Friday, June 6, 2008

Tìm hiểu nguồn gốc của lạm phát

6/2008
Tìm hiểu nguồn gốc của lạm phát






Lần đầu tiên trong 13 năm qua, mức lạm phát tại Việt Nam vào tháng 5/2008 đã lên đến mức 25,2%, đủ để giới kinh tế gia xếp vào loại siêu lạm phát. Đời sống của hầu hết các tầng lớp dân nghèo thuộc mọi ngành nghề đang bị khủng hoảng nặng nề trong lúc các quan chức Nhà Nước tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Hầu hết các chê trách từ các cố vấn kinh tế trong và ngoài nước đều đang nhắm vào ông Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò thủ tướng vì họ đã lên tiếng báo động về lạm phát và đề nghị phương cách đối phó từ cả năm trước. Đặc biệt cựu thủ tướng CSVN, ông Võ Văn Kiệt, cũng lên tiếng chỉ trích, cho rằng ông Dũng chỉ ưa thích biến các hãng xưởng quốc doanh thành những tập đoàn công ty lớn theo kiểu Nam Hàn chứ chẳng lo đối phó gì với nạn lạm phát cho đến khi quá trễ. Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu đâu là những hậu quả và nguyên nhân của nạn lạm phát.

Lạm phát, nguyên do của khủng hoảng kinh tế

Lạm phát là hiện tượng vật giá lên cao quá nhanh so với sự tăng trưởng về lợi tức của người tiêu thụ. Lạm phát không phải là một hiện tượng mới của thời đại toàn cầu hóa mà là một vấn đề từ lâu đời cho các kinh tế gia suốt từ thời thượng cổ cho đến nay. Có thể nói lạm phát có mặt từ khi con người biết sử dụng tiền bạc để giao thương. Lạm phát có hậu quả tai hại là những người có lợi tức thấp sẽ gặp khó khăn trong mọi loại mua sắm ; và nếu lạm phát tiếp tục trong một thời gian họ có thể không còn sức mua ngay cả lương thực và các nhu yếu phẩm cho đời sống hằng ngày. Trái lại trong thời kỳ lạm phát, những người có thu nhập cao lại càng giàu nhanh hơn nhờ sự tăng giá của các bất động sản hay các vật quý mà họ đã có sẵn.

Lạm phát khởi sự từ nhiều nguyên do khác nhau nên nếu những người phụ trách chính sách tài chánh không lấy những biện pháp phù hợp với căn nguyên để chữa trị thì tình hình khó khăn của người tiêu thụ có thể đưa đến một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, và luôn đến khủng hoảng xã hội hay chính trị.

Lạm phát vì cung không đáp ứng cầu

Nguyên do thứ nhẩt là do sự khan hiếm hàng hóa, đặc biệt các nhu yếu phẩm. Vì hàng hoá khan hiếm nên người tiêu thụ tranh nhau trả cao giá lên để mua cho được hàng. Đây là tình trạng thường xẩy ra sau những cuộc chiến tranh, hệ thống sản xuất chưa được phục hồi nhưng người tiêu thụ cần mua sắm để bù đắp những thiếu thốn của thời chiến. Việc này đã xẩy ra sau cuộc Đệ nhất thế chiến tại Âu Châu và đặc biệt tại Đức khi các nhà máy của Đức đã bị tàn phá. Trong nhũng năm đầu của thập niên 1920, lạm phát tại Đức đã vượt lên hàng ngàn phần trăm. Để tránh khủng hoảng xã hội trước nạn vật giá gia tăng, chính phủ Đức in thêm tiền để tăng lương cho công chức, quân đội. Nhưng với số tiền mới, mọi người đều đi mua sắm và vì hàng vẫn thiếu nên giá hàng lại tăng cao hơn nữa. Vào đầu năm 1923, một đồng Mỹ kim được đổi với 11 tỷ Đức Mã !!! Sự việc này cũng xẩy ra ở các quốc gia Đông Âu sau khi thoát ách chế độ Cộng sản. Hệ thống sản xuất không đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu thụ bị ngăn chận trong mấy thập niên.

Tình trạng hàng khan hiếm cũng thường thấy trong những năm gần đây tại các quốc gia như Việt Nam trong lãnh vực nhà đất. Bên cạnh lý do giá cả được thổi phồng bởi tin đồn dồn dập, nguyên nhân chính vẫn là vì số lô đất tại các thành phố và khả năng xây cất nhà cửa không đủ đáp ứng cho nhu cầu của số người mới giàu lên, dù là do tiền ngoại quốc đổ vào đầu tư, do thân nhân từ nước ngoài gởi về, hay do liên kết với các hệ thống làm ăn của các quan chức lớn của Nhà Nước. Giá nhà đất tại Sài Gòn trong nhiều giai đoạn còn cao hơn cả giá tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Đây là điều mà ai cũng biết không phản ánh đúng giá trị thật tại một quốc gia đang phát triển.

Lạm phát vì khối lượng tiền tệ lưu hành quá cao

Nguyên do thứ nhì thường đưa đến lạm phát là vì khối lượng tiền tệ luân lưu trong nền kinh tế quá nhiều. Khối tiền luân lưu bao gồm số lượng tiền giấy do nhà nước in ra, số lượng tiền vay của chính phủ qua công khố phiếu, số lượng tiền để dành của người dân, và số tiền vay của tư nhân và các công ty từ các ngân hàng.

Khối lượng tiền tệ tăng quá mức có nhiều nguyên do khác nhau. Nguyên do thứ nhất là nhà nước cho in tiền nhiều để đáp ứng nhu cầu của hệ thống hành chánh. Nhà nước cũng có thể tung ra nhiều công khố phiếu, một hình thức mượn tiền của dân, để chi tiêu hoặc xây dựng các cơ sở hạ tầng. Nguyên do thứ hai là vì hệ thống tài chánh lỏng lẻo chấp nhận cho mượn tiền quá dễ dãi. Nguyên do thứ ba là vì cơn sóng đầu tư ngoại quốc đổ vào quá cao so với mức sản xuất nội địa.

Đa số các nạn lạm phát tại Nam Mỹ vào đầu thập niên 2000 hay tại Nga vào những năm gần đây là vì khối lượng tiền tệ quá cao để trả tiền công chức cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu xài phung phí của các chính phủ. Trái lại nguyên do chính của lạm phát tại đa số các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nam Dương, v.v. là vì hệ thống ngân hàng cho vay quá nhiều. Các khoản nợ này hoặc do chính sách Nhà Nước bắt buộc các ngân hàng phải làm, để tiếp tục nuôi sống các công ty quốc doanh muôn đời lỗ lã ; hoặc do chính sách riêng của các ngân hàng đối với các khách hàng thân tín.

Lạm phát vì nguyên liệu tăng giá

Giá của nguyên liệu là căn bản cho giá thành của hàng hóa. Nếu vì một lý do gì đó, giá nguyên liệu tăng lên thì giá hàng cũng tăng lên theo. Giá nguyên liệu có thể tăng vì lý do thời tiết, thí dụ như hạn hán, bão lụt, nên không thể đáp ứng với nhu cầu bình thường, như hiện nay giá lúa gạo, lúa mì lên quá cao vì hạn hán tại Úc và mất mùa cùng lúc tại nhiều nước Á châu. Giá nguyên liệu cũng có thể tăng vì khả năng sản xuất hiện tại của thế giới không đủ đáp ứng nhu cầu tăng vọt tại một số vùng. Thí dụ như hiện nay, số lượng sắt thép của thế giới không đáp ứng kịp nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ đang trong thời kỳ bành trướng kinh tế. Họ cần rất nhiều sắt thép cho mục tiêu xây dựng cơ sở hạn tầng.

Giá nguyên liệu cũng có thể tăng vì đầu cơ. Tình trạng này thường xẩy ra khi trong một quốc gia chỉ có một số nhóm được đặc quyền phân phối những loại nguyên vật liệu cơ bản. Đây là trường hợp thường thấy ở Việt Nam với nạn đầu cơ phân bón nhập khẩu hàng năm. Nạn đầu cơ này khiến cho nông dân phải mua với giá cao và phải bán lúa với giá cao để có thể thu lại một mức lợi tức tối thiểu.

Rộng hơn trên thế giới, việc dầu hỏa tăng giá vào thập niên 1970 đã làm cho lạm phát hoành hành tại các quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ trong suốt hơn 10 năm. Giá dầu hỏa lên cao, giá hàng lên cao, vì vậy lương bổng phải đuổi theo giá hàng và vòng lẩn quẩn cứ tiếp tục.

Lạm phát vì cơ cấu quốc gia không lành mạnh

Nguyên do của lạm phát do các cơ cấu kinh tế quốc gia không lành mạnh thường thấy xẩy ra ở các quốc gia chậm phát triển. Khi cơ cấu tài chánh không lành mạnh thì việc cho vay bừa bãi có thể gây ra lạm phát. Việc này đã được đề cập trong phần trước.

Kế đến, trong một nền kinh tế mà nhà nước hay một số tổ hợp kinh tế nắm độc quyền trong một số lãnh vực, nạn lạm phát cũng dễ xảy ra vì giá hàng không do thị trường quyết định mà do những tổ chức độc quyền tùy tiện đặt ra. Họ có thể cố tình tạm giữ lại các nguồn hàng để tạo khan hiếm giả tạo và rồi định giá bán quá cao so với giá thành của món hàng. Cùng lúc đó, khi cơ cấu quốc gia không lành mạnh thì người tiêu thụ không tin tưởng vào hệ thống giá cả của quốc gia đó. Dân chúng, nếu có thể, thường tìm cách tích trữ các món hàng quan trọng, vì sợ khan hiếm hay sợ giá bất ngờ tăng vọt.

Khi trong một quốc gia có những nguồn tiền bạc không lương thiện khổng lồ do cướp bóc, hối lộ, tham nhũng, buôn lậu, v.v., nạn lạm phát cũng dễ lan tràn nhanh vì những người thụ hưỏng số tiền bất lương này không ngần ngại mua quá giá những món hàng. Ngoài ra việc mua ngay nhà đất và các loại hàng hóa lâu bền để sau này bán lại cũng là cách xóa mờ nguồn gốc bất lương của khối tiền này. Dân chúng gọi đó là tình trạng « rửa tiền ».

Trong một nền kinh tế không lành mạnh thì lạm phát cũng phát xuất từ những đầu cơ, không những đầu cơ về hàng hóa mà ngay cả trên thị trường tài chánh. Việc đầu cơ trên thị trường chứng khoán cũng là nguồn gốc của lạm phát và đã nhiều lần đưa một số quốc gia vào khủng hoảng kinh tế. Cuôc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929 phát xuất từ những đầu cơ trên thị trường chứng khoán. Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Đông Nam Á vào năm 1997 - 98 cũng phát xuất từ đầu cơ trong thị trường chứng khoán và bất động sản.

***

Lạm phát là nguồn cho nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Cách chống lạm phát tùy thuộc vào tình trạng kinh tế của mỗi quốc gia cũng như những nguyên do gây ra lạm phát tại quốc gia đó. Thường cần phải mất nhiều thời gian và phải thay đổi rất nhiều cơ cấu kinh tế cũng như chính sánh quản trị mới vượt qua được nạn lạm phát. Trong một dịp tới chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể tình trạng lạm phát tại Việt Nam
(CTM)

No comments: