Sunday, June 8, 2008

Bỏ của chạy lấy người

Nguyễn Xuân Nghĩa

6/8/2008

Khi đồng đôminô Việt Nam bắt đầu lật

Tháng Ba năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam bốc lên cõi ảo, với chỉ số VNIndex tại Sàigòn chờn vờn đỉnh cao 1.170 điểm. Vì sống trong bong bóng, nhiều người không thấy rằng trái bóng đầu tư đó sẽ bể – và mình sẽ rớt xuống đất.

Ngày mùng bốn tháng Sáu vừa qua, chỉ số VNIndex tuột dưới 400 điểm – sau khi sụt trong 21 phiên giao dịch liên tiếp. Con số chẵn 400 vừa bị tuột là mức nâng tâm lý có ý nghĩa lịch sử.

Từ đỉnh cao 1.170 điểm tới 395 thì coi như mất gần 66%; tính từ đầu năm 2008 thì trong năm tháng đã mất 57%. Nghĩa là sau khi đã sụt từ cuối năm ngoái, qua năm nay còn sụt mạnh hơn dù chính quyền Việt Nam thu hẹp biên độ giao dịch, không được cao hay thấp hơn giá hôm trước 1%. Biến cố ấy khiến nhiều người tự hỏi rằng mình đã rớt xuống đến đất hay chưa.


Một công trình xây dựng tại Cầu Giấy, Hà Nội do Nam Hàn đầu tư. Hoàng Đình Nam/Getty Images

Tức là cố định nghĩa lại thế nào là đất, thế nào là đáy, và thị trường chứng khoán sẽ còn tuột giá tới đâu mới ngừng. Một câu hỏi phù phiếm!

Sống trong cõi ảo của một trái bóng đầu tư, người ta không hề tự hỏi rằng vì sao hơn 150 công ty được yết giá trên thị trường chứng khoán Sàigòn lại có “kết giá tài sản” cao hơn 40% tổng sản lượng của cả nước (“kết giá tài sản” là giá cổ phiếu trên thị trường nhân với số cổ phiếu lưu hành). Với sản lượng toàn quốc chưa tới 70 tỷ Mỹ kim một năm, làm sao các công ty ấy có thể đáng giá 28 tỷ – và tạo ra doanh lợi một năm trung bình chừng bốn tỷ, theo tiêu chuẩn thông thường của thế giới?

Người ta cũng không hề tự hỏi vì sao thị trường địa ốc tại Việt Nam còn đắt hơn các thị trường Đông Nam Á khác. Một mét vuông phòng ốc tại Sàigòn hay Hà Nội làm sao đem lại lợi nhuận cao gấp ba gấp bốn cùng một diện tích đó tại Hong Kong, Bangkok hay Kualar Lumpur?

Vì vậy, các trái bóng chứng khoán và địa ốc tất nhiên sẽ bể, là chuyện đang xảy ra.
Thật ra, đây chỉ là vấn đề cho các nhà đầu tư – Việt Nam và ngoại quốc – và cho một thiểu số vài trăm ngàn người Việt Nam có tiền hay có quyền để chơi stock và lao vào thị trường bất động sản trong tinh thần đầu cơ hơn là đầu tư. Đấy là vấn đề của những người khá giả nhất ở trên ngọn, ở mặt nổi bên ngoài. Nhưng, nó cũng là biểu hiện của sự suy sụp bên dưới và sẽ ảnh hưởng đến đại đa số người dân ở dưới, thành phần chỉ có đủ lợi tức vặt mũi bỏ mồm.

Cái bên dưới đó mới là sự kinh hoàng.

Đầu tháng Năm, công ty lượng giá kinh doanh Standard & Poor’s đã lần đầu tiên đánh sụt giá quốc trái (trái phiếu do một chính quyền phát hành để vay tiền thiên hạ) của Việt Nam từ loại “ổn định” xuống loại “tiêu cực”: không đáng là khí cụ đầu tư. Chuyện ấy, dân Việt Nam không biết vì báo chí không được phép loan tải.

Đến cuối tháng Năm, đến lượt công ty Fitch cũng hạ thấp giá trị trái phiếu của Việt Nam – tức là niềm tin của giới đầu tư quốc tế. Và chưa đầy một tuần, họ điều chỉnh lại theo hướng còn tiêu cực hơn nữa. Giữa hai lần định giá của Fitch là hàng loạt báo cáo của các tổ hợp đầu tư quốc tế cho khách hàng của họ như Morgan Stanley, Goldman Sachs, Deustche Bank, Macquarie, rằng kinh tế Việt Nam có vấn đề. Văn phòng Hong Kong của Macquarie – tổ hợp đầu tư số một của úc Đại Lợi – còn nêu ý kiến như trời giáng, rằng Việt Nam có thể là đồng đômino đầu tiên sẽ đổ trong một chuỗi khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 1997.

Nối tiếp có thể là Philippines, Nam Hàn và Ấn Độ.

Năm 1997, giữa không khí lạc quan của giới đầu tư và các định chế tài chánh quốc tế về phép lạ kinh tế Đông Á, khủng hoảng hối đoái bỗng bùng nổ tại Thái Lan vào mùng hai tháng Bảy, một ngày sau khi Hong Kong “hồi quy cố quốc” để trở thành lãnh thổ của Trung Quốc. Khủng hoảng hối đoái bùng nổ khi tiền Thái mất giá, chính quyền Thái phải tung ra 30 tỷ Mỹ kim mua lại đồng Bath của mình hầu vực giá đồng bạc mà không nổi. Số tiền cấp cứu bị tan trong sóng dữ và khủng hoảng hối đoái lan qua tài chánh, lan qua kinh tế, tràn qua các nước lân bang như Malaysia, Indonesia, Philippines và cả Nam Hàn, trở thành khủng hoảng kinh tế Đông Á.

Khủng hoảng kinh tế Đông Á tiếp tục lây lan qua Hong Kong, Nhật Bản, dội mạnh vào Liên bang Nga – khiến nước Nga của Boris Yelstin vỡ nợ – rồi thổi qua Brazil và quay về Hoa Kỳ đánh sập một quỹ đầu tứ đối xung thuộc hàng “đại gia” của Mỹ! Đó là chuyện của 1997-1998.

Bây giờ, bỗng dưng mấy nhà đầu tư lại báo động một chuyện tương tự, khởi đi từ Việt Nam!

Lịch sử không khi nào tái diễn y hệt như xưa. Nói cho văn vẻ, ta không khi nào uống cùng một hụm nước trên một dòng sông. Mỗi cuộc khủng hoảng lại thể hiện một cách trong cả ngàn cách khác nhau.

Thái Lan của mười năm trước đã khác Việt Nam ngày nay tới cả trăm năm ánh sáng. Nhục lắm mà vẫn phải nói ra!

Xứ Thái thời ấy có nền móng kỹ nghệ đã vượt xa Việt Nam, trong một thể chế dù bất toàn cũng còn dân chủ hơn gấp bội. Hệ thống ngân hàng Thái Lan của 10 năm trước đã vượt qua hệ thống ngân hàng non yếu của Việt Nam. Năm đó, dự trữ ngoại tệ của Thái đã cao gấp rưỡi số dự trữ ngoại tệ ngày nay của Việt Nam, và tính theo thời giá 2008 thì tất nhiên còn lớn hơn con số gần 24 tỷ của Hà Nội.

Vậy mà Thái Lan đã đổ, cho nên Việt Nam có đổ thì cũng không là chuyện bất thường, dù có đổ kiểu khác… Theo định hướng xã hội chủ nghĩa chẳng hạn.

Năm 2007, thế giới bắt đầu nói đến nạn suy trầm của một đầu máy kinh tế số một của địa cầu là Hoa Kỳ. Sau sáu năm tăng trưởng liên tục, kinh tế Mỹ có bị đình đọng trong một chu kỳ kinh doanh thì cũng là chuyện bình thường. Huống hồ thị trường gia cư Mỹ bị sụt, khủng hoảng tín dụng loại thứ cấp sub-prime đã bùng nổ và dẫn tới nạn khan hiếm tín dụng vào mùa Thu .

Đã thế, 2008 lại là năm tranh cử tại Mỹ và các chính trị gia đều phải báo động về nguy cơ suy thoái hay khủng hoảng để dọa nạt cử tri và tự khoe khả năng kinh bang tế thế của mình. Chuyện Tăng Sâm giết người và sự hốt hoảng của bà mẹ Tăng Sâm là chuyện có thật trong kinh tế Mỹ! Cho nên, nếu Mỹ có bị suy trầm thì chẳng ai ngạc nhiên. Và các nước bán hàng cho Mỹ vì vậy sẽ bị điêu đứng.

Từ đấy, ai ai cũng có thể nói rằng kinh tế xứ mình sẽ bị lao đao vì kinh tế Mỹ, một lý luận tiện dụng. Nhưng ngược với luận cứ a dua theo kiểu bày đàn của người Hà Nội, chuyện ấy chưa xảy ra.

Chuyện xảy ra là giá thương phẩm – nguyên nhiên vật liệu, khoáng sản và lương thực – đã tăng vọt. Nổi cộm nhất là giá dầu thô và mễ cốc. Xảy ra chủ yếu mà không duy nhất là vì số cầu gia tăng quá cao so với khả năng cung ứng. Trong hoàn cảnh chung của thế giới – và nhất là của thế giới Á châu với các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ cùng khát dầu và đói ăn tới mức trầm trọng – lạm phát vì phí tổn là mối nguy có thật.

Trong hoàn cảnh ấy, Việt Nam lại góp phần đáng kể cho việc thổi bùng lạm phát như một đứa trẻ dại khờ châm lửa đốt nhà.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam bơm thêm tín dụng như người say khiến dư nợ tín dụng tăng 50% một năm, so với chừng 35% của các năm trước 2007. Và bơm vào những nơi sẽ thành các khoản nợ thối, khó đòi, không sinh lời và sẽ mất. Lý do là vì lãi suất ngân hàng quá thấp, là số thực âm (thấp hơn tỷ lệ lạm phát). Tiền rẻ nên ai ai cũng học thói phóng tay áo sô để đốt nhà táng giấy và đẩy lên trái bóng đầu cơ chứng khoán và địa ốc. Trong khi ấy, lãnh đạo kinh tế Việt Nam còn bơm thêm tiền vào nền kinh tế để mua Mỹ kim về làm kho dự trữ: trong tháng Năm năm ngoái họ đòi hút về chín tỷ Mỹ kim cho kho dự trữ và thổi lên nạn lạm phát tiền tệ.

Qua năm 2008, khi lạm phát đã thành vấn đề khó chối cãi, các giới chức hữu trách về kinh tế tài chánh của Hà Nội cãi nhau: nên ngăn ngừa lạm phát hay nên cứu vớt thị trường chứng khoán đang bể, nên giữ vững hệ thống ngân hàng bị lung lay, hay bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước và các dự án công chi trong danh mục ăn hại đái nát mà là đặc quyền đặc lợi của một số đảng viên? Họ quyết định theo định hướng xã hội chủ – là cùng nhắm vào ngần ấy mục tiêu đầy mâu thuẫn.

Như một đứa trẻ thiếu trưởng thành cái gì cũng muốn mà không chịu trả giá, tất nhiên họ không đạt mục tiêu nào!

Lạm phát gia tăng vùn vụt, mỗi tháng một nặng hơn. Quy ra toàn năm thì tháng Năm vừa qua đã vượt 25%. Tính nhẩm cho dễ: mỗi tháng, vật giá tại Việt Nam tăng chừng 3%, trong số đó nặng nhất là giá lương thực, nhu yếu phẩm của đại đa số dân chúng. Đã thế, hàng loạt chương trình chống lạm phát đều được ban hành quá trễ, chấp hành tùy tiện

Trong khi ấy, vì chiến lược rập khuôn theo kiểu Đông Á – với màu sắc đậm mùi Trung Quốc là nạn tham nhũng – Việt Nam đòi làm gia công cho thiên hạ bằng cách nhập cảng nguyên nhiên vật liệu và máy móc kỹ thuật để chế biến cho rẻ hầu bán ra ngoài. Xuất khẩu là trên hết! Và lương bổng thấp là ưu thế cạnh tranh tuyệt vời!

Trong hoàn cảnh Mỹ kim đắt và thương phẩm rẻ, chiến lược đó còn có kết quả, nhờ hối suất thấp của đồng bạc, lợi tức thấp của công nhân. Nhưng tình hình đã thay đổi từ 2005 mà Hà Nội không biết. Mỹ kim tuột giá, thương phẩm lên giá và hối suất quá rẻ của đồng bạc vẫn không đảo ngược nổi tình hình: Việt Nam bị nhập siêu nặng, mỗi tháng bị thất thâu một tỷ Mỹ kim. Khiếm hụt ngoại thương của Việt Nam nay đã gấp ba năm ngoái, và cùng với nạn lạn phát, đời sống cơ cực của người dân khiến công nhân biểu tình và đình công hàng loạt!

Để chặn đà lạm phát, các biện pháp hành chánh cửa quyền cũng đã được ban hành, kể cả kiểm soát hoặc trợ cấp giá cả. Ngân sách quốc gia bị bội chi và sẽ còn bội chi nặng.

Tổng kết lại, tệ hại hơn Thái Lan 10 năm trước, Việt Nam bị lạm phát, nhập siêu, khiếm hụt chi phó và bị bội chi ngân sách. Trong khi ấy, nông dân đói ăn và công nhân bất mãn.

Đó là bối cảnh chung khiến các nhà đầu tư hết tin tưởng vào trị trường Việt Nam và bắt đầu gióng chuông báo động.

Khi thị trường sụt giá, ta hiểu là các nhà đầu tư phải rút tiền bỏ chạy, và nếu bỏ từ chỗ này qua chổ khác mà đều thấy lỗ thì đành.. vượt biên. Thuật ngữ kinh tế gọi đó là tẩu tán tư bản. Sau thành phần con ông cháu cha có quan hệ tốt đến chính quyền, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu ngó ra ngoài. Quy luật bỏ của chạy lấy người là như vậy.

Nhưng, trong khi chờ đợi xem đồng đôminô Việt Nam sẽ sụp đổ ra sao, ta còn có thể hiểu quy luật trên trong nghĩa đen: sau các đợt di tản, tỵ nạn hay đoàn tụ gia đình, chưa khi nào người Việt lại muốn ở lại Mỹ đông đảo như ngày nay. Đấy là thành phần khá giả từ các gia đình có quyền hay có tiền được qua Mỹ du học. Tốt nghiệp rồi, họ không muốn con em hồi hương xây dựng xã hội chủ nghĩa nữa! Hãy ở lại Mỹ làm đầu cầu tiếp nhận tài sản và xây dựng cuộc sống mới.

Cùng với nạn tẩu tán tư bản, ta đang thấy nạn thất thoát chất xám!

Kinh tế Việt Nam có bị khủng hoảng hay không? Chưa ai có thể biết chắc.

Nhưng một hy vọng sinh tử cho Việt Nam là dầu thô đừng tiếp tục lên giá và người Việt hải ngoại tiếp tục gửi tiền về trong nước. Năm ngoái, con số thực tế của loại “kiều hối” ấy được Hà Nội ước lượng là 10 tỷ Mỹ kim, bằng 70% số nhập siêu của Việt Nam và gần phân nửa dự trữ ngoại tệ của Hà Nội.

Khi bỏ của chạy lấy người như vậy, đảng viên cán bộ của Hà Nội có thể dốt chứ không ngu. Những người ở bên ngoài đang muốn rót tiền về trong nước thuộc trường hợp trái ngược. [NXN]

No comments: