Monday, August 18, 2008

THÔNG CÁO BÁO CHÍ HOUSTON NGÀY 17.8.2008

Chúc Thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống được tuyên đọc tại Lễ Chung thất ở chùa Pháp Luân, thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ


Paltalk_2008_0817_Le Suy ton Pho Tang Thong va doc di chuc.mp3

HOUSTON, ngày 17.8.2008 (PTTPGQT) - Đại lễ Vu Lan Báo hiếu kết hợp với Lễ Chung thất đã được tổ chức trọng thể tại chùa Pháp Luân ở thành phố Houston, bang texas, Hoa Kỳ, ngày chủ nhật 17.8.2008. Nhân dịp này Chúc thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống để lại đã được trang trọng tuyên đọc và làm lễ suy tôn Đại lão Hoà thượng Thích Hộ Giác lên ngôi vị Phó Tăng thống.



Thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện, Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ ký Quyết định số 31 ngày 16.8. uỷ quyền cho Văn phòng II Viện Hoá Đạo tuyên đọc, phổ biến Chúc Thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang tại Lễ Chung Thất.

Quyết định gửi đến Hòa thượng Thích Hộ Giác, Phó Viện trưởng Viện Hoá Đạo
kiêm Chủ tịch Văn phòng II Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN cho biết :

« Do những áp lực ngoại tại ngăn cấm không cho Phái đoàn Giáo hội về Tu viện Nguyên Thiều tổ chức lễ Chung Thất Đức cố Đệ tứ Tăng thống như đã dự trù. Nên Hội đồng Lưỡng Viện lấy quyết định sẽ tổ chức tại Saigon và cùng thời gian với Văn phòng II Viện Hoá Đạo tại Chùa Pháp Luân, thành phố Houston, bang Texas, ngày chủ nhật 17.8.2008, để công bố Chúc thư và Giáo chỉ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống về việc thỉnh cử nhân sự trọng yếu vào Hội đồng Lưỡng Viện.

« Thế nhưng mấy ngày qua, nhà cầm quyền địa phương đã đến hạch hỏi về việc tổ chức Lễ Chung Thất này. Đồng thời công an tăng cường và phong toả các ngôi chùa của Giáo hội. Trong hoàn cảnh như thế Hội đồng Lưỡng viện khó bề thực hiện lễ Chung Thất như dự kiến. Do vậy Hội đồng Lưỡng Viện quyết định trong cuộc hop lúc 16 giờ ngày 16.8.2008:

« 1.Chính thức công bố 2 văn bản: Chúc thư của Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Giáo Chỉ suy cử Đức Phó Tăng Thống.

2.Uỷ quyền Hoà thượng Thích Hộ Giác Phó Viện trưởng VHD kiêm Chủ tịch Văn Phòng II VHD, thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện cho tuyên đọc hai văn bản nêu trên tại cuộc lễ Chung Thất Đức Đệ Tứ Tăng Thống ở chùa Pháp Luân ngày 17.8.2008.

« 3.Tại chùa Giác Hoa sẽ tổ chức đơn giản Lễ Chung Thất Đức Đệ Tứ Tăng Thống vào ngày 17.8.2008 ».

Gần hai nghìn Phật tử đã tề tựu từ sáng chủ nhật 17.8 tham dự cuộc lễ. Vì Chánh điện chùa Pháp Luân không chứa đủ số lượng đông đảo đồng bào Phật tử, nên Ban tổ chức đã mở rộng hội trường và dựng thêm hai căn lều lớn trong sân chùa để chứa khách.

Sau Đại lễ Vu Lan, lễ Chung Thất bắt đầu với hai nghi thức Bắc tông và Nam tông.

Nghi thức vừa chấm dứt, băng ghi Đạo từ nhân dịp Chung Thất Đức Cố Đệ tứ Tăng thống của Đại lão Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo được phát qua máy vi âm. Toàn thể chư Tăng Ni và Phật tử cùng đứng lên chắp tay cung kính lắng nghe. Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ nói :

« Nam Mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật
« Ngưỡng bạch Giác linh Đức Cố Đệ tứ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chứng giám,
« Kính bạch chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa Hội đồng Lưỡng Viện,
« Kính thưa quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni Đại diện các cấp Giáo hội tại các Miền, các Tỉnh thành, các Châu lục hải ngoại cùng chư vị Cư sĩ thiện trí thức,
« Kính thưa liệt vị Tứ chúng Môn đệ, Hiếu đồ Đức Cố Đệ tứ Tăng thống,
« Qua lời tác bạch hôm lễ nhập Bảo tháp, chúng ta đã kính cẩn dâng lên Giác linh Đức cố Tăng thống mối đồng tâm phát nguyện sẽ tiếp tục đi theo con đường Ngài đã vạch, mặc dù còn rất nhiều chông gai chờ đón phía trước. Chúng ta quyết tâm điều hành Phật sự Giáo hội theo phương hướng của Hội đồng Lưỡng Viện đã hoạch định cho đến khi GHPGVNTN được tự do hoạt động thực sự như thời kỳ trước năm 1975, để hoàn thành chí nguyện của Ngài !
« Hôm nay ngày Chung Thất, chúng ta hãy cùng nhau lắng lòng nhớ tưởng cuộc đời phụng hiến của Ngài cho đạo pháp và đất nước để làm tấm gương soi cho mỗi chúng ta. Chúng ta hãy nghe lại lời cuối cùng Ngài căn dặn trong Thông điệp Phật Đản năm nay để chí thành thực hiện. Ngài đã nói :

« Phật giáo là sự đối diện chứ không quay lưng với xã hội, Phật giáo dấn thân vào nơi tham tàn, loạn tưởng của xã hội để tịnh độ hoá nhân gian.

« Người Phật tử bồi đắp tâm linh bao nhiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ, thì càng bảo vệ lãnh thổ bấy nhiêu cho chủ quyền của nòi giống tự do thoát ly nô lệ.

« Chánh pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ, chúng sinh không thể an lạc nơi áp bức, đói nghèo. Bản hoài xuất thế của chư Phật là xuất hiện nơi trần thế để cứu độ muôn loài.


« Xin chư liệt vị hãy hóa thân vào nền văn minh của trí tuệ Bát Nhã, làm bản tâm cho bậc nhân đức cứu nguy đất nước và loài người. Chẳng ai thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử đang ngày đêm làm rối loạn thể chất thế nhân. Nhưng với người thực hành Bồ tát đạo, thì sinh, lão, bệnh, tử lại là phương tiện tỉnh giác tiến hành cho sự lợi ích và giác ngộ muôn loài ».

« Nghe và thực hiện lời Ngài trong đời sống hằng ngày, bằng cách đó chúng ta tán dương công đức Ngài đã thị hiện mở ra con đường Phật trên đất nước này, bằng cách đó chúng ta đền đáp ơn Ngài và cúng dường ngày Chung Thất.
« Hội đồng Lưỡng Viện nguyện đem hết sức mình trong cuộc vận động phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN để giữ gìn bảo vệ Giáo hội truyền thống đã do lịch đại tổ sư, chư Thánh tử đạo và toàn thể Phật tử xây dựng nên. Hội đồng Lưỡng Viện nguyện thực hiện lời Ngài căn dặn để đem lại nhân quyền cho người sống, linh quyền cho người chết, dân chủ cho xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển con người và đất nước, cũng như hợp quần với mọi nhân sĩ, trí thức, đoàn thể, tổ chức nhằm hậu thuẫn những công trình bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, lẽ phải và tự do, hạnh phúc và giác ngộ cho mọi người.

« Kính xin Đức Tăng thống tác đại chứng minh.

Thanh Minh Thiền viện, Saigon ngày 17.8.2008
TM. Hội đồng Lưỡng Viện, GHPGVNTN,
Viện trưởng Viện Hóa Đạo
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ


Tiếp theo, Hoà thượng Thích Chánh Lạc tuyên đọc Giáo chỉ của Đức cố Tăng thống suy cử Đại lão Hoà thượng Thích Hộ Giác lên ngôi vị Phó Tăng thống. Giáo chỉ mang số 01/VTT/GC/TT ký ngày 20.2.2008. Đọc xong, ban nghi lễ cất lời xưng tán và thỉnh Đức phó Tăng thống ngồi vào chiếc ghế trước điện Phật trong sự vỗ tay của đồng bào.

Trong chức vụ mới, Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác tuyên đọc Chúc thư của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang trao quyền lãnh đạo Giáo hội cho Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ.

Nguyên văn bức Chúc thư gồm 936 chữ như sau :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG


----------------------------------------------------------

CHÚC THƯ GỞI CHƯ TÔN HÒA THƯỢNG, CHƯ THƯỢNG TỌA TRONG HỘI ĐỒNG LƯỠNG VIỆN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa Chư Liệt vị,

Do mấy chục năm dài sống trong cảnh tù đày rồi quản chế, tuy hiu quạnh, đơn chiếc, nhưng tôi vẫn tự tại vô ngại, lấy kinh sách và bộ Đại Tạng làm bạn và thầy. Tuy nhiên do thiếu thuốc men và chăm sóc, thời gian qua tôi mắc nhiều chứng bệnh. Đây cũng là lẽ vô thường, mà người tu hành chẳng bận tâm. Như chư Liệt vị đã biết tin, gần đây tôi phải nhập viện trong cơn thập tử nhất sinh. Nhưng nhờ lương y chăm sóc và chư Phật hộ trì nên thân tứ đại vẫn còn. Nay đã xuất viện về tịnh dưỡng ở Tu viện Nguyên Thiều. Sức khỏe yếu hơn trước rất nhiều, thỉnh thoảng hay quên các chuyện vặt, nhưng tinh thần vẫn sáng suốt, minh mẫn, tuy lòng riêng khôn nguôi các Phật sự của Giáo hội chưa hoàn tất như ý nguyện.

Vào tuổi này như ngọn đèn trước gió, ngày mai ra sao khó mà biết trước. Phòng chuyện bất ngờ xẩy tới, nhân danh Đệ Tứ Tăng thống, tôi viết mấy lời tâm huyết, thâm tình gửi đến chư Liệt vị Hòa thượng, Thượng tọa giáo phẩm trong Hội đồng Lưỡng viện. Mai đây dù phải xả báo thân, nhưng chí nguyện tôi vẫn cạnh kề chư Liệt vị trong công cuộc phục vụ và phát huy mạng mạch Chánh Pháp nơi trú xứ quê hương này. Nay tôi trân trọng ủy thác chư Liệt vị giáo phẩm các điều sau đây, mong mỏi chư Liệt vị hoan hỉ gia tâm tiến hành cho đến khi thành tựu sau khi tôi về cõi Phật :

1. Bằng mọi cung cách và phương tiện, phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội dân lập và truyền thống là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và hoàn thành sứ mệnh hiệp nhất với tất cả các hệ phái trên mọi miền đất nước như chư Lịch đại Tổ sư đã thực hiện từ thời Đinh đến nay. Việc thống nhất nội bộ Phật giáo phải do chư Tôn đức Tăng Ni của Giáo hội giải quyết, không ai khác làm thay được.

2. Ủy thác Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, kiêm nhiệm chức Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống để điều hành Phật sự của Giáo hội cũng như kiện toàn, chấn chỉnh, bổ sung hay hoán chuyển nhân sự sao cho Giáo hội được nhất quán, tùy duyên mà bất biến để đối ứng với mọi tình thế.

3. Trong hoàn cảnh đầy chướng duyên và pháp nạn như hiện nay, Hội đồng Lưỡng viện tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành các Phật sự của Giáo hội trong bất cứ hoàn cảnh nào ; lấy bản Hiến chương do Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kỳ V tu chính ngày 12.2.1973 làm kim chỉ nam, chủ yếu giữ vững mục đích và lý tưởng đề ra qua Hiến chương. Các việc khác có thể tùy duyên, linh động cho đến khi hoàn cảnh cho phép tu chính thông qua Đại hội.

4. Văn phòng II Viện Hóa Đạo - Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại các Châu đã hình thành và hoạt động kỷ cương, nền nếp từ 12 năm qua. Xin chư Liệt vị đặc biệt lưu tâm để trong ngoài hòa hiệp gây trợ duyên cho đạo Phật Việt Nam góp mặt cùng thế giới trong công cuộc tịnh hóa nhân gian, xây dựng hòa bình trước bao khuynh hướng bạo động. Riêng Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế hoạt động hiệu quả từ bao năm qua, nay cố duy trì và phát huy hơn nữa trong công cuộc truyền thông, vận động quốc tế và giới thiệu Đạo Phật Việt Nam.

Nguyện cầu Tam Bảo độ trì cho toàn thể Chư Tôn Hòa thượng, Chư Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng viện phước trí nhị nghiêm, thương yêu, hiệp nhất trước mối mâu thuẫn và ly gián của thế nhân để hiển lộ Pháp tánh giác ngộ và cứu khổ. Tôi cũng nhắn nhủ đến toàn thể Chư Tăng, Ni, cùng quý vị thiện tri thức, nam nữ Phật tử trong và ngoài nước hãy cùng nhau nâng đỡ, tương trợ, giữ tâm bồ đề kiên cố làm cho giáo hội trang nghiêm và hoàn thiện một Tứ chúng biết phục vụ dân tộc và nhân loại. Ở vào thời đại nhiễu nhương, nhân tâm ly tán, đạo đức suy đồi, bè phái phân chia, tranh chấp, vị kỷ lan tràn... thì quý vị phải biết sớm khuya lo sợ, tinh tấn tu hành, để tâm lo việc cho dân chúng. Đặc biệt giới Cư sĩ, noi gương tiền nhân đảm trách các vấn đề xã hội trong tinh thần từ bi và đức tính vô úy của Phật giáo.

Được như vậy, vô thường không phân rẽ chúng ta trên bước đường hoằng hóa chúng sanh nơi cõi này và nghìn muôn cõi khác.

Nam Mô Thường Tinh tấn Bồ Tát Ma Ha Tát
P.l. 2548 – Mồng 8 tháng 12 Giáp Thân,
Tu viện Nguyên Thiều ngày 17.1.2005
Nay Chúc thư
(ấn ký)
Thích Huyền Quang


Thượng toạ Thích Giác Đẳng lên máy vi âm giới thiệu tiểu sử Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, và Hoà thượng Thích Thiện Tâm trình bày tiểu sử Đại lão Hoà thượng Thích Hộ Giác. Chúng tôi xin đăng tải cuối Thông cáo báo chí này hai bản tiểu sử ấy.

Trước khi trao lời cảm niệm cho Linh mục Vũ Thanh và Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Al Green, ban tổ chức đã mời Cư sĩ Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hoá Đạo kiêm Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, cảnh báo sự lưu hành mấy ngày qua trên mạng Internet một Chúc thư giả. Ông Ái cho biết sau tang lễ Đức cố Đệ tứ Tăng thống, người ta đã cho loan truyền một Chúc Thư giả đề ngày 10.5.2008, nói rằng do Đại đức Thích Đồng Thọ, thị giả của Đức Tăng thống công bố với sự xác nhận của Thượng toạ Thích Minh Tuấn. Nhưng liền tức khắc Đại đức Đồng Thọ cũng như Thượng toạ Minh Tuấn liền cải chính sự giả mạo và tiếm danh hai vị.

Ba ngày vừa qua, một văn bản Chúc Thư giả thứ hai lại tung ra trên mạng Internet. Lần này, bọn người làm giả như có trong tay văn bản chính, nhưng cố ý viết thêm thành 6 điều thay vì chỉ có 4 điều trong Chúc Thư thật. Sự thống nhất trong hai văn bản Chúc Thư giả tung ra là công cử « Thượng toạ Thích Tuệ Sỹ làm Viện trưởng Viện Hoá Đạo ». Ông Ái kêu gọi đồng bào Phật tử, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, báo chí có mặt đông đảo tại chánh điện chùa Pháp Luân hãy cảnh giác âm mưu ly gián và gieo rắc hoang mang qua những Chúc Thư giả và những bài viết nặc danh tung lên mạng Internet thời gian qua.

Linh mục Vũ Thanh thuộc Hội đồng Mục vụ Giáo hội Công giáo thành phố Houston ngỏ lời chia buồn trước sự ra đi của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang. Đồng thời kính lời vấn an Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ trong chức vụ lãnh đạo mới và chào mừng Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác.

Những lời phát biểu của Dân biểu Al Green, Quốc hội Hoa Kỳ, được đồng bào tán thưởng qua những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Ông Al Green cảnh báo :

« Nhà cầm quyền Việt Nam cần hiểu rằng nhân dân yêu chuộng tự do trong thế giới đứng bên cạnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Tôi đến đây hôm nay tham dự lễ Chung Thất Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang, Người đã sống suốt đời như tấm gương minh chứng khổ đau có thể thắng vượt. (…) Là đại biểu Quốc hội, tôi xin hứa với quý vị rằng tôi đấu tranh cho sự tự do của GHPGVNTN đến hơi thở cuối cùng. Nếu trong cuộc đời tôi chí nguyện đem lại hoà bình và tự do cho GHPGVNTN không thành, tôi sẽ đội mồ sống dậy đeo đuổi chính quyền Việt Nam bắt họ phải để cho dân Việt tự do ».

Tiểu Sử Đại Lão Hòa thượng Thích Hộ Giác

Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác, thế danh Ngô Bửu Đạt, sanh ngày 14-1-1928. Mẹ mất sớm, thân phụ Ngài xuất gia nên Ngài vào chùa lúc 5 tuổi. Thân phụ Ngài, Hòa Thượng Thiện Luật là một trong những danh tăng đưa Phật Giáo Nguyên Thủy vào Việt Nam và sau nầy trở thành Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Hòa Thượng Thích Hộ Giác trong thời niên thiếu là một học tăng xuất sắc của Trường Cao Đẳng Phạn Ngữ Pnom Penh. Sau khi tốt nghiệp ưu hạng tại trường nầy Ngài sang Miến Điện và Tích Lan nghiên cứu Phật học. Với sự lỗi lạc hai văn hệ Phạn ngữ và Pali, Ngài được tuyển thỉnh làm một trong 2500 thành viên của lần Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển thứ VI tổ chức tại Ngưỡng Quang, Miến Điện năm 1957.

Sau nhiều năm du học ở xứ người, Hòa thượng trở về Việt Nam nhận chức vụ Tổng Thư Ký đầu tiên của Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam và thành lập Phật Học Viện Pháp Quang nơi đào tăng hơn phân nửa số lượng tăng tài của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam.

Pháp nạn 1963 là biến cố chấn động toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam. Ngài tham gia Ủy Ban Liên Phái và bị bắt cầm tù. Khi bản hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời Ngài trở thành một trong những thành viên sáng lập cơ cấu Giáo hội và giữ nhiều trách vụ quan trọng như Tổng vụ trưởng Tổng vụ Xã hội, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp.

Năm 1981 trước sự thúc ép của Ban Tôn Giáo, nhà cầm quyền buộc Ngài tham gia Giáo Hội do Hà Nội thành lập nên Ngài quyết định rời Việt Nam qua ngã đường bộ Kampuchia. Năm 1982 Ngài định cư tại Hoa Kỳ.

Một năm sau đó, cùng với tám vị nguyên thành viên của Hội Đồng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN thành lập Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại mà bản thân Ngài được hội đồng thỉnh cử vai trò Tổng Thư Ký.

Năm 1992, khâm tuân lời kêu gọi Đức Đệ Tam Tăng Thống, Ngài cùng đông đảo chư tôn đức và quí cư sĩ thành lập Uỷ ban Vận động và hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ. Không lâu sau đó, cơ cấu nầy được Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang ủy nhiệm vai trò Văn Phòng II Viện Hóa Đạo mà Ngài là chủ tịch Hội Đồng Điều Hành cho tới nay.

Năm 2008, với sự thỉnh cầu của Hội Đồng Lưỡng Viện, Đức Đệ Tứ Tăng Thống ban hành Giáo chỉ suy cử Đại lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác lên tôn vị Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928, nhằm 16 tháng 10 Mậu Thìn, tại xã Thanh Châu, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong gia đình làm nghề nông, theo Nho học và đời đời thờ Phật. Thân sinh ngài là cụ Đặng Phúc Thiều, tự Minh Viễn. Thân mẫu ngài là cụ Đào Thị Huân, Pháp danh Diệu Hương, hiệu Đàm Tĩnh. Ngài có ba anh em trai, người anh cả là Đặng Phúc Trinh, anh thứ là Đặng Phúc Quang và ngài là con út.

Năm 1934, ngài theo học trường làng, đến năm 1942 xuất gia theo Hoà thượng Thích Đức Hải, Trụ trì chùa Linh Quang, xã Thanh Sam, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, được cho pháp danh Quảng Độ, tu học tại Phật học viện Quán Sứ ở Hà Nội.

Năm 1944 Ngài thụ giới Sa di, năm 1947, thụ giới Cụ túc. Năm 1951, Tổng Hội Phật Giáo Bắc Việt do cố Hoà Thượng Thích Tố Liên lãnh đạo cử Ngài đi Tích Lan theo học tại Phật học viện Kelaniya Pirivena.

Năm 1953 Ngài qua Ấn Độ, theo học tại Đại học Vishva Bharati University, Santiniketan ở Tây Bengal. Trong thời gian du học Ấn Độ, ngài có dịp đi chiêm bái các Phật tích và di tích Phật giáo tại Nepal, Bhutan, Tây tạng…

Năm 1958, Ngài trở về Sài Gòn, chuyên dạy học và dịch Kinh sách. Biến cố 1963, Ngài tham gia Uỷ Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo trong ban Thông tin Báo chí. Trong chiến dịch Nước lũ đêm 20 tháng 8 năm 1963 Ngài bị bắt cùng chư Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc, đông nhất tại hai thành phố Saigon và Huế.

Sau cuộc đảo chính của giới quân nhân ngày 01.11.1963 ngài được tha về cùng toàn bộ chư Tăng Ni, Phật tử. Trong thời gian bị giam cầm, vì không chịu khai báo nên bị tra tấn dữ dội. Ngài và cư sĩ Cao Hữu Đính là hai người bị tra tấn dã man nhất, di chuyển phải bò vì không thể đứng trên hai chân. Vì vậy mà sau khi được phóng thích, ngài nghỉ trị bệnh ba năm mà vẫn không dứt. Năm 1966 phải sang Nhật giải phẫu phổi. Một năm sau, 1967, ngài mới bình phục về nước. Trên đường về ngài ghé các nước Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện để khảo sát tình hình Phật giáo Á châu. Về nước ngài tiếp tục dịch Kinh sách và giảng dạy tại các trường :

- Phật học viện Huệ Nghiêm.
- Phật học viện Từ Nghiêm.
- Phật học viện Dược Sư.
- Viện đại học Vạn Hạnh (Saigon).
- Viện đại học Hoà Hảo (An Giang).
- Giáo Hoàng Học viện Piô X (Dalat).

Năm 1972, ngài tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong chức vụ Phát ngôn nhân kiêm Thanh tra của Viện Hoá Đạo.

Năm 1974, Đại hội kỳ 6 bầu Ngài làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Kể từ sau ngày 30.4.1975, khi bộ đội Cộng sản miền Bắc chiếm toàn cõi miền Nam, thì cùng với toàn dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị phân biệt đối xử theo chính sách trả thù nhân dân miền Nam của kẻ chiến thắng. Pháp nạn thứ ba chụp lên toàn bộ hàng giáo phẩm GHPGVNTN. Mặt khác, nhà cầm quyền Cộng sản chiếm dụng tất cả cơ sở của Giáo hội từ Viện Đại học Vạn Hạnh, các trường Trung và tiểu học thuộc hệ thống Trường Bồ Đề, cho đến chùa viện, cơ sở văn hóa và xã hội từ thiện. Cuộc phản kháng chính sách đàn áp Phật giáo khởi đầu bằng những kiến nghị. Nhưng ngày càng trở nên trầm trọng và quyết liệt khiến xẩy ra cuộc tự thiêu tập thể của 12 Tăng Ni hôm 2.11.1075 tại Thiền viện Dược Sư, ấp Tân Long, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ.

Với tư cách Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, Ngài dẫn đầu phái đoàn về Cần Thơ lập hồ sơ. Nhưng toàn bộ hồ sơ gồm các chứng liệu, băng từ ghi 7 lời thỉnh nguyện của Đại đức Thích Huệ Hiền trước khi tự thiêu, hình chụp và phim quay tại hiện trường đều bị công an tịch thu. Ngày 3.3.1977, nhà nước tiến thêm một bước chiếm dụng Cô Nhi viện Quách Thị Trang ở Saigon, Ngài cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và chư tôn đức Tăng, Ni, Phật tử phát động cao trào đòi hỏi Nhà nước cộng sản hoàn trả tài sản của Giáo hội. Cuộc đấu tranh gay go và bị Nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp.

Ngày 6.4.1977, Ngài bị bắt và bị biệt giam tại Nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu, Quận Bình Thạnh ở Sàigòn do Bộ Nội vụ quản lý, cùng với cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Huyền Quang, v.v... Do áp lực quốc tế và sự phản đối của đồng bào Phật tử trong và ngoài nước, nên sau 18 tháng tù giam, ngày 10.12.1978 Nhà cầm quyền cộng sản đưa ngài ra Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử, kêu án 2 năm tù treo và quản chế tại chỗ.

Năm 1978, hai Giải Nobel Hòa bình người Ái Nhĩ Lan là bà Mairead Corrigan và bà Betty Williams đề cử Ngài và Hòa thượng Thích Huyền Quang làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình.

Cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang, Ngài phản đối việc Cộng sản chính trị hóa và công cụ hóa Phật giáo, nên Ngài và Hòa thượng Thích Huyền Quang bị Nhà cầm quyền bắt ngày 25.2.1982, trục xuất khỏi thành phố Saigon, dùng xe công quyền chở về lưu đày nơi nguyên quán miền Bắc tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Quyết định số 71/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lưu đày Ngài khỏi Saigon không thông qua một tòa án nào cả, chỉ căn cứ vào Quyết định số 123/CP ngày 8.7.1968 của Hội đồng Chính phủ "về việc cấm những phần tử có thể gây nguy hại cho trật tự an ninh cư trú ở những khu vực quan trọng". Một tội khác mà chấp pháp cộng sản không ngừng lên án trong những ngày thẩm cung là : “Làm tôn giáo tức là làm chính trị”.

Kể từ cuộc lưu đày năm 1982 này, Ngài và Hòa thượng Thích Huyền Quang là hai nhà lãnh đạo duy nhất của GHPGVNTN, tay không tấc sắt, sau lưng không có binh đoàn nào. Nhưng bằng ý chí bất khuất với con tim vô úy, hai Ngài đã tái lập vị trí và danh nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong lòng dân tộc cũng như trên trường quốc tế, không để cho Giáo hội tiêu trầm như người Cộng sản mong ước, và trước sự thờ ơ hay sợ hãi của đám đông.

Năm 1992, Ngài gửi thư chất vấn nhà cầm quyền Cộng sản lý do quản chế ngài không thông qua xét xử hay án lệnh toà án. Ngài hẹn trong vòng một tháng nếu không được nhà cầm quyền hồi âm, ngài sẽ tự giải chế. Không được phản hồi, Ngài tự động lấy tàu trở về Saigon nơi trụ xứ Thanh Minh Thiền viện.

Năm 1994, theo lời giao phó của Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, Ngài đứng ra tổ chức lại cơ cấu hoạt động của GHPGVNTN, mà việc đầu tiên là Ngài ra lệnh cho tất cả cơ sở của Giáo hội dựng bảng hiệu GHPGVNTN trên các chùa viện của mình. Bắt đầu Ngài dựng bảng Văn phòng Tổng Thư ký GHPGVNTN tại Thanh Minh Thiền viện. Nhà cầm quyền Cộng sản phản ứng và chống đối mạnh mẽ chiến dịch dựng bảng GHPGVNTN ấy.

Cuối năm 1994, nạn bão lụt trầm trọng xẩy ra tại đồng bằng sông Cửu Long gây chết chóc và nửa triệu người sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ngài tổ chức phái đoàn Viện Hoá Đạo đi cứu trợ với những đoàn xe mang thuốc men, mền chiếu, thực phẩm. Nhưng đến chuyến cứu trợ thứ ba thì bị nhà cầm quyền khủng bố. Ngài bị bắt ngày 4.1.1995 cùng với chư Tăng trong đoàn cứu trợ là các Thượng toạ Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực và hai Cư sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường. Toà án Nhân dân Saigon đem ra xử hôm 15.8.1995, Ngài lảnh án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế vì tội đi cứu trợ đồng bào nạn nhân lũ lụt và đưa về giam ở trại tù Ba Sao, tỉnh Nam Hà, miền Bắc.

Thời gian bị lưu đày 10 năm ở tỉnh Thái Bình, Ngài khởi công dịch bộ Phật Quang Đại từ điển gần tám nghìn trang. Công việc chưa hoàn tất thì bị bắt. Ngài mang theo ra nhà tù Ba Sao làm tiếp. Nhưng quản giáo nhà tù ngăn cấm. Ngài phải tranh luận quyết liệt mới được ban quản trại chấp thuận. Nhưng ngày ân xá vào cuối năm 1998, ban giám trại không cho ngài mang công trình dịch thuật theo về, bảo rằng Ngài phải làm đơn xin để họ xét. Ngài bảo rằng công trình của tôi dịch thuật, mà nay phải đi xin các ông ư ? Ngài bỏ lại công trình này ở Ba Sao, và phải mất 2 năm sau mới hoàn tất lại việc đã làm trong tù. Bộ Phật Quang Đại Từ điển xuất bản 6 tập (7374 trang, khổ 18x25) năm 2000.

Vì tình hình đàn áp trong nước tiếp diễn không ngưng, nên Giáo hội không thể tổ chức Đại hội VIII GHPGVNTN theo Di chúc của Đức cố Đệ tam Tăng thống Thích Đôn Hậu. Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện ban hành Giáo chỉ giao phó cho Văn Phòng II Viện Hoá Đạo – GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức Đại hội VIII tại Hoa Kỳ ngày 14 – 16.5.1999 nhằm chấn chỉnh Phật sự theo tình hình mới. Tại Đại hội này Ngài được thỉnh cử vào ngôi vị Viện trưởng Viện Hoà Đạo.

Ngày 21.2.2001, Ngài ban bố Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam với một chương trình 8 điểm thực hiện tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Đồng bào các giới trong và ngoài nước tỏ lời tán thán ủng hộ. Hàng trăm nhân vật quốc tế ký tên hậu thuẫn khi Lời Kêu gọi được công bố tại LHQ tháng 4.2001, và lần đầu tiên trên ba trăm nghìn (308.027) người Việt hải ngoại ký tên hậu thuẫn. Vì lời kêu gọi này mà Ngài bị nhà cầm quyền Cộng sản ra lệnh quản thúc 2 năm.

Tết Ất Dậu, 2005, Ngài gửi Thư Chúc Xuân đến quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Đồng bào trong và ngoài nước kêu gọi kết liên thực hiện tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Bức thư gây phấn chấn đồng bào trong và ngoài nước. Sự hưởng ứng Bắc Nam trong giới hoạt động nhân quyền và dân chủ lần đầu tiên được thiết lập, mở ra giai kỳ mới cho sự kết đoàn có tính dân tộc và toàn quốc.

Ngày 4.11.2006, Sáng hội Rafto, nước Na Uy, trao Ngài Giải Nhân quyền Quốc tế. Sáng hội tuyên dương : “Hòa thượng Thích Quảng Độ, một sĩ phu lãnh đạo và là thế lực kết hợp [cao trào dân chủ và nhân quyền] nơi quê hương ngài. Là một Tăng sĩ Phật giáo, học giả và nhà văn, Hòa thượng đem suốt đời mình phục vụ tận tụy cho công lý thăng tiến, cũng như tiếp nối truyền thống Phật giáo bất bạo động, khoan dung và từ bi”.

Nhiều giải quốc tế khác cũng đã vinh danh Ngài như Giải Nhân quyền Hellman-Hamet năm 2001, Giải “Người với Người” năm 2003 của Tiệp mà Tổng thống Vaclav Havel là thành viên trong ban chấm giải, và Giải “Dũng cảm Dân chủ” do 600 nhà dân chủ thuộc 125 quốc gia họp tại thủ đô Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ, vinh danh ngày 5.4.2006.

Ngày 27.12.2007, nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện, Ngài ra Tuyên cáo về việc Trung quốc xâm lấn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kêu gọi Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trao quyền lãnh đạo đất nước cho toàn dân như kế sách dân tộc mỗi khi có ngoại xâm trong truyền thống văn minh nước Việt. Vì lẽ “ba triệu đảng viên Cộng sản và nửa triệu bộ đội hiện tại chưa đủ thế và lực bảo vệ tổ quốc trên mặt quốc phòng, chưa đủ uy và dũng mở rộng mặt trận chính trị và ngoại giao quốc tế, mà cần tới sự tham gia toàn diện của 85 triệu dân và khối lượng Người Việt hải ngoại”. Để đạt tới sự tham gia toàn quốc, Nhà cầm quyền Hà Nội phải “loại bỏ ngay điều 4 trên Hiến pháp tạo điều kiện cho sự tham gia cứu quốc của toàn dân, của mọi thành phần dân tộc, mọi gia đình tôn giáo và chính trị”, hầu tiến tới việc “cấp tốc triệu tập Hội nghị Diên Hồng cho thế kỷ XXI”.

Không riêng vấn đề Việt Nam, mà các biến động xẩy ra cho các nước Châu Á cũng là mối quan tâm của Ngài. Tháng 9.2007 Ngài viết thư cho ông Tổng Thư ký LHQ yêu cầu can thiệp cho phong trào dân chủ Miến Điện ngay vào lúc chính quyền quân phiệt đàn áp đổ máu chư Tăng và nhân dân Miến. Tháng 3.2008 Ngài viết thư cho Đức Dalai Lama chia sẻ và hậu thuẫn chư Tăng và nhân dân Tây Tạng đang bị Trung quốc nổ súng giết tại thủ đô Lasha và các tỉnh, đồng thời kêu gọi Trung quốc mở cuộc nghị hoà để giải quyết vấn đề Tây Tạng tồn đọng quá lâu.

Từ chốn lưu đày, hay trở về nơi trụ xứ quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon, trong cương vị Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Ngài là người phụ tá đắc lực cho Đức cố Đệ tứ Tăng thống đưa con thuyền Giáo hội qua bao cơn phong ba, bão táp.

Có những lúc Giáo hội nghiêng ngửa vì nội ma ngoại chướng, Ngài không muốn người đời hiểu lầm Ngài tham quyền cố vị, nên Ngài nhường việc Phật sự Giáo hội cho lớp Tăng nhiều tham vọng. Nhưng đơn xin từ chức của Ngài không được Đức Tăng thống chấp thuận. Hồi đáp qua bức thư tay, Đức Tăng thống viết tại Tu viện Nguyên Thiều hôm 11.11.2005 cho thấy sự gắn bó, tin tưởng, tương thân tương ái và chí tình giữa hai ngài như hình với bóng. Có đoạn Đức Tăng thống viết rằng :

“Tôi nghĩ lại trong thời gian quá khứ cũng như hiện tại, tôi và ngài đều bị tù đày cho Giáo hội, mọi sự khó khăn và phiền não chúng ta đã vượt qua. Nay vì những lời xuyên tạc của một số vị lãnh đạo Giáo hội chúng ta và bên ngoài đã làm xáo trộn hàng ngũ của Giáo hội. (...) Chúng ta trong quá khứ cũng thường bị trong ngoài nói thế này thế khác. Nhưng những việc ấy rồi cũng qua đi, nếu chúng ta không sáng suốt để bên ngoài hay bên trong thao túng gây khó khăn ngộ nhận thì chúng ta và cả Giáo hội chúng ta làm sao tồn tại đến ngày hôm nay”.

Năm 1988, cô đơn nơi đất trích Thái Bình, Ngài làm bài thơ “Gửi Thượng tọa Huyền Quang” tặng Đức cố Tăng thống :

Tôi với Người thực là may mắn
được cùng nhau chia xẻ “ngọt bùi”
đất Quang Trung
người nằm ngắm bầu trời
quê Quế Đường
tôi ngồi nhìn vũ trụ
cứ đêm đêm tôi thả hồn theo cánh gió
về thăm Người
Người có biết hay chăng !
Qui Nhân, Thái Bình chung một vầng trăng
như tâm ta không hai mà một
vòi vọi núi dao hừng hừng lửa đốt
ta nhảy vào
tất cả đau thương và sầu khổ
bừng tâm ta
hết thảy đều không !
Đêm nay
như vừng trăng trên vạn dòng sông
Người là tất cả
tôi cũng là tất cả
tất cả chảy vào biển Quả
quả yên vui giải thoát giữa dòng đời.

Điều cảm động, là những lúc nhớ nhau, mãi cho đến những ngày gần đây, Đức Tăng thống thường gọi thị giả bảo đọc lại bài thơ này cho Đức Tăng thống nghe. Và như thế, đã không biết bao nhiêu lần.

Trên phương diện trước tác, thì các Kinh sách Ngài đã phiên dịch hoặc viết ra từ năm 1958 cho đến năm 1975 của thế kỷ trước gồm có:

- Kinh Mục Liên, 3 quyển.
- Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, 7 quyển.
- Truyện Cổ Phật Giáo
- Thoát Vòng Tục Luỵ (lịch sử tiểu thuyết), nguyên tác của Thích Tinh Vân.
- Nguyên Thuỷ Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
- Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
- Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
- Chiến Tranh và bất Bạo Động, nguyên tác của S.Radhakrishnan.
- Dưới Mái Chùa Hoang (tập truyện phóng tác).
Sau năm 1975 gồm có :
- Nhận Định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Dân tộc và Phật giáo. Sách này Ngài gửi cho Ông Đỗ Mười, Tổng bí thư đảng CS Việt nam, ngày 19.8.1994, được Nhà xuất bản Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành tại Paris năm 1995, tái bản lần 3.

- Thơ Tù, gồm các bài thơ làm trong thời gian bị tù giam và quản chế lưu đày. Nhà xất bản Quê Mẹ ấn hành năm 2007, tái bản lần 3.

- Bộ Phật Quang Đại Từ Điển gồm 6 tập, 7374 trang, khổ 18x25 dịch trong thời gian ở tù giam và quản chế lưu đày. Ấn hành năm 2000.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế

No comments: