Thursday, June 26, 2008

Ảo ảnh đầu tư nước ngoài

Ảo ảnh đầu tư nước ngoài
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA
2008-06-26






Tuần qua thị trường chứng khoán Trung Quốc lại tuột giá mất 60% từ đỉnh cao vào tháng 10 năm ngoái; nội sáu tháng thì mất 50% trị giá. Khi thế giới thấy ra sự bất trắc của kinh tế Trung Quốc, một số dư luận cho là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sẽ rút khỏi Hoa Lục để chảy vào xứ khác, như Việt Nam.

Môi trường đầu tư Việt Nam đã đủ sức thu hút và giữ chân các công ty nước ngoài? AFP PHOTO Diễn đàn Kinh tế sẽ phân tích hy vọng đó qua phần trao đổi sau đây của Việt Long với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.


Những chuyển động từ Trung Quốc
Việt Long: Thưa ông, câu hỏi đầu tiên là giới đầu tư có thật rút khỏi Trung Quốc không?Nếu đúng vậy thì tại sao? Phải chăng thế giới bắt đầu thấy Trung Quốc tuột đỉnh như ông phân tích trong chương trình tuần trước?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa chưa hẳn vậy. Chúng ta cần thận trọng khi nói về nguyên nhân của các chuyển động lớn vì còn cái duyên, theo kiểu ta hay nói trên diễn đàn này, là thời điểm khi nào xảy ra, vì sao...
Đầu tiên, khi nói đến đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trung Quốc, ta nên phân biệt ba loại. Thứ nhất từ Tây phương thì số lượng không thay đổi nhiều sau khi xứ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Thứ hai là nguồn đầu tư từ các lân bang Đông Á, thì quả là có tăng và nay bắt đầu giảm. Thứ ba là nguồn tài sản từ các doanh nghiệp Trung Quốc được lập ra ở bên ngoài để tìm mối lợi về thuế vụ và đầu tư ngược vào trong. Khoản tiền ấy cũng giảm và là mặt thật của nạn tẩu tán tài sản mà diễn đàn này cũng đã phân tích từ năm ngoái.


Theo bộ Thương mại Trung Quốc, trong bốn tháng đầu năm 2008, đầu tư nước ngoài được thực hiện đã lên tới 35 tỷ đô la, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng thực tế thì số dự án đầu tư được chấp thuận đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức là chiều hướng rút chạy mới chỉ manh nha, nhưng có thể gia tăng trong thời gian tới.


Việt Long: Nhưng vì sao lại có hiện tượng rút vốn đó?
Bây giờ, khi Việt Nam cần đầu tư quốc tế thì ép công nhân khiến họ phải đình công biểu tình, nhưng sau này cũng sẽ lại áp dụng bài bản Trung Quốc để dùng công đoàn ép doanh nghiệp. Nhìn về dài, rời Hoa Lục mà vào Việt Nam thì cũng như bước vào một tỉnh lạc hậu của Trung Quốc với cùng luật chơi.


Nguyễn Xuân Nghĩa: Tùy theo xuất xứ mà ta có thể tìm ra nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất là tư bản nội địa là các đại gia có chức có quyền đã hết tin vào kỳ vọng sinh lời tại Hoa Lục.


Thứ hai, đầu tư Đông Á và Tây phương cũng bắt đầu hoài nghi thị trường này vì nhiều lý do.
Lý do đầu tiên là bất ổn chính trị trong nội bộ khiến lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu có ý đổ lỗi cho tư bản và doanh nghiệp nước ngoài về khó khăn xã hội bên trong. Một thí dụ điển hình là họ dùng luật lệ lao động và công đoàn quốc doanh để gây sức ép với doanh nghiệp ngoại quốc. Lý do thứ nhì là vì mức sống có cải thiện tại các tỉnh duyên hải, lương bổng tăng làm lợi thế nhân công rẻ mất dần giá trị, trong khi ấy những đòi hỏi của công nhân về điều kiện lao động an toàn và lành mạnh hơn đã gây nhiều tranh chấp hơn trước.


Lý do thứ ba thuộc về thời điểm là hàng loạt vấn đề mới. Từ đầu năm 2006, Trung Quốc có nâng tỷ giá Nhân dân tệ và xiết chặt luật lệ đầu tư hầu tránh nạn đầu cơ tài chánh của luồng tiền nóng dư dôi đã khai thác việc đồng bạc lên giá. Kế đó, Trung Quốc cũng giảm đặc miễn thuế vụ cho loại dự án ít giá trị gia tăng. Sau cùng, nạn nguyên nhiên vật liệu lên giá khiến sản xuất có thể bị gián đoạn vì thiếu điện và mai này sẽ còn tốn kém hơn vì hết trợ giá xăng dầu.

Công nhân Việt Nam tại nhiều nơi, từ Bắc chí Nam vẫn tiếp tục đình công để đòi hỏi công ty giải quyết vấn đề lương bổng thấp, cải thiện điều kiện làm việc, cũng như phản đối cách cư xử của giới chủ nhân. RFA file photo. Ngần ấy yếu tố tác động trước hết vào các cơ sở đầu tư hay thu mua nhỏ lẻ. Mai này có thể chi phối cả các công ty lớn, như Wal-Mart hay Home Depot, khi đó nạn tháo chạy ào ạt sẽ xảy ra. Cũng cần nói ngay là một số vấn đề Trung Quốc đã gặp thì hiện cũng có tại Việt Nam, chưa kể tâm lý khủng hoảng đang tràn lan thị trường Việt Nam. Vì vậy, câu trả lời ngắn gọn là mình đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào nguồn tiền từ Trung Quốc sẽ chảy vào nước ta.


Cơ hội cho Việt Nam?
Việt Long: Xin đi qua phần hai: ông có nói đến nhân và duyên hoặc những chuyển động xa hay gần là tùy thời điểm. Trong một giả thuyết lạc quan thì nếu vượt qua được sóng gió hiện tại, liệu Việt Nam có thể là nơi thu hút khối lượng đầu tư đang rút khỏi Trung Quốc không?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là có, mà không nhiều, nhưng lại là nguy cơ lâu dài nếu lãnh đạo Hà Nội ước mơ điều ấy khi thấy nhập siêu tiếp tục tăng, trong sáu tháng đầu năm đã lên tới gần 17 tỷ đô la.


Lý do thứ nhất là vì lạc quan với viễn ảnh hội nhập WTO, năm ngoái đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam có tăng gấp đôi so với năm kia. Rồi số cam kết trong sáu tháng đầu năm nay đã lên tới gần 32 tỷ, hơn cả năm 2007 tới 10 tỷ. Nhưng, tiến độ thực hiện các dự án thì vẫn chậm như cũ nên Việt Nam mới chỉ sử dụng được chừng một phần ba, là cỡ bảy tỷ đô la số cam kết năm ngoái. Tức là thiên hạ hồ hởi gom tiền mà Việt Nam vẫn chậm lụt. Vì vậy, nếu đầu tư nước ngoài mà có rút khỏi Trung Quốc và tràn vào Việt Nam thì chưa chắc xứ này đã kịp nuốt trôi, và nếu không trôi thì sẽ ộc qua ngả khác thành lạm phát.


Việt Long: Khi ông nói "thứ nhất" thì nghĩa là còn có nhiều yếu tố khác cũng đáng kể phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ hai là Việt Nam nuôi hy vọng thay thế Trung Quốc vì lương bổng rẻ, chứ nhiều xứ nghèo hơn cũng có thể nuôi hy vọng đó. Nếu Bangladesh với dân số 150 triệu cũng xếp hàng chờ đợi thì lợi thế lương bổng rẻ của Việt Nam có thể tiêu hao, cho nên xin đừng vội lạc quan!


Thứ ba, xã hội và môi trường đầu tư Việt Nam không khác gì Trung Quốc với ngần ấy tệ nạn tham nhũng hay ách tắc vì luật lệ rườm rà. Cả hai đều có thói chung là đề cao tinh thần dân tộc, sai khiến báo chí và sử dụng công đoàn quốc doanh làm võ khí bắt ép đầu tư. Bây giờ, khi Việt Nam cần đầu tư quốc tế thì ép công nhân khiến họ phải đình công biểu tình, nhưng sau này cũng sẽ lại áp dụng bài bản Trung Quốc để dùng công đoàn ép doanh nghiệp. Nhìn về dài, rời Hoa Lục mà vào Việt Nam thì cũng như bước vào một tỉnh lạc hậu của Trung Quốc với cùng luật chơi là không có nghiệp đoàn tự do hay công đoàn độc lập. Mà yếu tố ấy vẫn chưa là căn bản.


Việt Long: Sau khi nêu ra ba bốn yếu tố bi quan, ông còn nói rằng đấy chưa là vấn đề cơ bản! Chẳng lẽ còn nhiều lý do kém lạc quan hơn hay sao?


Giải pháp lâu dài - mà vì lâu dài nên phải khởi sự ngay - là chú trọng tới phẩm hơn lượng. Cụ thể là nâng cao tay nghề của nhân công và trình độ chuyên môn của kỹ sư Việt Nam, là ưu tiên đầu tư vào giáo dục và đào tạo, hơn là vắt lương thợ để kiếm lời.


Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thật không thích xối nước vào đám rước nhưng mình vẫn phải nói ra vài ba điều kém vui. Nhật Bản là chủ nợ và chủ đầu tư đáng kể tại Đông Á nên từ năm ngoái đã nghiên cứu kỹ việc chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam là điều mà diễn đàn này đã nói tới với nhiều hy vọng. Gần đây, cơ quan khuếch trương ngoại thương Nhật, mà thế giới quen gọi tắt là JETRO, vửa công bố kết quả khảo sát ý kiến doanh nhân của họ về triển vọng làm ăn tại Việt Nam.


JETRO báo cáo là năm 2006, tỷ lệ ủng hộ việc làm ăn tại Việt Nam lên tới cao điểm là 75,4%. Qua năm 2007, khi Việt Nam ăn mừng việc gia nhập WTO, tỷ lệ đó chỉ còn là 41,7%! Mà đấy là kết quả khảo sát ý kiến doanh gia Nhật trước khi khủng hoảng hoành hành tại Việt Nam và lý do chính khiến họ bớt tin tưởng là vì ách tắc hành chính quá lớn và rất bất nhất tùy tiện của Việt Nam, theo ý kiến của họ thì còn khó lường hơn Trung Quốc! Mà nhìn trong trường kỳ thì đấy vẫn chưa phải là chuyện đáng ngại nhất.


Hỏi: Ông nêu ra rất nhiều yếu tố cản trở mà vẫn kết luận là chưa đáng ngại nhất! Nếu vậy, còn lý do gì khác khiến Việt Nam không nên "hồ hởi sảng" như ông thường nói?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Lý do đáng ngại nhất là khả năng hấp thụ tư bản để sinh lời, yếu tố chính là giới đầu tư ngoại quốc nghĩ khác với lãnh đạo Việt Nam.


Nói về sức hấp thụ, thì Trung Quốc nhận được cỡ 84 tỷ đẩu tư nước ngoài cho một dân số một tỷ ba, gấp 15 lần Việt Nam trên một diện tích rộng gấp 33 lần. Cùng lúc đó, Việt Nam nhận được 23 tỷ cho dân số 85 triệu trên mảnh đất nhỏ hơn Hoa Lục. Về địa dư và dân số, trung bình một người Việt nhận được đầu tư nước ngoài là 270 đồng, gấp bốn người Hoa trên diện tích bằng 3% diện tích Trung Quốc. Một lối so sánh khác thì đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc ở quãng 3% tổng sản lượng nội địa GDP, chưa bằng một phần ba tỷ lệ của Việt Nam. Đây là chưa nói tới đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng phiếu Việt Nam, cũng lên tới gần 9% GDP và đã thổi lên lạm phát và đầu cơ vì hối suất quá rẻ của Việt Nam. Mật độ rất cao của Việt Nam là ảo giác nguy hại vì tư bản trút vào quá nhiều mà không hấp thụ nổi để đưa vào sản xuất thì sẽ chảy qua đầu cơ.


Nói về tính toán kinh doanh, nếu muốn vào Việt Nam lập hậu cứ chế biến và tái xuất khẩu ra ngoài thì làm sao nhà đầu tư có thể sinh lời nhiều trên một khu vực có hạ tầng cơ sở vật chất thô thiển, hạ tầng luật lệ nhiêu khê như vậy? Diễn giải cho dễ hiểu hơn thì đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam đã quá nhiều nên sớm bão hoà. Cho nên chưa chắc là các đại gia về phân phối hay chế biến như Wal-Mart hay Procter &Gamble sẽ rời Trung Quốc để dồn dập đổ bộ vào Việt Nam. Đây rõ ràng là chuyện lượng kém phẩm.


Các giải pháp cần có
Việt Long: Chúng ta đang đi vào đoạn kết. Nếu triển vọng tiếp nhận đầu tư của Việt Nam thật ra lại thiếu sáng láng như vậy thì, thưa ông, đâu là giải pháp cho Việt Nam?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước mắt, chúng ta đừng rót nước đường cho nhau uống mà nên hiểu tâm lý của giới đầu tư. Tất cả tùy vào năng suất: cùng một đồng đầu tư vào một người trên một mét vuông, nơi nào sinh lợi cao nhất thì họ tìm đến. Dựa vào lợi thế nhân công rẻ và ép lương thợ thuyền để chiêu dụ đầu tư vào ngành ráp chế thì Việt Nam thi hành một chính sách bất công và không bền vì các xứ nghèo hơn cũng sẽ làm như vậy. Chung cuộc thì vẫn không có "sản phẩm của Việt Nam" mà chỉ có sản phẩm "chế tạo tại Việt Nam", mai này sẽ ráp chế tại nơi có lương rẻ hơn.


Giải pháp lâu dài - mà vì lâu dài nên phải khởi sự ngay - là chú trọng tới phẩm hơn lượng. Cụ thể là nâng cao tay nghề của nhân công và trình độ chuyên môn của kỹ sư Việt Nam, là ưu tiên đầu tư vào giáo dục và đào tạo, hơn là vắt lương thợ để kiếm lời.


Việt Long: Rõ ràng là ông đang trình bày một cách nhìn khác về đầu tư.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng thế, một cách nhìn và cách sống khác. Hãy nhớ tới hai trung tâm thu hút đầu tư rất lớn trên diện tích rất nhỏ với dân số cực thấp như Hong Kong hay Singapore.


Sàigon đã mất vị trí xứng đáng của mình cho Singapore và nay lệ thuộc vào giới đầu tư quốc tế có trụ sở tại đấy, trên một lợi thế đau buồn là nhân công của ta rẻ hơn của họ! Nhân công của ta làm thợ, của họ làm thầy, và họ làm chủ, chỉ chia lời cho lãnh đạo là xong. Mức lời giảm là họ bỏ đi nơi khác.Nếu nhìn lại cho rõ, ta nên thấy môi trường kinh doanh tự do trong sạch với nguồn nhân lực có kiến thức và năng suất cao khiến hai nơi đó tiếp nhận đầu tư và trở thành trung tâm kinh doanh và dịch vụ mà ai cũng muốn bảo vệ để kiếm lời. Người dân hai nơi đó cũng không là lao nô hay mại bản cho thiên hạ tùy ý sai xử hay hành hạ. Vì vậy, Việt Nam cần thoát khỏi ảo ảnh đầu tư ngoại quốc và nhất là đừng quên nội lực đích thực là trí não và tay nghề của người dân

No comments: