Monday, August 25, 2008

"Mê Kông Dòng Sông Nghẽn Mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh


Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-08-24

Mekong là dòng sông rất quan trọng cho sinh hoạt của người dân sống dọc hai bên bờ, tính ra gồm có người dân của 6 quốc gia. Tuy nhiên, cũng chính con người gây ra những điều tai hại cho nguồn sống của mình mà nghiêm trọng hơn cả là dãy đập thuỷ điện tại thượng nguồn bên Trung Quốc.




Phần âm thanh

Tải xuống âm thanh



Hình bìa cuốn Mê Kông Dòng Sông Nghẽn Mạch. Source: Văn Nghệ Mới Hậu quả ấy là mùa khô thì nước cạn hơn, còn mùa mưa thì lũ lớn hơn. Giới chuyên môn bày tỏ mối lo ngại rằng mùa lũ hàng năm sắp tới sẽ lớn hơn những mùa lũ trước, mức độ tàn phá sẽ kinh hoàng hơn.

Nhà văn Ngô Thế Vinh có cuôn sách viết về những vấn đề của Sông Mekong, tựa đề là "Mê Kông Dòng Sông Nghẽn Mạch". Mặc Lâm điểm cuốn sách này gửi đến quý vị trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này.

Nhà văn Ngô Thế Vinh, trước năm 75 được biết đến qua tác phẩm "Vòng đai xanh", một truyện dài được giải thưởng bộ môn Văn trong Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc năm 1971. Ông là một bác sĩ y khoa phục vụ trong Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Sau khi định cư tại Mỹ ông theo học tiếp tại bệnh viện Đại Học Y Khoa New York. Hiện ông đang làm việc tại Tiểu Bang California.

Tác phẩm Mê Kông Dòng Sông Nghẽn Mạch được xuất bản đầu năm 2007, và chỉ một năm sau đó đựoc tái bản. Trước đó, Ngô Thế Vinh đã trình làng những tác phẩm: Mây Bão, 1993. Bóng Đêm, 1964. Gió Mùa 1965. Vòng Đai Xanh 1970. Mặt Trận ở Saigon 1996. Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, 2000.

Tiểu thuyết ký sự

Mê Kông Dòng Sông Nghẽn Mạch là một tiểu thuyết ký sự ghi chép lại hành trình của tác giả dọc theo dòng sông Mê Kông. Sách dày 320 trang và kèm theo là 4 CD với giọng đọc Nam bộ ngọt và êm như một câu vọng cổ của Ánh Nguyệt, hiện là biên tập viên của đài FRI Pháp Quốc. Sách có bốn chương, mỗi chương viết về một quốc gia mà tác giả đã đi qua, cũng là những quốc gia trên hành trình của con Sông Mê Kông đầy huyền thọai trên đừơng đến Biển Đông.

Tất cả những hình ảnh được ghi nhận trong chuyến đi đã được tác giả lồng vào những kinh nghiệm có được từ các dữ kiện thời sự xảy ra liên quan đến các biến cố mà ít nhiều dính líu đến dòng chảy của Sông Mê Kông. Từ việc nạo vét lòng sông để chuyên chở dầu từ cảng Thái Lan ngược lên Trung Quốc đến những con đập đầu nguồn góp phần làm cạn kiệt nguồn nước hay xả lũ xuống hạ nguồn gây lụt lội nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó là những hoạt động gây ô nhiễm cho con sông mà theo tác giả thì khó, hay nói cho đúng là không thể cứu vãn.

Những khai thác tự hủy này được viết bởi một giọng văn điềm đạm và khúc chiết đến nỗi người đọc tưởng như đang ngoạn cảnh và những ưu tư chỉ chợt đến rất nhẹ nhàng. Nhà văn không có bất cứ cáo buộc nặng nề nào mặc dù các bằng chứng đã được đưa ra khá nhiều từ các viện nghiên cứu, các tư nhân cũng như các cơ quan truyền thông uy tín. Người đọc có thể tìm thấy rất nhiều tư liệu thời sự và hình ảnh giá trị trong tác phẩm nhưng không vì vậy mà toàn bộ cuốn sách thiếu vẻ thơ mộng của đời sống cư dân của Trung Quốc hay Thái Lan, rồi Cambodia và cuối cùng là Việt Nam. Đó là đặc điểm của sách, cũng là đặc điểm của Ngô Thế Vinh, một nhà văn, một nhà nghiên cứu, nhưng trên hết là một người say mê dòng Sông Mê Kông, như tác giả tự nhận.

Ngắn gọn, nhưng chứa nhiều chi tiết đáng chú ý

Trong chương trình ngày hôm nay chúng tôi đã ghi lại giọng đọc của chị Ánh Nguyệt và Đỗ Hiếu.

Tác giả giới thiệu chuyến đi của mình tuy ngắn gọn nhưng lại chứa nhiều chi tiết đáng chú ý:

"Cho dù là "đổi mới", dẫu sao Trung Quốc vẫn còn là xứ sở của toàn trị và công an, rất kỵ với nhà báo, nhà văn hay bất cứ nghề nghiệp nào liên quan tới truyền thông và kể cả các tu sĩ truyền giáo. Cho dù chủ đích là một chuyến du khảo giữa khúc thượng nguồn Sông Mê-Kông và các con đập Vân Nam, nhưng chọn lựa dễ dàng nhất vẫn là lý do du lịch và nghề nghiệp thì chắc chắn không phải là nhà báo. Tôi cũng hiểu rằng nếu phải ghi lộ trình chi tiết thì cũng nên tránh nhắc tới những địa danh rất nhạy cảm như Tây Tạng."

Mục tiêu như nhà văn Ngô Thế Vinh đã cho biết trước: đập thuỷ điện Mạn Loan (Manwan, Trung Quốc). Dưới mắt một khách du lịch dự định nghiên cứu về dòng Sông Mê Kông, con đập này vừa đẹp vừa hùng vỹ lại có những mặt trái đáng lo âu:

"Con đập cao tới 99 mét, chắn ngang khúc sông, giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao tới 35 tầng. Đơn vị phát điện đầu tiên bắt đầu sản xuất điện từ Ngày 30-61993 và chỉ hai năm sau đó, Ngày 28-6-1995 tất cả 5 đơn vị phát điện cùng hoạt động đúng theo như Gai Đoạn I của dự án. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây một sự kiện đáng ghi nhớ và gây nhiều tranh cãi là vào giữa Năm 1993 xảy ra một hiện tượng được coi là bất thường: Mực nước con Sông Mê-Kông phía hạ lưu đột ngột hạ thấp xuống mà không vào mùa khô, chỉ lúc đó người ta mới được biết lfa Trung Quốc đã xây xong con đập Mạn Loan (Manwan) và đó là thời điểm bắt đầu lấy nước từ con Sông Mê-Kông vào hồ chứa. Và họ cũng chẳng thèm thông báo gì cho các quốc gia dưới nguồn. Chỉ riêng với con đập Mạn Ngoan mà đã giữ tới 20% nguồn nước trên dòng chính, khúc Sông Mê-Kông chảy qua Vân Nam. Sau biến cố đó, phải nói là càng ngày càng có mối lo âu về ảnh hưởng của chuỗi đập bậc thềm Vân Nam. Mối quan tâm đó càng ngày càng gia tăng do nguyên nhân thiếu hẳn nguồn thông tin cung cấp bởi Trung Quốc."

Đời sống người dân

Trên con đường xuôi về Nam, tác giả ghé qua Lào và đã kẻ cho chúng ta nghe nhiều điều thú vị. Tuy nhiên, khi nói về con sông, một người Lào gốc Việt cho biết :

"Qua Thong-Vieng người tài xế Lào gốc Việt cho biết thêm: "Em từ vùng giải phóng Xieng Khoang theo gia đình lên sống ở Vạn Tượng (Vientiane) 1976. Nhà gần sông, tụi em thường ngày ra chơi. Em nhớ rõ là hồi ứo con Sông Mê-Kông rất là nhiều nước, kể cả mùa khô, trong dịp Tết ... (Tết Lào), còn mùa mưa thì khỏi nói, con sông nước chảy mạnh là thế nào! Nhưng chỉ có năm bảy năm gần đây thôi khúc sông mới cạn như vậy. Bây giờ mới Tháng Mười Một - Mười Hai mà sông đã thiếu nước. Hai mùa mưa nắng thì vẫn thế, mà không biết nước chảy đi đâu hết."

Còn đời sống của người Việt tại Cambodia thì sao?

"Người Việt tha hương trên đất nước Cam Bốt đã chẳng dễ dãi hay vẻ vang gì. Đa số sống bằng nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, buôn bán nhỏ, hay là làm thuê, làm mướn. Nếu vẫn sống ở quê hương Việt Nam họ cũng chẳng thể khổ hơn vậy. Hơn 70% số gái điếm - kể cả vị thành niên - đang hành nghề ở Cam Bốt là người Việt. Một số không ít còn vị thành niên được mua từ đồng bằng Sông Cửu Long đưa qua ngã biên giới. Một con số làm nhiều người ngạc nhiên và cả gây đau lòng cho những ai vẫn hãnh diện là hậu duệ của các thế hệ khai phá Nam tiến."

Tuy còn nghèo nhưng qua nhận xét của tác giả, những người trẻ của dân tộc Khmer thật khác rất xa với giới trẻ Việt Nam, nhất là trong giới sinh viên học sinh, ông viết:

"Trên mảnh đất Cam Bốt đau thương, những cây thốt nốt cho dù đầy thương tích vẫn cứ trổ hoa kết trái và cho mật ngọt. Cũng như sinh viên tuổi trẻ Cam Bốt, thế hệ sau Khmer Đỏ được sinh ra giữa tro than trong một xã hội bất toàn nhưng những cây non ấy đã bám rễ để đam chổi nở lộc, để vươn lên trời xanh. Họ đã có tiếng nói chống lại những bất công tham nhũng trong vòng thành đại học, nghiã là những vấn đề thiết thân tới tương lai họ, nhưng đồng thời họ cũng có những mối quan tâm xa hơn bản thân: không thiếu những cuộc biểu tình đòi dân chủ, đòi đất đai từ Việt Nam!

Thật là tương phản khi nhìn sang tuổi trẻ Việt Nam. Suốt 27 năm dài ấy, kể từ Năm 1975, trong các đại học quốc gia, từ Hà Nội, Huế cho tới Sài Gòn, Cần Thơ, chỉ thấy giấc ngủ triền miên của sự câm lặng đáng gây kinh ngạc."


Ấn tượng của tác giả

Đoạn cuối cùng của dòng Sông Mê-Kông đã để lại ấn tượng gì nơi tác giả?

"Xuống ghe từ bến Ninh Kiều buổi sáng sớm tinh sương, dòng Sông Hậu trải rộng mênh mông và thoáng mát, chiếc ghe máy chạy ngược dòng để tới kịp hai chợ nổi Phong Điền và Cái Răng giờ cao điểm. Vẫn cảnh tượng các ghe thuyền lớn nhỏ từ các nhà vườn chở đầy rau trái theo các ngã kinh rạch hướng về khu chợ nổi để bán cho lái thu mua.

Không kể những hoá chất độc đã tan trong nước không còn thấy được, những núi cỏ rác khô và cả những túi rác ni lông đủ màu chưa bị phân huỷ nổi trôi giữa những đám lục bình cũng để thấy rằng con Sông Mê-Kông đang là cống rảnh của các chất phế thải kỹ nghệ và cả rác rưởi của tiện dụng gia cư.

Cảnh ấy diễn ra khắp nơi. Ngay trên Sông Sài Gòn, từ một nhà hàng nổi, bao nhiều đồ thải rác rến cũng được hất xuống sông. Cạnh chiếc ghe máy bất chợt phải khựng lại vì chân vịt vướng đầy cỏ rác khiến tài công phải lặn sâu xuống nước để tháo gỡ, ít nhất hai lần như vậy chỉ trong nửa buổi sáng vượt dòng Sông Hậu."

Cuối cùng thì trong suốt chuyến đi nhà văn còn lại một nỗi buồn trong lòng mà theo ông nỗi buồn này dính liền với mối lo cho con sông và hàng triệu cư dân hai bên bờ. Ông viết:

"Bây giờ mới tận mắt thấy xuôi dòng sông Mekong là những con tàu lớn chở hàng từ cảng Tư Mao - Simao xuống tới tận Bắc Thái và Lào xuống xa tới Vạn Tượng. Vào tháng 4 năm 2001, Trung Quốc đã ký một thỏa hiệp về thủy vận trên sông Mekong nhưng chỉ với 3 quốc gia Miến Điện, Thái Lan và Lào với kế hoạch vét lòng sông, cả dùng cốt mìn chất nổ phá tung những khối đá trên các đoạn ghềnh thác, các đảo nhỏ trên sông để khai thông mở rộng đường sông cho tàu lớn trọng tải từ 500-700 tấn có thể di chuyển từ cảng Tư Mao (Vân Nam) xuống Chiang Khong, Chiang Sean (Thái Lan), xuống thẳng tới Vạn Tượng - thủ đô nước Lào.

Trong khi Việt Nam và Cam Bốt là hai quốc gia cuối nguồn, trực tiếp chịu ảnh hưởng của kế hoạch ấy thì bị gạt ra ngoài. Hậu quả ra sao thì chưa ai lượng giá được nhưng chắc chắn nhịp độ thiên nhiên điều hòa của dòng chảy sẽ bị rối loạn có ảnh hưởng dây chuyền trên toàn hệ sinh thái Sông Mekong."

Trên chuyến bay về lại Mỹ nhà văn vẫn bị ám ảnh bởi những hình ảnh mà ông nhớ nhất:

"Khi chiếc Boeing 777 vừa rời Quảng Châu trên đường trở về Mỹ không hiểu sao một hình ảnh chẳng có gì đặc biệt lại hiện ra rất rõ nét trong trí tôi lúc đó. Một tấm bảng hiệu thật lớn trên một đường quê an bình của Vân Nam với một bên là làng mạc một bên là những thửa ruộng lúa vàng, bên cạnh hình ông già Đặng Tiểu Bình là một hàng chữ ngắn thật lớn "Chỉ có một lựa chọn: sự phát triển".

Đó là một thông điệp rất rõ ràng mà ông Đặng Tiểu Bình gởi tới nhân dân Trung Quốc. Không phải chỉ có phát triển mà phát triển với tốc độ rất nhanh, với hình ảnh Trung Quốc bước vào Thế Kỷ 21 đang vươn lên như một siêu cường".

Những hình ảnh ấy đựơc nhà văn nhớ trước hết vì chúng quyến rũ, vì chúng đẹp, vì chúng có ma lực, nhưng quan trọng hơn hết, có lẽ là vì Ngô Thế Vinh biết rằng đến một ngày không xa, chúng sẽ chỉ còn là kỷ niệm, khi dòng sông đã thực sự bị nghẽn mạch.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/BookReviewMekongRiverWereBlocked-08242008194341.html

No comments: