Sunday, June 8, 2008

Lạm phát sẽ dai dẳng

Đỗ Quý Toàn

6/8/2008

Trong tháng Năm 2008, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam đã lên trên 25%, giá thóc gạo tăng 68%. Cả thế giới đang bị lạm phát đe doạ, nhưng không mấy nơi lạm phát lên cao tới mức 25% như ở Việt Nam. Giá sinh hoạt ở Trung Quốc đã lên tới gần 9%, cao nhất trong 12 năm qua. Nga lên 14%, Indonesia 9% nhưng có thể sẽ lên 12%, Ấn Độ tăng 8%, Argentina 9%. Lạm phát cao nhất ở Venezuella, tới 29%, vì ông tổng thống đang theo một chính sách kinh tế theo lối xã hội chủ nghĩa. Những quốc gia kể trên đều thuộc thế giới “đang phát triển.”


Sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam tuột 400 điểm hôm 2 tháng 6, 2008 do ảnh hưởng lạm phát.Hoàng Đình Nam/Getty Images



Các nước nghèo lạm phát cao hơn

Hiện tượng đáng chú ý là trong cơn sốt lạm phát hiện nay, thế giới chia làm đôi. Những nước đang phát triển như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, bị đe doạ nặng nề, kể cả các quốc gia xuất cảng dầu lửa vùng Trung Đông; còn những nước đã phát triển cao ở Mỹ và Âu Châu thì mức giá cả lên vẫn khiêm tốn, lạm phát trên dưới 3% là các nhà lãnh đạo tài chánh đã báo động để tìm cách ngăn ngừa rồi.

Một lý do khiến lạm phát tăng nhanh ở những nước nghèo là thực phẩm và xăng dầu đang tăng. Hai món này chiếm một tỷ lệ rất cao trong ngân sách sinh hoạt của người dân nước nghèo nên khi giá tăng thì ảnh hưởng mạnh hơn ở các nước tiên tiến. Dân Mỹ tuy nổi tiếng là dùng nhiều xăng nhất thế giới nhưng trong ngân sách trung bình của một gia đình chỉ có 6% là dùng để mua xăng chạy xe, tỷ lệ số tiền dùng để mua gạo hay bánh mì còn thấp hơn nữa! Trong ngân sách của một gia đình Việt Nam, 43% là tiền đong gạo. Đối với người nghèo thì lợi tức dùng vào việc mua gạo có thể lên tới 80%, tức là dân nghèo nước ta đang chịu một mức lạm phát trên 60% một năm!

Lý do quan trọng hơn nằm trong cơ cấu tài chánh, ngân hàng và chính sách của nhà nước. Khi số tiền tệ lưu hành tăng nhanh quá thì giá cả sẽ tăng theo. Có hai nguyên nhân khiến trong một nước có nhiều tiền hơn. Một là chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, thả lỏng cho các ngân hàng đem tiền cho các xí nghiệp và người tiêu thụ vay. Hai là nhà nước chi tiêu nhiều quá, in tiền thêm hoặc đi vay cho ngân sách chi dùng. Cả hai hiện tượng đó đang diễn ra ở các nước đang phát triển. Chính sách tiền tệ đang được thả lỏng rất nhiều so với các nước tiên tiến. Ngoài ra, ở nhiều nước như Việt Nam hay Venezuella, chính phủ chi tiêu quá nhiều là một nguyên nhân khác gây lạm phát.

Hối suất cần phải điều chỉnh

Chính sách hối đoái của nhiều nước đang phát triển cũng là một nguyên nhân đã gây ra sự mất thăng bằng trong kinh tế thế giới, nay đang quay lại làm khổ chính các nước này. Trong mươi năm vừa qua, Trung Quốc, các nước Á Đông xuất cảng rất nhiều sang Âu, Mỹ. Họ thu về nhiều ngoại tệ nhưng chính quyền tìm cách mua ngoại tệ vào với tỷ giá nhân tạo để giữ cho đồng tiền nước họ có giá trị thấp so với mỹ kim. Các nước bán dầu lửa ở Trung Đông cũng giữ đồng tiền của họ dính vào mỹ kim với một tỷ giá cố định. Các quốc gia trn đem số ngoại tệ dự trữ dư thừa đi đầu tư, mua công khố phiếu chính phủ Mỹ, đẩy những khối lượng tiền rất lớn trở lại vào nước Mỹ. Chính hành động này giúp cho lãi suất ở nước Mỹ ở mức thấp mãi, gây ra ảo tưởng là kinh tế có thể cứ tiến lên với những đồng tiền dễ vay với lãi suất rẻ đó. Tiền dễ dàng khiến nhiều nhà đầu tư bớt sợ rủi ro, vì tin rằng trong tương lai vẫn không thiếu tiền sử dụng. Đó là một nguyên nhân khiến các ngân hàng cho vay tiền mua nhà bừa bãi, bây giờ gây ra khủng hoảng. Để cứu chữa không cho cuộc khủng hoảng tín dụng tác động trên hoạt động kinh tế, ngân hàng trung ương Mỹ đã cắt giảm lãi suất, thi hành một chính sách tiền tệ thả lỏng ngõ hầu kích thích tiêu thụ và đầu tư. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển vẫn giữ chính sách hối đoái cũ, cho đồng tiền của họ gắn vào đô la Mỹ, và tỷ giá này đang gây tai nạn cho những nước đang lên.

Khi một nước gắn tỷ giá đồng tiền của họ vào mỹ kim, họ coi như giao khoán chính sách tiền tệ nước họ cho ngân hàng trung ương nước Mỹ. Lãi suất không theo thị trường mà do nhà nước ấn định khiến họ khó ứng biến khi cần thiết. Trong mấy tháng qua Hệ thống Dự trữ Liên bang ở Mỹ cắt lãi suất liên tục để gia tăng số tiền đô la lưu hành, kích thích nền kinh tế. Các nước với hối suất cố định cũng phải tìm cách giảm lãi suất theo hoặc các biện pháp nới lỏng tiền tệ khác, để giữ tỷ giá không thay đổi quá nhiều. Vì vậy, số tiền lưu hành trong nước họ cũng gia tăng, một nguyên nhân gây ra lạm phát.

Lạm phát lên cao ở những nước đang lên này khiến cho giá các hàng xuất cảng của họ cũng lên giá, đặc biệt là các nông phẩm, quặng mỏ, và dầu lửa. Nguyên liệu và nhiên liệu lên giá làm cho kinh tế Mỹ bị đe doạ nặng hơn. Ngân hàng trung ương Mỹ cắt lãi suất để kích thích kinh tế, nhưng nhiều tiền lưu hành tức là lạm phát cũng lên theo. Các nước khác cũng chịu ảnh hưởng của tình trạng lạm phát lên ở Mỹ. Nhưng mức lạm phát ở các nước Âu Mỹ còn thấp cho nên ngân hàng trung ương của họ còn có thể giữ nguyên lãi suất thấp trong một thời gian dài. Ở các nước đang lên thì không được tự do như vậy vì lạm phát đã quá cao.

Khi lạm phát tăng lên, các ngân hàng trung ương thường phải tăng lãi suất để thắt tiền tệ chặt lại. Các nước như Nga, Brazil, Indonesia đã bắt đầu làm việc đó. Nhưng khi lạm phát lên tới 10 hay 15% mà lãi suất chỉ tăng lên ở mức 8% thì trong thực tế những người cho vay bị thiệt. Cho vay lấy 10% chẳng hạn, khi lấy tiền về thì giá trị đồng tiền đã giảm mất 15%, chẳng khác gì là cho vay với lãi suất thực là số âm, trừ 5%! Hiện nay lãi suất thực ở Nga là trừ 8%, ở Trung Quốc là âm một phần trăm.

Muốn ngăn bớt áp lực lạm phát thì các nước đang phát triển nên nới lỏng mối ràng buộc với đồng đô la Mỹ, tăng tỷ giá đồng tiền của họ lên. Khi đồng tiền lên giá, hàng nhập cảng bằng mỹ kim khi bán ở trong nước họ sẽ tính giá thấp hơn. Việc nới lỏng liên hệ với mỹ kim cũng giúp cho ngân hàng trung ương các nước này dễ xoay trở hơn, không cứ phải theo sát chính sách tiền tệ của Mỹ. Tức là ngay khi ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất, các nước này không nhất thiết phải theo. Trái lại họ có thể tăng lãi suất nếu cần, để hạn chế số tiền lưu hành, do đó, giảm bớt áp lực lạm phát.

Lời khuyên trên nói thì dễ hiểu, nhưng thực hành thì còn nhiều khó khăn. Trong thực tế, ba năm qua đồng nguyên của Trung Quốc đã tăng giá 18% đối với mỹ kim, nhưng vì mỹ kim xuống giá cho nên Trung Quốc vẫn bị lạm phát đe doạ nặng hơn trước.

Chính sách thay đổi hối suất một cách tiệm tiến có thể đưa tín hiệu nguy hiểm cho thị trường. Khi các nhà đầu tư tin rằng giá đồng tiền Trung Quốc sẽ còn tăng thêm nữa, nhiều người sẽ đem tiền vào Trung Quốc đổi lấy đồng nguyên, đợi mai mốt đồng nguyên lên giá thì tự nhiên có lời. Nhưng khi h5o đổ tiền vào Trung Quốc, chính phủ lại phải “thu mua” những ngoại tệ đó, bơm tiền vào thị trường, khiến mối lo lạm phát càng tăng thêm!

Muốn tránh tai nạn đó, chính phủ nên tăng hối suất thật nhiều trong một lần, để thị trường không còn trông đợi tỷ giá sẽ còn lên nữa. Tuy nhiên, khi thi hành một chính sách như vậy, người ta sẽ phải chịu những hậu quả khác trên việc xuất cảng hàng, tiền vốn trong nước có thể bị khô cạn nếu nhiều người đổi lấy đô la, ngoại tệ rồi rút tiền đem đi nơi khác, nhiều hậu quả có khi không lường trước được. Cho nên các quốc gia đang giữ hối suất cố định không dám thay đổi quá nhanh.

Với rất ít giải pháp có thể đem ra chống với lạm phát một cách nhanh chóng, các nước đang phát triển sẽ còn phải chịu đựng cảnh giá sinh hoạt tăng trong một thời gian khá lâu nữa. Một biện pháp cần thiết là chính phủ bớt chi tiêu đi, cắt bớt ngân sách để giảm số tiền đang chạy trong nền kinh tế. Nhưng không phải chính phủ nào cũng làm được! [ĐQT]

No comments: