Monday, June 9, 2008

Quốc hội XHCN: do đảng, của đảng, vì đảng

(đánh giá tính chất của quốc hội 12 qua nghị quyết mở rộng thủ đô)
Trần Hiền Thảo, Hà Thị Đông Xuân và nhóm sinh viên

http://ykien.110mb.com/bai0711/bai080608.htm

Quốc hội khoá 12 được bầu bán trong bối cảnh nào ?

Đã gia nhập WTO, đồng thời rêu rao xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự; vậy thì, liệu quốc hội khoá 12 liệu có bớt đi chút nào tính chất là công cụ của đảng?

Ở nước ta, đảng CS luôn luôn nhấn mạnh: Dân là chủ, chính phủ là đầy tớ. Vậy thì, liệu quốc hội khoá 12 có phản ánh đúng như vậy không? Nói khác, liệu các ông đầy tớ có ngang nhiên nhẩy vào ngồi trong quốc hội, chiếm chỗ của dân, hay không?

Nhưng cũng ở nước ta, điều 4 hiến pháp lại quy định đảng độc quyền lãnh đạo (nếu ai đòi bỏ điều này đi, là muốn giết đảng; nếu đảng tự bỏ đi là… tự sát – theo bác Nguyễn Minh Triết). Như vậy, đảng nhảy lên ghế cai trị không phải bằng năng lực và đạo đức, mà bằng một điều luật buộc mọi người phải tuân.

Vậy kết quả bầu quốc hội khoá 12 có gì khác các khoá trước ?

Đòi hỏi của dân

Khi chuẩn bị bầu quốc hội khoá này, báo chí cả nước đã đăng tải số ý kiến áp đảo về những đòi hỏi:

Phải mở rộng quyền tự do ứng cử. Chuyện này đâu có gì mới, vì hiến pháp từ năm 1946 đã ghi như vậy rồi. Nhưng trong đợt 1 “hiệp thương” vừa qua (xin cứ hiểu chính xác là bàn nhau chuyện chia chác ghế ở cấp chóp bu) thì kết quả không còn chỗ cho người tự ứng cử nữa. Co kéo mãi, qua mấy lần “hiệp thương” sau, rốt cuộc số người ứng cử tự do chỉ được “duyệt” có 30 (trong số 230 đơn xin), nghĩa là chỉ chiếm 3% số người trong danh sách (!).

Chuyện vui khó cười này sẽ được mọi người nhớ lâu cho tới lần bầu sau, để so sánh.
Phải buộc ứng cử viên có chương trình hành động, mà không được phép chỉ nêu vài dòng tiểu sử, rồi yên chí sẽ… trúng cử (!). Rốt cuộc, chẳng thí sinh nào cần nộp bài, mà 99,8% vẫn qua được cái kỳ thi hết sức tốn kém cho công quỹ này.

Chuyện cười phát rầu này sẽ được mọi người nhớ lâu cho tới lần bầu sau, để so sánh.

Phải bớt tỷ lệ đảng viên trong danh sách ứng cử. Thật vô lý khi tỷ lệ đảng viên chỉ là 3,5% dân số mà ngang nhiên chiếm xấp xỉ 90% số ghế ở cơ quan đại diện dân (!). Rốt cuộc, sau khi bầu, đảng viên trong quốc hội khoá 12 không những dưới mà còn chiếm trên 90% số ghế.

Chuyện tếu muốn mếu này sẽ được mọi người nhớ lâu cho tới lần bầu sau, để so sánh.

Phải bớt thành phần “đầy tớ” lọt vào hàng ngũ những người đại diện ông chủ. Nhiệm vụ của mặt trận TQ và các đoàn thể là phải nói rõ với cử tri như vậy để họ thẳng tay gạch bỏ những người đã là đầy tớ (nhiệm vụ đá bóng) lại muốn vào quốc hội (nhiệm vụ trọng tài, thổi còi). Rốt cuộc, số đầy tớ chui vào hàng ngũ đại diện chủ đã chiếm tới 70%. Những đầy tớ “gộc” như thủ tướng, phó thủ tướng, đa số bộ trưởng… đều ngang nhiên lọt vào QH, cùng với vô số cấp dưới của họ. Rất dễ thấy là đa số “đại biểu” ắt là phải răm rắp tuân theo ý kiến của các vị đầy tớ đầy quyền uy này.

Chuyện tiếu lâm phát khóc này sẽ được mọi người nhớ lâu cho tới lần bầu sau, để so sánh.
Phải có tỷ lệ cao đại biểu chuyên nghiệp. Rốt cuộc, họ chỉ chiếm chưa tới 30% (chính xác là 27%). Và lần bầu này có tới 2/3 số đại biểu là mới, nghĩa là sẽ bỡ ngỡ, rụt rè, nghe ngóng, hơn là thảo luận, chất vấn.

Chuyện hài hước muốn xỉu này sẽ được mọi người nhớ lâu cho tới lần bầu sau, để so sánh.
Liệu những đòi hỏi trên có gì là không chính đáng ? Có gì đáng gọi là “phản động” hoặc do các “thế lực thù địch” nêu lên ?

Bài bản của đảng

Làm thế nào mà đảng tạo ra một quốc hội “vừa ý” như trên ?

Rất đơn giản, nhưng cực kỳ hiệu quả. Rất có vẻ dân chủ nhưng cực kỳ lộ liễu sự độc đoán. Chỉ cần 3 bước:

Tạo ra một danh sách ứng cử vừa ý đảng; số ứng cử viên đóng vai “quân xanh” không chiếm quá 15 - 20% danh sách (để khỏi phải bầu lại lần 2);

Lùa toàn dân đi bầu, càng đông càng bịp được toàn dân và quốc tế về bầu cử dân chủ (nhưng cho phép thả cửa “bầu thay, bầu hộ” nhau);

Kiểm phiếu bí mật, độc quyền công bố kết quả.

Quả nhiên, vừa mới bầu xong, bác Đức Mạnh và bác Thế Duyệt đã xoa tay tuyên bố trong hội nghị đảng và hội nghị mặt trận là “thành công”. Điều này cũng cần nhớ lâu.

Đoán sai kết quả bỏ phiếu về Mở rộng thủ đô

Thủ đô Hà Nội cần mở rộng là chuyện tất nhiên. Thực trạng là đồng bào ven đô đang ngày đêm tự phát nống ra tứ phía, bất chấp quy hoạch và kế hoạch. Nhưng mở rộng đến mức thôn tính cả hà tây lại là chuyện khác. Đặc biệt, cái kiểu đảng coi thường quốc hội thì (mọi lần đều êm xuôi, nhưng) lần này bị “mắc”. Cái quốc hội vừa ý đảng này đã phản ứng khá dữ, khá sát với dư luận trong dân.

Phản ứng càng mạnh lên khi ông quan đầu tỉnh của Hà Nội nói rằng “việc đã quyết” thì cứ thế mà thực hiện, sao còn phải thảo luận?. Nhưng hoá ra, đây mới chỉ là chuyện “quyết” của riêng ông thủ tướng khi họp với Hà Nội mà thôi, chứ hoàn toàn chưa được QH (của đảng) thông qua. Một vị bộ trưởng khác khi báo cáo trước quốc hội về sự chuẩn bị của chính phủ thì quá sơ sài, lại còn đem ngoáo ộp ra doạ (rằng: bộ chính trị đã “quyết” rồi đấy nhé). Ý kiến trên báo chí cũng sôi sục, nhất là trong bầu khí quyển rất nóng do lạm phát và suy thoái kinh tế, chính phủ lộ rõ sự kém cỏi về năng lực.

Nội dung cá độ là: Liệu sẽ có bao nhiêu % phiếu thuận ở quốc hội về chuyện mở rộng thủ đô? Nhóm chúng tôi đã hỏi hàng mấy trăm bạn bè, kết quả là:

Trên 90% số bạn cho rằng với cái quốc hội “đa số sợ đảng” này thì nghị quyết tất nhiên sẽ được thông qua mà thôi. Thực ra, số người phản đối hăng nhất chỉ chiếm rất thiểu số. Lùi thời điểm bỏ phiếu chính là để các vị đầy tớ “gộc” doạ dẫm bọn đầy tớ lau nhau dưới quyền mình.

Tóm lại, tuyệt đa số sinh viên hiểu rõ bản chất cái quốc hội này rồi.

Tỷ lệ phiếu thuận (thông qua) được đa số các bạn dự đoán chỉ khoảng 70 hay 80% là cùng. Đó là do mọi người dựa vào phản ứng của dân. Ví dụ, đã có chuyện tiếu lâm là sắp tới đây ông chủ tịch thủ đô sẽ mở đầu diễn văn: “thưa đồng bào các dân tộc của thủ đô nước CHXHCNVN”. Dự đoán này sai. Thực tế có tới 92% bỏ phiếu thuận.

Quốc hội được bầu bán kiểu này muôn năm không phản ánh ý dân.

Mời các bạn bàn tiếp chuyện “chọn con đường”.

http://www.doi-thoai.com/baimoi0608_146.html
http://www.doi-thoai.com/DienDanThaoXuan.html

No comments: