Monday, August 4, 2008

'Cần có tự do báo chí'

'Cần có tự do báo chí'
03 Tháng 8 2008 - Cập nhật 10h56 GMT

Nguyễn Trang Nhung
Thành viên Tập hợp Thanh niên Dân chủ

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/08/080803_pressfreedom.shtml

Báo chí phản ánh hiện thực xã hội

"Con người luôn tò mò về thế giới xung quanh, và luôn khát khao hiểu biết những sự kiện tác động tới cuộc sống của họ...".

Đó là câu đầu tiên trong bài giảng Lịch sử báo chí (1) của một tiến sỹ trường đại học Northern State, thành phố Dakota, nước Mỹ.

Lịch sử báo chí kể rằng: tin tức có cơ hội được phổ biến rộng rãi nhờ phát minh ra in ấn của Gutenberg vào năm 1456, và tờ báo đầu tiên (2) xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ thứ 17 – Tờ Oxford Gazette, ra đời tháng 11 năm 1665 tại Anh, đã mở đầu cho kỷ nguyên báo chí.

Vai trò của báo chí

"Báo chí là công cụ tốt nhất cho việc mở mang trí tuệ của con người, và nâng con người lên trở thành có lý trí, phẩm hạnh, và mang tính xã hội." (Thomas Jefferson) (3)

Với vai trò đưa thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống, ở mọi nơi, báo chí góp phần to lớn vào việc đem lại hiểu biết, tri thức cho con người. Những hiểu biết, tri thức ấy giúp con người làm chủ cuộc sống, làm chủ xã hội, và là thành tố tạo nên một xã hội tiến bộ và văn minh.

Vai trò của báo chí chỉ được đảm bảo trong một nền báo chí lành mạnh, ở đó có các tiêu chí về tính chân thực, tính chính xác, tính trách nhiệm, tính vô tư, tính công bằng, và tính khách quan.

Đó là những tiêu chí mà bất cứ tờ báo nào cũng phải theo đuổi, tuân thủ, đề tồn tại và nhằm mục đích thúc đẩy xã hội phát triển.

Làm thế nào để xây dựng được một nền báo chí lành mạnh?

Trước hết, cần có những nhà báo có đủ tài năng, và hội đủ những phẩm chất của nghề báo, trong đó có "Liêm Sỉ".

Sứ mạng cao cả của nhà báo chỉ thực hiện được khi họ là những nhà báo chân chính, được tự do tác nghiệp, được bảo vệ bởi một xã hội dân sự biết tôn trọng sự thật, bởi tòa án và pháp luật công minh.

Không gian tự do tác nghiệp, hay sự tự do báo chí, là điều kiện tiên quyết cho nền báo chí ấy.

Sự tự do báo chí

"Mọi người có quyền tự do quan điểm và tự do thể hiện, quyền này bao gồm việc giữ quan điểm mà không bị can thiệp, và truyền đạt ý kiến, tin tức bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào, bất kể biên giới".

Đó là điều thứ 19 về tự do ngôn luận, trong tổng số 30 điều của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (4), mà tất cả quốc gia thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm phải tuân thủ, trong đó có Việt Nam.

Trên căn bản đó, tự do báo chí có thể được phát biểu với 4 điểm:

• Tự do xác định mục tiêu
• Tự do tìm kiếm thông tin
• Tự do phản ánh hiện thực xã hội
• Tự do phản biện

Luật báo chí của nhiều quốc gia trên thế giới và luật báo chí Việt Nam đều có điều khoản ghi rõ rằng báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in và phát hành (5).

Quy định pháp luật là vậy, còn thực tế? Không khó để nhận thấy rằng: không có (hoặc có rất ít) sự kiểm duyệt báo chí ở các quốc gia dân chủ và tiến bộ, ngược lại, có (không ít) sự kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam (!).

Báo chí thế giới

Mỹ và Thụy Điển là hai quốc gia điển hình quy định rất rõ các điều luật về báo chí, vai trò của báo chí được thực sự coi trọng, và sự tự do báo chí được đảm bảo.

Tại Mỹ, Hiến pháp Hoa Kỳ, nền tảng của hệ thống chính quyền Mỹ, chắc sẽ không được 13 tiểu bang sáng lập liên bang phê chuẩn năm 1791 nếu không có 10 điều tu chính, gọi là Đạo luật về Dân quyền, nhằm bảo vệ quyền tự do cá nhân.

Không phải là một điều ngẫu nhiên mà quyền tự do phát biểu của báo chí đã đứng hàng đầu trong số các khoản tu chính này. Một phần trong khoản Tu chính Thứ nhất được viết như sau: "Quốc hội sẽ không được đưa ra một luật nào giới hạn quyền tự do ngôn luận hay quyền tự do báo chí." (6)

Tại Thụy Điển, một trọng tâm chủ yếu là nguyên tắc mọi người dân đều có quyền tiếp cận với mọi tài liệu chính thức, "nguyên tắc này vô cùng quan trọng đối với các phóng viên trong khi tác nghiệp và điều tra, đặc biệt khi họ xem xét việc thực hiện quyền lực của chính phủ và các cơ quan công quyền, nhưng đồng thời đó cũng là một nguyên tắc rất quan trọng của một xã hội cởi mở và là một công cụ hữu hiệu để theo dõi và ngăn chặn tham nhũng." (7)

Gần chúng ta, "ở Philippines, công nghiệp truyền thông hoàn toàn do tư nhân nắm giữ. 70% cơ sở đào tạo truyền thông cũng thuộc về tư nhân. Ở Campuchia, người nước ngoài cũng được ra báo, điển hình là tờ Phnom Penh Post. Đến như vương quốc hồi giáo Brunei chỉ có 3 đài truyền hình thì một là của tư nhân với 13 kênh." (8)

Báo chí tại Việt Nam

Tại Việt Nam, đảng Cộng sản quản lý báo chí, thông qua Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và Bộ Thông tin & Truyền thông. Hơn nữa, hầu như trong bất cứ tờ báo nào cũng tồn tại cái gọi là "chi bộ đảng", như một nút kiểm soát.

Bí thư chi bộ đảng Cộng sản tại các tờ báo thường là một Phó Tổng Biên Tập, nhiều khi có quyền hành lớn hơn Tổng Biên Tập. (9)

Điểm qua một vài sự kiện của báo chí Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây, không thể không đặt các câu hỏi về tính vô tư của các cơ quan báo chí, về tính minh bạch của các cơ quan điều tra, và những bất thường trong các "vụ xử lý sai phạm".

Ngày 01/8/2008: Bảy nhà báo Việt Nam bị thu hồi thẻ nhà báo, trong đó có Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên - Nguyễn Quốc Phong, và Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Bùi Thanh, vì những "vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động và thông tin trên báo chí." (10).

Tuy nhiên, truyền thông trong nước không nói rõ vi phạm của những nhà báo này là gì.

Ngày 11/6/2008: Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời. VnExpress và VTC đã đăng tin này cùng ngày, song bản tin đã bị gỡ xuống không lâu sau đó. Ngày hôm sau, đồng loạt các báo đăng tin, hầu như ở cùng một thời điểm. Đâu là nguyên do của sự chậm trễ? Và, tại sao không có lời giải thích nào cho sự chậm trễ được đưa ra?

Ngày 12/5/2008: Hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) đã bị khởi tố vì "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (Điều 281, Bộ luật Hình sự ), trong khi theo Luật báo chí, khi đưa tin sai, nhà báo và tờ báo có trách nhiệm đính chính, và nếu gây thiệt hại cho cá nhân hay tổ chức nào đó, thì họ phải bồi thường theo pháp luật dân sự. (11)

Giữa năm 2007, nhiều phóng viên của nhiều tờ báo đưa tin về các vụ tham nhũng (Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong,...) đã bị Cơ quan An ninh Điều tra triệu tập trong khi không được thông báo cụ thể, mà chỉ được biết một cách chung chung rằng: cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước và lợi dụng quyền tự do dân chủ liên quan tới các bài báo viết về vụ PMU 18 và vụ siêu lừa Nguyễn Đức Chi. (12)

Ngày 5/1/2005, phóng viên Lan Anh, báo Tuổi Trẻ đã bị Cơ quan An ninh Điều tra khởi tố về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" vì một mẩu tin, đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 20/5/2004: "Đề nghị thanh tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma", dựa theo một tờ trình của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc điều tra sau đó đã bị đình chỉ, do không đủ cơ sở pháp lý để kết tội phóng viên. (13)

Ngày 25/10/2004, công văn 3923/VHTT-BC được đưa ra nhằm xử lý sai phạm trong việc đưa tin về vụ nhập khẩu gần 80 xe Mercedes để phục vụ hội nghị và sau đó bán với giá ưu đãi cho các cá nhân. Sau đó Tổng biên tập VnExpress bị mất chức. (14)

Liệu Việt Nam có quyền tự do báo chí theo như quy định trong điều 69 Hiến Pháp Việt Nam?
Liệu nền báo chí Việt Nam có thể thực hiên tốt vai trò của mình khi "được" đảng Cộng sản quản lý?

Liệu nền báo chí VN có dám đột phá để thực sự trở thành nền báo chí lành mạnh, để không còn là công cụ, hay cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản hay không?

Mong đợi tự do báo chí

Ở các quốc gia coi trọng sự tự do báo chí, người dân được hưởng lợi từ việc có nhiều lựa chọn thông tin, có nhiều cơ hội nắm bắt và tham gia vào những quyết định của xã hội, với mục tiêu đẩy lùi cái xấu, và tạo ra những điều tốt đẹp.

Nhiều người dân trên thế giới còn nhớ, năm 1974, vụ tai tiếng Watergate đã buộc Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức, chủ yếu nhờ sự nỗ lực của hai phóng viên tờ Washington Post.

Điều gì sẽ xảy ra nếu họ sống trên một đất nước ở đó họ không được phép theo dõi vụ việc đó?

Điều gì sẽ xảy ra nếu trong quá trình điều tra, tổng biên tập của họ yêu cầu họ phải dừng ngay công việc của mình vì tổng thống là người không được phép phê phán? (15)

Nhìn về Việt Nam, sẽ ra sao khi Thủ tướng, Chủ tịch nước, hay những lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm pháp luật?

Khi tất cả các tờ báo đều do đảng Cộng sản quản lý, tờ báo nào đủ công bằng và can đảm để đăng tin, nhà báo nào đủ công tâm và nghị lực để vượt qua những trở ngại được gây ra bởi sự lạm dụng quyền lực?

Các nhà báo cần gì? Câu trả lời ngắn gọn: Cần một nền báo chí Tự Do!

Ở đó, đảm bảo những những điều kiện:

• Chính quyền không được từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, trừ khi thông tin đó là bí mật quốc gia.
• Chính quyền và các tổ chức khác không được ngăn cản nhà báo tác nghiệp.
• Chính quyền không được can thiệp vào công việc nội bộ của báo chí.
• Chính quyền phải có trách nhiệm giải trình những vấn đề báo chí nêu.

Việt Nam, trong xu thế hội nhập quốc tế, phải chấp nhận những quy luật toàn cầu, thay vì giữ những quy luật riêng không phù hợp cái chung.

Tự do báo chí là một quy luật toàn cầu. Quy luật ấy sẽ dần phá vỡ những thành trì kiên cố của kiểm duyệt thông tin, và sẽ giúp báo chí thực hiện đúng vai trò, hay sứ mạng cao đẹp của nó!

02/08/2008

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có đóng góp ý kiến xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải.

--------------------------------------------------------------------------------

Nha trang
Bất kỳ ai ở nước Việt Nam đều được học qua lịch sử đảng, ít nhất cũng được tuyên truyền về đảng, kiểu nói của cô "Ngọc Hà" cũng chẵng có gì là lạ đối với một đảng viên mù quán. Tôi đảm bảo rằng các báo chí Việt Nam không dám tự nhiên lên tiếng tố cáo các cán bộ Nhà nước cao cấp. Còn dân VN mỗi lần thấy công an hay cảnh sát đều sợ, bởi vì đó là những người dân chất phát, ít học, không biết được quyền của mình. Rất tiếc, với những người hiểu biết trí thức, sinh viên, học sinh, thì phần nhiều giữ thái độ im lặng.

Cao Chung
Chúng ta thấy gì hôm nay và cách đây một thế kỷ. Thời đại của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu là thời đại mà đất nước ta đang bị thống trị của thực dân Pháp, thế mà những ý kiến, tư tưởng đòi tự do, độc lập cho dân tộc còn có những tờ báo đăng lên. Còn nay thì sao? Những tiếng nói dân chủ, đòi nhân quyền thì báo nào dám đăng! Vì sao? Vì Báo chí ngày nay là công cụ của đảng CS, là một đảng độc tài tự đặt cho mình quyền lãnh đạo mà không cần người dân tín nhiệm! thì làm sao có lý tưởng? Chừng nào có tự do báo chí thì lúc đó hai từ lý tưởng mới là thật sự.

Phuc
Có những thông tin mà những người ở trong nước như tôi không thể nào biết được, vì không thấy báo nào đăng. Thậm chí, có những thông tin chỉ đăng được vài kỳ, sau đó thì im bặt không một lời giải thích (như vụ bắt 2 nhà báo). Liệu có tự do ngôn luận không, và tôi sẽ tin ai đây?

Ngọc Hà
Ở Việt Nam, thời gian qua, có một số tờ báo, phóng viên học theo lối viết, cách xử sự của báo chí của các nước Châu Âu, Mỹ. Tư cách, đạo đức của người làm báo bị bỏ lại đằng sau để đăng những bài viết giật gân, rẻ tiền câu khách, thậm chí sai sự thật nhằm bán báo hoặc người viết được nổi tiếng… Họ cố tình không hiểu rằng đằng sau những bài viết đó là cuộc sống, hạnh phúc của một con người, một gia đình, thậm chí cả dòng họ, làng xã. Đôi khi bị viên đạn bắn vào đầu còn nhẹ nhàng hơn là bị một bài báo sai sự thật về mình.

Chỉ cần đơn cử một việc: chụp được tấm ảnh một doanh nghiệp trẻ thành đạt dắt một thiếu nữ khoảng 15 tuổi vào trong một nhà nghỉ, thế là phóng viên đã viết bài khẳng định người doanh nghiệp kia quan hệ bất chính với trẻ em. Bài viết được đăng lên báo và lan truyền đến hàng trăm nghìn người đọc. Anh ta sẽ trả lời sao với vợ; con anh ta sẽ nói gì với các bạn học; bố mẹ anh ta sẽ nói gì với làng xóm ở quê hương; dòng họ của anh ta sẽ nói gì về người con vốn được coi là niềm tự hào của dòng họ… Anh ta không thể giải thích với tất cả mọi người là mình trong sáng được và có thể anh ta sẽ mất vợ, gia đình tan nát… Cuối cùng với sự đấu tranh, phản kháng quyết liệt, anh đã có được lời đính chính rất nhỏ trên trang cuối cùng của tờ báo đó. Anh ta cảm thấy hạnh phúc bởi đã được minh oan, nhưng để làm gì vì mấy ai đọc được lời đính chính đó và anh có còn gì đâu mà lấy lại được.

Nỗi đau chạm vào ai, người đó mới thấu hiểu. Tôi dám chắc, những người đang phê phán việc thu hồi thẻ nhà báo chưa cảm nhận về những nỗi oan không thể giải được do những phóng viên thiếu tư cách đạo đức, các tờ báo bị thương mại hoá gây ra. Suy cho cùng, làm báo cũng chỉ là một nghề như bao nghề nghiệp khác, làm đúng thì khen, làm sai thì phải lên án, xử phạt, hoàn toàn bình đẳng. Không những thế báo chí phải định hướng giá trị đạo đức, chuẩn mực cuộc sống cho xã hội, hướng thiện cho con người và phục vụ con người. Không thể lấy lý do tự do báo chí để biện minh cho những việc xâm phạm vào bí mật đời tư, đưa tin sai sự thật, áp đặt, định hướng giá trị sai trái trong xã hội.

Do vậy, theo tôi, chẳng có gì phải làm to chuyện việc xử lý thu hồi thẻ 07 nhà báo, bởi nó hoàn toàn giống như kiểm điểm, kỷ luật cán bộ, công chức ở các cơ quan, doanh nghiệp khác. Đồng thời, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người làm báo ở Việt Nam cần phải nhìn nhận lại mình, cẩn trọng hơn mỗi khi đặt ngòi bút viết, nó không chỉ là con chữ đơn thuần mà ở đó là cả cuộc đời, số phận con người. Nhà báo phải là: tài năng + đạo đức = định hướng giá trị chân, thiện, mỹ cho con ngưòi.

--------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:
(1) History of Journalism
http://www.northern.edu/hastingw/journhist.html
(2) Theo nghĩa được phát hành định kỳ
(3) Thomas Jefferson là tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Nguyên văn câu nói của ông như sau: "This formidable censor of the public functionaries, by arraigning them at the tribunal of public opinion, produces reform peaceably, which must otherwise be done by revolution. It is also the best instrument for enlightening the mind of man and improving him as a rational, moral, and social being." - Freedom of the Press
http://etext.virginia.edu/jefferson/quotations/jeff1600.htm
(4) Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (bản tiếng Việt, và bản tiếng Anh)
http://www.unhchr.ch/udhr/lang/vie.htm
http://www.unhchr.ch/udhr/lang/eng.htm
(5) Luật báo chí Việt Nam
Chương 1, điều 2: "Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí"
http://www.vietnamjournalism.com/module.html?name=News&file=article&sid=826
(6) Vai Trò của Tự Do Báo Chí - John W. Johnson
www.icevn.org/en/node/97
(7, 15) Vai trò của báo chí truyền thông trong một xã hội dân chủ – Gunilla Carlson, Bộ trưởng Bộ Hợp tác và Phát triển quốc tế Thụy Điển
http://www.regeringen.se/download/239366a4.pdf?major=1&minor=80967&cn=attachmentDuplicator_0_attachment
(8) Tự do báo chí nhìn từ hai phía
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/05/060503_dalinhpress.shtml
(9) Báo chí 'phải do Đảng Cộng sản quản lý'
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/12/061201_viet_media.shtml
(10) Thu hồi thẻ nhà báo của 7 cán bộ, phóng viên có vi phạm nghiêm trọng
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=271547&ChannelID=3
(11) LS Lê Công Định: việc khởi tố 2 nhà báo viết bài về vụ PMU18 là vi phạm pháp luật
http://clbnbtd.com/modules.php?name=News&file=save&sid=584
(12) Nhiều phóng viên Việt Nam bị thẩm vấn
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/08/070802_reporterquestioning.shtml
(13) Đề nghị thanh tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=33671&ChannelID=3
Đình chỉ điều tra vụ phóng viên Lan Anh
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050423_lananh.shtml
(14) Lãnh đạo và phóng viên của báo điện tử VnExpress đưa tin sai sẽ bị xử lý kỷ luật thích đáng
http://www.hanoimoi.com.vn/vn/41/28917/
VnExpress mất Tổng biên tập
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2004/11/041110_vnexpress_mercedes.shtml

No comments: