Friday, August 1, 2008

Carol Divjak: Lạm phát gây ra tình trạng bất ổn trong xã hội Việt Nam

Carol Divjak 31/7/08, Phan Lưu Quỳnh lược dịch




Trong 4 tháng đầu năm nay, công nhân tại Việt Nam đã tổ chức hơn 300 cuộc đình công để phản ứng lại nạn lạm phát đang gia tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dâng lên một con số cao kỷ lục 26.8 phần trăm trên căn bản hàng năm vào Tháng Sáu. Giá thuê mướn nhà cửa và vật liệu xây dựng tăng 23.7 phần trăm. Giá thực phẩm nói chung tăng 74.3 phần trăm, trong đó có giá gạo, là nguồn thực phẩm chủ yếu, nhẩy vọt lên đến 45.6 phần trăm.

Giá cả xăng dầu tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay vào ngày 21/7, khi chính phủ Hà Nội cho nâng giá lên đến mức 36%. Giá xăng bán lẻ được tăng lên đến 31%, nâng giá một lít xăng từ 14,500 lên 19,000 đồng (tương đương với 1.13 Mỹ kim). Dầu cặn tăng 14.3% và dầu hôi tăng 36.8%. Gía xăng dầu tăng vọt được tiên đoán là sẽ kéo theo sự gia tăng cao hơn của giá cả thực phẩm, chuyên chở và tiền thuê mướn nhà cửa.

Tình trạng giá cả gia tăng xảy ra chỉ hai tuần sau khi chế độ hứa hẹn là sẽ giữ vững giá xăng dầu cho đến cuối năm nay. Vì thiếu thốn các cơ sở lọc dầu quy mô, Việt Nam hoàn toàn phải dựa vào việc nhập cảng các sản phẩm dầu hoả, tốn kém gần 5,9 tỷ Mỹ kim nhập cảng xăng dầu chỉ trong nửa đầu năm nay, tức là hơn 69% trong cùng thời kỳ của năm 2007.

Ðặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề nhất là giới công nhân, hầu hết đều làm công ăn lương trong các hãng xưởng do người nước ngoài làm chủ, hiện đang bành trướng khá nhanh chóng tại Việt Nam. Giới đầu tư nước ngoài vội vã đổ vào Việt Nam là nơi mà mức lương bổng thấp hơn và điều kiện làm việc khắc nghiệt hơn ngay cả đối với các lò vắt mồ hôi (sweatshop) bên Trung Quốc.

Các khó khăn về mặt xã hội trên đà gia tăng đã đưa đến một loạt các vụ đình công trong ngành kỹ nghệ may mặc, sản xuất giày dép, đồ chơi trẻ em và lắp ráp điện tử, để đòi hỏi tăng lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Trong tháng Năm, gần 7000 công nhân ở một xí nghiệp sản xuất giày dép ở miền Bắc Việt Nam, do người Ðài Loan làm chủ, đã đình công đòi hỏi được tăng thêm 12 Mỹ kim vào mức lương tháng 56 đô la, và đồng thời giảm giờ làm việc. Phần lớn các công nhân bị đòi hỏi phải làm 13 tiếng đồng hồ một ca.. Xí nghiệp này xuất cảng sản phẩm sang khách hàng của họ là các tập đoàn Tây phương như Timberland và Prada.

Theo một bài tường thuật của tạp chí New Internationalist từ Anh Quốc hồi Tháng Sáu, thì một trong những vụ đình công lớn nhất trong năm nay bao gồm xí nghiệp Ching Luh do người Ðài Loan làm chủ, chuyên gia công giày cho công ty Nike. Vào đầu Tháng Tư, 21 ngàn công nhân đã bãi công để đòi hỏi được tăng lương thêm 20% và chất lượng đồ ăn phải tốt hơn trong căng tin của xí nghiệp. Mức lương trung bình ở hãng này chỉ có 59 đô la. Khi công đoàn nhà nước thương lượng một mức tăng lương 10% và hứa hẹn đồ ăn sẽ khá hơn, thì nhiều công nhân đã giận dữ và đóng chốt ngăn chặn ở cổng xí nghiệp.

