Saturday, June 7, 2008

Quốc tế kêu gọi Việt Nam chú trọng chống tham nhũng

Thanh Quang, phóng viên đài RFA
2008-06-07
Các nhà tài trợ quốc tế luôn e ngại tiền viện trợ rơi vào túi tham nhũng, khuyến khích Việt Nam nâng cao vai trò của báo giới trong thông tin chống tham nhũng.


Photo courtesy of VietnamNet

Các nhà tài trợ quốc tế kêu gọi Việt Nam nâng cao nỗ lực chống tham nhũng trong họp bàn đầu tháng 6-2008.

Tại cuộc đối thọai về phòng chống tham nhũng diễn ra hôm Thứ Ba 3-6-2008 giữa các nhà tài trợ quốc tế và những cơ quan phòng chống tham nhũng của Việt Nam, các nhà tài trợ đề nghị Việt Nam tăng cường vai trò của báo chí trên mặt trận phòng chống tham nhũng.

Hiện diện trong cuộc đối thọai này, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng nhấn mạnh chính sách coi trọng báo chí của Việt Nam như là phương cách quan trọng để phòng chống tham nhũng được hiệu quả. Câu hỏi được nêu lên là vai trò của báo chí trong nước có đủ sức hạn chế quốc nạn tham nhũng hay không ? Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, nhà báo tự do Văn Lang ở Sài Gòn nhận xét:

Nhà báo Văn Lang: Tôi thấy vấn đề báo chí Việt Nam họ mạnh hay yếu là đều cũng do chủ trương chung thôi. Tôi nhớ thời điểm khi ông Nguyễn Văn Linh "đổi mới" ở Việt Nam thì cho bật đèn xanh báo chí chống tham nhũng. Lúc đó tờ Tuổi Trẻ của bà Kim Hạnh làm việc rất là dữ. Cái đó là do được sự đồng ý ở bên trên.

Anh phải biết rằng báo chí Việt Nam là do nhà nước bổ nhiệm, từ tổng biên tập cho tới tất cả các phóng viên, thì đương nhiên là họ có một ông chủ mà ông chủ đó muốn báo chí chống tham nhũng thì họ chống tham nhũng; khi ông chủ đó nói là thôi thì chuyện đó ngưng lại - hoặc là vì tranh chấp nội bộ hay là tuyên truyền quảng bá cho bộ mặt của chính thể.

Anh phải hiểu rằng báo chí Việt Nam không có tính độc lập như là báo chí ở các nước Phương Tây, do đó vấn đề chống tham nhũng hay không lại phụ thuộc vào nhà nước. Đó là cái kẹt, bởi vì quan chức nhà nước mới tham nhũng được, chớ còn những tổ chức cá nhân thì không thể làm việc này được.

Cho hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải , báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ cũng phản ứng rất là mạnh, nhưng mà cuối cùng có chỉ thị là không được đăng những bài đó nữa thì tự nhiên họ ngưng lại. Tương tự trong vấn đề tham nhũng, có những giới hạn nào đó mà báo chí không vượt qua được.

Thanh Quang: Trong cuộc họp bàn giữa các nhà tài trợ về chống tham, tất cả các viên chức Hà Lan, Úc, Mỹ, Thuỵ Điển, Anh, Liên Hiệp Quốc được biết đều khẳng định rõ vai trò quan trọng của báo chí trong việc chống tham nhũng và đề nghị là phía Việt Nam phát huy cái vai trò này. Với hiện tình Việt Nam liệu những ý kiến, lời kêu gọi như vậy có được giới cầm quyền ở trong nước thực sự quan tâm không?

Nhà báo Văn Lang: Báo chí không phải là cơ quan quyền lực về mặt tư pháp. Vấn đề chống tham nhũng đụng tới luật, thì đó bên các ngành tư pháp, toà án cũng như cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng họ phải làm việc. Còn báo chí chỉ là một cơ quan có tính chất là hướng đạo công luận vạch thấy rằng tham những là một tệ nạn xấu xa trong xã hội và nó là một tội ác. Báo chí chỉ nằm làm việc trong giới hạn đó thôi. Tôi nghĩ khó mà dùng báo chí để điều tra, để phanh phui tham nhũng, để bắt tham nhũng. Đó là điều không tưởng.

Thanh Quang: Thế thì những cơ quan chức năng nói chung có chống tham nhũng như thế nào? Có hiệu quả hay không?

Nhà báo Văn Lang: Về mặt cơ chế thì tôi thấy rất là khó tại vì , mặc dù cũng có nhiều người có tinh thần đó, nhưng cũng giống như báo chí thì họ cũng nằm trong cái khuôn khổ. Ngành tư pháp cũng đều nằm trong tay đảng và chính phủ, do vậy mà họ rất dễ bị điều động.

Những người muốn chống tham nhũng có thể bị thuyên chuyển công tác. Khi dư luận quốc tế lên tiếng như vậy thì đương nhiên Việt nam cũng muốn có một bộ mặt để cho bên ngoài có thể coi như là một đối tác có thể tin tưởng được, thì họ cũng sẽ như mọi lần làm một số vụ việc gì đó. Nhưng cuối cùng rồi nó cũng sẽ theo thời vụ, qua thời gian nó lại trôi đi.

Mà theo tôi, cần nhất là một ngành chuyên trách về chống tham nhũng, bởi vì tham nhũng nó giống như cỏ vậy, anh phải làm việc thường xuyên, nếu không nó sẽ mọc lên tiếp. Và điều quan trọng là ngành đó nó phải độc lập. Nhưng cái khó là bây giờ người cầm quyền lại vừa được phép đi thanh tra nữa.

Tôi thấy Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, chống tham nhũng sẽ cứ ở trong cái vòng lẩn quẩn đó; tham nhũng, chống tham nhũng, rồi hô hào, v.v. Nói chung tôi thấy cũng có một ít hiệu quả chứ không phải là không, bởi vì nếu không có những phong trào như vậy đó thì nó sẽ càng bi đát hơn nữa. Nhưng về mặt thể chế, về mặt gọi là cái công thức chống tham nhũng thì tôi thấy không hiệu quả lắm.

Thanh Quang: Thực tế là quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn, sự ca thán của người dân, nhất là dân oan, ngày càng nhiều hơn và không được giới hữu trách giải quyết, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra thì có vẻ rầm rộ, rồi xét xử tham nhũng lại không nghiêm minh, liệu cái quốc nạn này rồi sẽ ra sao, thưa anh?

Nhà báo Văn Lang: Tôi thấy nó kẹt như thể vừa đá bóng vừa thổi còi. Chẳng hạn như khi xảy ra tham nhũng ở một Bộ thì Bộ trưởng lại ký quyết định thành lập đoàn thanh tra. Đương nhiên đoàn thanh tra đó không thể lớn hơn Bộ được, do đó chỉ thanh tra những cấp nào nhỏ hơn Bộ và phải được sự bật đèn xanh của một cái bộ chủ quản.

Do vậy không bao giờ đoàn thanh tra dám làm vượt cái quyền hạn của nó, bởi vì nếu không thì nó sẽ bị giải tán ngay lập tức. Cũng tương tự như vậy trên những vấn đề lớn hơn. Thật ra tham nhũng ở cấp độ là quyền lực càng lớn thì tham nhũng càng lớn, do đó muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải có cơ quan chuyên trách vận hành theo luật pháp và không chịu sự chỉ đạo của ai hết, thì như vậy mới có hy vọng. Nhưng tại Việt Nam thì điều đó rất khó xảy ra.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/international_donors_call_for_anti-graft_measures_in_Vietnam_TQuang-06072008112317.html

No comments: