Ngô Nhân Dụng
Sau khi lãnh những cuộc biểu tình chống đối ở Washington, phái đoàn Nguyễn Tấn Dũng bay qua Texas. Texas là trung tâm dầu lửa của Mỹ, trong phái đoàn Nguyễn Tấn Dũng có ông Võ Hồng Phúc, bộ trưởng kế hoạch và đầu tư, vốn là người sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đã tiếp thu ủy ban dầu lửa của Việt Nam Cộng Hòa.
Tại Washington ông Nguyễn Tấn Dũng đã tới Bộ Thương Mại chứng kiến việc ký hợp đồng đầu tư vào Việt Nam của các công ty Mỹ như Motorola, Alcoa. Ðây chỉ là một màn biểu diễn, vì thường một công ty quyết định đầu tư ở nước nào cũng không cần một ông thủ tướng nước đó bay sang tận nơi để dự “lễ” ký kết! Khi công ty Intel quyết định bỏ vốn một tỷ vào Việt Nam có nghi lễ long trọng nào đâu? Nhưng vì trước chuyến đi này không đạt được một thỏa thuận nào quan trọng với Mỹ, như hưởng quy chế chính phủ Mỹ miễn thuế quan cho hàng nhập cảng từ các nước còn nghèo, cho nên Nguyễn Tấn Dũng phải bầy ra một cái “lễ” cho đẹp mặt!
Nhưng các công ty trên sau cùng có bỏ vốn, và bỏ bao nhiêu vốn vào nước ta, đó lại là chuyện họ sẽ xét sau! Năm ngoái khi môi trường đầu tư còn nhiều hứa hẹn tốt, các công ty ngoại quốc chỉ bỏ tiền vô bằng một nửa số tiền họ dự tính. Năm nay tình hình kinh tế xấu hơn. Các công ty tư bản trước khi bỏ tiền thật vô, họ đều xem xét rất kỹ khả năng sinh lợi. Trước khi Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ, các công ty cố vấn đầu tư quốc tế đã hạ thấp điểm về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Có công ty cố vấn còn tiên đoán Việt Nam sẽ rơi vào cảnh khủng hoảng tiền tệ và ngân hàng. Một yếu tố khiến họ lo ngại chính là kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, nhiều dấu hiệu thấy trầm trọng hơn tình cảnh Thái Lan trước cuộc khủng hoảng năm 1997.
Mức lạm phát ở Việt Nam lên tới hơn 25% trong Tháng Năm, rồi lên gần 27% trong Tháng Sáu. Cán cân thương mại thâm hụt gấp ba lần năm trước, thị trường chứng khoán tụt giảm hơn một nửa trong vòng 5 tháng. Những nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài cũng đều phải lo lắng, khi thấy người dân không tin tưởng tương lai nên không muốn giữ đồng tiền nữa. Trước đây ba tháng ở Việt Nam các công ty nước ngoài muốn đổi đô la Mỹ lấy đồng bạc đã bị từ chối vì ngân hàng hết tiền mặt. Bây giờ thì đô la Mỹ lại đắt giá. Tình trạng lên xuống linh tinh này là do những chính sách quái gở trái ngược nhau do Bộ Tài Chánh và Ngân Hàng Trung Ương của ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra. Ai muốn tỏ ra tin tưởng ở một chính quyền như vậy?
Từ hai tháng nay giá trị đồng tiền tụt xuống, dân đem tiền đi đổi lấy những thứ không sợ mất giá: Nhà nghèo lo mua gạo, mua xăng; nhà giầu mua vàng, mua đô la. Không ai biết chính sách của nhà nước mai mốt sẽ thế nào cho nên ai cũng hoang mang. Ðầu Tháng Sáu, ông thủ tướng tuyên bố long trọng sẽ không cho phá giá đồng bạc. Một tuần sau, đồng bạc bị phá giá thật. Nhưng trong khi thị trường chợ đen mua Mỹ kim với giá cao 15%, 18% trên giá chính thức, thì nhà nước chỉ cho phá giá nhè nhẹ, 2% thôi. Ai cũng biết đó là muối bỏ biển, không thay đổi được tâm lý lo sợ của người dân và giới kinh doanh. Cho nên người ta đoán tiền Việt Nam sẽ còn mất giá nữa. Chính sách bưng bít tin tức càng gây thêm hoang mang.
Tuần trước, các ông bộ trưởng tài chánh và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương đã phải họp báo để công bố số dự trữ ngoại tệ của cả nước, gần 21 tỷ Mỹ kim. Sở dĩ họ phải họp báo long trọng như vậy, thay vì loan tin một cách bình thường như các nước khác, là vì giới tài chánh quốc tế đang nghi ngờ không biết Việt Nam có ngoại tệ để các công ty nhập cảng mua hàng và trả nợ hay không.
Ở nước khác, chỉ cần một bản tin kinh tế hàng ngày cũng đủ loan báo cho công chúng biết trong nước có bao nhiêu tiền dành dụm. Những người quan tâm muốn biết cán cân chi phó một nước có thể tìm trong trương mục của Ngân Hàng Trung Ương nước đó mở tại Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế ở Basel, Thụy Sĩ. Nhưng chẳng ai quan tâm đến một “nền kinh tế nhỏ” để mất công tìm tòi như vậy, chính các nước đó phải công bố cho người ngoài biết thường xuyên, cho người ta khỏi hoang mang. Một nhà kinh tế ở Singapore nhận xét, khi nhà nước Việt Nam chậm trễ trong việc thông tin về ngoại tệ dự trữ, thì dư luận bên ngoài sẽ đoán tình trạng đã đến mức xấu nhất cho nên phải che giấu. Xấu nhất là thế nào? Là lo rằng quốc gia này không còn ngoại tệ để trả nợ nữa! Ðó là lý do mấy người nắm quyền cao nhất nước về kinh tế, tài chánh phải họp báo, chỉ để công bố một con số trên 20 tỷ Mỹ kim! Nhưng người ta vẫn lo vì bên cạnh con số đó, các con số khác cho thấy tiền chạy vào trong nước rất thấp trong khi tiền chi ra càng ngày càng tăng lên.
Mức khiếm hụt trong cán cân chi phó của Việt Nam, tức là số ngoại tệ xuất ra vượt trên số tiền đi vô, đang phồng lên rất nhanh. Năm 2007, cho đến tháng Mười Một, cán cân chi phó chỉ thâm thủng một số bằng 3% tổng sản lượng nội địa (GDP). Năm nay chưa đầy nửa năm đã thâm thủng đến mức lớn bằng 13% của GDP, tỷ lệ cao gấp 4 lần năm ngoái. Tự nhiên người ngoài thấy đều lo lắng không biết từ đây tới cuối năm sẽ còn hụt thêm bao nhiêu nữa.
Ai cũng biết so sánh, vào năm 1997, trước khi Thái Lan lâm vào cuộc khủng hoảng tiền tệ, cán cân chi phó của họ chỉ thâm thủng dưới 7% của GDP mà đã gây ra cảnh các ngân hàng ngoại quốc không cho vay nữa, họ rút tiền ra, từ đó dẫn tới cơn suy sụp. Vào giữa Tháng Tư năm 2008, ông Lê Xuân Nghĩa, giám đốc nha chiến lược phát triển trong Ngân Hàng Nhà Nước (tức Ngân Hàng Trung Ương của Việt Nam) đã cảnh cáo rằng cảnh khiếm hụt trong cán cân chi phó có thể gây ra khủng hoảng kinh tế. Báo Thanh Niên ở Sài Gòn loan tin lời tiên đoán này vào ngày 20 Tháng Tư, trước khi con số thâm thủng 13% GDP được công bố. Vào lúc ông Nghĩa nói câu trên, khiếm hụt thương mại, tức là số tiền trả cho hàng nhập cảng cao hơn tiền thu vào nhờ xuất cảng, mới lên tới gần 7 tỷ rưỡi đô la. Sau hai tháng, cán cân thương mại thâm thủng tăng thêm 7 tỷ Mỹ kim nữa!
Ðó là một lý do gây ra mối lo ngại thiếu ngoại tệ. Thâm thủng mậu dịch của một nước thường được bù đắp bằng những món nợ ngắn hạn. Trừ nước Mỹ, thương mại khiếm hụt được bù đắp bằng những món đầu tư dài hạn, vì thế giới vẫn coi Mỹ là nơi đầu tư có lợi lâu dài. Với tốc độ thâm thủng thương mại tăng nhanh như ở Việt Nam, những người bỏ tiền vào phải lo lắng không biết mai mốt còn ai sẽ cho các xí nghiệp và ngân hàng bản xứ vay nữa hay không? Nếu họ ngưng lại không cho vay thêm, có lúc nước này sẽ không còn tiền trả nợ!
Các công ty Việt Nam cũng phải lo khi trong nước thiếu tiền. Vì trong công việc ngoại thương người ta luôn luôn phải “vay ngắn hạn.” Một công ty nhập cảng cần đặt mua hàng không phải lúc nào cũng sẵn tiền mặt để trả, phải xin mua chịu. Nhà nhập cảng Việt Nam sẽ nợ công ty ngoại quốc bán hàng, dăm ba tháng sẽ thanh toán. Một nhà sản xuất mua nguyên liệu, nhiên liệu, phải vay tạm ngân hàng để thanh toán cho công ty ngoại quốc. Nếu những người bán hàng và ngân hàng nước ngoài thấy một nước có vẻ sẽ thiếu đô la thì người ta ngần ngại không muốn bán chịu và không muốn cho các xí nghiệp nước đó vay tiền nữa. Khi đó, muốn mua hàng thì đành phải trả giá đắt hơn hoặc đi vay với lãi suất cao hơn! Tức là các công ty và ngân hàng ở Việt Nam gặp khó khăn.
Nhưng thật sự Việt Nam có thiếu ngoại tệ hay không? Một chuyên viên kinh tế của ngân hàng ING ở Singapore, ông Tim Condon cho biết là trong 4 tháng đầu năm 2008 Việt Nam đã nhập cảng 43 tấn vàng, tính ra chừng một tỷ Mỹ kim. Nhưng theo báo Tuổi Trẻ vào giữa Tháng Tư thì số vàng nhập cảng đã lên tới 50 tấn, trị giá chừng một tỷ rưỡi đô la. Tức là chỉ 4 tháng đầu năm nay, mỗi tháng Việt Nam vẫn chi Mỹ kim ra để mua vàng. Trong số vàng nhập cảng đó, một số rất lớn là để biến thành vàng thẻ đem bán lẻ! Trước khi đi Mỹ, ông Dũng ra lệnh cấm nhập cảng vàng! Nhưng con đường nhập cảng lậu qua biên giới Hoa Việt làm sao ngăn cấm được?
Dùng ngoại tệ để mua máy móc, thiết bị và nguyên liệu, nhiên liệu thì còn sử dụng để dùng trong quá trình sản xuất thì tạo ra hàng hóa khác, tạo ra công việc làm. Khi nhập cảng vàng thì chỉ tăng công việc cho các công ty vàng và một số nhỏ những nhà làm nữ trang. Và mua vàng vào trong nước sẽ giúp công tác “dấu tiền, cất tiền” dễ dàng hơn cho các người giầu tiền, trong đó có những tay tham nhũng! Khi họ nhìn thấy đồng đô la Mỹ xuống giá liên tục, họ thấy để dành tiền bằngMmỹ kim không có lợi bằng đi mua vàng; vì trong lúc Mỹ kim xuống giá thì vàng lại càng lên giá! Những nhà tư bản đỏ và guồng máy tham quan của đảng đã đóng vai trò nào trong hiện tượng nhập cảng vàng ồ ạt này, chỉ có đảng cộng sản biết thôi! Nhưng nhu cầu nhập cảng vàng lên vọt là một nguyên nhân “nhân tạo” khiến cán cân thương mại khiếm hụt nặng hơn, gây thêm lo lắng cho các nhà đầu tư ngoại quốc.
Theo nhật báo Finanical Times, trong mấy tháng qua Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất thế giới trong việc tiêu thụ “vàng thỏi” (gold bullion), cao hơn cả Ấn Ðộ và Trung Quốc. Hai nước này có hàng tỷ dân và dân chúng họ cũng rất thích để dành tiền bằng đồ trang sức bằng vàng, nhưng lại thua 85 triệu dân Việt Nam! Báo FT nghe các nhà buôn vàng ở Hồng Kông cho biết nhu cầu mua vàng của Việt Nam tăng vọt trong mấy tháng gần đây, từ khi giá vàng lên trên 1,000 Mỹ kim một “troy ounce” (mỗi đơn vị vàng bằng khoảng 37 gram).
Hội Ðồng Vàng Thế Giới (World Gold Council) cho biết trong ba tháng đầu năm 2008 số vàng Việt Nam nhập cảng tăng thêm 71% so với cùng quý đầu năm 2007! Trong đó, loại vàng thỏi đã tăng hơn gấp đôi, 110%! Số tiền Việt Nam chi để mua vàng từ đầu năm tới nay đã lên tới 1.7 tỷ Mỹ kim, cao hơn số tiền nhập cảng vàng cho cả năm 2007 chỉ có 1.6 tỷ! Chính khối tiền lớn chạy ra nước ngoài để mua vàng đã góp phần làm cho trong 6 tháng đầu năm nay số tiền Việt Nam chi về nhập cảng tăng 64% so với năm ngoái. Trong khi đó tiền thâu nhờ xuất cảng chỉ tăng 27%. Cán cân thương mại khiếm hụt trên 17 tỷ Mỹ kim trong 6 tháng con số do báo Lao Ðộng loan theo tin từ Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư.
Cán cân thương mại thâm thủng quá nhanh so với tổng sản lượng nội địa khiến các nhà đầu tư ngoại quốc lo lắng cho tình trạng kinh tế Việt Nam. Nếu giới đầu tư Mỹ tỏ ra ngần ngại trước những lời mời chào của phái đoàn Nguyễn Tấn Dũng, đó là trách nhiệm của bộ máy lãnh đạo kinh tế của đảng cộng sản.
Người ngoài cũng phải hỏi: Bộ máy cai trị của đảng cộng sản có quan tâm đến đời sống người dân bình thường; hay họ chỉ lo cho các quan chức tham nhũng và các nhà tư bản đỏ? Ðó không phải là một câu hỏi nhỏ đặt ra trong lúc này thôi, mà là một vấn đề lớn lao, lâu dài.
Các nhà đầu tư thường tính chuyện lâu dài, chỉ có những tay đầu cơ mới tính kế chụp giật. Cho nên muốn chinh phục giới đầu tư quốc tế thì không thể dựa trên những biện pháp gấp gáp kiểu tăng lãi suất từ 12 lên 14 rồi lên 18%, hoặc hạ giá đồng tiền 2%, cấm nhập cảng vàng trong mấy tháng. Muốn chinh phục niềm tin của giới đầu tư quốc tế, phải chứng tỏ Việt Nam có một chính quyền lo cho dân chứ không phải chỉ lo cho một phe đảng của mình! Tức là phải cải tổ căn bản về chính trị, để người cầm quyền trực tiếp chịu trách nhiệm với dân chúng.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=80639&z=7
Ngoại trưởng VN: 'TQ không nên lo lắng'
10 years ago
No comments:
Post a Comment