Hãng Nike đã thú nhận vào hồi tháng Chạp năm ngoái rằng có 10 vụ đình công từ các nhà cung cấp sản phẩm cho họ ở Viêt Nam. Các con số của nhà nước Việt Nam cho thấy 85% các vụ đình công xảy ra ở các xí nghiệp sản xuất gia công cho các công ty đa quốc gia. Tại TPHCM, con số các vụ đình công trong kỹ nghệ chế biến xuất cảng đã tăng hơn 400% trong vòng 3 năm qua vì nạn lạm phát.

Phản ứng lại làn sóng đình công đang lan rộng, giới chủ nhân ngoại quốc đe doạ sẽ kéo nhau rút ra khỏi Việt Nam. Tạp chí New Internationalist ghi nhận : “Các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu than phiền sau khi mức lương tối thiểu được tăng lên vào năm 2006, mặc dù mức lương đó đã đứng yên ở 42 đô la một tháng trong cả 10 năm trước đó. Việc củng cố lại đồng bạc Viêt Nam cho mạnh mẽ hơn đối với đồng đô la có nghĩa là mức lương thật sự bị mất mát trong phần lớn thời gian đó, nhưng giới chủ nhân ngoại quốc vẫn cảm thấy mức lương được tăng là quá đáng và ồn ào đe doạ sẽ giảm bớt các chương trình đầu tư trong tương lai hoặc cùng nhau rời bỏ Việt Nam.

Nguồn lao động rẻ và đông đảo là điều khích lệ lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, và nhà nước không muốn làm thiệt hại đến việc 1.2 triệu thanh niên thiếu nữ gia nhập vào lực lượng lao động hàng năm. Hà Nội phải tạo ra đủ công ăn việc làm để duy trì tình trạng ổn định trong xã hội.

Cũng giống như Trung Quốc, nhà nước của ÐCSVN là một chế độ vừa theo đường lối tư bản vừa theo chính sách công an trị sẵn sàng đàn áp trù dập bất cứ các cuộc tranh đấu độc lập nào của giai cấp công nhân. Công đoàn nhà nước được tổ chức như một cánh tay nối dài của Ðảng, trong khi các lãnh đạo công đoàn thì ăn lương chính thức của công ty. Công đoàn độc lập bị nghiêm cấm tại Việt Nam. Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì tất cả hơn 2300 vụ đình công kể từ năm 1995 là bất hợp pháp dưới Luật Lao động của Việt Nam.

Ðể doạ dẫm công nhân, Hà Nội đã ban hành luật để bắt buộc các công nhân phải gánh chịu về sự lỗ lã của giới chủ nhân do các cuộc đình công “bất hợp pháp” gây ra. Cán bộ công đoàn nhà nước cũng được trao cho quyền hạn để ra lệnh cho công nhân phải trở lại làm việc, được yểm trợ với sự can thiệp của công an.

Chẳng hạn như việc 4 công nhân phân phát các tờ rơi trong cuộc đình công ở xí nghiệp sản xuất giày Ching Luh đã bị bắt và tra hỏi. Theo Uỷ ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam ở hải ngoại thì có đến 20 người cầm đầu các vụ đình công, phản đối sự thương lượng của công đoàn nhà nước đã bị đuổi việc. Vào tháng Chạp, bốn thành viên của Hiệp hội Ðoàn kết Công Nông bị cấm đoán, đã bị bắt vì cho đăng tải lên một trang mạng “phản động” để “loan truyền các thông tin sai lạc gây thiệt hại cho nhà nước”.

Mặc dù các biện pháp đàn áp, cuộc đấu tranh của công nhân vẫn tiếp tục. Theo tổng thư ký Uỷ ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam, ông Ðoàn Việt Trung thì : “Khi người cuả chúng tôi nói chuyện với các công nhân xí nghiệp Ching Luh và thân nhân họ, thì chúng tôi nghe những lời phẫn nộ về mức lương thấp kém. Ðây là điều điển hình, không phải chỉ có công nhân Nike nhưng tất cả các công nhân mà chúng tôi đã tiếp xúc”.

Ðời sống của người dân đang đi xuống. Một tổ chức nhân đạo có liên hệ với Liên Hiệp Quốc, IRIN (Integrated Regional Information Networks) , đã phỏng vấn công nhân Việt Nam hồi Tháng Sáu về tác động của nạn lạm phát đối với họ. Các công nhân xí nghiệp ở Hà Nội kiếm được 60 đô la một tháng trước đây đã từng đủ nuôi cả gia đình, nhưng bây giờ cũng với đồng lương đó rất khó mà chi dùng cho một công nhân còn độc thân, ngay cả khi họ cùng chia sẻ chung với nhau các phí tổn về thuê mướn, ăn uống và điện nước trong một căn phòng trọ. Anh Ðinh Tố Trinh là một công nhân làm việc trong một xí nghiệp cao su của người Nhật ở Hà Nội giải thích: “Cho dù tôi có tiêu xài cẩn thận như thế nào chăng nữa, thì đến cuối tháng tôi chả còn gì dư lại cả”

Theo báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội hồi Tháng Năm, thì con số các gia đình lâm vào cảnh nghèo đói đã tăng lên gấp đôi so với năm trước. Nhằm mục đích kiểm soát lạm phát , Hà Nội đã tạm thời hạn chế xuất cảng gạo. Trong Tháng Ba, nhà nước đã đề ra các quy định về mức giá cả trên 10 mặt hàng chủ yếu như xi-măng và điện nước.

Quyết định hạn chế xuất cảng gạo đã được rút lại vào Tháng Sáu, nhưng Hà Nội đang chiụ đựng nhiều áp lực nặng nề từ các doanh nghiệp tư nhân cũng như quốc doanh —hiện đang bị lỗ lã—để huỷ bỏ mức giá quy định. Công ty Ðiện lực Việt Nam do nhà nước làm chủ báo cáo là bị lỗ 124.7 triệu đô la chỉ trong 6 tháng đầu năm. Công ty đầu tư liên doanh của nhà nước Pertolimex International chuyên về kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp và kỹ nghệ đã báo cáo một mức thua lỗ đến hơn 107 triệu đô la.

Mâu thuẫn kinh tế chồng chất

Vào Tháng Sáu, Thủ tướng Dũng đã sang Hoa Kỳ để gặp gỡ cựu chủ tịch Ban quản trị Ngân khố Liên bang Hoa Kỳ Alan Greenspan, hỏi ý kiến về việc làm thế nào để chống đỡ nạn lạm phát. Ông Greenspan bảo ông Dũng hãy cắt bớt việc chi tiêu của nhà nước và các doanh nghiệp quốc doanh, trong khi tiếp tục siết chặt lưu lượng tiền mặt ngoài thị trường.

Cơ quan đề ra các kế hoạch kinh tế đã điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cho năm nay chỉ ở mức 7% —1.5% ít hơn năm 2007. Ngày 12/6, Ngân hàng Nhà nước đã tăng mức lãi xuất từ 12 lên 14% để hấp thụ bớt thanh khoản thặng dư. Nhằm mục đích ngăn chặn việc ngân hàng cho vay mượn bừa bãi, tỷ lệ nguồn dự trữ đòi hỏi dành cho các ngân hàng thương mãi được gia tăng từ 5% lên đến 12% vào ngày 27/7.

Nhưng Hà Nội không còn khả năng để chỉnh đốn lại một nền kinh tế đã hội nhập vào cơ chế sản xuất toàn cầu hoá. Nạn lạm phát bị lôi kéo bởi giá cả năng lượng và thực phẩm trên thế giới. Mặc dù là một “con cọp” kinh tế dẫn đầu về xuất cảng mới tại Á Châu, mức thâm thủng mậu dịch của Việt Nam đã tiến đến 15 tỷ đô la trong 6 tháng đầu năm nay—so sánh với 12 tỷ đô la cho cả năm 2007. Mức thâm thủng tài khoản vãng lai (current account deficit) hiện thời ở mức 10% của tổng sản phẩm nội địa (GDP). Với chỉ có 20 tỷ Mỹ kim trị giá của dự trữ ngoại hối, Việt Nam có thể đối diện với một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán vào cuối năm nay.

Tình trạng kinh tế bấp bênh đã tạo ra một sự hoảng hốt về nhu cầu cho đồng Mỹ kim, khiến giá trị đồng bạc Việt Nam bị đẩy xuống 4.5% ở thị trường chợ đen theo sau việc giá cả xăng dầu gia tăng. Trong khi Hà Nội cố duy trì một trị giá không chính thức giữa đồng bạc VNÐ và đồng đô la, được mua bán rất hạn chế, thì nhiều người quay sang các tiệm vàng và giới kinh doanh ngoại tệ để mua đô la một cách bất hợp pháp. Thị trường chứng khoán bị sụt xuống hơn 60% giữa Tháng Giêng và Tháng Sáu.

Mặc dù các viên chức nhà nước đưa ra việc gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (foreign direct investment) như một biểu hiện của một nền kinh tế “lành mạnh”, thì chính đầu tư nước trực tiếp nước ngoài đang góp phần vào việc làm tăng các áp lực lạm phát. FDI đổ vào Việt Nam đã lên đến 31.6 tỷ đô la trong 6 tháng đầu năm 2008—so sánh với cả năm 2006. Cũng tương tự so sánh thì Trung Quốc nhận được 52.4 tỷ Mỹ kim trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù nền kinh tế của họ lớn hơn gấp 40 lần.

Vào ngày 25/7, Thông tấn xã Việt Nam đưa ra sự kiện thực tế là trong khi phần lớn FDI của Trung Quốc được nhanh chóng chuyển hóa thành các dự án thật sự, thì bên Việt Nam lại không như vậy, mặc dù được các cán bộ chính quyền điạ phương hoan nghênh. Chuyên viên kinh tế Tai Hui của Ngân hàng Standard Chartered Bank giải thích: “Nếu tất cả số tiền này được tiêu dùng, thì nó có khả năng khuấy động mạnh mẽ làm cho nền kinh tế bị quá nóng vì các dự án của các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ đòi hỏi nguồn tài nguyên từ mọi mặt —nhân công, nguyên liệu thô, và dụng cụ. Ðiều này sẽ dẫn đến hoặc là lạm phát cao hơn hoặc là nhập cảng nhiều hơn, hoặc là cả hai thứ”.

Một chuyên gia kinh tế khác, ông Lê Ðăng Doanh, đã đưa ra điều lo ngại ngược lại: “Nếu chúng ta không nhanh chóng xử dụng nguồn vốn FDI, thì số tiền đó sẽ đặt áp lực lên chúng ta”. Ông Doanh cảnh báo rằng nếu nguồn vốn to lớn từ nước ngoài không được chuyển hóa thành các công trình hoặc hàng hoá, thì nó sẽ được lưu hành trong hệ thống ngân hàng và đưa đến lạm phát cao hơn.

Không phải là đang nắm quyền kiểm soát một phép lạ mới của chủ nghĩa tư bản, việc chế độ cầm quyền tại Viêt Nam ôm chặt lấy những quan hệ thị trường đã tạo ra nhiều mâu thuẫn kinh tế nguy hiểm hiện đang đẩy giai cấp công nhân vào vòng tranh đấu.


http://www.wsws.org/articles/2008/jul2008/viet-j31.shtml

No comments: