói lại với những người đã ra lệnh cho các cậu làm cái chuyện phi pháp này là họ hãy ăn cứt đi, đừng ăn cơm nữa! Bởi vì làm người mà không phân biệt được đúng - sai, phải - trái, thiện – ác; làm người mà chỉ biết nhắm mắt nhắm mũi làm theo cái sai, cái ác để chống lại cái đúng, cái thiện thì không xứng đáng ăn cơm đâu! ” Nghe đến đó họ họ nổi đóa lên và nói: “Chúng tôi đề nghị anh ăn nói cẩn thận, anh muốn nói ai vậy? ” Tôi trả lời: “Tôi nói các ông đấy! ”. Nhưng một người trong số họ thấy tình hình căng thẳng, bèn nói cắt ngang: “Đừng nóng, anh Hải ơi! Chúng tôi làm tất cả cũng chỉ là do nhiệm vụ cấp trên giao cho mà thôi”. Tôi không nói gì thêm, nhưng cũng vẫn phải xuống mở cốp xe để họ kiểm tra. Nhưng hôm ấy tôi không mang điện thoại theo, nên họ không lấy được (xin xem chú thích 2 bên dưới). .


Nguyễn Chính Kết: Anh có hay xúc phạm, nói nặng lời với họ như hôm ấy không?


Đỗ Nam Hải: Không. Phải làm việc với công an từ năm 2004 đến nay, tôi luôn luôn biết bình tĩnh, tự kiềm chế. Mãi đến hôm ấy tôi mới phải dùng những lời lẽ nặng nề như vậy với họ. Đây chỉ là chuyện chẳng đặng đừng khi mà họ ỷ thế, cậy quyền công an, ỷ có súng đạn, nhà tù trong tay nên coi người dân như súc vật.


Nguyễn Chính Kết: Có bao giờ họ dùng lời ngon ngọt dụ dỗ anh từ bỏ con đường đấu tranh không?


Đỗ Nam Hải: Có. Một mặt họ gia tăng canh chừng, theo dõi và đàn áp tôi. Mặt khác, họ lại dụ dỗ tôi bằng những cách khác nhau. Chẳng hạn, nhiều lần họ đề nghị với tôi rằng: nếu tôi muốn đi làm ngân hàng trở lại thì họ sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi. Hoặc nếu tôi muốn mở một doanh nghiệp để làm ăn thì họ cũng sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi như: Giấy phép kinh doanh, mặt bằng, vấn đề an ninh, kể cả sẵn sàng hùn vốn làm ăn với tôi. Đã nhiều lần họ đến nhà nói với cha mẹ tôi như vậy để cha mẹ tôi nói lại với tôi. Họ cũng nói với tôi rằng: “Chúng tôi tôn trọng những ý kiến, những quan điểm về dân chủ của anh. Nhưng hiện nay những điều ấy chưa phù hợp với hiến pháp và luật pháp Việt Nam, nên nói ra lúc này là hơi sớm. Chúng tôi đề nghị anh Hải bảo lưu những quan điểm và ý kiến đó. Còn bây giờ anh hãy tạm dẹp chúng mà đi nghỉ ngơi. Nếu anh muốn đi Phan Thiết, đi Hà Nội hay một nơi nào đó, thì anh hãy cùng đi với chúng tôi như những người bạn, chúng tôi sẽ bao hết toàn bộ chi phí những chuyến đi ấy. Hoặc nếu anh Hải đi tị nạn chính trị thì chúng tôi sẽ mang hoa ra tận sân bay để tiễn anh”. Dĩ nhiên, tất cả những đề nghị trên đều bị tôi từ chối.


Nguyễn Chính Kết: Dụ dỗ anh không được, có lần nào họ đe dọa bỏ tù hay thủ tiêu anh không?


Đỗ Nam Hải: Đe dọa bỏ tù thì có, còn đe dọa thủ tiêu thì không. Nhưng có lần, trung tá Tùng (PA 35), đã nói với tôi vào tháng 4/2008 vừa qua, trong dịp nhà cầm quyền CSVN tổ chức rước đuốc Olympic Bắc Kinh tại Sài Gòn rằng: “Công an Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam và họ đã biết mặt anh và biết địa chỉ nhà anh. Anh Hải cần phải cẩn thận về vấn đề an ninh của mình”.


Nguyễn Chính Kết: Trong những trường hợp ấy, anh phản ứng thế nào?


Đỗ Nam Hải: Tôi đã từng nhiều lần nói với công an Việt Nam: vì sự nghiệp dân chủ hóa đất nước, tôi sẵn sàng trả giá như đã và đang phải trả giá, thậm chí chấp nhận hy sinh cả tính mạng của mình. Các ông không bao giờ có thể lay chuyển được ý chí đó của tôi đâu. Nếu như tôi có phải ngã xuống, chẳng hạn do bị đầu độc, hoặc do đang đi ngoài đường bị đẩy vào gầm ôtô, hay bị tên xã hội đen nào đó thanh toán, thì tôi xin cảnh báo với các ông rằng: Chắc chắn việc tôi bị nạn như thế phải xuất phát từ một lệnh của cái triều đình đỏ các ông, chứ không phải ở đâu khác. Bởi vì các ông đã đi điều tra rất kỹ về tôi, về gia đình tôi nên các ông cũng biết rất rõ rằng: từ nhỏ tới lớn, từ trong nhà đến trường học và cơ quan làm việc, tôi luôn luôn là một công dân lương thiện. Gia đình tôi cũng là một gia đình trí thức, bố tôi là bác sĩ, và 7 anh chị em ruột của tôi đều tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học; trong đó có một bác sĩ và hai tiến sĩ. Tất cả mọi người đều làm ăn lương thiện. Nghĩa là không có một mảy may mối liên hệ nào với xã hội đen cả.


Nguyễn Chính Kết: Họ đe dọa anh như vậy. Ngược lại, anh có đe dọa lại họ hay khuyên họ điều gì không?


Đỗ Nam Hải: Có chứ! Nhưng tôi chỉ khuyên chứ không đe dọa. Thỉnh thoảng tôi vẫn nói với họ: “Tôi muốn nói với các ông một lời khuyên rất chân thật rằng: Hãy tìm việc khác mà làm cho lương thiện, chứ làm cái nghề công an chuyên đi trấn áp người vô tội như thế này thì phi nhân thất đức lắm. Luật quả báo luôn luôn ứng nghiệm. Trời sẽ báo ứng những tội ác của các ông nơi chính bản thân các ông, gia đình các ông và con cháu các ông cho mà xem. Và nay mai, khi đất nước trở thành tự do dân chủ, tội ác của các ông làm ngày hôm nay sẽ trở thành tai họa cho các ông vào ngày ấy. Các ông cứ việc làm ác đi, trời sẽ không dung, đất sẽ không tha các ông đâu! ”


Nguyễn Chính Kết: Anh có cho rằng sở dĩ anh bị công an CSVN sách nhiễu như vậy là do phương pháp đấu tranh của anh sai hay không?


Đỗ Nam Hải: Suốt mấy năm qua và nhất là thời gian gần đây, nhà cầm quyền CSVN ngày càng gia tăng việc đàn áp tôi, không phải vì tôi có thái độ khiêu khích họ hay vì phương pháp đấu tranh dân chủ của tôi là sai lầm, mà là qua những hành động tích cực đóng góp cho phong trào dân chủ của tôi, họ đã xác định rõ tôi là một trong những đối tượng gây nguy hại cho chế độ độc tài độc đảng của họ. Còn việc họ có bắt tôi hay không bắt tôi là do họ tính toán đến cái lợi hay hại của họ, chứ không phải là do [Tam1] chính sách khoan hồng nhân đạo hay vì nể nang gia đình tôi là gia đình cách mạng; lại càng không phải do họ nể nang tôi. Qua kinh nghiệm nhiều năm đấu tranh với họ, tôi rút ra nhận xét là: mọi việc họ làm đều có tính toán kỹ lưỡng, chứ không hề là do cảm tính của một vài cá nhân nào đó. Chỉ có điều là những tính toán ấy đang phản lại dân tộc, phản lại ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam mà thôi. Điều đau xót nhất cho dân tộc chúng ta là: cho đến nay, khi thế kỷ 21 đã bước sang năm thứ 8 rồi mà dân tộc vẫn phải è cổ ra để nuôi cơm cái bộ máy công an trị đồ sộ ấy.


Nguyễn Chính Kết: Tại sao anh lại nhất định không bao giờ chịu đóng tiền phạt?


Đỗ Nam Hải: Tôi nhất định như thế là vì nếu tôi chấp nhận đóng tiền phạt thì mặc nhiên tôi đã công nhận rằng họ làm đúng, còn tôi làm sai. Có nhận mình sai mới chấp nhận đóng phạt. Hơn nữa, nếu tôi đóng phạt thì số tiền ấy sẽ quay trở lại nuôi cái bộ máy công an trị này để đàn áp đồng bào tôi và đàn áp chính tôi. Họ nói: “Nếu anh Hải thấy chúng tôi làm sai pháp luật thì anh cứ việc làm đơn kiện chúng tôi ra tòa”. Tôi trả lời: “Những việc mà các ông đã làm đối với tôi và với đồng bào tôi, nếu ở trong chế độ thật sự có tự do dân chủ thì các ông đã phải đi tù rục xương rồi. Còn trong cái chế độ độc tài toàn trị này, khi mà cả ba quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp, kể cả cái quyền thứ tư là quyền truyền thông đều nằm trọn trong sự thao túng của đảng CSVN của các ông thì tôi kiện làm gì? Tôi chỉ còn con đường duy nhất đúng là góp phần cùng với dân tộc đấu tranh để dân chủ hóa đất nước, trong đó một trong những mục tiêu quan trọng nhất là thay thế một cách triệt để chế độ chính trị từ độc đảng hiện nay sang đa đảng trong tương lai”.


Họ đề nghị tôi: “Anh Hải nên chấp nhận đóng phạt đi, cứ đóng 50. 000 đồng một tháng cũng được”. Tôi đã thẳng thắn bác bỏ và nói: “Tôi đã từng dùng số tiền nhận được trong 2 giải thưởng dũng cảm và nhân quyền là khoảng 3. 000 USD để tặng cho một số các nhà dân chủ và dân oan ở trong nước. Số tiền đó đủ để tôi đóng phạt. Nhưng tôi khẳng định một lần nữa rằng: những việc tôi làm là hoàn toàn đúng, còn việc phạt tôi như vậy là hoàn toàn sai, nên không bao giờ tôi chấp nhận nộp phạt. “.


Nguyễn Chính Kết: Làm những trò hèn hạ như vậy thì họ có đạt được kết quả nào như họ mong muốn không?


Đỗ Nam Hải: Tôi từng nói với họ: “Cho dù các ông đã rất cố gắng để đàn áp, bịt miệng tôi và những nhà đấu tranh dân chủ khác bằng những hành động hết sức độc ác và hèn hạ… Nhưng kết quả là gì? Kết quả là công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển. Ngày càng có nhiều người tham gia hơn và tôi vẫn lên tiếng được. Các ông phải thấy là các ông đã luôn luôn thất bại rồi chứ! Việc nhà cầm quyền CSVN gia tăng đàn áp phong trào dân chủ Việt Nam nói chung và tôi nói riêng trong thời gian qua, một mặt chứng tỏ rằng bản chất sùng bái bạo lực, muốn đàn áp những tiếng nói đấu tranh dân chủ của họ là không hề thay đổi. Bản chất ấy có thể tóm tắt bằng 5 chữ ngắn gọn là: khủng bố và lừa bịp! Nhưng mặt khác, nó cũng là một trong những chỉ dấu cho thấy phong trào dân chủ Việt Nam nói chung và tôi nói riêng đã đi đúng hướng. Họ càng hung hãn thì tội ác của họ càng thâm nặng. Họ đã và đang đi ngược với con đường mà dân tộc muốn đi. Họ nhất định sẽ bị sức mạnh của dân tộc và thời đại đào thải, và cái ngày tàn của bạo lực ấy đang đến gần. Thế của họ là thế hốt hoảng, bị động, phi nghĩa và ngày càng đi xuống. Còn thế của phong trào dân chủ Việt Nam là thế đĩnh đạc, chủ động tiến công, chính nghĩa, và đang phát triển đi lên từng ngày từng giờ.


Nguyễn Chính Kết: Xin chân thành cám ơn anh đã trả lời những câu hỏi của tôi.


Đỗ Nam Hải: Tôi cũng xin cám ơn anh đã giúp tôi có dịp nói lên những điều tôi muốn nói.


Viết xong tại San Jose, ngày 08-08-2008
Nguyễn Chính Kết


______________________________________


Chú thích:


(1) Đêm 18/7/2007, chính tại Văn Phòng II Quốc hội nằm trên đường này, nhà cầm quyền CSVN đã mở một chiến dịch rất qui mô có tính toán, dùng bạo lực nhằm đàn áp cuộc biểu tình dài ngày của những dân oan vô tội bị các quan chức CS cướp đoạt đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của mình. Chiều tối hôm ấy, họ đã huy động lực lượng công an mật vụ thật hùng hậu, đứng chật 2 bên lề đường để uy hiếp dân oan như chực ăn tươi nuốt sống họ. Họ là hàng ngàn nạn nhân của chế độ đầy bất công này, là những người đau khổ vì bị mất đất, mất nhà, nên trở thành đói khát, rách rưới tả tơi, nghèo khổ, khốn cùng nhất xã hội. Tất cả, họ đã cùng nhau cầm cự, duy trì cuộc biểu tình trong ôn hòa và hợp hiến suốt 27 ngày trời ròng rã tại Văn Phòng II Quốc Hội này.


10g00 đêm hôm ấy, công an CSVN đã chốt chặt 2 đầu đường và các ngõ nhỏ không cho dân qua lại vì sợ người dân đi đường chứng kiến được cảnh tượng hãi hùng, ghê rợn của cuộc đàn áp tàn bạo mà công an Cộng sản Việt Nam sắp thực hiện đối với những người dân oan trong tay không một tấc sắt này. Họ đã điều động 8 chiếc xe cứu thương, 2 xe vòi rồng, khoảng 150 xe tải lớn nhỏ các loại được đưa đến để cưỡng chế bằng vũ lực buộc mọi người dân phải lên xe để trở về địa phương. Có nhiều xe chở toàn cảnh sát cơ động được trang bị đầy đủ vũ khí – dùi cui, roi điện, súng, lựu đạn cay và còng số 8 – để sẵn sàng đàn áp dân chúng.


Đến 23 giờ đêm, lực lượng công an hùng hậu đông gấp 3-4 lần số dân oan khiếu kiện đó tràn vào đàn áp đám dân oan. Chúng xông vào dùng bạo lực tách dân oan ra từng người một. Cứ 5-6 tên mật vụ xông lôi kéo, quăng quật bất cứ dân oan nào trong tầm tay họ lên xe, bất kể bà già hay phụ nữ. Ai kháng cự lại sẽ bị ăn đòn thê thảm. Ai ngoan cố bị chúng xông vào kéo đi như một con vật. Có người bị đánh bể đầu, máu chảy ướt mặt trông thật ghê sợ và dã man, có những phụ nữ ngất xỉu, có chị bị lôi kéo đứt hết cả nút áo thành lõa lồ trông thật thảm thương… Và chỉ trong vòng một hai tiếng đồng hồ trong đêm đen, đám dân oan biểu tình đã bị giải tán một cách thô bạo và thảm thương…


(2) Đính chính: Bản tin do Phóng viên tự do Khối 8406 đã loan trước đây với tựa đề “Công an CSVN lại đến nhà Kỹ sư Đỗ Nam Hải tịch thu tài sản của anh” có câu được in đậm trong đoạn sau đây không được chính xác về lời của anh Đỗ Nam Hải. Chúng tôi xin Quý độc giả và anh Đỗ Nam Hải thứ lỗi:


«7g30 sáng hôm sau, 31/7/2008, anh Hải ra công viên Gia Định – chỗ sân golf cũ thời trước 1975, gần bệnh viện Cộng Hòa – để tập thể dục. Vừa ra khỏi nhà thì anh bị mấy công an chìm theo dõi anh chặn lại, họ yêu cầu anh về trụ sở công an quận Phú Nhuận để "làm việc" (chắc hẳn về những tài liệu chứa trong máy vi tính và trong thùng tài liệu). Anh liền nói với chúng: "Tụi bay hãy gọi điện cho cấp trên của tụi bay lời nhắn của tao: Chúng mày là đồ chó má, tao không thể làm việc với quân chó má! " Sau đó, anh tiếp tục ra công viên rồi cùng ăn sáng tại quán ăn Vườn Nhà Ai trong vùng công viên cùng với một dân oan quen thuộc mà anh gọi điện mời đến».


Câu nói chính xác của anh Hải với những công an chìm theo dõi anh là: “Các cậu về nói lại với những người đã ra lệnh cho các cậu làm cái chuyện phi pháp này là họ hãy ăn cứt đi, đừng ăn cơm nữa! Bởi vì làm người mà không phân biệt được đúng - sai, phải - trái, thiện - ác; làm người mà chỉ biết nhắm mắt nhắm mũi làm theo cái sai, cái ác để chống lại cái đúng, cái thiện thì không xứng đáng ăn cơm đâu!”

No comments: