Thứ Hai, 21/07/2008, 22:27 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=269773&ChannelID=13
Học sinh đi xe máy chở ba trên phố Hà Nội - Ảnh: Hồng Vĩnh
TTO - Học sinh (HS) mầm non biết chửi thề, nói tục, bắt chước các hành vi “nhạy cảm” quan hệ nam nữ trong phim ảnh. HS tiểu học xé bài vở trước mặt thầy cô khi bị điểm thấp. HS trung học vô lễ với thầy cô, sửa điểm trong sổ liên lạc, đánh nhau xé áo quần. Sinh viên (SV) mua điểm, sao chép luận văn, đồ án…
Thực trạng đạo đức HS-SV một lần nữa được xới lên tại hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức HS-SV do Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 18 và 19-7 tại Đồng Nai.
Những câu chuyện từ hội thảo lần này không dừng lại ở chuyện dạy và học đạo đức trong nhà trường, mà là những biểu hiện đáng lo ngại trong lối sống của cả một thế hệ thanh thiếu niên.
GS-TS Vũ Dũng, viện trưởng Viện Tâm lý học, cho rằng việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức hiện nay dã đến mức đáng lo ngại với những hành vi vi phạm bạo lực trong nhà trường, đe dọa hành hung thầy cô giáo, quay cóp bài, mua điểm, cờ bạc, nghiện rượu… Ngoài ra, thanh thiếu niên còn có nhiều biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, tiêu xài hoang phí, lười lao động, sống ích kỷ…
36% SV từng đi mua hoặc xin điểm
TS Phạm Thị Kim Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dẫn ra kết quả một cuộc điều tra, khảo sát của thanh tra Bộ GD- ĐT với 1.827 SV tại 12 cơ sở giáo dục cho thấy: 89% SV từng sử dụng tài liệu trong phòng thi, 85% từng quay cóp, 42% sao chép luận văn, đồ án, 36% từng xin hoặc mua điểm…
Một dẫn chứng khác từ kết quả khảo sát hành vi đạo đức của HS các trường THPT huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho thấy: số HS có các hành vi trốn học, gian lận thi cử, đánh nhau, uống rượu bia, trộm cắp vặt, xin đểu, vô lễ với thầy cô... ở huyện này cứ năm sau cao hơn năm trước. Tình trạng đánh nhau ngày càng nhiều, không chỉ nam sinh mà còn có nữ sinh, có dùng cả hung khí (dao, kiếm, côn).
Th.S Tống Thị Hồng, giảng viên Trường CĐ Sư phạm Đồng Nai, nêu lên một thực tế tìm hiểu từ 140 trường ở Đồng Nai cho thấy: ở bậc mầm non, một số HS có những hành vi chửi thề, nói tục, bắt chước các hành vi quan hệ nam nữ trong phim ảnh (chưa ý thức). HS tiểu học không chào hỏi người lớn, nối dối, xé bài vở trước mặt thầy cô khi bị điểm thấp, chạy xe lạng lách ngoài đường. HS THCS vô lễ với giáo viên (GV), sửa điểm trong sổ liên lạc, mạo chữ ký cha mẹ xin nghỉ học đi chơi…
Ở đâu hình mẫu lý tưởng cho tuổi học trò?
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng những phẩm chất xấu ở HS-SV là kết quả sự giáo dục yếu kém ở cả gia đình, nhà trường và xã hội. Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường thường chú trọng tới nề nếp kỷ cương với nội quy, những bài học giáo huấn, không chú ý đến hành vi ứng xử thực tế. Chương trình sách giáo khoa quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách HS.
Còn theo TS Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chương trình giáo dục đạo đức xuyên suốt từ giáo dục lễ giáo bậc mầm non, đạo đức ở bậc tiểu học, giáo dục công dân ở bậc trung học, có đầy đủ tất cả những bài học về các giá trị đạo đức. Nhưng hệ thống lại không thấy rõ phẩm chất nào là trọng tâm, chỗ nào cần nhấn mạnh… Chương trình học rất nhiều nhưng rất khó nhớ, khó nhập tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng GV hiện chỉ lo truyền thụ kiến thức, HS toàn điểm 9,10 nhưng quan hệ thầy trò nhợt nhạt. Về nhà, cha mẹ bận lo công việc, trẻ không được trang bị những kỹ năng tối thiểu cũng như cách ứng xử trong cuộc sống.
TS Phạm Thị Kim Anh cho rằng lứa tuổi học trò là tuổi ước mơ và sống vì lý tưởng. Nhưng hiện nay, họ không có một mẫu người lý tưởng. Chính vì thế, những mối tình sét đánh, những nhân vật ăn chơi sành điệu, những sát thủ tàn bạo... trên phim ảnh đã thành thần tượng của biết bao cô cậu học trò.
Giáo dục đạo đức: đừng cao xa
Phương pháp giáo dục đạo đức theo kiểu “tầm chương trích cú” không còn phù hợp, cần phải đưa HS-SV vào các xử lý tình huống thực tế. Giáo dục đạo đức trong nhà trường cần giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao, thay vào đó cần kiên trì bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật.
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, đặt vấn đề cần thay đổi cách đánh giá HS thay cách đánh giá đơn thuần bằng điểm số. Bộ GD-ĐT nên có qui định khi đánh giá HS hàng năm, GV phải ghi rõ những mặt mạnh, yếu, mặt nào cần rèn luyện, những biểu hiện sai lệch để HS cố gắng trong năm sau. Với HS THPT cần đưa ra những tiêu chí định hướng cho HS rèn luyện cũng như những điều cần nhận xét như: năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, sở trường, cá tính, ý thức tập thể, chuyên cần, thái độ với mọi người…
Th.S Phạm Thị Hòa, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai, kiến nghị: chương trình sách giáo khoa giáo dục công dân bậc phổ thông cần phải có những thay đổi quyết liệt hơn nữa. Cần dạy cho HS những giá trị đạo đức cơ bản của con người thay cho quá nhiều kiến thức triết học, hàn lâm, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức và kỹ năng sống đúng đắn.
PHÚC ĐIỀN
Học trình không có:
đạo đức học, công dân giáo dục ... ???
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment